• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2015
BỘ NỘI VỤ
Số: 18/2014/TT-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 11 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong

 đã được thành lập và hoạt động trong các thời kỳ đối với đơn vị

thanh niên xung phong chưa được xác định phiên hiệu

_____________________

 

Căn cứ Luật Thanh niên năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong;

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đã được thành lập và hoạt động trong các thời kỳ đối với đơn vị thanh niên xung phong chưa được xác định phiên hiệu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định tiêu chí, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đối với đơn vị thanh niên xung phong đã được thành lập và hoạt động trong các thời kỳ ở Trung ương và địa phương mà chưa được xác định phiên hiệu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lập hồ sơ, xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đã được thành lập và hoạt động trong các thời kỳ đối với đơn vị thanh niên xung phong chưa được xác định phiên hiệu.

Điều 3. Phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong

1. Phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong gồm tên gọi và ký hiệu (nếu có):

a) Tên gọi của đơn vị thanh niên xung phong trong các thời kỳ được xác định theo các tiêu chí quy định tại Chương II Thông tư này;

b) Ký hiệu của đơn vị thanh niên xung phong được xác định theo chữ cái gắn liền với dãy chữ số có ý nghĩa lịch sử hoặc đặc thù riêng về đơn vị thanh niên xung phong.

2. Phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong là căn cứ để cán bộ quản lý, đội viên thanh niên xung phong đề nghị cấp có thẩm quyền:

a) Xác nhận sự tham gia phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

b) Đề nghị giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ quản lý, đội viên thanh niên xung phong quy định tại Khoản 2 Điều này gồm:

a) Thanh niên dưới 18 tuổi là người tình nguyện tham gia thanh niên xung phong và được tổ chức chấp thuận;

b) Thanh niên từ 18 tuổi đến 30 tuổi được cơ quan có thẩm quyền huy động tham gia thanh niên xung phong;

c) Người trên 30 tuổi được huy động tham gia thanh niên xung phong để làm nhiệm vụ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật.

Chương II

TIÊU CHÍ XÁC NHẬN PHIÊN HIỆU ĐƠN VỊ THANH NIÊN

 XUNG PHONG TRONG CÁC THỜI KỲ

Điều 4. Tiêu chí đơn vị thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1950 đến năm 1954

1. Chủ trương thành lập

Căn cứ vào Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc Nghị quyết của một trong các tổ chức sau:

a) Đảng Đoàn thanh vận Trung ương;

b) Đoàn thanh niên Cứu quốc Việt Nam;

c) Đoàn thanh niên Lao động.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập

Được một trong các cơ quan sau đây quyết định thành lập, quản lý và sử dụng:

a) Đoàn thanh niên xung phong Trung ương hoặc Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc Việt Nam;

b) Tổng cục Cung cấp nhà nước;

c) Ủy ban hành chính cấp tỉnh.

3. Hình thức tổ chức

Đơn vị thanh niên xung phong được tổ chức theo các hình thức sau đây:

a) Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương, Đội thanh niên xung phong kiểu mẫu, Đoàn thanh niên xung phong XP;

b) Liên đội, liên phân đội, phân đội;

c) Đội thanh niên xung phong và được tổ chức thành các đại đội, trung đội và tiểu đội.

4. Nhiệm vụ của đơn vị thanh niên xung phong

Đơn vị thanh niên xung phong thực hiện một trong những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a) Xây dựng và sửa chữa đường giao thông, tháo gỡ bom mìn, bảo đảm giao thông;

b) Vận chuyển hậu cần, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu;

c) Làm công tác dân vận, tham gia bảo vệ, phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, sản xuất và học tập;

d) Tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng các công trình trọng điểm, khôi phục và phát triển kinh tế ở các lĩnh vực, địa bàn khó khăn;

đ) Bổ sung lực lượng cho quân đội khi cần thiết.

5. Thời gian hoạt động của đơn vị thanh niên xung phong

Thời gian hoạt động cụ thể của từng đơn vị thanh niên xung phong thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền huy động, quản lý và sử dụng thanh niên xung phong.

6. Chế độ sinh hoạt, trang bị của cán bộ quản lý, đội viên thanh niên xung phong trong thời gian làm nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền huy động bảo đảm (không hưởng lương).

Điều 5. Tiêu chí đơn vị thanh niên xung phong làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1955 đến năm 1964

1. Chủ trương thành lập

Căn cứ vào Chỉ thị số 01/CT.TNLĐ/TW ngày 25 tháng 02 năm 1959 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Lao động về việc tuyển thanh niên xung phong kiến thiết xã hội chủ nghĩa hoặc theo chủ trương của tổ chức Đoàn thanh niên hoặc của chính quyền cách mạng ở miền Nam.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập

Được một trong các cơ quan sau đây quyết định thành lập, quản lý và sử dụng:

a) Trung ương Đoàn thanh niên;

b) Bộ, cơ quan khác ở Trung ương;

c) Ủy ban hành chính cấp tỉnh, cấp huyện;

d) Đoàn thanh niên cấp tỉnh;

đ) Tổ chức Đoàn thanh niên hoặc chính quyền cách mạng ở miền Nam.

