• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/05/1997
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 286/TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 2 tháng 5 năm 1997

 

 

 

 

CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng

 

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 656/TTg ngày 13/9/1996 về phát triển Kinh tế - Xã hội Tây nguyên và Quyết định số 960/TTg ngày 24 tháng 12 năm 1996 về phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc. Các Quyết định nêu trên đã đặt vấn đề ổn định dân cư và bảo vệ rừng là hai nội dung quan trọng.

Việc triển khai thực hiện các Quyết định trên đây của Thủ tướng Chính phủ đã có một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tình hình chặt phá rừng ở nước ta ngày càng phát triển lan rộng, đặc biệt nghiêm trọng là các vùng rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn đang bị tàn phá nặng nề, diện tích trồng rừng mới không bù đắp được diện tích rừng cũ bị mất, làm cho mật rừng độ che phủ ở nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực sông Mê Công. Nguyên nhân của tình trạng phá rừng hiện nay là:

Chưa xác định chủ rừng cụ thể, các cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh chưa gắn trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc quản lý chăm sóc bảo vệ rừng. Các Lâm trường quốc doanh được giao làm chủ rừng nhưng chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí có nơi còn thông đồng với những phần tử xấu để khai thác gỗ, phá hoại rừng. Một số địa phương chưa nắm chắc pháp luật, vì lợi ích cục bộ, khai thác gỗ không theo kế hoạch. Quản lý dân đi, dân đến thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc dân di cư tự do phá rừng nghiêm trọng.

Chưa có lực lượng đủ mạnh để bảo vệ tài nguyên rừng. Lực lượng kiểm lâm chưa được kiện toàn, chưa làm đầy đủ chức năng, còn nặng về kiểm tra ở cửa rừng, chưa thường xuyên kiểm tra bảo vệ cả khu rừng, vì vậy rừng để bị đốt phá rồi mới biết. Trang bị phương tiện cho lực lượng Kiểm lâm để thực thi nhiệm vụ còn thiếu, nên không đủ sức trấn áp bọn pháp rừng, có nơi lùi bước, làm ngơ trước những kẻ hung hãn đến phá rừng, thậm chí một số bộ phận kiểm lâm thoái hoá biến chất, dung túng đồng loã với kẻ xấu khai thác gỗ trái phép.

Các ngành các cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ quy định, chỉ đạo chưa cụ thể vì vậy chưa tập trung được sức người, sức của cho việc bảo vệ rừng. Do đó cần phải khắc phục và chỉ đạo thực hiện ngay chủ trương sau đây: Tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng còn lại, khoanh nuôi tái tạo lại rừng đã bị phá hoại. Phải hết sức tiết kiệm sử dụng gỗ rừng tự nhiên, tạo điều kiện để nhập khẩu gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Đẩy mạnh việc trồng rừng mới, đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất ván nhân tạo, gỗ trụ mỏ và sản xuất giấy...

Để thực hiện chủ trương trên, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau đây:

 

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh khẩn trương tiến hành ngay việc cắm mốc, xác định địa giới các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Nghiêm cấm việc chặt phá khai thác các loại rừng này, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

2. Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với từng loại rừng trên địa bàn của địa phương, chỉ đạo các cấp chính quyền huyện, xã thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước toàn diện trên địa bàn. Khắc phục và chấm dứt ngay tình trạng phá rừng bừa bãi. Nghiêm cấm những người di cư tự do vào rừng chặt phá đốt rừng, làm nương rẫy và chiếm đất rừng làm đất ở.

Chỉ đạo sâu sát chính quyền cấp huyện, xã kiểm tra phát hiện kịp thời các trường hợp xâm nhập vào rừng trái phép, ngăn chặn trước không để rừng bị phá. Cương quyết xoá bỏ mọi loại cây ngắn ngày đang trồng trên diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh. Ngăn chặn hiện tượng đốt phá rừng kiểu "da báo", không để loang rộng. Những nơi đã bị đốt phải bắt buộc khoanh lại để rừng tái sinh phục hồi và trồng dặm để tạo lại thảm rừng cũ.

3. Các tỉnh có rừng phải tổ chức lực lượng đủ mạnh để bảo vệ rừng, triệt phá những ổ nhóm lâm tặc hung hãn cố ý phá rừng. Các lực lượng quân đội, công an có kế hoạch phối hợp với lực lượng kiểm lâm và ngàng lâm nghiệp tiến hành kiểm tra, cưỡng chế tất cả những người di cư tự do đã vào sâu các vùng rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, tập trung, chuyển số dân này vào những khu quy hoạch nhất định, bố trí đất đai cho họ để làm ăn sinh sống. Những trường hợp không chịu ở theo quy hoạch chung thì người của tỉnh nào, tỉnh đó phải đưa về tái định cư ở quê cũ.

Những kẻ chống đối, tiếp tục phá rừng là hành động phá hoại tài nguyên quốc gia, huỷ diệt môi trường của cộng đồng và xã hội phải cương quyết xử lý nghiêm khắc theo luật pháp. Cần phối hợp tốt giữa các lực lượng trên địa bàn, kết hợp các biện pháp tuyên truyền, vận động, phát hiện và xử lý những phần tử cố ý không tuân thủ pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.

