• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 27/06/2002
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 03/2000/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 1 năm 2000

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn thu quảng cáo của ngành truyền hình

_____________________________

 

Căn cứ Quyết định số: 605/TTg ngày 31-8-1996 của Thủ tướng Chính phủ Về việc "Cho phép ngành Truyền hình được sử dụng nguồn thu từ quảng cáo để phát triển ngành";

Căn cứ công văn số 314/ VPCP ngày 23 tháng 1 năm 1999 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Quyết định số 605/TTg ngày 31/8/1996 của Thủ tướng Chính phủ về ngành Truyền hình được sử dụng nguồn thu quảng cáo;

 Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn thu quảng cáo truyền hình như sau:

A / QUY ĐỊNH CHUNG

1. Sau khi trừ đi các khoản chi phí liên quan đến hoạt động quảng cáo, toàn bộ doanh thu quảng cáo còn lại của Đài truyền hình Việt Nam và các Đài Phát thanh -Truyền hình địa phương (sau đây gọi tắt là các Đài truyền hình) phải nộp ngân sách nhà nước bao gồm:

- Thuế VAT tính trên số thu quảng cáo truyền hình theo thuế suất quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo thuế suất trên thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.

- Thu nhập sau thuế.

2. Toàn bộ nguồn thu quảng cáo truyền hình nộp ngân sách nhà nước được cấp trở lại để đầu tư cho ngành Truyền hình theo cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành trên cơ sở các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

- Nguồn thu quảng cáo thuộc Ngân sách Trung ương được cấp trở lại đầu tư cho Đài Truyền hình Việt Nam, các Đài truyền hình khu vực và các dự án phát triển truyền hình ở khu vực Miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Nguồn thu quảng cáo thuộc Ngân sách địa phương được cấp trở lại đầu tư cho Đài Phát thanh -Truyền hình các địa phương.

3. Các Đài Truyền hình nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp vượt dự toán đầu năm thì được đầu tư trở lại 50% số thuế thực tế đã nộp vượt để Đài tăng chi đầu tư phát triển.

B/ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I- NỘI DUNG THU, CHI QUẢNG CÁO:

1. Về thu quảng cáo:

Thu từ hoạt động dịch vụ quảng cáo truyền hình là nguồn thu của Đài truyền hình được Chính phủ cho phép ngành Truyền hình quản lý và sử dụng để đầu tư phát triển ngành.

Doanh thu quảng cáo truyền hình được tính theo thời lượng quảng cáo đã thực hiện phát sóng nhân (x) với đơn giá quảng cáo.

Mức giá thu quảng cáo: Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài chính, hướng dẫn khung giá quảng cáo từng khu vực trên cơ sở đề nghị của Đài Phát thanh - Truyền hình các địa phương. Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố thực hiện đúng mức giá thu quảng cáo theo quy định trên, không được tự ý giảm giá thu quảng cáo khi chưa có ý kiến của cấp thẩm quyền. Trường hợp đã hưởng hoa hồng môi giới quảng cáo thì không được giảm giá quảng cáo.

2. Chi phí liên quan đến hoạt động quảng cáo:

2.1 - Chi phục vụ trực tiếp cho chương trình quảng cáo:

- Sản xuất các chương trình quảng cáo.

- Mua các chương trình truyền hình để phát sóng phục vụ quảng cáo.

- Tuyên truyền quảng cáo: chi in ấn tranh ảnh, tài liệu, áp phích quảng cáo.

- Hoa hồng cho khách hàng: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, mức chi không quá 3% trên tổng chi phí thường xuyên (không bao gồm chi khuyến khích người lao động - nếu có).

- Mua sắm vật tư, tài sản và sửa chữa nhỏ: chi mua sắm linh kiện, vật tư, phim, băng, máy móc thiết bị lẻ, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị phục vụ cho sản xuất chương trình quảng cáo trên truyền hình. Việc mua sắm, sửa chữa nhỏ được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Thuê mặt bằng để lắp đặt, sửa chữa thiết bị phát sóng phục vụ các vùng mờ tối, nhiễu sóng.

- Chi phí quản lý: chi hoạt động quản lý của bộ máy quản lý chương trình quảng cáo.

2.2 - Chi hỗ trợ nâng cao chất lượng chương trình truyền hình để thu hút quảng cáo:

- Mua máy móc, thiết bị.

- Thuê vệ tinh.

- Chi cước phát sóng.

- Chi đào tạo, tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ công nhân viên làm chương trình truyền hình.

- Chi cho những người lao động thực hiện nâng cao chất lượng chương trình truyền hình nhằm thu hút quảng cáo. Mức chi hỗ trợ từ 1/2 đến 1 tháng lương thực tế bình quân/người/tháng.

