• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/12/1999
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Số: 06/1999/TT-BKHĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 11 năm 1999

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về nội dung Tổng mức đầu tư,

Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư và Báo cáo đầu tư

________________

 

Thực hiện các quy định tại Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ (dưới đây viết tắt là Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung tổng mức đầu tư, hồ sơ thẩm định dự án đầu tư và báo cáo đầu tư như sau:

I. TỔNG MỨC VỐN ĐẦU TƯ:

1.1. Theo khoản 7 - Điều 5 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, tổng mức đầu tư là toàn bộ chi phí đầu tư và xây dựng (kể cả vốn sản xuất ban đầu) và là giới hạn chi phí tối đa của dự án được xác định trong quyết định đầu tư.

1.2. Tổng mức đầu tư:

a. Vốn cho chuẩn bị đầu tư bao gồm các khoản chi phí:

- Điều tra, khảo sát, nghiên cứu phục vụ cho lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi;

- Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi (kể cả tư vấn) hoặc lập báo cáo đầu tư (nếu dự án thuộc mục III dưới đây);

- Phí thẩm định dự án.

b. Vốn chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư gồm các khoản chi phí:

- Dàn xếp về vốn (trong trường hợp vay vốn ngoài nước được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận)

- Đấu thầu thực hiện dự án và xét thầu

- Các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, tư vấn hỗ trợ quản lý, giám sát, tư vấn xây dựng;

- Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật ban đầu;

- Khảo sát thiết kế xây dựng;

- Thiết kế, thẩm định thiết kế;

- Lập tổng dự toán, thẩm định tổng dự toán;

- Đền bù giải phóng mặt bằng;

- Thực hiện tái định cư có liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng của dự án (nếu có);

- Chuẩn bị mặt bằng;

c. Vốn thực hiện đầu tư gồm:

- Chi phí thiết bị;

- Chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị;

- Các chi phí khác:

+ Sử dụng mặt đất, mặt nước

+ Đào tạo

+ Lập phương án phòng chống cháy, nổ theo quy định về phòng cháy, chữa cháy;

d. Chi phí chuẩn bị sản xuất: Chi phí nguyên, nhiên vật liệu, nhân công để chạy thử không tải và có tải trừ đi giá trị sản phẩm thu hồi được);

e. Nghiệm thu;

f. Lãi vay của Chủ đầu tư trong thời gian thực hiện đầu tư được xác định thông qua hợp đồng tín dụng;

g. Vốn lưu động ban đầu cho sản xuất (đối với dự án sản xuất) do Bộ Tài chính quy định;

h. Chi phí bảo hiểm công trình theo quy định của Bộ Tài chính;

i. Dự phòng;

k. Quản lý dự án;

l. Các khoản thuế theo quy định;

m. Thẩm định phê duyệt quyết toán.

Một số dự án nhóm A có yêu cầu đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép, tổng mức đầu tư còn bao gồm các chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ có liên quan đến dự án. Mức chi phí do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng dự án.

1.3. Tổng mức đầu tư chỉ được điều chỉnh tăng trong các trường hợp sau:

a. Thay đổi mặt bằng giá đầu tư và xây dựng do Chính phủ ban hành những quy định mới:

- Thay đổi giá điện, nước, tiền thuê đất, cước vận tải;

- Thay đổi giá nhân công;

- Thay đổi hoặc bổ sung các loại phí, thuế.

b. Thay đổi tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và đồng ngoại tệ đối với phần phải sử dụng ngoại tệ của các dự án (nếu trong tổng mức đầu tư ghi rõ phần ngoại tệ phải sử dụng).

c. Các trường hợp bất khả kháng gồm:

- Bất khả kháng có tính chất khách quan như thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn.

- Không đảm bảo khả năng huy động vốn hoặc cấp vốn không đúng tiến độ (đối vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước) mà không do lỗi của Chủ đầu tư.

II. HỒ SƠ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ:

A. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (gọi tắt là báo cáo tiền khả thi): Hồ sơ đề nghi thẩm định báo cáo tiền khả thi của dự án được xem là hợp lệ gồm:

1. Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Chủ đầu tư nếu là dự án nhóm A, và trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư nếu là dự án nhóm B (trường hợp dự án nhóm B cần lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi).

