• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/2015
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 06/2015/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 1 tháng 4 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định về vùng hoạt động của tàu biển chở hàng trong Vịnh Bắc Bộ

______________________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về vùng hoạt động của tàu biển chở hàng trong Vịnh Bắc Bộ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về vùng hoạt động và trang thiết bị của tàu biển Việt Nam vỏ thép chở hàng tự hành có tổng dung tích (GT) từ 300 trở lên (sau đây gọi là tàu biển) hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ thuộc vùng biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến tàu biển quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Vịnh Bắc Bộ là vịnh nửa kín được bao bọc ở phía Bắc bởi bờ biển lãnh thổ đất liền của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, phía Đông bởi bờ biển bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam của Trung Quốc, phía Tây bởi bờ biển đất liền Việt Nam và giới hạn phía Nam bởi đoạn thẳng nối liền từ điểm nhô ra nhất của mép ngoài cùng của mũi Oanh Ca - đảo Hải Nam của Trung Quốc có tọa độ địa lý là vĩ tuyến 18°31’19” Bắc, kinh tuyến 108°41’17” Đông, qua đảo Cồn Cỏ của Việt Nam đến một điểm trên bờ biển của Việt Nam có tọa độ địa lý là vĩ tuyến 16°57’40” Bắc và kinh tuyến 107°08’42” Đông.

2. Tàu biển phân cấp hạn chế I, II hoặc III là tàu biển được ấn định dấu hiệu vùng hoạt động hạn chế theo mục 2.1.2-4(1)(a) Chương 2, Phần 1A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép” (QCVN 21: 2010/BGTVT).

Điều 4. Áp dụng pháp luật

1. Ngoài các quy định tại Thông tư này, tàu biển phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy phạm Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (QCVN 21: 2010/BGTVT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang bị an toàn tàu biển (QCVN 42: 2012/BGTVT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu (QCVN 26: 2014/BGTVT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo dung tích tàu biển (QCVN 63: 2013/BGTVT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển (QCVN 74: 2014/BGTVT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy phạm Thiết bị nâng hàng tàu biển (QCVN 23: 2010/BGTVT) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc bị văn bản khác thay thế thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

Điều 5. Vùng hoạt động của tàu biển trong Vịnh Bắc Bộ

1. Vùng hoạt động của tàu biển phải tuân thủ theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy phạm Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (QCVN 21: 2010/BGTVT).

2. Tàu biển phân cấp hạn chế II được hoạt động cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn quá 50 hải lý trong trường hợp điều kiện thời tiết bảo đảm chiều cao sóng đáng kể (Hs) không vượt quá 4,0 mét và gió không quá cấp 6 Beaufort.

3. Tàu biển phân cấp hạn chế III được hoạt động cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn quá 20 hải lý trong trường hợp điều kiện thời tiết bảo đảm chiều cao sóng đáng kể (Hs) không vượt quá 2,5 mét và gió không quá cấp 5 Beaufort đồng thời phải thỏa mãn quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.

4. Thông tin thời tiết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này được lấy trên bản tin thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

Điều 6. Trang thiết bị của tàu biển hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ

1. Trang thiết bị của tàu biển phải tuân thủ quy định của các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nêu tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

2. Tàu biển phân cấp hạn chế III quy định tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư này ngoài việc đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều này còn phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

a) Máy chính của tàu phải được trang bị bơm dầu bôi trơn dự phòng, bơm làm mát dự phòng và máy nén khí dự phòng;

b) Tàu phải được trang bị 02 tổ máy phát điện với công suất của mỗi tổ máy có thể cung cấp đủ năng lượng điện cho hoạt động an toàn của tàu;

c) Nếu phải sử dụng máy biến áp để cung cấp năng lượng điện cho các trang thiết bị trên tàu, thì tàu phải được trang bị 02 máy biến áp với công suất của mỗi máy có thể cung cấp đủ năng lượng điện cho hoạt động an toàn của tàu;

d) Phao bè cứu sinh bố trí ở mỗi mạn tàu phải có khả năng chở được toàn bộ số người trên tàu.

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát kỹ thuật và cấp các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định cho các tàu biển quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ sở thiết kế, đóng mới, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu biển

Thực hiện đầy đủ các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong thiết kế, đóng mới, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu biển.

Điều 9. Trách nhiệm của chủ tàu, người khai thác tàu và thuyền trưởng

1. Chủ tàu, người khai thác tàu có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, đào tạo các thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu thực hiện đầy đủ các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thuyền trưởng trong quá trình vận hành tàu phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết và điều kiện biển thực tế để đưa ra quyết định về việc thay đổi hướng đi, hành trình, tốc độ của tàu hoặc tìm kiếm nơi trú ẩn để đảm bảo an toàn.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2015.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để xử lý kịp thời./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.