• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/02/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 25/11/2021
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 40/2012/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 21 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm

                  thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương

           _________________________

Căn cứ Nghị định số 7861/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 7861/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm  ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương như sau:

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, công dụng của sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, bảo quản sản phẩm, các cảnh báo (nếu có) tác dụng cho một hoặc một nhóm đối t­ượng đối với thực phẩm (sau đây gọi là nội dung quảng cáo): rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng với:

1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, đóng gói, kinh doanh sản phẩm: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi là cơ sở).

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Điều kiện để được xác nhận nội dung quảng cáo

1. Cơ sở có hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Sản phẩm thực phẩm không thuộc danh mục những sản phẩm, hàng hóa bị cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Sản phẩm thực phẩm của cơ sở đáp ứng quy định về điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản phẩm của cơ sở/quốc gia có tên trong danh sách được cơ quan thẩm quyền Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Nội dung quảng cáo phải chính xác, đúng với chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm như đã công bố và đăng ký.

Điều 4. Nguyên tắc nội dung quảng cáo

1. Một hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo chỉ áp dụng cho nội dung quảng cáo của một loại sản phẩm thực phẩm.

2. Nội dung quảng cáo được sử dụng trên nhiều hình thức quảng cáo khác nhau (trên phương tiện thông tin đại chúng, trên bao bì, tờ rơi, áp phích, sách báo…).

3. Nội dung quảng cáo sau khi được Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm được phép quảng cáo trên phạm vi toàn quốc.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ sở đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo

Cơ sở đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo có trách nhiệm:

1. Thực hiện việc đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định tại Chương II của Thông tư này.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với việc kê khai và nội dung đăng ký quảng cáo thực phẩm theo quy định.

3. Chỉ được quảng cáo thực phẩm theo đúng nội dung đã được xác nhận.

4. Chỉ được quảng cáo thực phẩm khi Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm còn hiệu lực.

5. Tạm dừng quảng cáo thực phẩm có nội dung không phù hợp trong quá trình kiểm tra trên thị trường.

6. Nộp phí, lệ phí cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan xác nhận nội dung quảng cáo

Cơ quan xác nhận nội dung quảng có trách nhiệm:

1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký và hướng dẫn cơ sở thủ tục đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

a) Thẩm định hồ sơ đăng ký, thông báo kết quả thẩm định và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định tại Điều 9 Thông tư này;

b) Công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 13 của Thông tư này danh mục sản phẩm thực phẩm của các cơ sở đã được xác nhận nội dung quảng cáo, các cơ sở bị hủy bỏ xác nhận nội dung quảng cáo;

c) Tổ chức kiểm tra và giám sát hoạt động quảng cáo thực phẩm của các cơ sở đã được xác nhận theo thẩm quyền quy định tại Điều 13 của Thông tư này.

 

                                          Chương II

HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY XÁC NHẬN

NỘI DUNG QUẢNG CÁO THỰC PHẨM 

 

Điều 7. Đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo

1. Đăng ký lần đầu: Áp dụng đối với từng loại thực phẩm của một cơ sở sản xuất và chưa được xác nhận nội dung quảng cáo hoặc sản phẩm thực phẩm đã được xác nhận nội dung quảng cáo nhưng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm bị hủy bỏ.

2. Đăng ký lại: Sản phẩm thực phẩm đã được xác nhận nội dung quảng cáo nhưng thay đổi về nội dung quảng cáo hoặc Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm hết hiệu lực.

Điều 8. Hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm

Cơ sở nêu tại Điều 2 của Thông tư này phải gửi đầy đủ 01 (một) bộ Hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo phù hợp các quy định về an toàn thực phẩm tới cơ quan xác nhận nội dung quảng cáo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

1. Hồ sơ đăng ký lần đầu, gồm:

a) Giấy đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo quy định tại Phụ lục I Ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền;

c) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phù hợp của cơ sở sản xuất kinh doanh;

d) Bản sao có chứng thực thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy (đối với sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật được ban hành và có hiệu lực) hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực);

đ) Tài liệu khoa học chứng minh tính chất, công dụng của sản phẩm đúng như nội dung đăng ký quảng cáo;

e) Bản dự thảo nội dung dự kiến quảng cáo (video clip, hình ảnh, phóng sự, bài viết…);

g) Giấy ủy quyền quảng cáo hoặc hợp đồng thuê dịch vụ quảng cáo đối với trường hợp đăng ký xác nhận quảng cáo bởi người kinh doanh dịch vụ quảng cáo.