3. Hình thức tổ chức

Đơn vị thanh niên xung phong được tổ chức theo các hình thức sau đây:

a) Đoàn, đội thanh niên xung phong xây dựng chủ nghĩa xã hội;

b) Các đội thanh niên xung phong ở địa phương.

4. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị thanh niên xung phong

Đơn vị thanh niên xung phong thực hiện một trong những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a) Tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, mở đường giao thông;

b) Xây dựng, kiến thiết những công trình hoặc những công việc cấp thiết trong phong trào thanh niên xung phong với nhiệm vụ củng cố hòa bình;

c) Tổ chức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, đội viên thanh niên xung phong; phục vụ kháng chiến ở miền Nam.

5. Thời gian hoạt động của đơn vị thanh niên xung phong

Thời gian hoạt động cụ thể của từng đơn vị thanh niên xung phong thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền huy động, quản lý và sử dụng thanh niên xung phong; đối với đơn vị thanh niên xung phong ở miền Nam, thời gian hoạt động cụ thể thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ kháng chiến của từng địa phương.

6. Chế độ sinh hoạt, trang bị của cán bộ quản lý, đội viên thanh niên xung phong trong thời gian làm nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền huy động bảo đảm (không hưởng lương); đối với các địa phương ở miền Nam, chế độ sinh hoạt, trang bị theo điều kiện cụ thể hoặc vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu.

Điều 6. Tiêu chí đơn vị thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1965 đến năm 1975

1. Chủ trương thành lập

Căn cứ vào Chỉ thị số 71/TTg-CN ngày 21 tháng 6 năm 1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước phục vụ công tác giao thông vận tải hoặc theo Nghị quyết Đại hội Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam lần thứ nhất ngày 26 tháng 3 năm 1965.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập

Được một trong các cơ quan sau đây quyết định thành lập, quản lý và sử dụng:

a) Trung ương Đoàn Thanh niên lao động;

b) Bộ, cơ quan khác ở Trung ương;

c) Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam hoặc chính quyền cách mạng cấp khu, cấp tỉnh, cấp huyện ở miền Nam.

3. Hình thức tổ chức

Đơn vị thanh niên xung phong được tổ chức theo các hình thức sau đây:

a) Tổng đội, đội thanh niên xung phong và được tổ chức thành các liên đội, tiểu đoàn, liên phân đội, đại đội, trung đội, tiểu đội đối với thanh niên xung phong tập trung;

b) Trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, phân đội, tiểu đội đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam.

4. Nhiệm vụ của đơn vị thanh niên xung phong

Đơn vị thanh niên xung phong thực hiện một trong những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a) Xây dựng công trình cấp thiết về quốc phòng, phục vụ kháng chiến và xây dựng kinh tế;

b) Mở đường giao thông, bảo đảm giao thông, vận chuyển hậu cần, chuyển thương, tải đạn, phục vụ chiến đấu, trực tiếp tham gia chiến đấu, tháo gỡ bom mìn, thu dọn chiến trường, công tác trong vùng địch;

c) Bổ sung lực lượng cho quân đội khi cần thiết.

5. Thời gian hoạt động của đơn vị thanh niên xung phong

Thời gian hoạt động cụ thể của từng đơn vị thanh niên xung phong thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền huy động, quản lý và sử dụng thanh niên xung phong; đối với đơn vị thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam, thời gian huy động thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ kháng chiến của từng địa phương.

6. Chế độ sinh hoạt, trang bị của cán bộ quản lý, đội viên thanh niên xung phong trong thời gian làm nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền huy động bảo đảm (không hưởng lương); đối với các địa phương ở miền Nam, chế độ sinh hoạt, trang bị theo điều kiện cụ thể hoặc vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu.

Điều 7. Tiêu chí đơn vị thanh niên xung phong xây dựng, phát triển kinh tế, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975

1. Chủ trương thành lập

Căn cứ vào Chỉ thị số 460-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1978 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lực lượng thanh niên xung phong xây dựng kinh tế ở các tỉnh, thành phố miền Nam hoặc Quyết định số 770/TTg ngày 20 tháng 12 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong hoặc do cấp có thẩm quyền điều động tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập

Được một trong các cơ quan sau đây quyết định thành lập, quản lý và sử dụng:

a) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

b) Bộ, cơ quan khác ở Trung ương;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

d) Đoàn thanh niên cấp tỉnh.

