• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/10/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 16/02/2007
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 1085/2002/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 7 tháng 10 năm 2002

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế Thấu chi và cho vay qua đêm quyết định

trong thanh toán điện tử liên ngân hàng

__________________________

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997;

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định 64/2001/NĐ-CP ngày 20-9-2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành Quy chế thấu chi và cho vay qua đêm áp dụng trong thanh toán điện tử liên Ngân hàng kèm theo quyết định này.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng là thành viên trực tiếp của hệ thống thanh toán điện tử liên Ngân hàng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

QUY CHẾ

THẤU CHI VÀ CHO VAY QUA ĐÊM ÁP DỤNG TRONG THANH TOÁN ĐIỆN TỬ LIÊN NGÂN HÀNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1085/2002/QĐ-NHNN ngày 07 tháng 10 năm 2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Điều 1: Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định việc thấu chi và cho vay qua đêm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các Ngân hàng là thành viên trực tiếp tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên Ngân hàng (gọi tắt là Ngân hàng) nhằm đáp ứng phần vốn thiếu hụt tạm thời trong thanh toán điện tử liên Ngân hàng.

Điều 2: Giải thích từ ngữ

1- Thấu chi trong thanh toán điện tử liên Ngân hàng là việc các Ngân hàng được chi vượt số dư có trên tài khoản thanh toán của mình mở tại Sở giao dịch - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong ngày thanh toán.

2- Cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên Ngân hàng là hình thức tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các Ngân hàng.

Điều 3: Mục đích thấu chi và cho vay qua đêm

1- Các Ngân hàng được thấu chi để bù đắp thiếu hụt vốn thanh toán tạm thời trong ngày trong thanh toán điện tử liên Ngân hàng.

2- Các Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay qua đêm để tất toán khoản thấu chi tại thời điểm cuối ngày làm việc.

Điều 4: Điều kiện thấu chi và cho vay qua đêm

Để được thấu chi và vay qua đêm, các Ngân hàng phải có đủ các điều kiện sau:

1- Có giấy đề nghị thấu chi và vay qua đêm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp nhận;

2- Thừa nhận và chấp hành các quy định của Quy chế này;

3- Có tài sản cầm cố để thực hiện đảm bảo tiền vay.

Điều 5: Tài sản cầm cố cho khoản thấu chi, cho vay qua đêm

1- Tài sản cầm cố cho khoản thấu chi và vay qua đêm của các Ngân hàng bao gồm:

a) Tín phiếu kho bạc Nhà nước;

b) Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

c) Các giấy tờ có giá trị khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

2- Điều kiện chấp nhận đối với tài sản cầm cố:

Giấy tờ có giá được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp nhận làm tài sản cầm cố khi có đủ các điều kiện sau:

a) Các Ngân hàng là người thụ hưởng (đối với giấy tờ có giá ghi danh), hoặc là người nắm giữ hợp pháp (đối với giấy tờ có giá vô danh);

b) Giấy tờ có giá cầm cố theo quy định tại khoản 2 điều này có thời hạn còn lại tối thiểu là 10 ngày;

c) Được giao dịch, được thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là người thứ ba theo quy định của pháp luật và cam kết của người thụ hưởng.

d) Trường hợp giấy tờ được phát hành dưới hình thức ghi sổ phải có xác nhận và bảo đảm của tổ chức có trách nhiệm thanh toán đối với giấy tờ có giá đó về việc sẽ thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi các Ngân hàng có nợ đến hạn nhưng chưa thanh toán.

3- Giá trị của giấy tờ có giá cầm cố được định giá theo hình thức chiết khấu tại thời điểm Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước định giá. Công thức định giá giấy tờ có giá như sau:

 

 

GT

G

=

 

 

 

Ls x n

 

 

1 +

 

 

365 x 100

Trong đó:

- G: giá trị của giấy tờ có giá tại thời điểm định giá;

- GT: Giá trị của giấy tờ có giá khi đến hạn:

+ Đối với giấy tờ có giá được phát hành theo hình thức ngang mệnh giá, thì GT là số tiền thanh toán giấy tờ có giá khi đến hạn (cả gốc và lãi).

