• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 07/05/2018
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
Số: 67/2013/TTLT-BTC-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 21 tháng 5 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu

quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 – 2015

____________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, số 1228/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012- 2015 và số 518/QĐ-TTg ngày 27/3/2013 phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thông tư liên tịch quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 - 2015.

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Phạm vi áp dụng.

a) Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện:

- Các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 - 2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình) quy định tại Quyết định số 1228/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quyết định số 1228/QĐ-TTg).

- Các hoạt động của Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam (sau đây viết tắt là Đề án) được phê duyệt tại Quyết định số 518/QĐ-TTg ngày 27/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quyết định số 518/QĐ-TTg).

b) Thông tư này không áp dụng đối với các nguồn kinh phí sau:

- Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại; trừ trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thoả thuận về mức chi thì áp dụng theo mức chi quy định tại Thông tư này.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển.

2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình.

3. Các đơn vị, tổ chức không sử dụng ngân sách nhà nước được vận dụng chế độ quy định tại Thông tư này để chi cho hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là VSATTP) từ nguồn kinh phí tự bảo đảm của đơn vị.

Điều 2. Kinh phí thực hiện Chương trình

1. Ngân sách trung ương:

a) Bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ do Bộ, cơ quan trung ương trực tiếp thực hiện.

b) Bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để triển khai các Dự án của Chương trình theo quy định tại Quyết định số 1228/QĐ-TTg và các hoạt động của Đề án theo Quyết định số 518/QĐ-TTg.

2. Ngân sách địa phương

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện chế độ thù lao đối với cán bộ chuyên trách, cộng tác viên của Chương trình tại địa phương theo quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 1 Quyết định số 1228/QĐ-TTg và điểm a, khoản 1, Điều 4 Thông tư này; thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án khác có liên quan trên địa bàn để huy động tối đa nguồn lực của địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp cho các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình, Đề án.

Điều 3. Nội dung và mức chi chung của Chương trình, Đề án:

1. Chi xây dựng chương trình, giáo trình; viết, biên soạn và dịch tài liệu tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về VSATTP. Nội dung và mức chi như sau:

a) Chi viết và biên soạn tài liệu thông thường: 75.000 đồng/trang chuẩn 350 từ.

b) Xây dựng tài liệu, chương trình, giáo trình cho các lớp bồi dưỡng, tập huấn đào tạo: Nội dung và mức chi áp dụng đối với trường hợp xây dựng chương trình môn học, giáo trình cho các ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.

c) Dịch tài liệu (bao gồm cả tiếng dân tộc): Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 6/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 01/2010/TT-BTC).

2. Chi tập huấn kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với đối tượng là cộng tác viên, tình nguyện viên, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đào tạo ngắn hạn, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Chương trình, Đề án: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 139/2010/TT-BTC).

3. Chi hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác, hội thảo chuyên môn nghiệp vụ về VSATTP: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Thông tư số 97/2010/TT-BTC).

4. Chi mua chất chuẩn, dụng cụ, hóa chất, vật dụng đặc thù, trang thiết bị (sau đây gọi tắt là hàng hóa) phục vụ hoạt động chuyên môn của từng dự án thuộc Chương trình, Đề án. Số lượng, định mức hàng hóa bảo đảm phù hợp với yêu cầu chuyên môn kỹ thuật của đơn vị và quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Chi sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì định kỳ các trang thiết bị, dụng cụ đặc thù phục vụ hoạt động chuyên môn của Chương trình, Đề án.

6. Chi vận chuyển hàng hoá, mẫu bệnh phẩm:

a) Trường hợp vận chuyển bằng các phương tiện công cộng: Mức chi theo giá cước thực tế.

b) Trường hợp tự túc hoặc thuê phương tiện vận chuyển đường bộ (nếu cần thiết): Mức chi theo hợp đồng trên cơ sở mức giá thuê trung bình thực tế ở địa phương trong phạm vi dự toán được giao hoặc hỗ trợ tối đa bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm sử dụng. Trường hợp vận chuyển nhiều hàng hoá, trang thiết bị trên cùng một phương tiện thì mức thanh toán tối đa không quá mức quy định nêu trên.

c) Trường hợp vận chuyển tại các địa bàn đi lại khó khăn (vùng núi cao, biên giới, hải đảo): Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế trong phạm vi dự toán được giao.