3. Hình thức tổ chức

Đơn vị thanh niên xung phong được tổ chức theo các hình thức sau đây:

a) Lực lượng, tổng đội, đội, tiểu đoàn, liên đội, đại đội, trung đội, tiểu đội thanh niên xung phong;

b) Tiểu đoàn thanh niên xung phong mang tên Thanh niên xung kích bảo vệ biên giới;

c) Khu kinh tế thanh niên xung phong, công trường, nông trường, lâm trường thanh niên xung phong;

d) Trường, trung tâm giáo dục, dạy nghề của thanh niên xung phong;

đ) Doanh nghiệp thanh niên xung phong;

e) Lực lượng thanh niên xung phong được huy động tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

4. Nhiệm vụ của đơn vị thanh niên xung phong

Đơn vị thanh niên xung phong thực hiện một trong những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a) Khắc phục hậu quả chiến tranh, mở đường giao thông, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng sau giải phóng;

b) Lao động sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các vùng kinh tế mới như: khai hoang mở rộng diện tích, trồng rừng, làm thủy lợi, làm đường, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống;

c) Phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế;

d) Xung kích thực hiện nhiệm vụ khó khăn và cấp bách, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo danh mục do cấp có thẩm quyền quy định.

5. Thời gian hoạt động của đơn vị thanh niên xung phong

Thời gian hoạt động cụ thể của từng đơn vị thanh niên xung phong thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền huy động, quản lý và sử dụng thanh niên xung phong.

6. Chế độ sinh hoạt, trang bị của cán bộ quản lý, đội viên thanh niên xung phong trong thời gian làm nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền huy động bảo đảm (không hưởng lương). Cán bộ quản lý, đội viên thanh niên xung phong thuộc các đơn vị làm kinh tế được hưởng lương và các chế độ phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

THẨM QUYỀN, HỒ SƠ, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÁC NHẬN

PHIÊN HIỆU ĐƠN VỊ THANH NIÊN XUNG PHONG

Điều 8. Thẩm quyền xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong

1. Đối với các tổ chức thanh niên xung phong được thành lập trước ngày 26 tháng 3 năm 2011:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đối với các đơn vị thanh niên xung phong do cấp mình quyết định thành lập hoặc trực tiếp quản lý và sử dụng;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đối với các đơn vị thanh niên xung phong do cấp tỉnh và cấp huyện trực thuộc quyết định thành lập hoặc trực tiếp quản lý và sử dụng.

2. Đối với các tổ chức thanh niên xung phong được thành lập từ ngày 26 tháng 3 năm 2011 trở về sau thực hiện theo quy định tại Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong

Hồ sơ đề nghị xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong gồm:

1. Văn bản của tổ chức, cá nhân đề nghị xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong.

2. Các giấy tờ cần thiết (bản chính hoặc bản sao) theo tiêu chí quy định tại Chương II Thông tư này.

Điều 10. Trình tự, thủ tục xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong do các cơ quan ở Trung ương thành lập, quản lý và sử dụng

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong có trách nhiệm gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này đến Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam.

2. Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận, hướng dẫn, bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 8 Thông tư này để xem xét, quyết định xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong.

3. Trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tham mưu làm công tác tổ chức, nhân sự của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 8 Thông tư này có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định:

a) Trường hợp có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này, thì trình người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Thông tư này xem xét, quyết định việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong.

Nội dung của quyết định xác nhận phải phản ánh đầy đủ các tiêu chí quy định tại Chương II Thông tư này;

b) Trường hợp không đủ hồ sơ xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Trình tự, thủ tục xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong do cấp tỉnh, cấp huyện thành lập, quản lý và sử dụng

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong có trách nhiệm gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này đến Hội Cựu thanh niên xung phong cấp tỉnh.

2. Hội Cựu thanh niên xung phong cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, hướng dẫn bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ và có văn bản gửi Sở Nội vụ xem xét, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong.

3. Trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định:

a) Trường hợp có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này, thì trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong.

Nội dung của quyết định xác nhận phải phản ánh đầy đủ các tiêu chí quy định tại Chương II Thông tư này;

b) Trường hợp không đủ hồ sơ xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 12. Đính chính, hủy bỏ việc xác nhận

1. Trường hợp phát hiện quyết định xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong có sai sót, nhưng không làm ảnh hưởng đến thẩm quyền, nội dung xác nhận thì thực hiện đính chính.

2. Trường hợp phát hiện quyết định xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong không đúng sự thật hoặc trái thẩm quyền thì cơ quan ban hành quyết định có trách nhiệm hủy bỏ quyết định đó.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan khác ở Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Tổ chức xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong theo quy định tại Chương III Thông tư này.

2. Hàng năm, tổng hợp số lượng đơn vị thanh niên xung phong đã được cấp có thẩm quyền xác nhận phiên hiệu và gửi danh sách về Bộ Nội vụ để theo dõi.

Điều 14. Đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Thông tư này tới các cấp bộ Đoàn.

2. Hướng dẫn các cấp bộ Đoàn phối hợp với Hội Cựu thanh niên xung phong các cấp trong việc lập hồ sơ, xác minh đề nghị xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong.

Điều 15. Đề nghị Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Thông tư này tới Hội Cựu thanh niên xung phong các cấp.

2. Rà soát, thống kê số lượng các đơn vị thanh niên xung phong qua các thời kỳ chưa được xác định phiên hiệu.

3. Hướng dẫn Hội Cựu thanh niên xung phong các cấp phối hợp với các cấp bộ Đoàn trong việc tiếp nhận, lập hồ sơ, đề nghị xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Duy Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.