• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/06/2011
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 87/2011/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 17 tháng 6 năm 2011

THÔNG TƯ

Hướng dẫn kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ

tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2011 theo Quyết định số 352/QĐ-TTG ngày 10/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ

 ___________________________________________

 

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/03/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

Căn cứ Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2011;

Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2011 theo Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

Các doanh nghiệp thực hiện thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn vào thời điểm 0 giờ ngày 01/7/2011 là doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và được các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt trên cơ sở đề nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng kiểm kê, nguyên tắc xác định lại giá trị:

1. Đối tượng kiểm kê:

1.1. Kiểm kê toàn bộ tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp:

a) Đối với tài sản cố định (TSCĐ): kiểm kê toàn bộ tài sản cố định hiện có tại doanh nghiệp, kể cả những tài sản đang cho thuê, tài sản gửi giữ hộ, tài sản được tặng biếu, viện trợ, tài sản vô chủ hiện có trong khu vực quản lý của doanh nghiệp, tài sản cố định vô hình (quyền phát hành; bản quyền, bằng sáng chế; nhãn hiệu hàng hóa; phần mềm máy vi tính; giấy phép và giấy phép nhượng quyền; TSCĐ vô hình khác).

b) Đối với công trình XDCB còn dở dang thì kiểm kê toàn bộ phần công trình, hạng mục công trình đầu tư tự làm. Nếu giao thầu cho bên B thì chỉ kiểm kê phần công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành theo từng giai đoạn, bên B bàn giao cho bên A và được bên A chấp nhận thanh toán. Phần công trình XDCB dở dang bên A chưa chấp nhận thanh toán cho bên B được coi là tài sản lưu động (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) của bên B.

c) Đối với tài sản là đất: thực hiện kiểm kê đối với tất cả các diện tích đất do doanh nghiệp quản lý bao gồm đất được giao, nhận chuyển nhượng, đất thuê …

d) Đối với tài sản lưu động:

- Toàn bộ các loại nguyên liệu, vật liệu tồn kho, công cụ, dụng cụ trong kho, hàng hóa, thành phẩm, bán thành phẩm tồn kho, công cụ và dụng cụ đã xuất dùng, hàng mua đang đi trên đường, hàng gửi đi bán, các loại chi phí sản xuất kinh doanh dở dang …

- Toàn bộ các loại vốn bằng tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền đang chuyển, ngân phiếu, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, và các chứng chỉ có giá trị như tiền, các loại tiền gửi ở ngân hàng, kể cả tiền mang đi liên doanh, liên kết, các loại ngoại tệ tại quỹ và gửi ngân hàng …

đ) Toàn bộ tài sản là các khoản đầu tư tài chính như: đầu tư chứng khoán dài hạn, góp vốn liên doanh, các khoản đầu tư dài hạn khác, đầu tư chứng khoán ngắn hạn, đầu tư ngắn hạn khác; các khoản ký quỹ, ký cược ngắn hạn và dài hạn; các loại tài sản khác.

e) Các khoản nợ phải thu như: Phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, các khoản phải thu khác ...

1.2. Kiểm kê nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp:

a) Các khoản phải trả bao gồm nợ vay ngắn hạn và dài hạn, nợ dài hạn, phải trả cho người bán, người mua trả tiền trước, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả công nhân viên, phải trả cho các đơn vị nội bộ, các khoản phải trả, phải nộp khác, nợ khác.

b) Toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm: vốn đầu tư của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác của chủ sở hữu, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoái, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (nếu có), quỹ khen thưởng phúc lợi, nguồn kinh phí, nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định.

2. Nguyên tắc xác định lại giá trị:

2.1. Đối với tài sản cố định: xác định lại giá trị của tất cả các tài sản cố định theo nguyên tắc:

- Giá trị còn lại của TSCĐ đánh giá lại = Nguyên giá x (nhân) chất lượng còn lại TSCĐ (%)

Trong đó:

+ Nguyên giá: được lấy theo giá thị trường tại thời điểm kiểm kê 01/7/2011, nếu không có giá trên thị trường thì lấy theo bảng giá do các Bộ quản lý ngành hướng dẫn, hoặc giá của các tài sản có tính năng tương đương.

