• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/03/2013
BỘ Y TẾ
Số: 02/2013/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 15 tháng 1 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao

_________________

 

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc phối hợp, nội dung và phương thức phối hợp, điều kiện tham gia phối hợp, trách nhiệm và quyền lợi của các cơ sở y tế tham gia phối hợp, ghi chép và báo cáo trong quản lý bệnh lao.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ sở y tế thuộc mạng lưới phòng chống lao theo Quyết định số 2357/QĐ-BYT ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Cơ sở y tế tư nhân.

3. Cơ sở y tế nhà nước không thuộc mạng lưới phòng chống lao.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Bảo đảm các ca bệnh lao đều phải được theo dõi và báo cáo với Chương trình chống lao.

2. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa các cơ sở y tế tham gia phối hợp.

3. Huy động các nguồn lực xã hội trong phòng chống bệnh lao.

Chương II

NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP

Điều 4. Phối hợp chuyển người nghi mắc lao, thu nhận và chuyển mẫu đờm để xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao

1. Phối hợp chuyển người nghi mắc lao

a) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia chuyển người nghi mắc lao và được hướng dẫn nhận biết các dấu hiệu nghi mắc lao.

b) Khi phát hiện người nghi mắc lao, cơ sở y tế thực hiện giới thiệu người bệnh đó tới các cơ sở chuyên khoa lao hoặc các cơ sở y tế có đăng ký tham gia chẩn đoán bệnh lao.

c) Cơ sở y tế tiếp nhận người nghi mắc lao có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh được khám, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh lao kịp thời.

2. Phối hợp thu nhận và chuyển mẫu đờm để xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao

a) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thu nhận và vận chuyển mẫu đờm để chẩn đoán bệnh lao được Chương trình chống lao hướng dẫn nhận biết các dấu hiệu nghi lao, cách lấy mẫu, đóng gói, vận chuyển đờm và phòng chống lây nhiễm.

b) Cơ sở y tế tham gia thu nhận và chuyển mẫu đờm thực hiện thu nhận, bảo quản và vận chuyển mẫu đờm tới cơ sở y tế có đăng ký tham gia chẩn đoán bệnh lao.

c) Cơ sở y tế đăng ký tham gia chẩn đoán bệnh lao tiếp nhận, thực hiện xét nghiệm và phản hồi kết quả chẩn đoán cho nơi chuyển.

Điều 5. Phối hợp trong chẩn đoán, phát hiện bệnh lao

1. Cơ sở y tế tham gia chẩn đoán bệnh lao có trách nhiệm thực hiện chẩn đoán bệnh lao theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao ban hành theo Quyết định số 979/QĐ–BYT ngày 24 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế và danh mục kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt.

2. Cơ sở y tế chỉ tham gia chẩn đoán bệnh lao có trách nhiệm chuyển người bệnh lao đến các cơ sở y tế đăng ký quản lý điều trị bệnh lao.

3. Cơ sở tiếp nhận điều trị người bệnh lao có trách nhiệm phản hồi thông tin tiếp nhận và kết quả xử trí người bệnh cho cơ sở chuyển.

4. Chương trình chống lao các tuyến có trách nhiệm tập huấn, giám sát hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư tiêu hao, sổ sách, biểu mẫu cho cơ sở đăng ký chẩn đoán bệnh lao theo kế hoạch hoạt động của Chương trình chống lao.

Điều 6. Phối hợp trong quản lý điều trị bệnh lao

1. Cơ sở y tế đăng ký điều trị bệnh lao có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, theo dõi điều trị người bệnh theo Quyết định số 979/QĐ–BYT ngày 24 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao ban hành theo.

2. Chương trình chống lao các tuyến có trách nhiệm tập huấn, giám sát hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao, sổ sách, biểu mẫu cho cơ sở đăng ký điều trị bệnh lao theo quy định.

3. Các cơ sở y tế đăng ký điều trị bệnh lao có trách nhiệm ghi chép, báo cáo, chịu sự giám sát hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình chống lao.

Điều 7. Phối hợp chẩn đoán và điều trị bệnh lao

Các cơ sở y tế có đủ điều kiện thực hiện chẩn đoán và điều trị bệnh lao thì có thể đăng ký thực hiện cả chẩn đoán và điều trị bệnh lao theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và được tham gia như một tổ chống lao tuyến huyện theo Quyết định số 2357/QĐ–BYT ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi.

