• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2013
BỘ Y TẾ
Số: 18/2013/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 1 tháng 7 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định về vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm

_______________________________

 

Căn cứ Khoản 3 Điều 17 và Khoản 3 Điều 57 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm.

Điều 1. Vị trí, mặt bằng tổng thể

1. Đối với bệnh viện.

a) Vị trí khu đất xây dựng có hệ thống giao thông thuận lợi, phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định;

b) Khu đất xây dựng có hệ thống kỹ thuật hạ tầng, vệ sinh môi trường tốt;

c) Diện tích khu đất xây dựng bệnh viện truyền nhiễm lấy theo quy chuẩn thiết kế bệnh viện từ 50m2/giường đến 100m2/giường, có kích thước hình học hợp lý, đủ để bố trí các hạng mục công trình sau: khối khám bệnh, khối kỹ thuật nghiệp vụ - cận lâm sàng - thăm dò chức năng, khối lưu trú bệnh nhân, khối hành chính quản trị và dịch vụ tổng hợp, khối kỹ thuật - hậu cần và công trình phụ trợ.

d) Mặt bằng tổng thể bệnh viện phải được quy hoạch theo nguyên tắc một chiều, các khu vực khám bệnh, lưu trú bệnh nhân được bố trí theo nguyên tắc bảo đảm khoảng cách ly an toàn và hạn chế giao thông nội bộ giao cắt qua;

đ) Diện tích xây dựng chiếm tối đa 35% diện tích toàn bộ khu đất;

e) Trong mặt bằng tổng thể của bệnh viện phải bố trí hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn theo quy định;

g) Diện tích trồng cây xanh lấy bóng mát và cách ly với bên ngoài chiếm từ 35% đến 40% diện tích khu đất;

h) Bệnh viện phải có cổng và tường rào để ngăn cách, bảo vệ.

2. Đối với khoa truyền nhiễm và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có chức năng khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm.

a) Khoa truyền nhiễm trong các bệnh viện phải xây dựng ở một khu riêng biệt;

b) Vị trí khu đất xây dựng khoa có hệ thống giao thông thuận lợi, có hệ thống kỹ thuật hạ tầng, vệ sinh môi trường tốt;

c) Vị trí xây dựng khoa đặt cuối hướng gió chủ đạo, bảo đảm khoảng cách ly với các công trình xung quanh.

Điều 2. Yêu cầu chung về thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật

1. Giải pháp tổ chức không gian của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm bảo đảm các yêu cầu:

a) Phù hợp với yêu cầu công năng sử dụng, tính chất chuyên môn và mang tính hiện đại;

b) Các giải pháp kiến trúc, kỹ thuật và thiết bị sử dụng phải bảo đảm cách ly, an toàn lao động (thông gió, chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy);

c) Nơi làm việc của Giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, trưởng khoa, khối hành chính tổng hợp được bố trí khu vực riêng;

d) Mỗi khoa chuyên môn có một phòng của lãnh đạo và một phòng làm việc của nhân viên, được trang bị bàn làm việc, tủ lưu trữ hồ sơ và các trang thiết bị thông dụng khác phù hợp với chức năng quản lý;

đ) Các phòng thủ thuật, khu tiệt trùng xử lý dụng cụ, thiết bị y tế được bố trí dây chuyền theo 01 chiều;

e) Các phòng xét nghiệm bảo đảm các yêu cầu sau:

- Bố trí khép kín để bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, chống lây nhiễm và không gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

- Bảo đảm yêu cầu vi khí hậu theo từng cấp độ.

g) Khu vực lưu bệnh nhân được thiết kế các vách ngăn động chia ra thành nhiều khu vực trên một đơn nguyên, bảo đảm cách ly khi cần theo từng cấp độ;

h) Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm được bố trí một khu kỹ thuật để cung cấp dịch vụ và một khu đào tạo huấn luyện cho tuyến dưới;

i) Phải có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và khí thải.

2. Chiều cao phòng:

a) Phòng làm việc trong các hạng mục công trình chính có chiều cao trong phòng không được thấp hơn: 3,30m (Chiều cao làm việc);

b) Các phòng phụ, phòng vệ sinh có chiều cao không được thấp hơn: 2,80m.

3. Chiều rộng hành lang:

a) Hành lang chính không được nhỏ hơn: 2,40m.

b) Hành lang phụ không được nhỏ hơn: 1,50m.