+ Chất lượng còn lại của TSCĐ: được xác định trên cơ sở chất lượng còn lại thực tế của TSCĐ và tính theo tỷ lệ phần trăm (%).

- Một số tài sản cố định mang tính đặc thù không áp dụng được nguyên tắc nêu trên thì thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành. Trường hợp không có hướng dẫn của Bộ quản lý ngành thì lấy theo giá trị sổ sách tại thời điểm kiểm kê.

- Riêng các tài sản cố định là tài sản mới, được mua sắm từ 01/7/2008 đến 01/7/2011, các công trình mới hoàn thành đầu tư xây dựng trong 3 năm trước thời điểm kiểm kê (từ 01/7/2008 đến 01/7/2011), tài sản cố định vô hình thì không phải đánh giá lại, lấy theo giá trị sổ sách tại thời điểm kiểm kê.

2.2. Đối với tài sản lưu động:

a) Xác định lại giá trị của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm, bán thành phẩm đã tồn kho trên 12 tháng tính đến thời điểm kiểm kê. Riêng các tài sản kém, mất phẩm chất, ứ đọng, chậm luân chuyển, không cần dùng, chờ thanh lý đều phải thực hiện xác định lại giá trị, không phụ thuộc vào thời gian tồn kho.

Nguyên tắc xác định lại: xác định theo giá thị trường tại thời điểm kiểm kê (01/7/2011). Đối với tài sản lưu động kém, mất phẩm chất, ứ đọng chậm luân chuyển, không cần dùng chờ thanh lý thì giá trị còn lại được xác định = Giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tương đương x (nhân) chất lượng còn lại thực tế (%). Trường hợp không có giá thị trường thì lấy theo giá trị sổ sách tại thời điểm kiểm kê.

b) Các loại vốn bằng tiền có gốc ngoại tệ: thực hiện định giá theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm 01/7/2011. Đối với ngoại tệ không có tỷ giá với đồng Việt Nam (VND) thì sử dụng tỷ giá chéo với USD do Ngân hàng nhà nước công bố để quy ra VND tại thời điểm 01/7/2011.

2.3. Đối với tài sản là đất: thực hiện đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên môi trường.

2.4. Đối với các khoản đầu tư tài chính được xác định lại như sau:

a) Đầu tư chứng khoán:

Nguyên tắc xác định lại: theo giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm kiểm kê:

- Đối với chứng khoán đã niêm yết: là giá giao dịch bình quân tại ngày 01/7/2011 đối với chứng khoán niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc giá đóng cửa ngày 01/7/2011 đối với chứng khoán niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

- Đối với các loại chứng khoán chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá chứng khoán thực tế trên thị trường được xác định như sau:

+ Đối với các Công ty đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom) thì giá chứng khoán là giá giao dịch bình quân trên hệ thống tại ngày 01/7/2011.

+ Đối với các công ty chưa đăng ký giao dịch ở thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết thì giá chứng khoán được xác định là giá trung bình trên cơ sở giá giao dịch ngày 01/7/2011 được cung cấp bởi tối thiểu ba (03) công ty chứng khoán.

Trường hợp không thể xác định được giá thị trường của chứng khoán thì lấy theo giá sổ sách tại ngày 01/7/2011.