4. Cấm xuất khẩu gỗ và các loại sản phẩm chế biến từ gỗ, trừ hàng gỗ thủ công mỹ nghệ. Khuyến khích nhập khẩu gỗ, sử dụng các nguyên liệu thay thế gỗ, tiết kiệm sử dụng gỗ trong sản xuất và tiêu dùng. Có kế hoạch khai thác gỗ từ rừng trồng đảm bảo nhu cầu sản xuất tiêu dùng trong nước (gỗ trụ mỏ, nguyên liệu giấy, ván nhân tạo...).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý số gỗ đã được cấp giấy phép xuất khẩu năm 1996 còn tồn đọng và gỗ pơ-mu quy định tại Nghị định số 821/TTg ngày 06/11/1996; báo cáo Thủ tướng quyết định việc giao chỉ tiêu khai thác, nhập khẩu, tiêu thụ, chế biến gỗ và quản lý chặt chẽ việc thực hiện; xây dựng phương án tổ chức đầu mối nhập khẩu gỗ phục vụ nhu cầu trong nước và chế biến xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất chính sách khuyến khích các cơ sở gia công chế biến gỗ xuất khẩu chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến đồ gỗ cho tiêu dùng trong nước. Đối với những liên doanh đầu tư trồng rừng (kể cả đầu tư 100% vốn nước ngoài) tiếp tục thực hiện theo giấy phép đầu tư đã thoả thuận.

Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo thu gom hết số gỗ rừng bị chặt phá khai thác không có phép, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương hướng xử lý. Kiểm tra, xử lý nghiêm việc mua bán, tiêu thụ gỗ khai thác bất hợp pháp. Đẩy mạnh việc triển khai trồng rừng nguyên liệu và khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt dự án để ưu tiên đầu tư xây dựng các nhà máy ván sợi ép (MDF) chế biến gỗ rừng trồng thay thế gỗ tự nhiên.

5. Bộ Công nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan đề xuất các giải pháp thay thế chất đốt bằng gỗ rừng tự nhiên cho sản xuất công nghiệp như xoá bỏ các lò gạch thủ công đốt củi thay bằng các là gạch tuy nen, sử dụng các chất đốt thay thế củi trong sản xuất gốm sứ. Khuyến khích dùng khí hoá lỏng, dùng điện, than đá thay cho dùng củi đốt trong tiêu dùng của nhân dân đô thị. Tuyên truyền khuyến khích nhân dân các vùng nông thôn (đồng bằng, trung du, miền núi) đẩy mạnh việc trồng cây phân tán để giải quyết nhu cầu củi đốt và gỗ dân dụng thay gỗ rừng tự nhiên.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ ngành có liên quan và UBND các tỉnh lập Dự án và chỉ đạo một số công việc sau đây:

Kiểm kê các loại rừng trên phạm vi cả nước, ưu tiên trước khu vực Tây nguyên để xác định, phân loại, quy hoạch và có phương án bảo vệ khoanh nuôi, trồng rừng nhất là các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đối với các khu rừng quá nghèo kiệt, không có giá trị kinh tế thì thay bằng các loại cây công nghiệp, nhất là cao su.

Nghiên cứu tập đoàn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của các vùng núi đặc biệt là ở Tây Nguyên để bố trí sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Quy hoạch xác định rõ đất lâm nghiệp và đất chuyển sang cho nông nghiệp để sử dụng hợp lý có hiệu quả.

Xây dựng phương án tổ chức lại một cách cơ bản hệ thống lâm trường quốc doanh theo hướng hoạt động của các doanh nghiệp công ích, chủ yếu làm chức năng lâm sinh, dịch vụ, cung ứng vật tư, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, đào tạo kỹ thuật lâm nghiệp, khuyến lâm, khuyến nông.

7. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án đổi mới, kiện toàn hệ thống kiểm lâm. Tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương về nghiệp vụ, sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh. Có cơ chế phối hợp giữa kiểm lâm với các lực lượng vũ trang và các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn; trang bị các phương tiện, công cụ hỗ trợ và vũ khí cho lực lượng kiểm lâm để thực hiện tốt chức năng kiểm tra bảo vệ rừng.

Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đẩy mạnh việc thực hiện giao đất, giao và khoán rừng cho hộ gia đình nông dân.

Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế phân phối lợi ích trong việc giao đất, giao và khoán rừng cho hộ gia đình, để hộ gia đình khi được nhận đất, nhận rừng, ký thoả thuận cam kết về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng, đồng thời được hưởng tỷ lệ thoả đáng với giá trị sản phẩm khi khai thác rừng. Phải công bố công khai, bàn bạc dân chủ với nhân dân về nội dung giao đất giao và khoán rừng, về trách nhiệm và quyền lợi được hưởng để hộ gia đình yên tâm nhận đất nhận rừng và thật sự là chủ rừng.

Phối hợp với Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh có phương án tuyển dụng lao động chọn lọc, thông qua các đơn vị quốc phòng làm kinh tế để trồng và bảo vệ rừng ở các khu vực thưa dân. Có kế hoạch bố trí để số lao động này định cư lâu dài gắn bó với rừng.

8. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạc và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Nội vụ, Lao động, Thương binh – Xã hội theo chức năng của mình có kế hoạch triển khai, chỉ đạo UBND các tỉnh thực hiện các nội dung chỉ thị này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.