+ Đối với giấy tờ có giá được phát hành theo hình thức chiết khấu, thì GT là mệnh giá của giấy tờ có giá;

- Ls: Lãi suất áp dụng để định giá là lãi suất trúng thầu Tín phiếu kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, các giấy tờ có giá khác tại phiên giao dịch gần nhất với thời điểm định giá (tính theo %/năm) do Sở giao dịch - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định tuỳ theo loại giấy tờ có giá.

- n: thời hạn còn lại của giấy tờ có giá.

4- Trường hợp giá trị của giấy tờ có giá cầm cố tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thấp hơn mức thấu chi thực tế, thì các Ngân hàng phải bổ sung giấy tờ có giá ngắn hạn cầm cố để đảm bảo giá trị giấy tờ có giá cầm cố tối thiểu bằng 105% mức thấu chi thực tế.

Điều 6: Mức thấu chi và cho vay qua đêm

1- Mức thấu chi bằng phần vốn thanh toán thiếu hụt thực tế trong giao dịch thanh toán điện tử liên Ngân hàng, nhưng tổng mức thấu chi không vượt quá 95% giá trị giấy tờ có giá cầm cố.

2- Mức cho vay qua đêm bằng số dư thấu chi thực tế tại thời điểm cuối ngày làm việc nhưng không vượt quá 95% giá trị giấy tờ có giá cầm cố.

Điều 7: Lãi suất cho vay qua đêm

Mức lãi suất cho vay qua đêm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Điều 8: Quy trình thấu chi và cho vay qua đêm.

1- Quy trình thấu chi

Khi Ngân hàng thiếu vốn trong tài khoản tiền gửi thanh toán mà không thể bổ sung vốn từ nguồn vốn của chính Ngân hàng hoặc thông qua các giao dịch trên thị trường tiền tệ, thì hệ thống thanh toán điện tử liên Ngân hàng tự động tăng số tiền tối đa bằng 95% giá trị tài sản cầm cố trong tài khoản tiền gửi thanh toán của Ngân hàng để thực hiện lệnh thanh toán. Khi vốn trong tài khoản tiền gửi thanh toán của Ngân hàng được bổ sung, thì hệ thống thanh toán tự động trích trả khoản thấu chi.

2- Quy trình cho vay qua đêm

a) Đến cuối ngày làm việc, số dư tài khoản tiền gửi thanh toán không đủ để tất toán khoản thấu chi, thì hệ thống thanh toán điện tử liên Ngân hàng tự động chuyển khoản thấu chi chưa được tất toán sang khoản cho vay qua đêm và Ngân hàng phải chịu lãi vay qua đêm.

b) Sang ngày làm việc liền kề tiếp theo, Ngân hàng thực hiện trả nợ gốc và lãi khoản cho vay qua đêm cho Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trường hợp Ngân hàng chưa trả hết nợ qua đêm, khoản nợ vay qua đêm còn lại được chuyển thành khoản thấu chi của ngày làm việc đó.

Điều 9: Xử lý trường hợp Ngân hàng không trả được nợ vay qua đêm

Trường hợp sau 02 ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày khoản cho vay qua đêm phát sinh, Ngân hàng không thanh toán hết nợ vay qua đêm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo yêu cầu Ngân hàng trả nợ. Nếu sau 02 ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày thông báo mà Ngân hàng vẫn không trả hết nợ vay qua đêm, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý tài sản cầm cố để thu nợ vay qua đêm và xem xét xoá tên Ngân hàng đó trên hệ thống thanh toán điện tử liên Ngân hàng.

Điều 10: Trách nhiệm của Ngân hàng

1- Ngân hàng có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vốn vay qua đêm đúng hạn.

2- Bổ sung giấy tờ có giá ngắn hạn cầm cố để đảm bảo giá trị giấy tờ có giá cầm cố tối thiểu bằng 105% mức thấu chi thực tế.

Điều 11: Quyền hạn và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1- Từ chối thấu chi và cho vay qua đêm đối với Ngân hàng không có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 4 Quy chế này.

2- Lưu giữ và bảo quản giấy tờ có giá của các đơn vị Ngân hàng cầm cố.

3- Xử lý giấy tờ có giá cầm cố để thu nợ nếu Ngân hàng không trả được nợ vay qua đêm.

Điều 12: Tổ chức thực hiện

Các Ngân hàng tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên Ngân hàng thực hiện Quy chế này. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Phùng Khắc Kế

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.