2.3 - Mức khống chế chi phí liên quan đến hoạt động quảng cáo:
Căn cứ vào chế độ hiện hành và chi phí thực tế, Bộ Tài chính quy định mức khống chế chi phí liên quan đến hoạt động quảng cáo tính theo tỷ lệ (%) trên doanh thu dịch vụ quảng cáo (chưa có thuế VAT), áp dụng cho các Đài Truyền hình trong cả nước theo khung mức chi tối đa như sau:

1- Doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống 50%

2- Trên 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng 48%

3- Trên 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng 46%

4- Trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng 44%

5- Trên 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng 42%

6- Trên 5 tỷ đồng đến 25 tỷ đồng 40%

7- Trên 25 tỷ đồng đến 70 tỷ đồng 38%

8- Trên 70 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng 36%

9- Trên 100 tỷ đồng 34%

3. Sau khi nộp thuế theo luật định, phần còn lại đơn vị được trích quỹ khuyến khích người lao động trong đơn vị. Mức trích tối đa bằng 3 tháng lương cơ bản thực tế thực hiện bình quân.

4. Ví dụ:

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh A có số liệu trong một năm như sau:

- Doanh thu quảng cáo (chưa có thuế VAT) là 10.000 triệu đồng.

- Tiền lương cơ bản thực tế thực hiện bình quân trong năm là: 80 triệu đồng/ tháng.

Căn cứ vào qui định tại Thông tư này và các văn bản hiện hành thì mức chi phí tối đa, thuế thu nhập doanh nghiệp, và thu nhập sau thuế đơn vị phải nộp như sau:

- Mức chi phí tối đa cho Đài là: 4.000 triệu đồng.

(10.000 triệu đồng x 40%)

- Thu nhập chịu thuế là : 6.000 triệu đồng.

(10.000 triệu đồng - 4.000 triệu đồng)

Do vậy thuế thu nhập doanh nghiệp là: 1.920 triệu đồng.

( 6.000 triệu đồng x 32% )

- Đài được chi khuyến khích người lao động không quá 240 triệu đồng

(80 triệu đồng/ tháng x 3 tháng)

Do vậy Đài nộp ngân sách Nhà nước khoản thu nhập sau thuế là: 3.840 triệu đồng [( 6.000 triệu - 1.920 triệu) - 240 triệu ].

5. Hàng năm cùng với việc lập dự toán thu chi ngân sách Nhà nước, các Đài Truyền hình lập dự toán thu và chi phí dịch vụ quảng cáo gửi cơ quan Tài chính cùng cấp để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ dự toán chi được duyệt, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện chi đúng chế độ tài chính hiện hành, có đầy đủ chứng từ hợp lệ theo quy định, nhưng không được vượt mức khống chế tối đa trên.

II- CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

Công tác lập dự toán, cấp phát kinh phí và quyết toán thu chi quảng cáo theo Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước và các văn bản hiện hành. Thông tư này hướng dẫn thêm một số nội dung sau:

1. Lập dự toán:

1.1 - ở địa phương: Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập dự toán thu, chi hàng năm cần thuyết minh nguồn thu quảng cáo và nội dung chi các dự án đầu tư phát triển, hiệu quả sử dụng nguồn thu quảng cáo.

1.2 - ở Trung ương: Đài Truyền hình Việt Nam lập dự toán thu, chi của Đài và có trách nhiệm tổng hợp dự toán thu, chi quảng cáo toàn ngành trong đó thuyết minh rõ các dự án đầu tư từ nguồn thu quảng cáo theo quy hoạch phát triển của đơn vị và của toàn ngành. Phân tích hiệu quả sử dụng nguồn thu quảng cáo trong toàn ngành.

2. Cấp phát kinh phí:

Căn cứ vào dự toán thu, chi quảng cáo và số thực nộp ngân sách về hoạt động quảng cáo của các Đài Truyền hình, sau khi có xác nhận của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính cấp phát kinh phí cho Đài Truyền hình Việt Nam và Sở Tài chính - Vật giá cấp phát kinh phí cho Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố.

3. Kế toán, quyết toán:

3.1 - Các Đài Truyền hình tổ chức công tác hạch toán kế toán và quyết toán thu chi quảng cáo theo Quyết định số 999-TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính ban hành Hệ thống Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp và các văn bản hiện hành.

3.2 - Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn thu quảng cáo, thực hiện kế toán quyết toán theo quy định của Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.

4. Công tác kiểm tra, giám sát tài chính:

Các Đài Truyền hình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố và cơ quan Thuế các cấp kiểm tra tình hình thu, nộp ngân sách Nhà nước và chi tiêu của các Đài.

C/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ năm 1999 và thay thế Thông tư số 81- TC/HCSN ngày 23 tháng 12 năm 1996 của Bộ Tài chính. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Kim Ngân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.