• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/09/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 26/04/2009
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 61/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 5 tháng 9 năm 1997

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc quản lý cấp phát sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí sự nghiệp duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều

Để tăng cường công tác quản lý tài chính, bảo đảm sử dụng kinh phí duy tu bảo dưỡng, chống xuống cấp thường xuyên hệ thống đê điều đúng mục đích, có hiệu quả theo Luật ngân sách Nhà nước. Liên tịch Bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, sử dụng và thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí sự nghiệp duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Kinh phí sự nghiệp kinh tế duy tu bảo dưỡng đê điều dùng để duy tu bảo dưỡng hệ thống đê điều; sửa chữa, xử lý những hư hỏng đê kè; đo và khảo sát định kỳ đê, kè. Không được sử dụng vốn duy tu bảo dưỡng đê điều vào các công việc trái với mục đích chống xuống cấp của đê điều.

2. Nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác duy tu bảo dưỡng đê điều bao gồm:

- Ngân sách địa phương bảo đảm duy tu bảo dưỡng đê điều đối với đê dưới cấp III.

- Ngân sách Trung ương bảo đảm duy tu bảo dưỡng đê điều đối với đê từ cấp III đến cấp đặc biệt và được cấp kinh phí uỷ quyền qua Sở Tài chính vật giá tỉnh, thành phố để địa phương thực hiện duy tư bảo dưỡng.

- Đê chuyên dùng của ngành nào, cơ sở nào do chủ công trình bảo đảm.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều:

Kinh phí sự nghiệp duy tu bảo dưỡng hệ thống đê điều được dùng cho những công việc sau:

1. San lấp ổ gà, làm hệ thống thoát nước mặt đê và xây dựng mặt đê chống xói mòn, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm tra và cứu hộ đê bằng cơ giới.

2. Tu bổ điếm canh đê

3. Phát hiện, xử lý tổ mối và các ẩn hoạ khác trong đê.

4. Trồng lại cỏ mái đê ở những nơi cỏ bị chết, bị xói trôi.

5. Đắp đất để trồng, chăm sóc và tu bổ cây chắn sóng.

6. Bảo dưỡng các giếng giảm áp

7. Xếp lại đá bị bong, xô ở các kè.

8. Bơm tát nước để kiểm tra đánh giá chất lượng và duy tu sửa chữa nhỏ các cống xung yếu, cống bị hư hỏng.

9. Sửa chữa, bổ sung các cột cây số đê, cột khoảng cách 100m, cột chỉ giới phạm vi bảo vệ đê, mốc địa giới đê, biển báo kè, cống, biển cấm xe đi lại trên đê, cột mốc cố định theo dõi diễn biến kè và lòng sông, cột thuỷ trí, xây dựng các hệ thống BARIE để kiểm soát các xe cộ đi lại trên đê, biển báo bão, lũ tại các điếm canh đê.

10. Đo kiểm tra định kỳ cao trình mặt đê, mặt cắt ngang thân đê, và bình đồ lộ tuyến đê.

11. Khảo sát địa chất nền đê ở những đoạn đê có nền yếu, khảo sát địa hình tại các mặt cắt cố định ngang sông của các hệ thống sông chính có đê từ cấp III trở lên để theo dõi diễn biến của lòng đẫn, khảo sát những đoạn bờ sông, kè bị xói cục bộ để có giải pháp kỹ thuật phù hợp tu sửa công trình.

12. Các công việc khác có liên quan trực tiếp tới công tác duy tu bảo dưỡng đê điều phải có sự thoả thuận của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Lập và giao dự toán kinh phí duy tu bảo dưỡng công trình đê điều.

Hàng năm, căn cứ vào thực trạng đê điều và nhu cầu duy tu bảo dưỡng (nêu ở điểm 1 trên đây), đơn giá vật tư, nhân công tại địa phương và chỉ tiêu giao số kiểm tra về dự toán chi kinh phí duy tu bảo dưỡng đê điều của cấp có thẩm quyền; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán chi về duy tu, bảo dưỡng đê điều gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với duy tu bảo dưỡng tuyến đê từ cấp III trở lên) và gửi Sở Tài chính vật giá địa phương để tổng hợp vào dự toán chi Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và Ngân sách Nhà nước trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và quyết định theo đúng quy định về lập dự toán Ngân sách tại Thông tư số 09 TC/NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân cấp lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước.

Dự toán chi duy tu bảo dưỡng đê điều phải kèm theo báo cáo thuyết minh cụ thể về tình trạng đê kè cống hư hỏng cần duy tu bảo dưỡng, ghi rõ các vị trí, khối lượng, kinh phí cho từng loại công việc. Các công việc có khối lượng lớn, kỹ thuật xử lý phức tạp phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật, bản vẽ kỹ thuật cần thiết.

