• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 110/2014/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 15 tháng 8 năm 2014

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí qua phà

___________________

 

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí qua phà, như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí qua phà đối với các bến phà do ngân sách nhà nước đầu tư; không áp dụng đối với các bến phà do ngân sách nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán.

Điều 2. Đối tượng chịu phí, không chịu phí và người nộp phí

1. Đối tượng chịu phí qua phà bao gồm: Người đi bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các loại xe tương tự.

2. Người nộp phí qua phà bao gồm: Người đi bộ; người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các loại xe tương tự.

3. Không thu phí qua phà đối với: Thương binh, bệnh binh, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi (bao gồm cả trường hợp đi xe đạp) và những đối tượng cụ thể khác theo quy định tại khoản 4 Điều này. Khi qua phà các trường hợp này phải xuất trình các giấy tờ (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) cần thiết như: Thẻ thương binh, bệnh binh hoặc giấy chứng nhận đối với thương binh, bệnh binh; thẻ học sinh hoặc giấy chứng nhận của Nhà trường đối với học sinh; Giấy khai sinh đối với trẻ em.

4. Căn cứ điệu kiện kinh tế - xã hội địa phương và tình hình thực tế tại các bến phà, Bộ Tài chính quyết định (đối với bến phà thuộc trung ương quản lý) hoặc Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đâu gọi chung là cấp tỉnh) quyết định (đối với bến phà thuộc địa phương quản lý) cụ thể về đối tượng chịu phí và không thu phí (ngoài các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này) phù hợp.

Điều 3. Miễn, giảm phí qua phà

Việc miễn, giảm phí qua phà được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí.

Điều 4. Điều kiện áp dụng thu phí qua phà

1. Đối với bến phà phải có quyết định thành lập, hoạt động bến phà và quyết định thu phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: đối với bến phà do trung ương quản lý phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về thành lập, hoạt động bến phà và quy định thu phí của Bộ Tài chính; đối với bến phà do địa phương quản lý phải có quyết định thành lập, hoạt động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có bến phà và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ra nghị quyết thu phí.

2. Mức thu cụ thể cho từng bến phà do Bộ Tài chính quyết định đối với bến phà thuộc trung ương quản lý hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với bến phà thuộc địa phương quản lý.

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng trên 20% so với thời điểm ban hành hoặc sửa đổi gần nhất mức thu phí qua phà thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với các phà thuộc trung ương quản lý) báo cáo Bộ Giao thông vận tải, để Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính; Sở Giao thông vận tải (đối với các phà thuộc địa phương quản lý) báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét điều chỉnh mức thu phí qua phà phù hợp.

Chương II

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ QUA PHÀ

Điều 5. Quản lý và sử dụng phí qua phà

1. Phí qua phà là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước dùng để trang trải cho công tác tổ chức đưa đón người và phương tiện qua sông. Trường hợp:

a) Số thu không đủ chi theo dự toán chi được duyệt thì được Quỹ bảo trì đường bộ cấp bù số thiếu trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động của bến phà: Quỹ bảo trì đường bộ trung ương (sau đây gọi là Quỹ trung ương) cấp bù đối với bến phà do trung ương quản lý; Quỹ bảo trì đường bộ địa phương (sau đây gọi là Quỹ địa phương) cấp bù đối với bến phà do địa phương quản lý.

b) Số thu cao hơn dự toán chi được duyệt thì số chênh lệch phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Điều 6. Nội dung chi

1. Chi hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí và vượt sông, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công, tiền ăn giữa ca, các khoản phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước) như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định hiện hành;

b) Chi phí quản lý: Công tác phí, hội nghị, thông tin liên lạc, dịch vụ công cộng (tiền điện chiếu sáng, nước sạch phục vụ văn phòng bến phà), văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, chi hội họp, học tập bồi dưỡng nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

c) Chi bảo hộ lao động hoặc đồng phục theo chế độ quy định (nếu có);

d) Chi thuê lực lượng chức năng phối hợp giữ gìn an ninh bến phà (nếu có);

đ) Chi tiền vé, ấn chỉ phục vụ thu phí;

e) Chi mua phụ tùng thay thế, thiết bị có giá trị nhỏ và công cụ lao động khác trực tiếp phục vụ công tác thu phí và công tác vượt sông;

g) Chi nhiên liệu phục vụ công tác vượt sông;

h) Chi bảo hiểm phương tiện, hành khách khi qua phà;

i) Chi đăng ký, đăng kiểm phương tiện vượt sông;

k) Chi khác (như chi phòng chống cháy nổ, xử lý chất thải nguy hại) phục vụ trực tiếp cho công tác tổ chức thu phí và công tác vượt sông của bến phà được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt (nếu có);

l) Chi sửa chữa nhỏ có tính chất thường xuyên nhà cửa, phương tiện vượt sông, thiết bị phụ trợ cho công tác vượt sông, bến bãi, thiết bị văn phòng của bến phà.

