• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/11/2005
UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 53/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 11 năm 2005

CHỈ THỊ

Về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người

_______________________

Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong lịch sử, virus cúm gia cầm đã từng gây ra đại dịch ở nhiều nước trên thế giới, đại dịch cúm 1918 - 1919, chỉ sau một thời gian ngắn đã làm tử vong 40 triệu người. Theo cảnh báo của các tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức Thú y thế giới (OIE), tổ chức Nông lương thế giới (FAO), hiện nay thế giới đang đứng trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

Ở nước ta, từ cuối năm 2003 đến nay bệnh dịch cúm gia cầm H5N1 và cúm A (H5N1) trên người đã xảy ra 3 đợt chính, phải tiêu huỷ gần 50 triệu con gia cầm và có 91 người mắc bệnh, trong đó có 41 người tử vong.

Để chủ động đối phó với tinh thần nỗ lực cao nhất, không để xảy ra và ít thiệt hại nhất khi có xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 34/2005/CT-TTg về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người, Công điện số 1686/TTg-NN ngày 01/11/2005; Chính phủ đã có Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP ngày 04/11/2005 về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người; Ban Bí thư TW Đảng đã có Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 28/10/2005 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người (phổ biến đến tận chi bộ); Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/9/2005 về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Công văn số 1786/TTg-NN ngày 10/11/2005 về việc phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Bí thư TW, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; để chủ động đối phó với tinh thần nỗ lực cao nhất, ngăn chặn có hiệu quả hiểm hoạ dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người ở tỉnh ta, UBND Tỉnh chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm Tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp SARS và cúm ở người, khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người trình UBND Tỉnh phe duyệt để triển khai thực hiện với tinh thần chủ động cao nhất.

2. UBND các huyện, thành phố Huế, các Sở ngành có liên quan căn cứ kế hoạch hành động khẩn cấp được UBND tỉnh phê duyệt, khẩn trương xây dựng ngay kế hoạch hành động khẩn cấp ở địa phương mình để chủ động đối phó dịch bệnh với tinh thần nỗ lực cao nhất, để không xảy ra và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có dịch.

Việc quán triệt và triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người phải được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và trách nhiệm của mỗi người dân, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế xây dựng Đề cương tuyên truyền cụ thể về kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch. Sở Văn hoá Thông tin phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan thông tin đại chúng tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, có hình thức phổ biến thông tin đơn giản, dễ hiểu (tờ rơi, áp phích…), coi đây là biện pháp đặc biệt quan trọng, nhân tố quyết định hàng đầu để mọi người dân nhận thức, hiểu rõ về dịch bệnh và nguy cơ của dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, tự giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Đưa tin ở mức độ cần thiết, cung cấp những thông tin chính xác phản ánh được tình hình dịch bệnh kết quả triển khai thực hiện của các địa phương đơn vị.

4. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND thành phố Huế và các huyện, các Sở, ngành có liên quan có trách nhiệm:

- Huy động lực lượng chuyên môn và các lực lượng trên địa bàn (lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, học sinh, sinh viên của các trường đại học, trung học chuyên nghiệp,…) tiến hành một đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ở các khu vực chuồng trại, nơi mua bán, giết mổ, chế biến, nơi chôn gia cầm và các vị trí ổ dịch cũ trên toàn tỉnh trong tháng 11/2005. Tập trung chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc-xin và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về thú y; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vắc-xin tiêm phòng; hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm đúng tiến độ kế hoạch đã được duyệt.

- Giám sát tình hình dịch cúm gia cầm đến hộ gia đình thôn, bản, cụm dân cư…, nếu phát hiện có gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân, phải áp dụng ngay biện pháp tiêu hủy gia cầm, tiêu độc khử trùng, khống chế bao vây ổ dịch, cấm vận chuyển gia cầm ra khỏi ổ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch khác theo quy định của pháp luật về thú y, không để dịch lây lan.

- Qui hoạch và tổ chức lại các cơ sở chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và cơ sở giết mổ buôn bán gia cầm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không buôn bán và sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm bị nhiễm vi rút cúm H5N1. Có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi gia cầm chuyển sang sản xuất ngành nghề khác. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng, tu sửa, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

- Từ nay trở đi nghiêm cấm việc chế biến và bán các loại tiết canh gia súc, gia cầm… trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đối với thành phố Huế: Triển khai ngay các biện pháp cấm nuôi gia cầm, bán gia cầm sống trong thành phố. Khẩn trương xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung. Nghiêm cấm mua bán gia cầm sống hoặc giết mổ gia cầm tại các chợ, các điểm không theo đúng quy định; chỉ cho phép mua bán gia cầm sau khi đã giết mổ, chế biến bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đối với các huyện: Cấm nuôi gia cầm tại nội thị các thị trấn, hạn chế nuôi gia cầm ở nơi có nguy cơ cao về dịch bệnh. Hướng dẫn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm không để dịch xảy ra, giữ vệ sinh môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Quy hoạch và sớm đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, các khu mua bán gia súc, gia cầm sống theo đúng Chỉ thị số 49/CT-UBND ngày 04/11/2005 của UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các Tổ công tác liên ngành các địa phương: Quản lý thị trường, Y tế, Thú y, Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, thường xuyên giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tổ chức các trạm kiểm soát ở hai đầu tỉnh trên QL1 và đường Hồ Chí Minh để kịp thời ngăn chặn tình trạng vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không theo đúng quy định của pháp luật về Thú y.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra tình hình, diễn biến môi trường các ổ dịch cúm gia cầm cũ, các khu vực dịch bệnh dễ có khả năng xâm nhập, phối hợp với các Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và PTNT giảm sát việc tuân thủ quy định xử lý tiêu huỷ gia cầm và các sản phẩm gia cầm phải tiêu huỷ.

6. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Y tế theo dõi, cập nhật, giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm gia cầm và dịch cúm trên người trong Tỉnh. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm tại các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

7. Sở Y tế khẩn trương đầu tư trang thiết bị và nâng cấp các cơ sở Y tế để có đủ điều kiện tiếp nhận và điều trị bệnh nhân khi có đại dịch xảy ra.

8. Sở Tài chính bố trí ngân sách để mua đủ cơ số thuốc dự phòng, máy thở, hoá chất, thiết bị bảo hộ và các chi phí khác cho công tác phòng, chống dịch; đề xuất UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.

9. Các Sở, Ban, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện và thành phố Huế, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh nghiên cứu đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương để thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm triển khai thực hiện tốt công tác Phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người có khả năng xảy ra.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các cấp hội quán triệt, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động toàn dân thực hiện tốt phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh, nghiêm túc thực hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y) thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo tỉnh tình hình triển khai hàng tuần về UBND tỉnh./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Lý

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.