• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 26/02/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2018
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ CÔNG AN
Số: 01/2015/TTLT-BCA-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 13 tháng 1 năm 2015

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ

hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng kiểm ngư

________________

 

Căn cứ Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 30 tháng 6 năm 2011; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 12 tháng 7 năm 2013 (sau đây viết gọn là Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ);

Căn cứ Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sau đây viết gọn là Nghị định số 25/2012/NĐ-CP); Nghị định số 76/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sau đây viết gọn là Nghị định số 76/2014/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2012 về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc, chủng loại, đối tượng, kế hoạch, kinh phí, cấp phát, điều chuyển, thu hồi, bảo quản, giao nhận, sửa chữa, đào tạo, tập huấn, chế độ thông tin, báo cáo và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Kiểm ngư viên.

2. Thuyền viên tàu Kiểm ngư.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư.

Điều 3. Nguyên tắc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư

1. Tuân thủ Hiến pháp, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư này.

2. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng Kiểm ngư.

3. Bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đúng kế hoạch và đúng đối tượng sử dụng.

Điều 4. Các loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng Kiểm ngư

1. Các loại vũ khí quân dụng trang bị cho lực lượng Kiểm ngư được quy định tại Điều 9 Nghị định số 76/2014/NĐ-CP.

2. Công cụ hỗ trợ gồm:

a) Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

c) Các loại lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

d) Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, áo giáp các loại, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn.

Điều 5. Lập kế hoạch trang bị và kinh phí bảo đảm cho việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, thiết bị chuyên dùng của lực lượng kiểm ngư

1. Cục Kiểm ngư lập kế hoạch trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư trên cơ sở tổng hợp kế hoạch trang bị của các đơn vị trực thuộc báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định trang bị.

2. Kinh phí bảo đảm cho việc mua sắm, cấp phát, điều chuyển, sửa chữa, thu hồi, xây dựng kho, nơi cất giữ, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương II

TRANG BỊ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ QUÂN DỤNG,

CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 6. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Cục Kiểm ngư.

2. Chi cục Kiểm ngư Vùng.

3. Chi đội Kiểm ngư.

4. Trạm Kiểm ngư.

5. Tàu Kiểm ngư.

Điều 7. Đối tượng được giao sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Đối tượng được giao sử dụng vũ khí quân dụng

a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Thông tư này có trách nhiệm giao súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này cho Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư là công chức có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư này để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam;

b) Cục trưởng Cục Kiểm ngư có trách nhiệm giao súng trung liên, súng đại liên, súng 14,5 mm (mi-li-mét) trang bị trên tàu Kiểm ngư và đạn sử dụng cho các loại súng này cho Thuyền viên tàu Kiểm ngư là công chức có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư này để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

2. Đối tượng được giao sử dụng công cụ hỗ trợ

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 Thông tư này có trách nhiệm giao công cụ hỗ trợ cho Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư này để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Kiểm ngư.

Điều 8. Sử dụng vũ khí quân dụng

Khi thi hành công vụ, người được giao sử dụng vũ khí quân dụng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc nổ súng phải tuân thủ quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Điều 9 của Nghị định số 25/2012/NĐ-CP, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định hiện hành khác của pháp luật về sử dụng vũ khí quân dụng trong khi thi hành công vụ.

Điều 9. Sử dụng công cụ hỗ trợ

Khi thi hành công vụ, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 33 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP, Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 30/2012/TT-BCA ngày 29/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh.

Điều 10. Tiêu chuẩn của người được giao sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Tiêu chuẩn của người được giao sử dụng vũ khí quân dụng:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có sức khỏe phù hợp với công việc được giao;

c) Được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí quân dụng;

d) Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí quân dụng.

2. Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ.

Điều 11. Cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm ngư

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm ngư trên toàn quốc theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

2. Cục trưởng Cục Kiểm ngư thực hiện việc cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với các đơn vị trực thuộc sau khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Việc cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải có quyết định bằng văn bản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định thực hiện cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, Cục trưởng Cục Kiểm ngư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và báo cáo Tổng cục Thủy sản để theo dõi, quản lý.

Điều 12. Bảo quản, giao nhận vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải được quản lý và bảo quản tập trung tại kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ của cơ quan, đơn vị được trang bị, sử dụng. Kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải phân công người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 13 Thông tư này để bảo quản vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ. Người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, bảo quản theo quy định.

3. Việc giao, nhận vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải có sổ sách theo dõi, có đầy đủ chữ ký của người giao, người nhận.

4. Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu kiểm ngư được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ khi kết thúc nhiệm vụ, hết thời hạn được giao, thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để quản lý, bảo quản vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật thì phải bàn giao lại đầy đủ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và hồ sơ, sổ sách có liên quan cho cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.

5. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Tiêu chuẩn của người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Có phẩm chất đạo đức tốt.