2. Chi không thường xuyên, bao gồm:

a) Nâng cấp, sửa chữa lớn và vừa các phương tiện vượt sông, bến, bãi, nhà cửa, đường lên xuống bến; thiết bị phụ trợ cho công tác vượt sông; thiết bị văn phòng; nạo vét luồng lạch;

b) Chi khắc phục thiên tai bão lũ, địch họa, tai nạn gây hư hại đến công trình, cầu bến, phương tiện, thiết bị của bến phà sau khi đã được bảo hiểm đền bù thiệt hại (nếu có);

c) Chi vận chuyển phà, ca nô được điều chuyển từ các bến phà theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Trích, chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí trong đơn vị theo nguyên tắc tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện bình quân/năm nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện bình quân/năm nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước.

Chương III

LẬP DỰ TOÁN, GIAO DỰ TOÁN VÀ CHẤP HÀNH DỰ TOÁN

THU CHI PHÍ QUA PHÀ

Điều 7. Lập dự toán

Hàng năm, đơn vị có bến phà căn cứ vào đối tượng thu, mức thu phí đối với từng loại phương tiện, số phương tiện tham gia giao thông năm kế hoạch, định mức tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành lập dự toán thu, chi phí qua phà theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về phân cấp lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:

1. Đối với bến phà do trung ương quản lý

a) Đơn vị trực tiếp quản lý bến phà thuộc Cục Quản lý đường bộ lập dự toán thu, chi phí qua phà của năm kế hoạch, gửi Cục Quản lý đường bộ xem xét, tổng hợp gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

b) Đơn vị trực tiếp quản lý bến phà thuộc Sở Giao thông vận tải đối với quốc lộ được ủy thác quản lý lập dự toán thu, chi phí qua phà của năm kế hoạch gửi Sở Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

c) Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, tổng hợp dự toán thu, chi phí qua phà của từng bến phà (bao gồm cả phần cấp bù, nếu có) gửi Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương. Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp cùng với dự toán ngân sách hàng năm của Bộ, gửi Bộ Tài chính theo quy định.

2. Đối với bến phà do địa phương quản lý

Đơn vị trực tiếp quản lý bến phà lập dự toán thu, chi phí qua phà (bao gồm cả phần cấp bù, nếu có) gửi Sở Giao thông vận tải và Hội đồng quản lý Quỹ địa phương. Sở Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp cùng với dự toán ngân sách hàng năm của Sở, gửi Sở Tài chính theo quy định.

Trường hợp địa phương phân cấp cho đơn vị khác (ngoài Sở Giao thông vận tải) quản lý bến phà thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc lập, giao, chấp hành dự toán và quyết toán thu, chi phí qua phà phù hợp với quy định tại Thông tư này và pháp luật liên quan.

3. Dự toán thu, chi phí qua phà các đơn vị lập, bao gồm:

a) Dự toán thu chi tiết theo từng khoản thu.

b) Dự toán chi bảo đảm phù hợp với những nội dung chi quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Dự toán thu, chi phí qua phà các đơn vị lập theo từng bến phà, có thuyết minh cơ sở tính toán chi tiết theo nội dung thu, chi đã quy định tại Thông tư này.

Điều 8. Giao dự toán

1. Đối với bến phà do trung ương quản lý: Căn cứ dự toán thu, chi phí qua phà năm được cấp có thẩm quyền giao, Tổng cục Đường bộ Việt Nam duyệt dự toán chi tiết thu, chi của từng bến phà trên cơ sở định mức tiêu chuẩn và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, tổng hợp gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét, gửi Bộ Tài chính thẩm định. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán thu, chi phí qua phà cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cụ thể cho từng bến phà: Dự toán thu, chi phí qua phà; số cấp bù chi tổ chức thu của các bến phà từ Quỹ bảo trì đường bộ (nếu có). Căn cứ quyết định giao dự toán của Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương thực hiện cấp bù cho các bến phà theo quy định.

2. Đối với bến phà do địa phương quản lý: Căn cứ dự toán thu, chi phí qua phà năm được cấp có thẩm quyền giao, Sở Giao thông vận tải giao dự toán thu, chi phí qua phà cho từng đơn vị trực tiếp quản lý bến phà gồm: Dự toán thu, chi phí qua phà; số cấp bù chi tổ chức thu của các bến phà từ Quỹ bảo trì đường bộ (nếu có). Hội đồng quản lý Quỹ địa phương thực hiện cấp bù cho các bến phà theo quy định.

