• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/04/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 19/09/2024
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 07/1999/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 4 năm 1999

CHỈ THỊ

Công tác phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1999

Năm 1998 ở Bắc bộ mùa mưa lũ kết thúc sớm, Nam bộ hầu như không có lũ và các tỉnh ven Trung bộ trong vòng 2 tháng cuối năm đã liên tiếp chịu ảnh hưởng trực tiếp của 5 cơn bão và lũ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đầu năm 1999 hạn hán kéo dài trên diện rộng phạm vi cả nước, đặc biệt khu vực miền Trung, Tây Nguyên, trung du và miền núi phía bắc, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho dân. Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, tình hình thời tiết, khí hậu năm 1999 còn diễn biến phức tạp, bất thường. Để chủ động đối phó với tình huống bất lợi khi xảy ra bão, lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các việc sau đây:

1. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống lụt, bão năm 1998 của từng địa phương, sớm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và các phương án phòng chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai năm 1999 một cách cụ thể, nhất là việc tổ chức thực hiện ở các cơ sở huyện, xã trọng điểm, phương án của các ban, ngành có liên quan nhằm đối phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống bất lợi, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

2. Kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão các cấp, các ngành. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Thủ trưởng các ngành trực tiếp làm Trưởng ban; củng cố các mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống dự báo, cảnh báo; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban trong mùa lũ, bão.

3. Các tỉnh có hệ thống đê phải tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng từng tuyến đê, nhất là những tuyến xung yếu để phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng của thân đê; huy động mọi nguồn lực để kịp thời tu bổ, gia cố những nơi xung yếu, tập trung hoàn thành kế hoạch đắp đê trước ngày 30 tháng 4 năm 1999; có phương án bảo vệ các khu vực xung yếu; làm tốt công tác chuẩn bị hộ đê theo phương châm "bốn tại chỗ" và có giải pháp khẩn cấp để đối phó với lũ lớn có thể xảy ra. Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm Pháp lệnh đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt, bão. Đình chỉ mọi công trình xây dựng nằm trong hành lang thoát lũ; kiểm tra toàn bộ hệ thống đê bối, khống chế cao trình đê bối chỉ giữ ở mức báo động số 2, có phương án bảo vệ dân và tài sản trong vùng đê bối khi có báo động trên số 2.

4. Các địa phương và Bộ, ngành đang quản lý các hồ chứa phải chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý công trình, tổ chức kiểm tra đánh giá sự an toàn của công trình trước mùa lũ, bão; xây dựng phương án chống lũ bảo vệ công trình, đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ lưu.

5. Những địa phương thuộc miền núi, trung du thường xảy ra lũ quét, vùng cửa sông, ven biển thường bị ngập sâu, sóng lớn và đặc biệt ở vùng đang có nguy cơ bị sạt lở, Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải có phương án tổ chức di dời dân đến nơi an toàn, tránh để hậu quả xảy ra mới xử lý.

6. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long căn cứ vào mức nước lũ những năm gần đây, xây dựng các phương án và biện pháp đối phó với lũ lớn có thể xảy ra để chủ động kế hoạch bảo vệ các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị và các khu vực dân cư tập trung, nhất thiết không để chết người do nước lũ như các năm trước, mặt khác cũng phải chủ động giữ nước, tích nước cho sản xuất Hè - Thu, ngăn mặn xâm nhập sâu nếu lũ lớn không xảy ra.

- Các tỉnh ven biển miền Trung có kế hoạch đối phó với những bất lợi về bão, lũ và triều cường cùng xảy ra dồn dập, liên tiếp với cường độ mạnh bất ngờ.

- Các tỉnh thuộc đồng bằng, trung du Bắc bộ, Bắc Trung bộ hoàn thành việc củng cố vững chắc hệ thống đê trước mùa lũ, bão; lập phương án, chuẩn bị nhân lực và phương tiện cứu hộ đê, đặc biệt là các tỉnh: Hà Tây, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương chuẩn bị sẵn sàng cho phương án phân lũ, chậm lũ khi có lũ lớn xảy ra.

7. Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chuẩn bị kịp thời phương án xử lý các tình huống khẩn cấp về lụt, bão, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

8. Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cần nâng cao chất lượng dự báo khí tượng, thuỷ văn, đặc biệt là dự báo trung hạn và ngắn hạn, phục vụ kịp thời cho phòng chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai. Cung cấp thường xuyên, kịp thời số liệu về dòng chảy và các thông tin về bão, lũ cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương để chuẩn bị kịp thời đối phó với các tình huống.

9. Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm - Cứu nạn trên không, trên biển chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện; trên cơ sở những kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức tìm kiếm - cứu nạn trong 2 năm qua tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai công tác tìm kiếm - cứu nạn kịp thời.

10. Trách nhiệm của các Bộ:

- Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam cùng Ban Quản lý vận hành các hồ lớn: Hoà Bình, Thác Bà, Trị An và Dầu Tiếng lập kế hoạch phòng lũ cho các công trình; căn cứ vào dự báo, lập sơ đồ tích nước và dự trù dung tích phòng lũ của các hồ trên, tham gia có hiệu quả việc cắt lũ cho hạ lưu.

- Bộ Quốc phòng xây dựng phương án, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu, chi viên hộ đê và xử lý các tình huống khẩn cấp, coi đây là nhiệm vụ thường trực chiến đấu của quân đội.

- Bộ công an có nhiệm vụ bố trí lực lượng, phương tiện đóng tại địa bàn xung yếu, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc dự phòng, tổ chức kiểm tra và bố trí lực lượng phòng chống dịch bệnh cho người, gia súc và cây trồng ở những khu vực xảy ra thiên tai; nhanh chóng dập tắt các ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh.

- Bộ Thuỷ sản, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển; chủ động gọi tầu thuyền vào bờ và tổ chức neo đậu khi có bão.

- Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch đảm bảo giao thông thông suất cho tuyến đường Bắc - Nam và các tuyến đường trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện ứng cứu và thay thế khi có sự cố giao thông xảy ra.

- Bộ Thương mại phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh có kế hoạch đảm bảo dự phòng các mặt hàng thiết yếu, thực hiện cung ứng hàng cho vùng sâu, vùng xa trước mùa lũ, bão.

- Bộ Văn hoá - Thông tin, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền tin, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo, các chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh về công tác chống lụt, bão; phối hợp với các Bộ cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng tránh thiên tai để mọi người dân có kiến thức, chủ động tham gia phòng tránh và khắc phục có hiệu quả.

11. Các Bộ, ngành Trung ương ngoài việc làm tốt công tác phòng chống lụt, bão bảo vệ các cơ sở của ngành còn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để tham gia vào công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của bão, lụt theo sự điều động của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai ở ngành và địa phương mình.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Tạn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.