- Đối với những chứng khoán niêm yết bị hủy giao dịch, ngừng giao dịch lấy theo giá trị sổ sách tại ngày lập bảng cân đối kế toán thời điểm ngày 30/6/2011.

b) Đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác (góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết):

Giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp tại các doanh nghiệp khác được xác định trên cơ sở:

- Tỷ lệ vốn đầu tư của doanh nghiệp trên vốn điều lệ hoặc tổng số vốn thực góp tại các doanh nghiệp khác;

- Giá trị vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp khác theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Trường hợp chưa kiểm toán thì căn cứ vào giá trị vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất của doanh nghiệp đó để xác định;

- Trường hợp đầu tư vốn bằng ngoại tệ thì quy đổi thành đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm kiểm kê.

2.5. Đối với các khoản nợ phải thu và nợ phải trả: chỉ đánh giá lại các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc bằng ngoại tệ.

Nguyên tắc xác định lại: lấy theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm ngày 01/7/2011.

Đối với ngoại tệ không có tỷ giá với đồng Việt Nam (VND) thì sử dụng tỷ giá chéo với USD do Ngân hàng nhà nước công bố để quy ra VND tại thời điểm ngày 01/7/2011.

Điều 3. Hướng dẫn kiểm kê:

1. Kiểm kê tài sản:

1.1. Đối với tài sản cố định (Phiếu kiểm kê 01/PKK, Bảng kiểm kê từ số 01/TSCĐ đến số 04/TSCĐ):

a) Phiếu kiểm kê 01/PKK sử dụng cho 1 tài sản cố định; Căn cứ Phiếu kiểm kê 01/PKK để tổng hợp vào Bảng kiểm kê 01/TSCĐ, 02/TSCĐ, 03TSCĐ, 04/TSCĐ.

b) Chỉ tiêu hiện vật: xác định số lượng, công suất, chất lượng, hiện trạng và tình hình sử dụng TSCĐ, theo sổ kế toán và theo thực tế.

c) Chỉ tiêu giá trị: nguyên giá, giá trị hao mòn và giá trị còn lại của TSCĐ. Riêng đối với TSCĐ được xác định lại giá trị phải tính theo giá đang hạch toán trên sổ kế toán và giá xác định lại.

d) Phân tích đánh giá để phân loại tài sản theo nhóm và theo tình trạng sử dụng: đang dùng, chưa cần dùng, không cần dùng, hư hỏng chờ thanh lý.

1.2. Đối với tài sản lưu động:

a) Đối với vốn bằng tiền được kiểm kê theo từng loại tiền: tiền Việt Nam và các loại ngoại tệ khác (nếu có), (Bảng kiểm kê 05/BKK).

b) Đối với tài sản lưu động là nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm, bán thành phẩm tồn kho, công cụ và dụng cụ đã xuất dùng: thực hiện kiểm kê theo:

- Chỉ tiêu hiện vật: số lượng, chất lượng, hiện trạng sử dụng (tồn kho ứ đọng không cần dùng, kém mất phẩm chất) theo sổ kế toán và theo thực tế.

- Chỉ tiêu giá trị: theo giá hạch toán trên sổ kế toán và theo giá thực tế (theo Bảng kiểm kê 08/BKK).

1.3. Các khoản đầu tư tài chính: là cổ phiếu, trái phiếu, tài sản góp vốn liên doanh, các khoản đầu tư dài hạn khác, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn … (Bảng kiểm kê 09/BKK).

1.4. Đối với các khoản nợ phải thu: xác định giá trị theo số dư trên sổ kế toán của từng khoản nợ, đối chiếu với hóa đơn chứng từ phát sinh từng khoản nợ; phải phân loại các khoản nợ phải thu: nợ phải thu ngắn hạn (là khoản nợ phải thu không quá 1 năm kể từ khi phát sinh); nợ phải thu dài hạn (là khoản nợ phải thu từ 1 năm trở lên kể từ khi phát sinh); nợ phải thu quá hạn (là khoản nợ đến thời hạn thu nhưng chưa thu được), trong đó nợ phải thu quá hạn phải phân loại: quá hạn 1 năm, quá hạn 2 năm và quá hạn 3 năm trở lên; Đối với nợ phải thu khó đòi phải ghi rõ số tiền và nguyên nhân không đòi được (Bảng kiểm kê 10/BKK).