7. Chi xây dựng cơ sở dữ liệu về VSATTP phù hợp với chuyên môn của từng dự án: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKHCN-BTTTT ngày 15/02/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

8. Chi triển khai các hoạt động có tính chất nghiên cứu khoa học gắn với nội dung của Chương trình theo đề cương nghiên cứu được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKH&CN ngày 4/10/2006 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí thực hiện đề tài, dự án khoa học và Công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT/BTC-BKH&CN ngày 7/5/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

9. Chi công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình, Đề án; hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện các hoạt động chuyên môn của từng dự án, Đề án: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC và Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Đối với đoàn công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát liên ngành, liên cơ quan: cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi phí cho chuyến công tác theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc) cho các thành viên trong đoàn. Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác không phải thanh toán các khoản chi này.

Ngoài ra, tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi cuộc kiểm tra, thanh tra được sử dụng kinh phí của Chương trình để thực hiện thêm một số nội dung như sau:

a) Mua mẫu thực phẩm phân tích: Mức chi theo chứng từ, hoá đơn hợp lệ và phù hợp với giá cả thị trường của địa phương tại thời điểm lấy mẫu trong phạm vi dự toán được giao.

b) Chi vận chuyển và bảo quản mẫu phân tích từ nơi lấy mẫu về cơ sở thực hiện xét nghiệm để phục vụ hoạt động chuyên môn của từng dự án theo quyết định về việc phân vùng chuyển mẫu của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Mức chi theo quy định tại khoản 6, Điều này.

c) Chi kiểm nghiệm mẫu: Mức chi theo mức phí kiểm nghiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đối với các mẫu kiểm nghiệm chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định về mức phí thì thực hiện theo hợp đồng thoả thuận với đơn vị kiểm nghiệm trên cơ sở phù hợp với các mức chi hiện hành.

d) Thuê nhân công lấy mẫu (nếu cần thiết): Mức chi tối đa 70.000 đồng/người/buổi.

đ) Chi thù lao người dẫn đường địa phương trong các đợt kiểm tra, giám sát, điều tra tại địa bàn đi lại khó khăn hoặc khó tiếp cận cộng đồng theo quyết định của Giám đốc Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT (nếu cần thiết): Mức chi theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

10. Chi thuê chuyên gia trong nước: Căn cứ vào mức độ cần thiết triển khai các hoạt động của Chương trình và dự toán ngân sách được giao, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí của Chương trình quyết định việc thuê chuyên gia trong nước theo hình thức ký "Hợp đồng giao khoán công việc, sản phẩm". Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số mức chi tiêu áp dụng cho các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 219/2009/TT-BTC và Thông tư số 192/2011/TT-BTC).

11. Chi tiêu hủy thực phẩm, nguyên liệu sản xuất; chế biến thực phẩm, vật tư, hóa chất phục vụ sản xuất; kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về VSATTP (đối với hàng vô chủ) phát hiện trong các đợt kiểm tra, thanh tra, giám sát thuộc Chương trình theo quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm:

a) Mua nhiên liệu, hoá chất, vật tư dùng cho tiêu huỷ (nếu có).

b) Thuê kho lưu giữ vật tư, hóa chất, mầm bệnh độc phải thực hiện tiêu hủy trong trường hợp cơ quan kiểm tra, thanh tra không có điều kiện lưu giữ.

c) Thuê máy móc, thiết bị phục vụ tiêu hủy (nếu cần thiết).

Mức chi quy định tại điểm a, b và c khoản này căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, các chứng từ chi tiêu hợp pháp phù hợp với giá thị trường tại địa phương và tuân thủ các quy định hiện hành về đấu thầu mua sắm hiện hành.

d) Chi mua xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển: thực phẩm, nguyên liệu sản xuất, chế biến thực phẩm; vật tư, hóa chất phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về VSATTP cần tiêu hủy; trang thiết bị, người tham gia phục vụ tiêu hủy. Mức chi theo quy định tại khoản 6, Điều này.

đ) Thuê nhân công thực hiện việc tiêu huỷ (nếu có), mức chi tối đa 100.000 đồng/người/buổi. Trường hợp phải thuê cơ quan, đơn vị khác thực hiện việc tiêu huỷ, mức chi thực hiện theo hợp đồng thoả thuận với cơ quan, đơn vị thực hiện tiêu huỷ trên cơ sở phù hợp với chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và trong phạm vi dự toán được giao.