3. Chấp hành Ngân sách

a. Đối với kinh phí duy tu bảo dưỡng tuyến đê từ cấp III trở lên: Căn cứ vào dự toán kinh phí duy tu bảo dưỡng đê được giao, tình trạng thực tế đê điều cần duy tu bảo dưỡng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phân bổ dự toán ngân sách duy tu bảo dưỡng đê điều cho các địa phương đảm bảo khớp đúng cả về tổng mức và chi tiết với dự toán ngân sách được giao.

Kết quả phân bổ dự toán Ngân sách phải gửi cho Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước Trung ương, Sở Tài chính - Vật giá, Kho bạc Nhà nước và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có đê từ cấp III trở lên trên địa bàn. Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, nếu có vấn đề không phù hợp với nội dung dự toán đã giao thì yêu cầu điều chỉnh lại. Hàng quí Bộ Nông nghiệp và PTNT lập dự toán kinh phí quý có chia theo tháng cho từng địa phương gửi Bộ Tài chính làm căn cứ xem xét và cấp phát kinh phí uỷ quyền cho địa phương qua Sở Tài chính - Vật giá.

Căn cứ vào kinh phí uỷ quyền do ngân sách Trung ương chuyển về, dự toán chi duy tu bảo dưỡng đê từ cấp III trở lên của sở Nông nghiệp và PTNT được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân bổ, tiến độ thực hiện, Sở Tài chính - Vật giá cấp phát cho Sở Nông nghiệp và PTNT. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch có trách nhiệm kiểm soát và chi trả.

Kết thúc công việc duy tu bảo dưỡng đê điều, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức nghiệm thu, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức thẩm định và trực tiếp nghiệm thu đối với công việc phức tạp có khối lượng lớn để làm căn cứ quyết toán.

b. Đối với kinh phí duy tu bảo dưỡng đê dưới cấp III.

- Căn cứ vào dự toán Ngân sách duy tu bảo dưỡng đê dưới cấp III được UBND tỉnh, thành phố giao; Sở Nông nghiệp và PTNT phân bổ dự toán chi ngân sách duy tu bảo dưỡng đê cho các đơn vị sử dụng kinh phí đảm bảo khớp đúng cả về tổng mức và chi tiết với dự toán Ngân sách được giao.

Căn cứ vào dự toán chi duy tu bảo dưỡng đê dưới cấp III do đơn vị sử dụng kinh phí lập Sở Nông nghiệp và PTNT lập dự toán chi hàng quý có chia ra từng tháng cho các đơn vị sử dụng gửi Bộ Tài chính - Vật giá. Căn cứ vào tiến độ thực hiện và khả năng của Ngân sách địa phương hàng quý, Sở Tài chính - Vật giá làm thủ tục cấp phát kinh phí cho Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc các đơn vị sử dụng kinh phí.

- Căn cứ vào hồ sơ chứng từ, lệnh chuẩn chi của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc các đơn vị sử dụng kinh phí, Kho bạc Nhà nước kiểm tra xem xét tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ, chứng từ làm thủ tục chi trả kinh phí để thanh toán cho đơn vị thi công.

c. Hàng quý, 6 tháng, cuối năm, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính vật giá phải báo cáo khối lượng đã thực hiện so với kế hoạch, tình hình cấp phát, thanh toán kinh phí duy tu bảo dưỡng đê từ cấp III trở lên và đê dưới cấp III với UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

4. Quyết toán kinh phí

a. Đối với kinh phí duy tu bảo dưỡng đê điều do Trung ương cấp uỷ quyền về địa phương.

Cuối quý, năm, Sở Nông nghiệp và PTNT phải lập báo cáo quyết toán kinh phí duy tu bảo dưỡng đê điều đã thực hiện do Trung ương uỷ quyền cho địa phương chi theo đúng biểu mẫu quy định tại Quyết định số 999 TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp gửi Sở tài chính vật giá tỉnh, UBND tỉnh đồng gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT. Báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng phải kèm theo biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.

Sở Tài chính vật giá có trách nhiệm xét duyệt báo cáo quyết toán năm về kinh phí duy tu bảo dưỡng đê điều do Sở Nông nghiệp và PTNT lập gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT

Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm tra xem xét báo cáo quyết toán kinh phí uỷ quyền của Sở Tài chính vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định về quyết toán Ngân sách Nhà nước tại Thông tư 09 TC/NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính nêu trên.

b. Đối với kinh phí duy tu bảo dưỡng đê điều do Ngân sách địa phương bảo đảm:

Cuối quý, năm Sở Nông nghiệp và PTNT lập báo cáo quyết toán kinh phí duy tu bảo dưỡng đê điều đã thực hiện bằng nguồn Ngân sách địa phương gửi Sở Tài chính vật giá tỉnh. Báo cáo quyết toán phải kèm theo biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành do Sở Nông nghiệp và PTNT lập tương ứng với dự toán được duyệt.

Sở Tài chính vật giá có trách nhiệm xét duyệt báo cáo quyết toán năm và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán năm cho Sở Nông nghiệp và PTNT.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc gì đề nghị các đơn vị phản ảnh về Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT để xem xét giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Vũ Trọng Hồng

Tào Hữu Phùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.