1.5. Đối với đơn vị kiểm kê là các tổ chức tín dụng: kiểm kê các khoản phải thu (khoản cho vay) thực hiện như sau:

- Đối chiếu tài sản và dư nợ tín dụng (kể cả dư nợ được theo dõi ngoại bảng) như sau:

+ Căn cứ hồ sơ tín dụng của từng khách hàng tại tổ chức tín dụng để lập bảng kê danh sách những khách hàng còn dư nợ tín dụng và số dư nợ tín dụng của từng khách hàng, chi tiết theo từng hợp đồng tín dụng.

+ Đối chiếu giữa số liệu xác định theo hồ sơ tín dụng với số liệu hạch toán trên sổ kế toán của tổ chức tín dụng; đối chiếu dư nợ tín dụng với từng khách hàng để có xác nhận của khách hàng về số dư nợ tín dụng. Đối với khách hàng là cá nhân, trường hợp không tổ chức đối chiếu được với khách hàng thì tổ chức tín dụng phải đối chiếu với thẻ lưu.

+ Trường hợp có sự chênh lệch số liệu giữa hồ sơ tín dụng với sổ kế toán và xác nhận của khách hàng thì ngân hàng thương mại phải làm rõ nguyên nhân chênh lệch và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Đối với các tài sản cho thuê tài chính: phải thực hiện đối chiếu với từng khách hàng, xác định rõ số nợ còn phải trả của từng tài sản cho thuê tài chính.

2. Kiểm kê nguồn vốn:

2.1. Kiểm kê nợ phải trả: Chỉ tiêu kiểm kê là giá trị các khoản nợ phải trả theo giá hạch toán trên sổ kế toán; phải phân loại các khoản nợ phải trả theo các chỉ tiêu: nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, nợ khác; nợ chưa đến hạn, nợ quá hạn, trong đó phân loại quá hạn trả 1 năm, 2 năm, từ 3 năm trở lên, phân loại theo một số chủ nợ chính: nợ ngân sách, nợ ngân hàng, nợ cán bộ công nhân viên, nợ nước ngoài, nợ phải trả nhưng không phải thanh toán (Bảng kiểm kê 12/BKK).

Đối với đơn vị kiểm kê là các tổ chức tín dụng: Kiểm kê, đối chiếu các khoản tiền gửi của khách hàng, chứng chỉ tiền gửi như tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu .. (khoản vay) như sau:

- Kiểm kê chi tiết từng khoản trên sổ kế toán.

- Đối chiếu xác nhận số dư tiền gửi của khách hàng là pháp nhân.

- Tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi cá nhân, chứng chỉ tiền gửi có thể không thực hiện đối chiếu với khách hàng, nhưng phải đối chiếu với thẻ lưu. Đối với một số trường hợp cụ thể (có số dư tiền gửi lớn hoặc có chênh lệch giữa số liệu trên sổ kế toán với thẻ lưu) thì thực hiện đối chiếu trực tiếp với khách hàng.

2.2. Kiểm kê nguồn vốn chủ sở hữu: Toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm: vốn đầu tư của chủ sở hữu, vốn khác của chủ sở hữu, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoái, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nguồn vốn đầu tư XDCB, quỹ hỗ trợ sắp xếp, doanh nghiệp (nếu có) và nguồn kinh phí, quỹ khác (Bảng kiểm kê 13/BKK).

Điều 4. Phương pháp kiểm kê.

1. Trước khi kiểm kê, doanh nghiệp thực hiện:

1.1. Phân phối lợi nhuận của năm 2010. Không phân phối phần lợi nhuận phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2011.

1.2. Khóa sổ kế toán.

1.3. Lập báo cáo quyết toán tại thời điểm ngày 30/6/2011 theo quy định (xác định số lượng, giá trị từng tài sản, nguồn vốn hiện có ghi trên sổ kế toán đến 0 giờ ngày 1/7/2011).

