• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/01/2014
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: 719/2014/NQ-UBTVQH13
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 6 tháng 1 năm 2014

NGHỊ QUYẾT

Hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 64/2013/QH13

ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

__________________

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Theo đề nghị của Ủy ban pháp luật tại Tờ trình số 2203/TTr-UBPL13 ngày 31 tháng 12 năm 2013,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thi hành kể từ ngày Hiến pháp có hiệu lực.

2. Các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp. Những công việc đang được cơ quan nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì việc chuyển giao được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo hướng dẫn của Nghị quyết này.

Điều 2. Về việc phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế

1. Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế; trình Chủ tịch nước phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế quy định tại khoản 6 Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Trình tự, thủ tục Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế và trình Chủ tịch nước phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế thực hiện theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

4. Chủ tịch nước tự mình hoặc theo đề nghị của Chính phủ ủy quyền bằng văn bản cho Chính phủ tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước.

Điều 3. Về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Ủy ban đối ngoại của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Căn cứ vào Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban đối ngoại, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 4. Về việc phê chuẩn các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban của Quốc hội

1. Chủ tịch Hội đồng dân tộc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc; Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban của Quốc hội.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết phê chuẩn các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc; các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban của Quốc hội.

Điều 5. Về việc phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

1. Chủ tịch nước quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân.

2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 6. Về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân

1. Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự và Thẩm phán Tòa án khác đã được bổ nhiệm trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến hết nhiệm kỳ trừ trường hợp luật mới có quy định khác.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 được quy định như sau:

a) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao;

b) Ủy ban tư pháp của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra Tờ trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

c) Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

d) Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án khác theo đề nghị của các Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự.

Điều 7. Về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

1. Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Ủy ban pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra Đề án của Chính phủ về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân và được thực hiện theo trình tự, thủ tục hiện hành.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.