2. Báo cáo tiền khả thi được lập bảo đảm các nội dung theo quy định tại Điều 23 - Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng và những nội dung cụ thể phù hợp với từng ngành kinh tế - kỹ thuật;

3. Các văn bản có giá trị pháp lý xác nhận tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của Chủ đầu tư;

4. Các văn bản xác nhận phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và địa phương;

5. Các văn bản pháp lý khác liên quan đến dự án (nếu có).

B. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứ khả thi (gọi tắt là báo cáo khả thi): Một hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo khả thi của dự án được xem là hợp lệ cần phải bảo đảm đủ các điều kiện dưới đây:

1. Đối với dự án nhóm A:

1.1. Đối với các dự án không thuộc dạng BOT

a. Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Chủ đầu tư;

b. Văn bản thông qua báo cáo tiền khả thi;

c. Ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp (Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước) gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó phát biểu rõ về chủ trương đầu tư, sự phù hợp với quy hoạch, nội dung dự án, các nhận xét, đánh giá và kiến nghị đối với Chủ đầu tư và đối với dự án;

d. Ý kiến của các Bộ ngành và địa phương có liên quan theo chức năng, thẩm quyền quản lý của ngành, địa phương mình.

e. Ý kiến thẩm định của tổ chức cho vay vốn đầu tư đối với dự án sử dụng vốn vay về hiệu quả tài chính của dự án, khả năng cung cấp vốn vay cho dự án và kiến nghị phương thức quản lý dự án khi dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau;

f. Các văn bản có giá trị pháp lý xác nhận tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của Chủ đầu tư và các văn bản cần thiết khác như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất văn bản phê duyệt quy hoạch, các văn bản cho phép của Chính phủ, các thoả thuận, các hợp đồng, hiệp định (tuỳ theo đặc điểm của từng dự án);

g. Báo cáo khả thi được lập phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 24 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng và phù hợp với từng ngành kinh tế - kỹ thuật.

Cơ quan trình duyệt phải chịu trách nhiệm về chất lượng dự án.

1.2. Đối với các dự án BOT:

a. Tờ trình của Chủ đầu tư và cơ quan nhà nước có ta;

b. Báo cáo khả thi được lập phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 24 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng phù hợp với từng ngành kinh tế - kỹ thuật;

c. Ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp như điểm khoản 1.1 trên đây;

d. Hợp đồng đã được ký tắt;

e. Các hợp đồng phụ (nếu có);

f. Dự thảo Điều lệ công ty nếu là công ty thành lập mới hoặc Điều lệ công ty đã bổ sung nếu công ty đang hoạt động;

g. Các văn bản có giá trị pháp lý xác nhận tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của Chủ đầu tư và các văn bản cần thiết khác như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, văn bản phê duyệt quy hoạch của các cơ quan có thẩm quyền, các văn bản cho phép của Chính phủ, các thoả thuận, các hợp đồng, hiệp định (tuỳ theo đặc điểm của từng dự án);

h. Ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan về các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc có liên quan đến lợi ích của họ;

i. Ý kiến thẩm định của tổ chức cho vay vốn đầu tư đối với dự án sử dụng vốn vay về hiệu quả tài chính của dự án, khả năng cung cấp vốn vay cho dự án và kiến nghị phương thức quản lý dự án khi dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau;

Bộ hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo khả thi của dự án do Chủ đầu tư lập trình cấp quyết định đầu tư và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thẩm định.

2. Đối với các dự án nhóm B và C:

2.1. Đối với các dự án không thuộc dạng BOT, BTO, BT gồm có:

a. Tờ trình của Chủ đầu tư gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư;

b. Ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp về chủ trương đầu tư, sự phù hợp với quy hoạch, nội dung dự án, các nhận xét, đánh giá và kiến nghị;

c. Ý kiến của các cơ quan liên quan thuộc chức năng, thẩm quyền của mình;

d. Ý kiến thẩm định của tổ chức cho vay vốn đầu tư đối với dự án sử dụng vốn vay về hiệu quả tài chính của dự án, khả năng cung cấp vốn vay cho dự án và kiến nghị phương thức quản lý dự án khi dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau;

e. Các văn bản có giá trị pháp lý xác nhận tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của Chủ đầu tư và các văn bản cần thiết khác như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, văn bản phê duyệt quy hoạch của các cơ quan có thẩm quyền, các văn bản cho phép của Chính phủ, các thoả thuận, các hợp đồng, hiệp định (tuỳ theo đặc điểm của từng dự án).

f. Báo cáo khả thi được lập phù hợp với quy định tại Điều 24 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng. Báo cáo đầu tư lập theo nội dung mục III của Thông tư này.

