• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2016
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 20/2014/TT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 7 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

_____________________

 

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định điều kiện và thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bao gồm cả phụ tùng, linh kiện, bộ phận thay thế.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sau đây:

a) Quá cảnh; chuyển khẩu; tạm nhập, tái xuất (trừ các hợp đồng gia công; trường hợp nhập khẩu để sản xuất, thi công thực hiện các dự án đầu tư); tạm xuất, tái nhập; thực hiện hợp đồng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng;

b) Phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong nước chưa sản xuất được;

c) Nhận chuyển giao từ các khu chế xuất trong nước;

d) Phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng;

đ) Hàng viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dây chuyền công nghệ là hệ thống các thiết bị, công cụ, phương tiện được bố trí lắp đặt theo sơ đồ, quy trình công nghệ bảo đảm vận hành đồng bộ để sản xuất sản phẩm.

2. Thời gian sử dụng (tính theo năm) là thời gian được xác định từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

3. Chất lượng còn lại (tính theo %) so với chất lượng ban đầu là mức độ đạt được của các thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng so với các thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ khi chưa sử dụng (mới 100%).

Điều 4. Nguyên tắc quản lý việc nhập khẩu

1. Khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới, công nghệ cao, trình độ công nghệ tiên tiến.

2. Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

3. Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được nhập khẩu ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư này, phải đáp ứng các quy định hiện hành của Chính phủ, Bộ, ngành về nhập khẩu hàng hóa.

Điều 5. Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cấm nhập khẩu

Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cấm nhập khẩu bao gồm:

1. Thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

2. Thuộc Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, Danh mục phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

3. Thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTTTT ngày 17 tháng 7 năm 2012 quy định Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.

4. Các Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng cấm nhập khẩu do các Bộ, ngành khác ban hành theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Điều 6. Điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng

1. Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng không thuộc Điều 5 Thông tư này và không thuộc khoản 2 Điều này được phép nhập khẩu nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có thời gian sử dụng không quá 05 năm;

b) Có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

2. Điều kiện nhập khẩu đối với một số trường hợp đặc biệt:

a) Các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 03 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm:

- Máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Máy móc, thiết bị sử dụng trong ngành bia, rượu, nước giải khát có cồn và không cồn.

- Máy móc, thiết bị ngành bưu chính: thiết bị chia chọn thư, bưu kiện; máy lồng gấp phong bì; máy sản xuất phong bì; thiết bị băng tải.

b) Các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 07 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm:

- Máy móc, thiết bị trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

- Máy móc, thiết bị phục vụ đóng tàu, sửa chữa tàu.

- Máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng công trình dầu khí biển.

- Máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng công trình hạ tầng giao thông.

- Máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in: máy ghi phim, máy ghi kẽm, máy tạo khuôn in, máy dao xén (cắt) giấy, máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy gấp sách, máy vào bìa sách.

c) Các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm:

- Động cơ máy thủy sử dụng cho tàu đánh bắt xa bờ.

- Máy kỵ mã liên hợp phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in.

d) Các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 15 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm: máy in offset, máy in ống đồng, máy in flexo phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in.

Điều 7. Điều kiện nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

1. Dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không thuộc Điều 5 Thông tư này và không thuộc khoản 2 Điều này được phép nhập khẩu nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có thời gian sử dụng không quá 05 năm;

b) Có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên;

c) Việc sử dụng dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được nêu trong hồ sơ dự án đầu tư đã nộp tại cơ quan quản lý về đầu tư hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Phù hợp với yêu cầu quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành;

đ) Được giám định chất lượng tại nước xuất khẩu trước khi tháo dỡ, đóng gói nhập khẩu.

2. Điều kiện nhập khẩu đối với một số trường hợp đặc biệt:

a) Dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 03 năm, chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên và đáp ứng các quy định nêu tại điểm c, d, đ khoản 1 Điều này, bao gồm:

- Dây chuyền công nghệ sử dụng trong ngành bia, rượu, nước giải khát có cồn và không cồn.

- Dây chuyền chia chọn tự động thư, bưu kiện trong ngành bưu chính.

b) Dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên và đáp ứng các quy định nêu tại điểm c, d, đ khoản 1 Điều này, bao gồm: dây chuyền liên hợp phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in.

Điều 8. Thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng

1. Doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan nơi nhập khẩu hàng hóa. Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định, doanh nghiệp phải gửi tới cơ quan hải quan các tài liệu sau:

a) Tài liệu kỹ thuật thể hiện năm sản xuất của máy móc, thiết bị nhập khẩu;

b) Chứng thư giám định chất lượng do tổ chức giám định đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này cấp. Nếu chứng thư giám định do tổ chức giám định nước ngoài đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư này cấp, doanh nghiệp phải gửi kèm theo Bản sao hợp pháp chứng chỉ công nhận hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020 phiên bản hiện hành của tổ chức giám định.

2. Cơ quan hải quan căn cứ tài liệu doanh nghiệp nộp, xác định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đáp ứng điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, thực hiện thủ tục thông quan theo quy định.

3. Ngoài các yêu cầu trên, doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành khác của Chính phủ, các Bộ, ngành đối với máy móc, thiết bị khi nhập khẩu.