Chương III

ĐIỀU KIỆN THAM GIA PHỐI HỢP

Điều 8. Điều kiện tham gia phối hợp chẩn đoán bệnh lao

Cơ sở y tế không thuộc mạng lưới phòng chống lao tham gia chẩn đoán bệnh lao ngoài giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp, còn cần phải được Chương trình chống lao tuyến tỉnh xác định đủ điều kiện chẩn đoán bệnh lao nếu có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có phòng xét nghiệm đủ năng lực thực hiện soi đờm trực tiếp hoặc các kỹ thuật xét nghiệm vi khuẩn lao khác có đăng ký với chương trình chống lao tuyến tỉnh.

2. Người hành nghề tham gia chẩn đoán lao có khả năng tối thiểu là chỉ định, đọc phim Xquang ngực, được Chương trình chống lao quốc gia hoặc Chương trình chống lao tuyến tỉnh tập huấn về chẩn đoán bệnh lao.

3. Cam kết tuân thủ các quy định về kiểm định tiêu bản theo hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia.

Chương trình chống lao tuyến tỉnh lập danh sách các cơ sở đủ điều kiện tham gia phối hợp chẩn đoán bệnh lao báo cáo Sở Y tế xem xét, phê duyệt.

Điều 9. Điều kiện tham gia phối hợp điều trị bệnh lao

Cơ sở y tế không thuộc mạng lưới phòng chống lao tham gia điều trị bệnh lao, ngoài giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp, còn phải được Chương trình chống lao tuyến tỉnh xác định đủ điều kiện điều trị bệnh lao nếu có đủ các điều kiện sau đây:

1. Người hành nghề tham gia điều trị lao phải được Chương trình chống lao quốc gia hoặc Chương trình chống lao tuyến tỉnh tập huấn về công tác quản lý điều trị lao.

2. Đủ điều kiện theo dõi, giám sát người bệnh lao tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chương trình chống lao tuyến tỉnh lập danh sách các cơ sở đủ điều kiện tham gia phối hợp điều trị bệnh lao báo cáo Sở Y tế xem xét, phê duyệt.

Điều 10. Điều kiện tham gia phối hợp chẩn đoán và điều trị bệnh lao

Cơ sở y tế tham gia chẩn đoán và điều trị bệnh lao, ngoài giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp, còn phải được xác định đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÁC CƠ SỞ Y TẾ THAM GIA PHỐI HỢP

Điều 11. Các cơ sở y tế trong mạng lưới phòng chống lao

1. Trách nhiệm:

a) Đơn vị chống lao tuyến trung ương:

- Chỉ đạo và hướng dẫn Chương trình chống lao tuyến tỉnh thực hiện phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao.

- Tổ chức tập huấn cho các cán bộ nòng cốt của Chương trình chống lao tuyến tỉnh về cách thức phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao.

- Phát triển tài liệu, sổ sách, biểu mẫu; lập kế hoạch mua vật tư, trang thiết bị, thuốc và các khoản kinh phí cần thiết cho hoạt động phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao (nếu có) để phân bổ cho các tỉnh/thành phố.

b) Đơn vị chống lao tuyến tỉnh:

- Tiến hành xác định đủ điều kiện tham gia cho các cơ sở y tế đăng ký phối hợp quản lý bệnh lao trên địa bàn tỉnh báo cáo Sở Y tế phê duyệt.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giám sát, kiểm định chất lượng, hỗ trợ chuyên môn và ghi chép báo cáo cho các cơ sở y tế tham gia phối hợp đảm bảo chất lượng phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Cung ứng tài liệu, vật tư, trang thiết bị, thuốc, sổ sách, biểu mẫu và các khoản kinh phí bồi dưỡng thực hiện theo quy định của pháp luật cho các cơ sở y tế tham gia tùy theo nội dung đăng ký dịch vụ.

- Thực hiện chế độ báo cáo và phản hồi theo hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia.

c) Đơn vị chống lao tuyến huyện:

- Chịu sự chỉ đạo của Sở Y tế, phối hợp với cơ quan quản lý y tế trên địa bàn để giám sát hỗ trợ, báo cáo công tác phối hợp quản lý bệnh lao trên địa bàn quận/huyện.

- Tham gia cung ứng tài liệu, vật tư, thuốc, sổ sách, biểu mẫu và các khoản kinh phí bồi dưỡng thực hiện theo quy định của pháp luật cho các cơ sở y tế tham gia tùy theo nội dung đăng ký dịch vụ.

- Thực hiện chế độ báo cáo và phản hồi theo hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia.

d) Trạm Y tế tuyến xã có trách nhiệm:

Tham gia hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, báo cáo công tác phối hợp quản lý bệnh lao trên địa bàn xã/phường theo hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia.