2. Hồ sơ đăng ký lại, gồm:

a) Giấy đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo quy định tại Phụ lục II Ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản thuyết minh kèm theo các tài liệu sửa đổi, bổ sung liên quan đến nội dung quảng cáo thực phẩm đã thay đổi;

c) Các tài liệu quy định tại điểm b, điểm e khoản 1 Điều này.

3. Toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều này phải có dấu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm.

Điều 9. Tiếp nhận, thẩm định, cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm

1. Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký của cơ sở, cơ quan xác nhận nội dung quảng cáo quy định tại Điều 13 Thông tư này phải thẩm tra sơ bộ hồ sơ, hướng dẫn cơ sở bổ sung hồ sơ theo đúng quy định.

2. Trong thời gian không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ, cơ quan xác nhận nội dung quảng cáo tiến hành thẩm định, thu phí, lệ phí theo quy định tại Điều 12 Thông tư này và thông báo kết quả thẩm định nội dung quảng cáo cho cơ sở dưới hình thức:

a) Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo mẫu tại Phụ lục III Ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp thẩm định đạt yêu cầu;

b) Thông báo bằng văn bản trường hợp thẩm định không đạt yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do chưa được xác nhận nội dung quảng cáo và những yêu cầu cần chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

3. Thời hạn hiệu lực của Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm căn cứ vào:

a) Hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền (áp dụng đối với cơ sở sản xuất trong nước);

b) Hiệu lực của văn bản công nhận đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đối với quốc gia hoặc cơ sở xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam.

Điều 10. Cấp lại, cấp mới Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm

1. Trường hợp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp nhưng bị mất, thất lạc hoặc bị hư hỏng, cơ sở phải có văn bản đề nghị cấp lại gửi tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo để được xem xét cấp lại. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan xác nhận nội dung quảng cáo xem xét cấp lại cho cơ sở, trường hợp từ chối cấp lại, phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do.

2. Trường hợp sản phẩm thực phẩm được quảng cáo với mục đích tiêu thụ tại Việt Nam đã được cơ quan xác nhận nội dung quảng cáo cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Thông tư này nhưng sau đó sản phẩm này có nhu cầu xuất khẩu thì phải đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo tại cơ quan xác nhận nội dung quảng cáo quy định tại Khoản 1 Điều 13 và được tiếp nhận, thẩm định theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này.

Điều 11. Hủy bỏ xác nhận nội dung quảng cáo

Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sẽ bị hủy bỏ trong những trường hợp sau:

1. Tiến hành quảng cáo thực phẩm khi Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm hết hiệu lực.

2. Giả mạo, sửa chữa các nội dung trong Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm.

3. Sản phẩm thực phẩm của cơ sở bị kiểm tra phát hiện không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hoặc kết quả kiểm tra đánh giá phân loại không đạt yêu cầu.

4. Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng hoặc không thống nhất với các nội dung trong Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm.

Điều 12. Phí và lệ phí

Tổ chức, cá nhân đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo có trách nhiệm nộp phí, lệ phí thẩm định, cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm tại Cơ quan cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật.

 

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương là đầu mối thực hiện chức năng quy định tại Điều 6 Thông tư này tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định hồ sơ, thông báo kết quả thẩm định và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu; sản phẩm thực phẩm xuất khẩu; sản phẩm thực phẩm của các cơ sở được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước.

2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định hồ sơ, thông báo kết quả thẩm định và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm đối với các loại thực phẩm tiêu thụ tại Việt Nam của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa bàn tỉnh, thành phố có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm do Sở Công Thương cấp; định kỳ, đột xuất tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Thông tư này trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Công Thương.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1 Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 02 năm 2013.

2. Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Cẩm Tú

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.