12. Chi hỗ trợ xây dựng và áp dụng lần đầu một số mô hình trong sản xuất, kinh doanh, mô hình liên kết chuỗi, các chương trình quản lý tiên tiến (VietGAP, HACCP, ISO 22000,...) và mô hình thí điểm chợ bảo đảm VSATTP. Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt mô hình do các đơn vị ở cấp trung ương triển khai thực hiện. Giám đốc Sở Công thương và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt mô hình do đơn vị ở địa phương triển khai thực hiện. Nội dung và mức chi bao gồm:

a) Xây dựng đề cương: Mức chi 500.000 đồng/đề cương được duyệt.

b) Thuê chuyên gia tư vấn đánh giá mô hình điểm, hướng dẫn thiết lập chương trình, giám sát mô hình (bao gồm cả đánh giá thử để thẩm tra, giám sát hiệu quả chương trình quản lý chất lượng của mô hình quy định tại điểm đ, khoản này): Mức chi theo quy định tại khoản 10 Điều này.

c) Tổ chức hội thảo, tập huấn, phổ biến kiến thức về việc áp dụng mô hình: Mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

d) Điều tra, khảo sát để lựa chọn cơ sở xây dựng và áp dụng mô hình: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê (sau đây gọi tắt là Thông tư số 58/2011/TT-BTC).

đ) Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ lần đầu tiên áp dụng các chương trình quản lý chất lượng thực phẩm an toàn (mô hình sản xuất, mô hình liên kết chuỗi, các chương trình quản lý tiên tiến) được hỗ trợ một số nội dung trong năm đầu như sau:

- Lấy mẫu, phân tích, đánh giá một số chỉ tiêu VSATTP theo quy định về chuyên môn được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Mức chi theo quy định tại khoản 9 Điều này.

- Hỗ trợ dụng cụ giám sát nhanh cho cơ sở theo quy định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mô hình trong phạm vi dự toán được giao.

13. Chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác VSATTP theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn luật.

14. Chi thù lao cán bộ trực tiếp thực hiện tư vấn hướng dẫn người nông dân, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VSATTP theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP) và phân tích mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) và ISC. Mức chi cụ thể như sau:

a) Trường hợp đi tư vấn tại các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, kinh doanh thực phẩm: Mức chi 50.000 đồng/cá nhân, cơ sở được tư vấn/buổi tư vấn, nhưng tối đa không quá 450.000 đồng/người/tháng.

b) Trường hợp tư vấn tại cơ quan, đơn vị quản lý về ATTP: Mức chi 30.000 đồng/cá nhân, cơ sở được tư vấn/buổi tư vấn, nhưng tối đa không quá 450.000 đồng/người/tháng, không quá 2 người/1 cơ quan, đơn vị.

15. Chi điều tra, thống kê về vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc nội dung chuyên môn của từng dự án theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 10 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/2/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC. Trường hợp thực hiện các cuộc Tổng điều tra thống kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2012/TT-BTC ngày 09/4/2012 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí các cuộc Tổng điều tra thống kê do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

16. Chi quản lý Chương trình:

a) Nội dung chi thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

b) Mức chi thực hiện theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

c) Riêng đối với cấp xã, mức hỗ trợ công tác quản lý Chương trình: 1.200.000 đồng/xã/năm.

Điều 4. Nội dung và mức chi đặc thù của từng dự án

1. Dự án Nâng cao năng lực quản lý chất lượng VSATTP

a) Chi thù lao cán bộ chuyên trách và thù lao cộng tác viên thực hiện Chương trình cấp xã. Mức thù lao cụ thể như sau:

- Thù lao cán bộ chuyên trách làm công tác VSATTP cấp xã:

+ Đối với xã trọng điểm về VSATTP: 400.000 đồng/xã/tháng.

+ Đối với các xã còn lại: 200.000 đồng/xã/tháng.

- Thù lao cộng tác viên ở các xã, phường: 100.000 đồng/người/tháng. Đối với xã, phường trọng điểm không quá 02 cộng tác viên; đối với các xã, phường còn lại 01 cộng tác viên.

b) Chi đào tạo chứng chỉ đối với cán bộ làm công tác thanh tra VSATTP: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC.