2. Tiến hành kiểm kê theo phương pháp kiểm kê thực tế, đối chiếu với số liệu trên sổ kế toán, cụ thể:

2.1. Phải thực hiện cân, đong, đo, đếm từng tài sản để xác định về số lượng và giá trị tài sản.

2.2. Đối với các khoản nợ phải thu, phải trả, các khoản đầu tư tài chính, tài sản vô hình (quyền phát hành; bản quyền, bằng sáng chế; nhãn hiệu hàng hóa; phần mềm máy vi tính; giấy phép và giấy phép nhượng quyền; TSCĐ vô hình khác) phải đối chiếu với hóa đơn, chứng từ phát sinh (riêng nợ phải thu, nợ phải trả phải thực hiện đối chiếu từng khoản nợ và có xác nhận của khách nợ và chủ nợ liên quan).

2.3. So sánh giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu đang ghi trên sổ kế toán. Xác định chênh lệch, nguyên nhân, trách nhiệm đối với việc thừa thiếu tài sản.

3. Đối với một số tài sản mang tính đặc thù, chuyên ngành không áp dụng được phương pháp nêu trên thì thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành đối với từng loại tài sản.

Điều 5. Tổng hợp, gửi báo cáo, phê duyệt kết quả kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn (sau đây gọi tắt là báo cáo kiểm kê):

1. Các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp tại thời điểm 0 giờ ngày 01/7/2011 có trách nhiệm:

1.1. Thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty (đối với Công ty không có Hội đồng thành viên) là Trưởng ban.

- Tổng giám đốc (giám đốc) công ty là ủy viên.

- Đại diện Đảng ủy, Công đoàn, đoàn thanh niên là ủy viên.

- Trưởng bộ phận: kế toán, kiểm soát, kỹ thuật là ủy viên.

1.2. Việc thực hiện kiểm kê đánh giá lại tài sản và vốn: các doanh nghiệp có thể tự kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn hoặc thuê công ty tư vấn có chức năng định giá tài sản để phối hợp với doanh nghiệp thực hiện việc kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn theo hướng dẫn của các Bộ. Chi phí kiểm kê đánh giá lại tài sản thực hiện theo nguyên tắc tiết kiệm, phục vụ trực tiếp cho công việc, mức chi do Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm, được phép tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

1.3. Doanh nghiệp tổ chức kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn, lập, gửi báo cáo kiểm kê (các biểu báo cáo kết quả kiểm kê có ký tên, đóng dấu của đơn vị) tới Công ty mẹ (Tập đoàn, Tổng công ty) trước ngày 30/10/2011 trong đó bao gồm cả báo cáo giải trình nguyên nhân thừa, thiếu do kiểm kê và tăng, giảm do xác định lại giá trị tài sản và vốn của doanh nghiệp (nếu có).

1.4. Công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thẩm định, tổng hợp (theo biểu báo cáo thẩm định kết quả kiểm kê), phân tích báo cáo, gửi Bộ quản lý ngành (hoặc UBND tỉnh) để phê duyệt kết quả kiểm kê đánh giá lại tài sản và vốn, đồng thời gửi Bộ Tài chính để theo dõi và giám sát trước ngày 30/11/2011.

2. Các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có doanh nghiệp thuộc đối tượng thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản xem xét, phê duyệt kết quả kiểm kê đánh giá lại tài sản và vốn của từng doanh nghiệp, gửi thông báo kết quả phê duyệt cho Công ty mẹ (Tập đoàn, Tổng công ty), doanh nghiệp thực hiện kiểm kê, đồng thời gửi Bộ Tài chính trước ngày 01/01/2012. Bộ Tài chính có trách nhiệm phân tích, đánh giá và tổng hợp các vấn đề cần khắc phục trong đợt thí điểm kiểm kê 0 giờ ngày 01/7/2011, hướng dẫn xử lý kết quả kiểm kê, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/02/2012 để Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn đối với tất cả các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn.

