• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/01/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 21/08/2011
HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 6b/2002/NQ/HĐND4
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 1 năm 2002

NGHỊ QUYẾT

Về dự toán ngân sách năm 2002

__________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 1996 (sửa đổi);

- Căn cứ Quyết định số 196/2001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2002;

- Căn cứ Quyết định số 145/2001/QĐ-BTC ngày 27 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2002 và công văn số 19 TC/NSNN ngày 02 tháng 01 năm 2002 hướng dẫn phân bổ ngân sách năm 2002;

- Sau khi xem xét Báo cáo của UBND tỉnh về dự toán ngân sách năm 2002; Thuyết trình của Ban Kinh tế và Ngân sách; ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ

I/ Thông qua dự toán thu, chi ngân sách năm 2002 với các chỉ tiêu chủ yếu sau:

1. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn:508,00 tỷ đồng, gồm:

 -Thu nội địa:375,30 tỷ đồng.

 - Thuế xuất, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hàng nhậpkhẩu:40,00 tỷ đồng.

 - Các khoản thu, cân đối chi qua ngân sách nhà nước:

92,70 tỷ đồng.

2. Tổng chi ngân sách địa phương: 779,80 tỷ đồng.

II/ Thông qua kế hoạch phân bổ chỉ tiêu thu, chi ngân sách của UBND tỉnh giao cho từng ngành, địa phương, đơn vị và dự trù kinh phí hoạt động của HĐND tỉnh năm 2002 (có phụ lục kèm theo).

III/ Để thực hiện dự toán ngân sách năm 2002, HĐND tỉnh nhấn mạnh một số biện pháp sau đây:

1. Về thu ngân sách:

- Tiếp tục nghiên cứu ban hành mới và bổ sung chính sách ưu đãi, hấp dẫn đầu tư, nhằm động viên, huy động, khai thác tối đa, kịp thời mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, những ngành mũi nhọn, những lĩnh vực có lợi thế so sánh, sản phẩm có hiệu quả; triển khai đồng bộ các biện pháp kích cầu, tạo môi trường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, vừa động viên được sức dân trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, mở mang dịch vụ, coi đó là điều kiện tiên quyết để phát triển nhằm ổn định nguồn thu hiện có và phát triển nguồn thu mới.

- Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết TW3 (khoá IX) về sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết hội nghị TW5 (khóaVIII) về phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; có các giải pháp đồng bộ để kinh tế tập thể phát triển; tăng cường chỉ đạo việc thi hành Luật Doanh nghiệp; kịp thời ngăn chặn những biểu hiện phân biệt đối xử nhằm thúc đẩy mọi thành phần kinh tế phát triển; tổ chức tốt thông tin kinh tế để hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu; chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị tốt cho việc chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do Hiệp hội các nước Đông-Nam á (AFTA); Tổ chức hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ.

- Tập trung chỉ đạo tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, có biện pháp cụ thể để nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm về việc chấp hành nghĩa vụ thuế trong việc tự tính, tự kê khai, tự nộp thuế theo qui định của pháp luật; ngành thuế phải chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chức năng liên quan trong công tác chống thất thu, nợ thuế, trốn lậu thuế, kinh doanh trái pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra sau khi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nhằm khắc phục tình trạng bỏ sót đối tượng thu thuế.

- Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu ngân sách; đồng thời có hình thức xử lý thích đáng những tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ thuế.

2. Về chi ngân sách:

- Thực hiện quản lý chặt chẽ và có hiệu quả các nguồn kinh phí; đảm bảo vốn đầu tư cho các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm đã được xác định; cho các lĩnh vực văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, quốc phòng - an ninh và các chương trình mục tiêu trong kế hoạch; bố trí vốn dự phòng để chủ động đáp ứng cho những nhiệm vụ chi đột xuất phát sinh.

- Kiên quyết xử lý việc chi tiêu lãng phí, không đúng chế độ; thực hiện nghiêm ngặt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân; những vi phạm về chi sai mục đích, sai chế độ hoặc làm thất thoát tài sản Nhà nước, người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm.

IV/Giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện ngay từ đầu năm dự toán ngân sách đã được phân bổ, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Qui chế công khai tài chính, tiếp tục cải cách bộ máy và các thủ tục hành chính để nâng cao hiêu lực, hiệu quảquản lý nhà nước về tài chính.

Trong quá trình điều hành ngân sách, nếu có những vấn đề lớn phát sinh, UBND tỉnh cùng Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định và báo cáo cho HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

V/Giao trách nhiệm cho Thường trực HĐND, các Ban, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2002 theo lĩnh vực và phạm vi trách nhiệm đã được pháp luật qui định.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khoá IV, kỳ họp thứ 6 thông qua lúc 15 giờ20phút ngày 24 tháng 01 năm 2002.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hồ Xuân Mãn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.