Cơ quan trình duyệt phải chịu trách nhiệm về chất lượng Báo cáo khả thi (hoặc Báo cáo đầu tư của dự án).

2.2. Đối với các dự án BOT thuộc nhóm B và C quy định như khoản 1.2 trên đây.

3. Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chuẩn xác và tính hợp pháp của các thông tin, số liệu, tài liệu gửi theo hồ sơ dự án.

Các cơ quan trực tiếp quản lý Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm về những ý kiến của mình đối với dự án.

III. BÁO CÁO ĐẦU TƯ:

1. Các dự án chỉ cần lập báo cáo đầu tư gồm:

- Các dự án có mức vốn dưới 1 tỷ đồng;

- Các dự án sửa chữa, bảo trì sử dụng vốn sự nghiệp;

- Các dự án của các ngành đã có thiết kế mẫu và tiêu chuẩn kỹ thuật được Bộ quản lý ngành phê duyệt trên cơ sở quy hoạch tổng thể đối với từng vùng.

2. Nội dung báo cáo đầu tư gồm:

a. Xác định Chủ đầu tư:

Cần xác định Chủ đầu tư của dự án (cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân), trong đó phải làm rõ:

- Tư cách pháp nhân của Chủ đầu tư (có văn bản xác nhận tư cách pháp nhân)

- Khả năng tài chính của Chủ đầu tư (có văn bản xác nhận).

b. Sự cần thiết và mục tiêu đầu tư:

- Giải trình sự cần thiết phải đầu tư;

- Mục tiêu phát triển của dự án: văn hoá, giáo dục, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ;

- Mục tiêu trực tiếp của dự án (nếu là sản xuất thì sản phẩm được tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu, nhằm thu lợi nhuận hay nhằm mục tiêu khác);

c. Sản phẩm hoặc dịch vụ: Giải trình loại sản phẩm và dịch vụ của dự án.

d. Hình thức đầu tư và công suất:

- Đầu tư xây dựng mới, đầu tư chiều sâu, nâng cấp mở rộng cơ sở đã có hay duy trì;

- Xác định quy mô công suất;

e. Thiết bị, máy móc: Ghi rõ tên, số lượng, nguồn gốc và giá trị thiết bị;

f. Nguồn cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm và các yếu tố đầu vào khác.

g. Khả năng tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ:

h. Địa điểm và diện tích chiếm đất:

- Vị trí của địa điểm công trình và sự phù hợp về quy hoạch của địa điểm;

- Tổng diện tích chiếm đất, sơ đồ mặt bằng và các văn bản xác nhận quyền sử dụng đất;

- Hiện trạng mặt bằng và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có).

i. Hạng mục và khối lượng; yêu cầu kỹ thuật chủ yếu của từng hạng mục, các định mức, đơn giá của các ngành và địa phương áp dụng cho dự án (nhà ở, trường học, trạm xá: sử dụng định mức của Bộ Xây dựng; đường bộ: sử dụng định mức của Bộ giao thông vận tải; thuỷ lợi: sử dụng định mức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

k. Vốn đầu tư:

+ Nhu cầu vốn đầu tư: Vốn đầu tư được tính toán trên cơ sở khối lượng và đơn giá (theo quy định của các Bộ và địa phương) và chia ra: Xây lắp, thiết bị, KTCB khác (nếu có);

+ Nguồn vốn đầu tư:

Xác định rõ nguồn vốn đầu tư:

. Vốn ngân sách Nhà nước;

. Vốn vay tín dụng

. Vốn tự huy động của Chủ đầu tư hoặc huy động của dân.

l. Kết luận về dự án:

- Hiệu quả kinh tế - xã hội;

- Khả năng trả nợ;

- Môi trường: Các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực

m. Các kiến nghị về chính sách ưu đãi đối với dự án.

- Ưu đãi trong khi thực hiện đầu tư;

- Ưu đãi sau khi thực hiện đầu tư.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, đề nghị các Bộ, địa phương kiến nghị kịp thời để Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Giá

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.