2. Dự án thông tin giáo dục truyền thông đảm bảo chất lượng VSATTP

a) Chi mít tinh, tổ chức tháng hành động vì VSATTP: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

b) Chi hoạt động truyền thông về VSATTP do cấp có thẩm quyền phê duyệt:

Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ truyền thông chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, chương trình truyền thông đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên công tác truyền thông qua đài phát thanh xã, phường trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Nội dung và mức chi:

- Chi sản xuất các chương trình, tọa đàm, phóng sự về VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí) theo cơ chế nhà nước đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan (sau đây viết tắt là Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg).

- Chi xây dựng, sản xuất, mua, nhân bản và phát hành các sản phẩm truyền thông: Nội dung và mức chi theo các quy định hiện hành.

- Làm mới, sửa chữa pa nô, áp phích, khẩu hiệu: Mức chi theo giá thị trường tại địa phương và chứng từ chi tiêu hợp pháp.

- Chi hỗ trợ các hoạt động truyền thông tại xã, phường: Biên tập tài liệu phát thanh: 75.000 đồng/trang 350 từ; bồi dưỡng phát thanh: 15.000 đồng/lần, trường hợp phát thanh bằng tiếng dân tộc: 20.000 đồng/lần.

- Chi tổ chức các buổi giao lưu, các lớp giáo dục truyền thông, nói chuyện chuyên đề về VSATTP: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

- Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thực hành về VSATTP, bao gồm:

+ Chi đăng báo và thông tin trên các phương tiện truyền thông để phát động và thông báo thể lệ cuộc thi: Mức chi theo chứng từ chi tiêu hợp pháp thực tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Biên soạn đề thi và đáp án (nếu có), quy chế cuộc thi: Mức chi tối đa 500.000 đồng/bộ đề thi hoặc quy chế cuộc thi.

+ Bồi dưỡng chấm thi, Ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi: Mức chi tối đa 300.000 đồng/người/ngày.

+ Bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức, Ban thư ký: Mức chi tối đa 200.000 đồng/người/ngày.

+ Chi giải thưởng: Giải tập thể từ 500.000 đồng đến 4.000.000 đồng/giải thưởng; giải cá nhân từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/giải thưởng.

Căn cứ dự toán ngân sách được giao, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức cuộc thi quyết định mức chi giải thưởng cụ thể tuỳ theo quy mô tổ chức cuộc thi (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở) trong khung mức chi nêu trên.

+ Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi được sử dụng kinh phí của Chương trình để hỗ trợ chi phí đi lại, tiền ăn, thuê phòng nghỉ cho người dự thi ở xa nơi tổ chức trong trường hợp người dự thi chưa được tài trợ từ nguồn kinh phí khác. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

+ Các khoản chi khác phục vụ cuộc thi (nếu có) như: thuê hội trường, địa điểm; âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, trang trí; bồi dưỡng cho người phục vụ, người dẫn chương trình (MC); văn phòng phẩm; xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển: Mức chi căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt, hợp đồng, hoá đơn và các chứng từ chi tiêu hợp pháp. Trường hợp chưa có quy định mức chi, thủ trưởng cơ quan tổ chức cuộc thi quyết định mức chi trong phạm vi dự toán được giao.

c) Chi hỗ trợ hoạt động của các đội tuyên truyền cơ động về VSATTP trong các đợt mở chiến dịch tuyên truyền tại cộng đồng, bao gồm:

- Chi các hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí) tại địa phương trước và trong thời gian thực hiện Chiến dịch theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg.

- Chi phí trang trí, ảnh tư liệu và các hoạt động khác. Mức chi theo thực tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự toán được giao.

- Chi thuê phiên dịch tiếng dân tộc (trong trường hợp cần thiết): Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC.

- Chi thuê biên tập và phát thanh tại đài phát thanh xã, phường: Biên tập: 75.000 đồng/trang 350 từ; chi bồi dưỡng phát thanh: 100.000 đồng/ngày.

- Chi xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển theo khoản 6, Điều 3 Thông tư này.

- Chi thù lao cho những người trực tiếp tham gia đội tuyên truyền cơ động trong ngày mở chiến dịch. Mức chi 50.000 đồng/người/ngày. Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ truyền thông quyết định số lượng người tham gia đội tuyên truyền cơ động trong phạm vi dự toán được giao.

