• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1997
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 15/LĐTBXH-TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 10 tháng 4 năm 1997

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn sử dụng sổ lương của doanh nghiệp nhà nước
__________

Thi hành Điều 4, Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp Nhà nước và Quyết định số 238/LĐTHXH-QĐ ngày 8/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội về việc ban hành mẫu sổ lương của doanh nghiệp nhà nước sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và một số Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sử dụng Sổ lương của doanh nghiệp nhà nước như sau:

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Doanh nghiệp nhà nước phải lập sổ lương theo mẫu thống nhất kèm theo Quyết định số 238/LĐBTXH-TT ngày 8/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bao gồm:

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp Nhà nước;

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích theo Luật doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ và Thông tư số 01 BKH/DN ngày 29/01/1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện (kể cả các tổ chức, đơn vị hoạt động theo đúng quy định tại Nghị định 56/CP và Thông tư số 01/BKH/DN nêu trên nhưng chưa có quyết định thành lập doanh nghiệp);

Các tổ chức, đơn vị được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, Đảng, Đoàn thể, Hội quần chúng, tự trang trải về tài chính;

Công ty cổ phần có trên 50% tổng số vốn của nhà nước hoặc do các doanh nghiệp nhà nước đóng góp theo Luật công ty và Nghị định số 28/CP ngày 7/5/1996 của Chính phủ;

Các đối tượng trên gọi chung là doanh nghiệp nhà nước.

2. Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc ghi sổ lương và quản lý sổ lươngcủa đơn vị thành viên trực tiếp sử dụng lao động, ký hợp đồng lao động và trả lương. Sổ lương được ghi theo 12 tháng trong năm dương lịch và lưu tại doanh nghiệp trong 5 năm

3. Người lao động có trách nhiệm kiểm tra các khoản tiền lương và thu nhập được nhận, các khoản phải nộp theo Luật định và số tiền thực lĩnh ghi trong sổ lương trước khi ký nhận hàng tháng.

II. CÁCH GHI SỔ LƯƠNG

Chữ viết trong sổ lương bằng tiếng Việt, màu đen hoặc xanh, kích cỡ, kiểu chữ phải rõ ràng dễ đọc.

Sổ lương phải ghi đầy đủ, chính xác theo nội dung trong sổ, không tẩy, dập xoá. Nếu dập xoá phải dùng bút đỏ gạch chỗ viết sai, sửa lại và người sửa ký tên bên cạnh.

Cách ghi các cột quy định trong mẫu sổ lương như sau:

Cột 1: Ghi số thứ tự người lao động trong doanh nghiệp;

Cột 2: Ghi họ và tên của người lao động do doanh nghiệp trả lương, kể cả chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị); Giám đốc (Tổng giám đốc), người lao động có hợp đồng ngắn hạn, theo mùa, vụ dưới 1 năm.

Ghi theo trình tự: tách riêng từng bộ phận, từng phân xưởng, đội tổ...; theo chức vụ từ cao xuống thấp và theo vần chữ cái tiếng Việt;

Cột 3: Ghi chức vụ lãnh đạo hoặc chức danh nghề nghiệp của người lao động;

Cột 4: Ghi hệ số mức lương chức vụ, cấp bậc được xếp của nguời lao động trong doanh nghiệp theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ hoặc mức lương của người lao độngdo hai bên thoả thuận ghi trong hợp đồng lao động

Cột 5: Ghi tiền lương được nhận theo đơn giá tiền lương, lương khoán (với những người làm lương sản phẩm, lương khoán) hoặc tiền lương theo thời gian được nhận theo năng suất, chất lượng và kết quả thực hiện công việc được giao;

Cột 6: Ghi các khoản phụ cấp lương và chế độ khác(nếu có) không được tính trong đơn giá tiền lương, ví dụ: phụ cấp thợ lặn, thưởng an toàn hàng không...;

Cột 7: Ghi tổng số tiền thưởng các loại như: Lễ, Tết (tiền lễ, Tết rơi vào tháng dương lịch nào thì ghi vào tháng đó), thưởng hàng tháng, thưởng đột xuất...;

Cột 8: Ghi tổng số tiền lương được hưởng thêm giờ;

Cột 9: Ghi số tiền ăn ca được hưởng trong tháng (tiền ăn giữa ca này không bao hàm tiền ăn bồi dưỡng hiện vật, nặng nhọc, độc hại, ăn định lượng);

Cột 10: Ghi số tiền bảo hiểm xã hội trả thay tiền lương tương ứng với số ngày nghỉ được hưởng các chế độ BHXH do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán, chi trả;

Cột 11: Ghi số tiền thu nhập khác(nếu có) từ bất cứ nguồn nào của doanh nghiệp;

Cột 12: Ghi tổng số tiền lương và thu nhập được nhận trong tháng (Cột 12 = Cột 5+6+7+8+9+10+11);

Cột 13: Ghi số tiền đóng 5% bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành;

Cột 14 Ghi số tiền đóng 1% bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành;

Cột 15: Ghi số tiền bồi thường (nếu có) phải khấu trừ vào tiền lưong theo quy định của Bộ luật lao động.

Cột 16: Ghi số tiền phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;

Cột 17: Ghi tổng số tiền phải nộp theo quy định trong tháng (Cột 17 = Cột 13+14+15);

Cột 18: Ghi số tiền lương và nhập thực lĩnh trong tháng (Cột 18 = Cột 12 - Cột 17);

Cột 19: Chữ ký của người lao động.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh nghiêp nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo bộ phận làm công tác lao động - tiền lương phối hợp với các bộ phận l iên quan, lập, ghi, quản lý và lưu sổ lương theo đúng quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.

Các loại sổ lương áp dụng trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc gì đề nghị phản ánh về Bộ Lao động-Thương binh Xã hội xem xét, giải quyết.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Đình Hoan

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.