2. Có sức khỏe phù hợp với công việc được giao.

3. Có chứng chỉ chuyên môn về quản lý vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ.

4. Có chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp.

5. Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Điều 14. Sửa chữa, giao nộp, thanh lý vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Cục Kiểm ngư có trách nhiệm tổng hợp số lượng, chủng loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ bị hư hỏng của các đơn vị trực thuộc Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng, Chi đội Kiểm ngư, Trạm Kiểm ngư, Tàu Kiểm ngư để làm thủ tục sửa chữa theo quy định của pháp luật.

2. Đối với vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ bị hư hỏng không thể sửa chữa được hoặc đã hết hạn sử dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị tổng hợp và chuyển giao cho cơ quan Công an đã cấp giấy phép sử dụng để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày giao nộp vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cơ quan Công an, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó có trách nhiệm báo cáo kết quả giao nộp bằng văn bản về Cục Kiểm ngư để theo dõi.

Điều 15. Đào tạo, tập huấn, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan khác có thẩm quyền tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư để được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Định kỳ 6 tháng, 01 năm, Cục Kiểm ngư và các đơn vị trực thuộc Cục Kiểm ngư có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Thủy sản và cơ quan Công an cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ về tình hình quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của cơ quan, đơn vị mình. Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 15 tháng 7, báo cáo năm gửi trước ngày 15 tháng 01 của năm sau.

2. Trường hợp bị mất vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ hoặc giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản ngay với cơ quan Công an gần nhất và cơ quan Công an đã cấp giấy phép sử dụng để phối hợp truy tìm, giải quyết; đồng thời báo cáo bằng văn bản về Tổng cục Thủy sản.

Chương III

TRANG BỊ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG THIẾT BỊ CHUYÊN DÙNG

Điều 17. Các loại thiết bị chuyên dùng trang bị cho lực lượng Kiểm ngư

Căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tế hoạt động, lực lượng Kiểm ngư được trang bị các loại thiết bị chuyên dùng sau:

1. Thiết bị dò chất nổ cầm tay.

2. Trang thiết bị lặn biển; đèn pha dưới nước; quần áo chống thấm nước.

3. Mặt nạ phòng độc; ống nhòm ban ngày, ống nhòm ban đêm; ống nhòm tầm nhiệt; mũ bảo hiểm chuyên dụng; bảo vệ khớp tay, gối.

4. Đèn pha chiếu sáng công suất lớn có bộ lọc hồng ngoại; loa nén công suất lớn, loa chế áp âm thanh dải rộng, còi ủ công suất lớn; vòi rồng (vòi phun nước áp lực cao); điện thoại sử dụng Inmarsat (điện thoại vệ tinh).

5. Tủ chuyên dụng dùng để đựng (cất, bảo quản) vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, thiết bị chuyên dùng.

6. Thiết bị đánh dấu tàu vi phạm.

7. Các loại thiết bị chuyên dùng khác theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Đối tượng được trang bị thiết bị chuyên dùng

1. Cục Kiểm ngư.

2. Chi cục Kiểm ngư Vùng.

3. Chi đội Kiểm ngư.

4. Trạm Kiểm ngư.

Điều 19. Đối tượng được giao sử dụng thiết bị chuyên dùng

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 18 Thông tư này có trách nhiệm giao thiết bị chuyên dùng cho người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 20 Thông tư này để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Kiểm ngư.

Điều 20. Tiêu chuẩn của người được giao thiết bị chuyên dùng

1. Có phẩm chất đạo đức tốt.

2. Có sức khỏe phù hợp với loại thiết bị chuyên dùng được giao sử dụng.

3. Người được giao sử dụng thiết bị chuyên dùng phải được tập huấn về tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng thiết bị chuyên dùng.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ QUÂN DỤNG,

CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ THIẾT BỊ CHUYÊN DÙNG CỦA LỰC LƯỢNG KIỂM NGƯ

Điều 21. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng cho lực lượng Kiểm ngư trên toàn quốc.

2. Giao Tổng cục Thủy sản chỉ đạo Cục Kiểm ngư thực hiện:

a) Mua sắm, cấp phát, sửa chữa, quản lý vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư theo quy định của pháp luật;

b) Kiểm tra việc chấp hành các quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư;

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu chung về công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư;

d) Tổng hợp báo cáo về tình hình trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư;

đ) Phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư khi được giao.

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện:

a) Cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm ngư theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm ngư theo đúng quy định của pháp luật.

2. Giao Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Tổng cục Thủy sản thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Kiểm tra, hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm ngư;

b) Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm ngư.

Điều 23. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị Kiểm ngư

1. Thực hiện việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của cơ quan, đơn vị mình theo quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan về công tác quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng.

2. Chấp hành nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra, chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Điều 24. Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Phối hợp với Chi cục Kiểm ngư Vùng hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm ngư trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp với Chi cục Kiểm ngư Vùng tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện việc tiếp nhận, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ đã trang bị cho lực lượng Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 02 năm 2015.

Điều 26. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát giúp Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công an; Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, các Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) và Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để kịp thời hướng dẫn./.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng Bộ Công an

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Cao Đức Phát

Đại tướng Trần Đại Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.