• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 28/01/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 02/04/2010
BỘ TƯ PHÁP
Số: 01/1999/CT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 1 năm 1999

CHỈ THỊ

Về việc triển khai Dự án xây dựng và quản lý

Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn

_____________

 

Để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong cán bộ, nhân dân và tạo điều kiện cho việc chấp hành cũng như giám sát việc thi hành pháp luật, chủ trương, chính sách và chế độ của Nhà nước, ngày 25 tháng 11 năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1067/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn để cung cấp tư liệu cho cán bộ chính quyền địa phương nghiên cứu, sử dụng, vừa tạo điều kiện để nhân dân tiếp xúc, tìm hiểu pháp luật của Nhà nước.

Để triển khai thực hiện tốt việc xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ thị:

1. Ngay từ đầu năm 1999, Giám đốc các Sở Tư pháp trực tiếp chỉ đạo việc rà soát, tổng kết việc xây dựng Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trên cơ sở đó lập kế hoạch tổng thể về việc xây dựng và duy trì Tủ sách pháp luật cho 3 năm (từ năm 1999 đến năm 2001) và kế hoạch riêng cho năm 1999 trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc và phát triển các kinh nghiệm tốt đã có trong quá trình chỉ đạo, xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong thời gian qua trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2. Kế hoạch tổng thể xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau đây:

Yêu cầu tổng thể: Tủ sách pháp luật phải được xây dựng theo những mô hình phù hợp cho từng loại địa bàn trên cơ sở xét đến các điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội, dân cư, trình độ dân trí và trình độ, năng lực của cán bộ chính quyền cơ sở nói chung và cán bộ Tư pháp nói riêng. Nội dung tối thiểu của Tủ sách pháp luật phải đảm bảo 4 bộ phận sách, báo, tài liệu pháp lý quy định tại Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ và được cập nhật thường xuyên theo hướng dẫn sáu tháng và hàng năm của Bộ Tư pháp; đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu tìm hiểu, áp dụng pháp luật của cán bộ và nhân dân địa phương. Đối với các xã, phường, thị trấn đã xây dựng Tủ sách pháp luật cần lập kế hoạch để kiện toàn cả về nội dung, hình thức và điều kiện phục vụ.

Yêu cầu cụ thể: Trong quá trình lập kế hoạch và triển khai việc xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật cần chú ý một số điểm sau đây:

Tủ sách cần được đặt ở một nơi thuận tiện để cán bộ và nhân dân có thể đọc tại chỗ, mượn nghiên cứu, tham khảo nhưng cần ưu tiên đặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Việc khai thác, quản lý sách, báo, tài liệu pháp lý trong Tủ sách theo hướng dẫn chung của Bộ Tư pháp để phổ biến pháp luật rộng rãi trong nhân dân.

Tủ sách pháp luật phải được thống nhất giao cho cán bộ Tư pháp chuyên trách và Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn quản lý và phục vụ. Để đảm bảo công việc được giao, trong kế hoạch tổng thể cần có kế hoạch kiện toàn đội ngũ cán bộ Tư pháp chuyên trách ở xã, phường, thị trấn để từng bước đáp ứng được yêu cầu đặt ra theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50-CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn. Từng bước ổn định đội ngũ cán bộ Tư pháp xã, phường, thị trấn; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác Tư pháp, trong đó có bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Tủ sách pháp luật.

Trong kế hoạch tổng thể cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan và kế hoạch này phải được đặt trong tổng thể của công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương.

Hướng dẫn việc lập dự toán và sử dụng kinh phí xây dựng và duy trì Tủ sách pháp luật theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch Tư pháp - Tài chính số 05/1999/TTLT-TC-TP ngày 28 tháng 01 năm 1999 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

3. Việc chỉ đạo xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật cần được tiến hành đồng bộ trong đó cần xác định điểm với mục tiêu đánh giá kịp thời, có trọng điểm các mô hình Tủ sách pháp luật ở từng loại địa bàn qua đó rút kinh nghiệm và đưa ra các biện pháp phù hợp tiếp tục chỉ đạo công tác này.

Đối tượng chỉ đạo điểm mỗi tỉnh chọn từ 1 đến 2 huyện hoặc quận, thành phố thuộc tỉnh; mỗi huyện hoặc quận, thành phố thuộc tỉnh chọn từ 1 đến 2 xã hoặc phường, thị trấn để tập trung chỉ đạo điểm. Điểm chỉ đạo cần kết hợp với các địa bàn đã triển khai "Điểm bưu điện văn hoá".     

Nội dung cần tập trung đánh giá qua chỉ đạo điểm, bao gồm:

Mô hình Tủ sách pháp luật phù hợp cho từng loại địa bàn;

Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ;

Hiệu quả thực tế, độc lập của Tủ sách pháp luật và hiệu quả liên kết khai thác tác dụng của Tủ sách với các hình thức, biện pháp phổ biến giáo dục pháp luật khác.

4. Giám đốc các Sở Tư pháp cần lập kế hoạch, lên phương án cụ thể về việc tập hợp, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật trong địa phương để xuất bản theo định kỳ (3 tháng, 6 tháng) trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, phê duyệt.

5. Trong quá triển khai thực hiện, Giám đốc các Sở Tư pháp cần tổng kết, đánh giá thường xuyên công tác này để báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Riêng đối với công tác chỉ đạo điểm cần tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời để điều chỉnh phương thức và xây dựng các mô hình phù hợp với yêu cầu đặt ra.

6. Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và đào tạo, Chánh Văn phòng Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; thường xuyên báo cáo Bộ trưởng về kết quả thực hiện./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Lộc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.