3. Trên cơ sở dự toán được giao, các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải thực hiện công tác đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với công tác tổ chức thu phí, nhiệm vụ chi thường xuyên, chi không thường xuyên cho đơn vị quản lý, thu phí bến phà; thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng đối với chi thường xuyên, chi không thường xuyên theo quy định của pháp luật đầu tư xây dựng.

Điều 9. Chấp hành dự toán

1. Đối với đơn vị trực tiếp quản lý, thu phí qua phà: Căn cứ vào tình hình thu phí (số tiền phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí xa hay gần Kho bạc nhà nước,...) định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, đơn vị trực tiếp thu phí phải nộp số phí qua phà thu được vào tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc nhà nước nơi có trụ sở bến phà để sử dụng vào mục đích chi theo dự toán được duyệt và theo hợp đồng đặt hàng hoặc giao kế hoạch. Khi quyết toán, số thu cao hơn dự toán chi được duyệt, đơn vị thu phí phải nộp số chênh lệch vào ngân sách nhà nước.

a) Trường hợp dự toán thu phí qua phà cao hơn dự toán chi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, định kỳ hàng quý, đơn vị thu phí phải nộp số chênh lệch thu, chi vào ngân sách nhà nước theo quy định.

b) Đối với dự toán thu, chi phí qua phà được giao trong năm:

- Trường hợp cuối năm số thu phí qua phà thực tế thấp hơn dự toán giao đầu năm, điều chỉnh giảm chi tương ứng của đơn vị tổ chức thu phí.

- Trường hợp cuối năm số thực thu phí qua phà cao hơn dự toán được giao đầu năm, số thu vượt sau khi trừ chi phí thực tế phát sinh theo quy định, số còn lại nộp ngân sách nhà nước.

2. Kiểm soát chi của Kho bạc nhà nước: Căn cứ vào dự toán chi được cấp có thẩm quyền giao; hợp đồng đặt hàng hoặc quyết định giao dự toán thu, chi phí qua phà; số thu thực nộp vào Kho bạc nhà nước; lệnh chuẩn chi của thủ trưởng đơn vị và chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định, Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát chi, cấp phát tạm ứng hoặc thanh toán cho đơn vị theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi của ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước đối với các khoản chi thường xuyên và Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản chi không thường xuyên.

Điều 10. Quyết toán thu, chi phí qua phà

1. Đơn vị tổ chức thu phí qua phà phải thực hiện kế toán và quyết toán thu, chi phí qua phà theo đúng chế độ kế toán hiện hành. Cuối quý, cuối năm đơn vị phải lập báo cáo quyết toán về tình hình thu, chi phí qua phà, sau khi đã quyết toán với cơ quan thuế về số phí qua phà đã thu theo quy định.

Các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quyết toán tổng hợp thu, chi phí qua phà và lập báo cáo quyết toán theo đúng mẫu biểu và yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

2. Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán phí qua phà hàng năm thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp, cụ thể như sau:

a) Đối với bến phà do trung ương quản lý: Tổng cục Đường bộ Việt Nam xét duyệt quyết toán năm đối với các bến phà trực thuộc (bao gồm cả các bến phà giao cho các Sở Giao thông vận tải ủy thác quản lý), tổng hợp vào quyết toán năm của Tổng cục; gửi Bộ Giao thông vận tải thẩm định, tổng hợp vào quyết toán của Bộ, gửi Bộ Tài chính theo quy định.

b) Đối với bến phà thuộc đường địa phương quản lý: Sở Giao thông vận tải phê duyệt quyết toán thu, chi của các bến phà do địa phương quản lý; tổng hợp vào quyết toán năm của Sở, gửi Sở Tài chính thẩm định theo quy định.

Điều 11. Công tác kiểm tra

Để đảm bảo việc sử dụng phí qua phà đúng mục đích, có hiệu quả. Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương, Hội đồng quản lý Quỹ địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn phí qua phà tại các đơn vị trực thuộc.

Điều 12. Chứng từ thu phí

Chứng từ thu phí qua phà thực hiện theo Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2014.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 04/2013/TT-BTC ngày 09/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí qua phà và Thông tư số 61/2013/TT-BTC ngày 09/5/2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2013/TT-BTC ngày 09/01/2013.

3. Các nội dung khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng, chứng từ thu phí qua phà không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị đơn vị phản ánh về Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để kịp thời sửa đổi, bổ sung./. 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.