Điều 9. Thủ tục nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

1. Doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan nơi nhập khẩu hàng hóa. Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định, doanh nghiệp phải gửi tới cơ quan hải quan các tài liệu sau:

a) Tài liệu kỹ thuật thể hiện năm sản xuất của dây chuyền công nghệ nhập khẩu;

b) Chứng thư giám định chất lượng do tổ chức giám định đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này cấp. Nếu chứng thư giám định do tổ chức giám định nước ngoài đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư này cấp, doanh nghiệp phải gửi kèm theo Bản sao hợp pháp chứng chỉ công nhận hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020 phiên bản hiện hành của tổ chức giám định.

c) Thuyết minh dự án đầu tư đã nộp tại cơ quan quản lý về đầu tư hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó thể hiện dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu (bản sao).

d) Đối với dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thuộc diện quản lý của các Bộ, ngành, phải có văn bản cho phép nhập khẩu của cơ quan quản lý chuyên ngành.

2. Cơ quan hải quan căn cứ tài liệu doanh nghiệp nộp, xác định dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Điều 7 Thông tư này, thực hiện thủ tục thông quan theo quy định.

Điều 10. Yêu cầu chung về chứng thư giám định

1. Chứng thư giám định đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng do tổ chức giám định được chỉ định cấp. Trường hợp thực hiện giám định tại nước xuất khẩu, nếu chưa có tổ chức giám định được chỉ định phù hợp, doanh nghiệp được phép lựa chọn, sử dụng tổ chức giám định nước ngoài đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư này để thực hiện việc giám định chất lượng.

2. Chứng thư giám định đối với dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do tổ chức giám định được chỉ định cấp hoặc tổ chức giám định nước ngoài đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư này cấp tại nước xuất khẩu trước khi tháo dỡ, đóng gói nhập khẩu.

3. Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện giám định chất lượng tại nước xuất khẩu để tránh ách tắc tại cửa khẩu và giảm thời gian lưu kho bãi.

4. Trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan, khi có căn cứ xác định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ thực tế có chất lượng không phù hợp với chứng thư giám định, cơ quan hải quan có quyền yêu cầu giám định lại. Trường hợp có sự không thống nhất về kết quả giám định chất lượng giữa các tổ chức giám định, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan có ý kiến quyết định cuối cùng.

Điều 11. Yêu cầu đối với tổ chức giám định

1. Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng giám định về chất lượng hàng hóa là máy móc, thiết bị, công nghệ.

2. Có năng lực giám định đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17020 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020 phiên bản hiện hành.

3. Có ít nhất 02 giám định viên đạt tiêu chuẩn sau:

a) Có trình độ đại học trở lên và có năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu và lĩnh vực giám định;

b) Có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực cần giám định;

c) Có chứng chỉ giám định về lĩnh vực cần giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ.

4. Có phương pháp giám định chất lượng và quy trình giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ do lãnh đạo tổ chức giám định phê duyệt.

5. Riêng đối với tổ chức giám định nước ngoài được doanh nghiệp nhập khẩu lựa chọn để thực hiện giám định tại nước xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có đăng ký kinh doanh hành nghề giám định máy móc, thiết bị, công nghệ ở nước sở tại;

b) Có chứng chỉ công nhận hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020 phiên bản hiện hành, được cấp bởi tổ chức công nhận hợp pháp là thành viên của Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC - The International Laboratory Accreditation Cooperation) và/hoặc Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm Châu Á - Thái Bình Dương (APLAC - Asia Pacific Laboratory Accreditation Cooperation).

6. Tổ chức giám định phải tuân thủ nguyên tắc độc lập, khách quan, khoa học trong hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của kết quả giám định.

Điều 12. Chỉ định tổ chức giám định

1. Việc chỉ định các tổ chức giám định do các Bộ, ngành thực hiện.

2. Các Bộ, ngành quy định trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức giám định và thực hiện việc chỉ định tổ chức giám định đủ năng lực thực hiện giám định chất lượng máy móc, thiết bị trong lĩnh vực được phân công quản lý dựa trên các văn bản sau đây:

a) Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp và Thông tư số 11/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 hướng dẫn yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp.

b) Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện Hiệp định và Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.

c) Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định yêu cầu, trình tự và thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

3. Các Bộ, ngành có trách nhiệm thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành các thông tin về tổ chức giám định được chỉ định để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan biết, lựa chọn. Thông tin cơ bản bao gồm: tên tổ chức, địa chỉ, số điện thoại, email, fax, website, lĩnh vực giám định được chỉ định, mẫu chứng thư giám định và mẫu chữ ký trên chứng thư giám định.

Điều 13. Kiểm tra, xử lý vi phạm

1. Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng chịu sự kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Mọi hành vi vi phạm các quy định nêu tại Thông tư này, tùy theo tính chất và mức độ, sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ theo dõi, hướng dẫn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

2. Các Bộ, ngành tổ chức việc chỉ định tổ chức giám định thuộc lĩnh vực quản lý và gửi danh sách kèm theo thông tin của tổ chức giám định được chỉ định về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp chung.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm công bố, cập nhật thường xuyên danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong nước đã sản xuất được.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm công bố danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cấm nhập khẩu từ các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.

5. Tổng cục Hải quan thực hiện thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo quy định tại Thông tư này.

6. Trong quá trình thực hiện việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, nếu có sự không thống nhất về việc xác định lĩnh vực và điều kiện nhập khẩu, doanh nghiệp cần gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ về Bộ Khoa học và Công nghệ để được xem xét, giải quyết.

7. Trường hợp máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không đáp ứng điều kiện về thời gian sử dụng nhưng đã được sửa chữa, tân trang và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng còn lại theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này; đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết.

8. Bộ Khoa học và Công nghệ giao Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ làm đầu mối triển khai thực hiện Thông tư này.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

2. Điều khoản chuyển tiếp:

Trường hợp các hợp đồng mua bán đã được ký kết và hàng hóa đã được đưa lên phương tiện vận chuyển trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không thuộc sự điều chỉnh của Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ, tổ chức, cá nhân cần phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Quân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.