3. Dự án Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng VSATTP

a) Chi thử nghiệm thành thạo, tính phù hợp của quy trình kỹ thuật kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm. Nội dung và mức chi đặc thù bao gồm:

- Xây dựng đề cương dự kiến chương trình thử nghiệm: 500.000 đồng/đề cương được duyệt.

- Thuê chuyên gia tham gia Hội đồng thử nghiệm thành thạo: Mức chi theo quy định tại khoản 10, Điều 3 Thông tư này.

- Chi thuê phòng kiểm nghiệm, kiểm chứng (nếu cần thiết) theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện theo hợp đồng, hoá đơn, chứng từ hợp pháp trong phạm vi dự toán được giao.

- Tổng hợp, xử lý kết quả phân tích của các phòng kiểm nghiệm: 500.000 đồng/báo cáo.

- Gửi kết quả phân tích cho cơ quan, đơn vị quản lý theo quy định: Mức chi theo giá cước dịch vụ bưu chính.

- Các khoản chi cần thiết khác phục vụ hoạt động thử nghiệm thành thạo, tính phù hợp của quy trình kỹ thuật kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

b) Chi thuê hiệu chuẩn trang thiết bị kiểm nghiệm phục vụ Chương trình: Mức chi theo mức phí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đối với các nội dung hiệu chuẩn trang thiết bị chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định về mức phí thì thực hiện theo hợp đồng thoả thuận với đơn vị kiểm nghiệm trên cơ sở phù hợp với các mức chi hiện hành theo hợp đồng thỏa thuận với đơn vị hiệu chỉnh trang thiết bị kiểm nghiệm.

c) Chi Chuẩn hoá phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 17025) của các cơ sở được Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định, bao gồm:

- Chuẩn hoá phương pháp thử ISO: 500.000 đồng/phương pháp thử.

- Hỗ trợ cán bộ chuẩn hóa: Mức chi 100.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 500.000 đồng/người/tháng.

d) Chi đánh giá nội bộ tối đa không quá 2 lần/năm. Nội dung và mức chi cụ thể như sau:

- Xây dựng đề cương thực hiện đánh giá nội bộ: 500.000 đồng/đề cương được duyệt.

- Thuê chuyên gia tư vấn thực hiện giám sát đánh giá nội bộ: Mức chi theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư này.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá nội bộ: Mức chi 500.000 đồng/báo cáo.

- Hỗ trợ cán bộ chuẩn hóa tài liệu, giám sát đánh giá nội bộ: 200.000 đồng/cán bộ/đợt đánh giá; tối đa không quá 5 cán bộ/đợt đánh giá.

đ) Chi xây dựng sổ tay thực hành trong phòng kiểm nghiệm: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Thông tư này.

e) Chi hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật và tăng cường đầu tư đối với các phòng kiểm nghiệm: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/16/2012 quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và Thông tư số 01/2010/TT-BTC.

4. Dự án Phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm

a) Chi thù lao người cung cấp thông tin chính xác về nguy cơ mất an toàn về VSATTP tại bếp ăn tập thể quy mô lớn trong các khu công nghiệp; khu chế xuất theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Mức chi 100.000 đồng/tin.

b) Chi cho hoạt động phân tích dữ liệu và báo cáo thông tin về ngộ độc thực phẩm: Mức chi tối đa không quá 2.000.000 đồng/vụ ngộ độc thực phẩm.

c) Chi thù lao người trực tiếp điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm (ngoài chế độ công tác phí; trường hợp cán bộ đã được hưởng phụ cấp chống dịch từ các nguồn kinh phí khác thì không hưởng chế độ thù lao này):

- Tại khu vực lũ lụt, thiên tai, thảm họa, ổ bệnh dịch truyền qua thực phẩm: Mức chi 100.000 đồng/người/ngày.

- Tại các khu vực, địa điểm khác: Mức chi 75.000 đồng/người/ngày.

d) Chi thuê chuyên gia tư vấn giải quyết sự cố khẩn cấp ATTP: Mức chi theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư này.

5. Dự án Bảo đảm VSATTP trong sản xuất nông, lâm, thuỷ sản

a) Chi kiểm tra từ gốc tại nước xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Việt Nam theo quy định về chuyên môn, kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Nội dung và mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

b) Chi triển khai các chương trình giám sát quốc gia về ATTP nông, lâm, thủy sản: Nội dung và mức chi theo quy định tại khoản 9, Điều 3 Thông tư này.

c) Chi triển khai hoạt động đánh giá nguy cơ ATTP nông, lâm, thủy sản. Nội dung và mức chi bao gồm:

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành: Mức chi theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Thông tư này.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về cảnh báo, điều tra nguyên nhân và thu hồi sản phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm chất lượng ATTP: Mức chi theo quy định tại khoản 7, Điều 3 Thông tư này.