4. Cửa đi:

a) Chiều cao của các loại cửa đi không được nhỏ hơn: 2,10m.

b) Chiều rộng cửa:

loại 2 cánh không được nhỏ hơn: 1,20m.

loại 1 cánh không được nhỏ hơn: 0,80m.

5. Cầu thang:

a) Độ dốc cầu thang không được lớn hơn:  30°.

b) Chiều rộng mỗi bản thang không được nhỏ hơn: 1,60m.

c) Chiều rộng chiếu nghỉ không được nhỏ hơn:2,00m.

6. Chiếu sáng và thông gió:

a) Các phòng của khu hành chính, khoa, phòng chuyên môn và khu phụ trợ phải được ưu tiên chiếu sáng và thông gió tự nhiên, trực tiếp. Đối với các phòng mổ, thủ thuật và xét nghiệm: ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, thông gió phải điều chỉnh được theo yêu cầu;

b) Diện tích cửa sổ chiếu sáng cho các phòng được quy định trong bảng;

Bảng diện tích cửa sổ chiếu sáng tự nhiên cho các phòng

Loại phòng

Tỷ lệ (%)

(Diện tích cửa sổ / Diện tích sàn)

Các phòng thông thường

Không nhỏ hơn 20%

Các phòng phụ trợ

Không nhỏ hơn 15%

Điều 3. Yêu cầu kỹ thuật

1. Phòng xét nghiệm phải bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học phù hợp với từng cấp độ.

Đối với các phòng xét nghiệm thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV thì phải đáp ứng thêm các điều kiện theo quy định về bảo đảm chất lượng thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV.

2. Cabin vô trùng (lamina Hot) của các phòng xét nghiệm đạt yêu cầu của phòng sạch như sau:

a)

Luân chuyển không khí

:

20 lần/h

b)

Ánh sáng

:

1080 Lux

c)

Nhiệt độ

:

19°C - 22°C

d)

Độ ẩm

:

45% - 60%

3. Yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “An toàn cháy cho nhà và công trình”, mã số QCVN 06:2010/BXD.

4. Khoảng cách tối đa từ cửa đi của các phòng đến lối thoát nạn gần nhất được quy định tại bảng sau.

Bảng khoảng cách từ các phòng đến lối thoát nạn gần nhất

Bậc chịu lửa

Khoảng cách tối đa cho phép (m)

Từ các phòng ở giữa 2 lối thoát nạn

Từ các phòng có lối ra hành lang cụt

I

30

25

II

30

25

5. Kỹ thuật hạ tầng:

a) Cấp điện:

- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm phải được cấp điện 24h/ngày đáp ứng yêu cầu chiếu sáng, sử dụng các thiết bị.

- Hệ thống cấp điện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm phải bảo đảm các yêu cầu:

+ Hệ thống điện chiếu sáng phải độc lập với hệ thống điện động lực;

+ Có hệ thống tiếp địa an toàn.

b) Cấp nước:

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm phải được cấp nước sạch đầy đủ liên tục trong ngày từ nguồn nước máy, các bể dự trữ nước đã qua xử lý bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành.

- Có hệ thống cấp nước vô trùng cho các phòng mổ, thủ thuật và phục vụ cho công tác thí nghiệm của phòng xét nghiệm.

- Phải có bể chứa nước dùng cho sinh hoạt, dự phòng cứu hỏa.

c) Thoát nước:

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm phải có hệ thống thoát nước mặt và nước thải riêng biệt.

d) Nước thải:

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm phải có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải phải đạt tiêu chuẩn loại A (theo mức I, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7382-2004 về Chất lượng nước - Nước thải bệnh viện - Tiêu chuẩn thải và cột A, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 28: 2010 về nước thải y tế) Nước thải từ khu xét nghiệm và từ các phòng vệ sinh phải được thu gom, xử lý riêng trước khi thải vào hệ thống chung.

- Các phòng kỹ thuật phải có hệ thống thu nước sàn khi cọ rửa vệ sinh.

đ) Chất thải rắn:

- Chất thải y tế phải được phân loại thu gom lưu giữ và vận chuyển tới bộ phận xử lý của cơ sở hoặc khu vực chung tuân thủ theo quy định hiện hành về quản lý chất thải y tế.