2. Quyền lợi:

- Công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở y tế trong mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Bộ Y tế-Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 12 năm 2011 quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch; được hưởng thù lao theo quy định tại Thông tư liên tịch số 147/TTLT-BYT-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 05/1/2005 hướng dẫn chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và Công văn số 6608/BYT-TCCB của Bộ Y tế ngày 22/8/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, viên chức ngành y tế; được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật tại Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ngày 30/5/2012 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

Điều 12. Các cơ sở y tế tham gia phối hợp quản lý bệnh lao

1. Trách nhiệm:

a) Cơ sở y tế có trách nhiệm tham gia phát hiện và chuyển người nghi lao đến các cơ sở đăng ký chẩn đoán bệnh lao.

b) Đối với các cơ sở y tế không thuộc mạng lưới phòng chống lao tham gia chẩn đoán và/hoặc điều trị lao phải đăng ký với Chương trình chống lao tuyến trung ương đối với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện thuộc tỉnh quản lý đăng ký với Chương trình chống lao tuyến tỉnh để báo cáo Sở Y tế phê duyệt và bảo đảm cung cấp dịch vụ theo đúng nội dung đã đăng ký.

c) Thực hiện chế độ ghi chép, báo cáo theo quy định tại Điều 13 và 14 của Thông tư này.

d) Chịu sự giám sát, kiểm định chất lượng chuyên môn của Sở Y tế, Chương trình chống lao quốc gia và Chương trình chống lao tuyến tỉnh.

2. Quyền lợi:

a) Được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn nhằm đảm bảo chất lượng phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

b) Được cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao, sổ sách, biểu mẫu tùy theo nội dung đăng ký cung cấp dịch vụ.

c) Công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở y tế nhà nước được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Bộ Y tế-Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 12 năm 2011 quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch; được hưởng thù lao theo quy định tại Thông tư liên tịch số 147/TTLT-BYT-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 05/1/2005 hướng dẫn chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và Công văn số 6608/BYT-TCCB của Bộ Y tế ngày 22/8/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, viên chức ngành y tế; được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật tại Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ngày 30/5/2012 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

d) Các cơ sở y tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân khác tham gia phối hợp phát hiện, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh lao được hưởng thù lao theo quy định tại Thông tư liên tịch số 147/TTLT-BYT-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chương V

GHI CHÉP VÀ BÁO CÁO

Điều 13. Ghi chép và báo cáo ca bệnh

Cơ sở y tế đăng ký tham gia chẩn đoán bệnh lao có trách nhiệm ghi chép toàn bộ các trường hợp đến khám phát hiện bệnh lao và báo cáo các trường hợp đã được chẩn đoán xác định bệnh lao theo các biểu mẫu quy định (tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này) cho Chương trình chống lao tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh định kỳ hằng quý.

Điều 14. Ghi chép và báo cáo quản lý điều trị

Cơ sở y tế tham gia điều trị bệnh lao thực hiện đăng ký thu nhận và quản lý điều trị người bệnh lao theo hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia và báo cáo theo biểu mẫu quy định (tại Phụ lục 3 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này) cho Chương trình chống lao tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh định kỳ hằng quý.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2013.

Điều 16. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi bổ sung.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra đánh giá việc thực hiện Thông tư này của các bệnh viện trực thuộc và các địa phương.

2. Các Vụ, Cục có liên quan, tùy theo chức năng nhiệm vụ được phân công tham gia chỉ đạo và triển khai các hoạt động phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao.

3. Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia có trách nhiệm triển khai các hoạt động phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao, kiểm tra đánh giá các hoạt động tại địa phương, đề xuất với Bộ Y tế các chính sách liên quan đến công tác phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao.

Bệnh viện 71 Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát hoạt động phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao tại các tỉnh, thành phố theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Đơn vị chống lao tuyến tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế nhà nước, các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn triển khai hoạt động phối hợp trong quản lý bệnh lao.

b) Phổ biến, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động phối hợp trong quản lý bệnh lao và báo cáo định kỳ 6 tháng 1 lần về Bộ Y tế và Chương trình chống lao quốc gia.

c) Phê duyệt danh mục kỹ thuật và phạm vi hành nghề của các cơ sở tham gia phối hợp trong chẩn đoán, điều trị lao trên địa bàn.

5. Phòng Y tế tuyến huyện:

a) Báo cáo Ủy ban nhân nhân quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh về hoạt động phối hợp trong quản lý bệnh lao trên địa bàn.

b) Thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ các cơ sở y tế tham gia hoạt động phối hợp trong quản lý bệnh lao và báo cáo Sở Y tế.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế để được hướng dẫn, giải đáp hoặc xem xét giải quyết ./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Xuyên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.