- Lấy mẫu, thuê phân tích mẫu, đánh giá các chỉ tiêu ATTP, kiểm tra, thanh tra tăng cường các trường hợp có dấu hiệu vi phạm (khi có cảnh báo, sự cố về ATTP, hoặc nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm): Mức chi theo quy định tại khoản 9, Điều 3 Thông tư này.

6. Dự án Bảo đảm VSATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành công thương

a) Chi thù lao người cung cấp thông tin chính xác về nguy cơ mất an toàn về VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành công thương: Mức chi tối đa không quá 100.000 đồng/tin.

b) Chi tham quan mô hình chợ bảo đảm VSATTP để xây dựng và nhân rộng mô hình tại các địa phương: Nội dung và mức chi áp dụng theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

Điều 5. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán

1. Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí Chương trình thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và cơ chế quản lý và điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:

a) Tập trung ưu tiên phân bổ kinh phí cho các xã trọng điểm về VSATTP.

b) Thực hiện phân cấp cho các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông và mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động của Chương trình. Trường hợp đặc biệt, đối với hàng hóa mà địa phương không có khả năng mua sắm hoặc cơ quan quản lý dự án ở trung ương xây dựng Đề án mua sắm tập trung được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cơ quan quản lý dự án ở trung ương trực tiếp thực hiện mua sắm và phân bổ bằng hiện vật cho các Bộ, ngành, địa phương. Thủ tục bàn giao hiện vật thực hiện theo quy định hiện hành.

c) Thực hiện giao dự toán trực tiếp cho cơ quan, đơn vị thực hiện hoạt động truyền thông trên cơ sở nhiệm vụ truyền thông, định mức kinh tế kỹ thuật và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Trường hợp cơ quan, đơn vị được giao dự toán để thực hiện hoạt động truyền thông nhưng cần sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị khác thực hiện hoạt động truyền thông thì được thực hiện ký hợp đồng đặt hàng theo quy định nhưng tối đa không quá 100.000.000 đồng/cơ quan, đơn vị/năm.

d) Các cơ quan, đơn vị được phân bổ và giao dự toán kinh phí thực hiện Chương trình chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán theo chế độ quy định. Đối với các hoạt động, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị được giao dự toán ký hợp đồng với các cơ quan, đơn vị khác thực hiện thì chứng từ làm căn cứ thanh, quyết toán được lưu tại cơ quan, đơn vị được giao dự toán, gồm: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ (kèm theo dự toán chi tiết được cơ quan chủ trì phê duyệt), biên bản nghiệm thu công việc, biên bản thanh lý hợp đồng, báo cáo quyết toán kinh phí của cơ quan, đơn vị thực hiện hợp đồng ký kết, uỷ nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu có liên quan khác. Các hoá đơn, chứng từ chi tiêu cụ thể do cơ quan trực tiếp thực hiện hợp đồng lưu giữ theo quy định hiện hành.

Cơ quan, đơn vị thực hiện hợp đồng có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đã ký kết, trực tiếp sử dụng kinh phí theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; lập báo cáo quyết toán số kinh phí được cấp theo quy định gửi cơ quan, đơn vị ký hợp đồng (không tổng hợp vào báo cáo quyết toán của cơ quan, đơn vị mình nhưng phải mở sổ kế toán riêng để theo dõi).

đ) Việc mua sắm hàng hóa, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư xây dựng, các văn bản hướng dẫn Luật. Đối với hàng hoá, dịch vụ đặt hàng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg.

3. Chế độ báo cáo: Định kỳ hàng năm, các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Đề án, Chương trình về cơ quan quản lý Chương trình (cả kinh phí và chỉ tiêu chuyên môn) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2013. Đối với nội dung quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 5 thực hiện kể từ niên độ ngân sách năm 2014.

2. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 12/2008/TTLT-BTC-BYT ngày 31/01/2008 của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006-2010.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Y tế để nghiên cứu giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Minh

Nguyễn Thanh Long

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.