THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thủ tục góp vốn, quản lý vốn góp của tổ chức,
cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
_________________
Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục góp vốn, quản lý vốn góp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn thủ tục góp vốn, quản lý vốn góp của tổ chức, cá nhân (sau đây gọi tắt là nhà đầu tư) tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 15/2012/NĐ-CP).
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến hoạt động đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Điều 2. Điều kiện của nhà đầu tư tham gia góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
Nhà đầu tư tham gia góp vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 và Khoản 1 Điều 51 Luật Khoáng sản, bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật hợp tác xã; Doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam.
2. Có đủ kinh phí để thực hiện toàn bộ đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP.
Điều 3. Quyền lợi của nhà đầu tư tham gia góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
1. Được tham gia kiểm tra, giám sát, nghiệm thu Đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do mình đầu tư.
2. Được ưu tiên sử dụng thông tin về khoáng sản trong khu vực đã điều tra khi tham gia hoạt động khoáng sản.
3. Được lựa chọn để cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP.
4. Được hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản khi không được cấp phép thăm dò khoáng sản theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Chương II
THỦ TỤC GÓP VỐN, QUẢN LÝ VỐN GÓP ĐIỀU TRA
CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ KHOÁNG SẢN
Điều 4. Trình tự, thủ tục đăng ký, xét chọn nhà đầu tư tham gia góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng tải danh mục đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thuộc diện khuyến khích đầu tư trên cổng thông tin điện tử của Bộ, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Căn cứ vào danh mục đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thuộc diện khuyến khích đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhà đầu tư lập hồ sơ tham gia góp vốn gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Thời gian bắt đầu nhận hồ sơ sau 10 (mười) ngày làm việc và thời gian kết thúc nhận hồ sơ sau 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày đăng tải danh mục quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Hồ sơ tham gia góp vốn bao gồm:
a) Bản sao đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò, khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân được quy định tại Khoản 1 Điều 34 và Khoản 1 Điều 51 Luật khoáng sản;
b) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính (Báo cáo tài chính tại thời điểm đề nghị góp vốn hoặc của năm trước liền kề đã được kiểm toán độc lập).
4. Khi nhận được hồ sơ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phải có giấy xác nhận đã nhận hồ sơ và gửi cho nhà đầu tư (Mẫu giấy xác nhận quy định tại Phụ lục 01 kèm Thông tư này).
5. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ thời điểm hết hạn nhận hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm tổ chức xét chọn nhà đầu tư và thông báo công khai kết quả xét chọn nhà đầu tư (gồm nhà đầu tư được góp vốn và nhà đầu tư không được góp vốn) trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
6. Việc xét chọn nhà đầu tư góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được thực hiện như sau:
a) Trường hợp hết thời gian nộp hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này mà chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ thì nhà đầu tư đó được lựa chọn khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 2 Thông tư này;
b) Trường hợp hết hạn nộp hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này mà có 02 (hai) nhà đầu tư trở lên đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 2 Thông tư này thì nhà đầu tư có vốn chủ sở hữu chiếm tỷ lệ lớn nhất (tại thời điểm xét chọn) so với tổng đầu tư để thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là nhà đầu tư được lựa chọn.
Điều 5. Trình tự, thủ tục góp vốn tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản
1. Trong thời gian không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ khi nhận được thông báo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về kết quả xét chọn góp vốn đầu tư, nhà đầu tư phải ký cam kết tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Mẫu giấy cam kết quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này) và nộp giấy bảo lãnh ở tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với số tiền 01 (một) tỷ đồng cho việc lập đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Trường hợp hết hạn 30 (ba mươi) ngày, nếu nhà đầu tư được lựa chọn không ký cam kết thì nhà đầu tư có đủ điều kiện tiếp theo sẽ được lựa chọn để thay thế góp vốn đầu tư.
2. Trong thời gian không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ khi ký cam kết với nhà đầu tư, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam lập, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
3. Trong thời gian không quá 05 (năm) ngày làm việc, tính từ thời điểm đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được phê duyệt, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thông báo cho nhà đầu tư đến ký hợp đồng góp vốn tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản với đơn vị được giao thực hiện đề án.