Điều 6. Hệ thống mẫu biểu kiểm kê:

1. Phiếu, bảng kiểm kê:

1.1. Phiếu kiểm kê 01/PKK: Phiếu kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ;

1.2. Bảng kiểm kê 01/TSCĐ: Máy móc thiết bị, phương tiện vận tải thuộc TSCĐ của doanh nghiệp;

1.3. Bảng kiểm kê 02/TSCĐ: Nhà cửa, vật kiến trúc thuộc TSCĐ của doanh nghiệp;

1.4. Bảng kiểm kê 03/TSCĐ: Công cụ, dụng cụ làm việc, dụng cụ quản lý thuộc TSCĐ của doanh nghiệp;

1.5. Mẫu biểu kiểm kê tài sản là: Súc vật làm việc, súc vật cho sản phẩm, cây lâu năm thuộc TSCĐ của doanh nghiệp (theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

1.6. Bảng kiểm kê 04/BKK: Tài sản cố định vô hình (quyền phát hành; bản quyền, bằng sáng chế; nhãn hiệu hàng hóa; phần mềm máy vi tính; giấy phép và giấy phép nhượng quyền; TSCĐ vô hình khác) của doanh nghiệp;

1.7. Bảng kiểm kê 05/BKK: Bảng kiểm kê quỹ và chứng chỉ tiền gửi có giá trị như tiền của doanh nghiệp;

1.8. Bảng kiểm kê 06/BKK: Bảng kiểm kê chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của doanh nghiệp (theo mẫu doanh nghiệp đang sử dụng);

1.9. Bảng kiểm kê 07/BKK: Bảng kiểm kê khối lượng công trình xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp (theo mẫu doanh nghiệp đang sử dụng);

1.10. Bảng kiểm kê 08/BKK: Bảng kiểm kê nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm tồn kho; công cụ, dụng cụ đã xuất dùng của doanh nghiệp;

1.11. Bảng kiểm kê 09/BKK: Bảng kiểm kê các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp;

1.12. Mẫu biểu kiểm kê đất của doanh nghiệp (theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường);

1.13. Bảng kiểm kê 10/BKK: Bảng kiểm kê nợ phải thu của doanh nghiệp;

1.14. Bảng kiểm kê 11/BKK: Bảng kiểm kê tài sản lưu động khác của doanh nghiệp;

1.15. Bảng kiểm kê 12/BKK: Bảng kiểm kê nợ phải trả của doanh nghiệp;

1.16. Bảng kiểm kê 13/BKK: Bảng kiểm kê nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp;

2. Biểu báo cáo kết quả kiểm kê:

2.1. Biểu 1 BCTT/DN: Thông tin định danh về DN;

2.2. Biểu 2 BCKK/DN: Báo cáo kiểm kê tài sản của DN:

a) Biểu 2a BCKK/DN: Báo cáo kiểm kê nợ phải thu của DN;

b) Biểu 2b BCKK/DN: Báo cáo kiểm kê nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm tồn kho của DN;

c) Biểu 2c BCKK/DN: Báo cáo kiểm kê TSCĐ của DN;

2.3. Biểu 3 BCKK/DN: Báo cáo kiểm kê nguồn vốn của DN:

a) Biểu 3a BCKK/DN: Báo cáo kiểm kê nợ phải trả của DN (phân theo thời hạn trả);

b) Biểu 3b BCKK/DN: Báo cáo kiểm kê nợ phải trả của DN (phân theo nợ trong nước và nợ nước ngoài);

2.4. Báo cáo kiểm kê đất là TSCĐ của DN (theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường);

2.5. Biểu số 4 BCKK/DN: Bảng tổng hợp kết quả kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp;

3. Biểu báo cáo thẩm định kết quả kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp.

4. Mẫu phê duyệt kết quả kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được giải quyết kịp thời.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Hiếu

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.