- Chất thải sinh hoạt được tập trung thu gom đưa đi xử lý theo quy định hiện hành.

e) Khí thải:

- Các phòng xét nghiệm phải có hệ thống thu và xử lý khí thải từ các tủ HOT

- Phòng hoá sinh phải có hệ thống thu và xử lý không khí.

g) Yêu cầu về kết cấu và hoàn thiện công trình:

- Kết cái và hoàn thiện công trình:

+ Các hạng mục công trình khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm phải có kết cấu bền vững, dễ thi công xây lắp, phù hợp với điều kiện xây dựng sẵn có tại địa phương.

+ Các hạng mục công trình khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm phải được xây dựng, hoàn thiện cả nội thất, ngoại thất theo đúng các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành và yêu cầu riêng của các phòng chuyên ngành.

- Tường:

+ Tường trong nhà phải sơn để có thể cọ rửa được, bên ngoài sơn chống thấm.

+ Tường bên trong các phòng kỹ thuật, phòng xét nghiệm, khu rửa tiệt trùng, sấy hấp dụng cụ và phòng vệ sinh phải được sơn hoặc ốp vật liệu chịu axít, dung môi và dễ khử khuẩn.

- Sàn:

+ Sàn lát bằng gạch Ceramic, Granit, bảo đảm không trơn, trượt.

+ Sàn các phòng kỹ thuật, khu labo xét nghiệm dùng vật liệu có kích thước lớn hạn chế khe kẽ. Giao tuyến với tường vuốt tròn cạnh dễ vệ sinh chống đọng và bám bụi.

- Trần:

+ Trần thiết kế phẳng, các giao tuyến trơn, nhẵn hạn chế khe kẽ bảo đảm yêu cầu vệ sinh, cách nhiệt, cách âm, chống thấm tốt.

+ Trần sơn màu trắng.

- Cửa sổ:

+ Cửa sổ phải có khuôn, có hoa sắt bảo vệ và lưới chống côn trùng.

+ Cánh cửa lớp ngoài Pano hoặc chớp, bằng gỗ, kim loại hoặc nhựa lõi thép. Lớp trong là cửa kính để chiếu sáng tự nhiên, thông thoáng, ngăn gió lạnh.

- Cửa đi:

+ Cửa đi phải có khuôn bảo đảm độ bền vững, an toàn.

+ Cánh cửa bằng gỗ, kim loại, hoặc nhựa lõi thép kết hợp với kính.

Điều 4. Tiêu chuẩn diện tích, thiết kế

1. Tiêu chuẩn diện tích tham khảo theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 365-2007 Bệnh viện đa khoa - Hướng dẫn thiết kế và tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia có liên quan.

2. Tiêu chuẩn 52 TCN - CTYT 0040: 2005: Tiêu chuẩn thiết kế khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện đa khoa - Tiêu chuẩn ngành.

3. Tiêu chuẩn 52 TCN - CTYT 0039 : 2005 : Tiêu chuẩn thiết kế khoa cấp cứu, khoa điều trị tích cực và chống độc bệnh viện đa khoa - Tiêu chuẩn ngành.

4. Tiêu chuẩn 52 TCN - CTYT 0038 : 2005 : Tiêu chuẩn thiết kế khoa phẫu thuật bệnh viện đa khoa - Tiêu chuẩn ngành.

5. Tiêu chuẩn 52 TCN - CTYT 0037 : 2005 : Tiêu chuẩn thiết kế khoa xét nghiệm bệnh viện đa khoa - Tiêu chuẩn ngành.

6. Diện tích khu vực khám của các bệnh viện truyền nhiễm tính toán tham khảo theo Tiêu chuẩn TCXDVN 365-2007 Bệnh viện đa khoa - Hướng dẫn thiết kế, nhân thêm với hệ số 1,2 đến 1,5 cho khu vực dự phòng khi có thảm họa về dịch.

Điều 5. Yêu cầu về thiết bị y tế

Thiết bị y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm được áp dụng theo Danh mục tiêu chuẩn trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã và túi y tế thôn bản Ban hành theo Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 20 tháng 02 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngoài ra cần lưu ý một số điểm sau:

1) Đối với máy thở phải có thiết bị khử khuẩn đầu ra.

2) Buồng bệnh phải có máy tạo ozôn hoặc thiết bị khử khuẩn.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2013.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ, ngành chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) để hướng dẫn, xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thanh Long

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.