Việc tham gia góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được thực hiện thông qua Hợp đồng và Thanh lý Hợp đồng góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản (Mẫu Hợp đồng và Thanh lý Hợp đồng quy định tại Phụ lục 03 và Phụ lục 04 kèm Thông tư này).
4. Trong thời gian không quá 30 (ba mươi) ngày tính từ thời điểm ra thông báo quy định tại Khoản 3 Điều này, nhà đầu tư không đến ký hợp đồng thì được coi là không thực hiện cam kết. Số tiền bảo lãnh quy định tại Khoản 1 Điều này được thanh toán cho công tác lập đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo quy định; trường hợp thừa, trả lại nhà đầu tư.
5. Tiến độ góp vốn trong Hợp đồng góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phải được bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 6. Quản lý vốn góp đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
1. Vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ chuyển đổi thành tiền Việt Nam tại thời điểm nộp tiền.
2. Căn cứ để nhà đầu tư góp vốn thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được thực hiện theo định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, đơn giá do cấp có thẩm quyền phê duyệt và chế độ chi tiêu hiện hành.
3. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận nguồn vốn góp của nhà đầu tư và phải quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Việc quản lý, sử dụng vốn góp của nhà đầu tư thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được thực hiện theo Hợp đồng đã ký kết và quy định về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ngân sách chi sự nghiệp kinh tế đối với các nhiệm vụ chi thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản.
5. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát chi nguồn vốn góp điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tương tự quy định về chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước hiện hành.
6. Việc nghiệm thu đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thực hiện theo quy chế kiểm tra, nghiệm thu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
7. Số dư vốn góp cuối năm chưa chi hết, đơn vị được chuyển sang năm sau thực hiện.
8. Việc quyết toán vốn góp điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hàng năm (quyết toán nguồn kinh phí khác) theo quy định của Bộ Tài chính về xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp.
9. Khi kết thúc đề án, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm phê duyệt quyết toán kinh phí thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo quy định hiện hành.
Trường hợp kinh phí quyết toán ít hơn số vốn góp của nhà đầu tư, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả cho nhà đầu tư kinh phí không sử dụng hết. Trường hợp kinh phí quyết toán cao hơn số vốn góp của nhà đầu tư, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho nhà đầu tư biết để bổ sung thêm vốn góp.
10. Kết quả nghiệm thu đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là cơ sở để thanh lý Hợp đồng.
Điều 7. Hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
1. Nhà đầu tư góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản khi không đủ điều kiện để được cấp phép thăm dò khoáng sản ở khu vực đã điều tra thì tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò khoáng sản phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cho nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
2. Trường hợp khu vực điều tra không đủ điều kiện cấp phép thăm dò khoáng sản thì nhà đầu tư không được hoàn trả vốn đã góp.
Chương III
TRÁCH NHIỆM VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 8. Trách nhiệm của nhà đầu tư góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
1. Chịu trách nhiệm góp vốn thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo đúng Hợp đồng.
2. Không được hoàn trả chi phí đã đầu tư khi thực hiện không đúng Hợp đồng.
Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Phê duyệt hoặc ủy quyền cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phê duyệt đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do nhà đầu tư góp vốn thực hiện.
2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan, nhà đầu tư kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bảo đảm quản lý, sử dụng vốn góp của nhà đầu tư đúng mục đích, hiệu quả.
Điều 10. Trách nhiệm của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam
1. Tiếp nhận và quản lý, sử dụng vốn góp đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
2. Định kỳ thông báo kết quả điều tra; cung cấp toàn bộ kết quả điều tra khi kết thúc đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cho nhà đầu tư đã góp vốn tham gia điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
3. Hướng dẫn, thu tiền hoàn trả chi phí của tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò khoáng sản để trả cho nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư không đủ điều kiện được cấp phép thăm dò ở khu vực đã điều tra theo quy định của Thông tư liên tịch số 186/2009/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp xác định, phương thức, thủ tục thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 64/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 186/2009/TTLT-BTC-BTNMT.
4. Tổ chức thực hiện và kiểm tra, nghiệm thu, giám sát việc thực hiện Đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 12 năm 2014.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung đó.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.