• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/09/1996
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 1114/LĐTBXH-QĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 12 tháng 9 năm 1996

QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy chế hoạt động của cơ sở dạy nghề

____________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 7/12/1993 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 90/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về học nghề;

Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, ông Vụ trưởng Vụ chính sách lao động và việc làm.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của cơ sở dạy nghề.

Điều 2.- Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Vụ trưởng Vụ chính sách lao động và việc làm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc các cơ sở dạy nghề chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

                                                                                                                              BỘ TRƯỞNG

                                                                                                                             (Đã ký)

                                                                                                                                  Trần Đình Hoan

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ DẠY NGHỀ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1114/LĐTBXH-QĐ ngày 12/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Những thuật ngữ dùng trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. Cơ sở dạy nghề: Là một tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng dạy nghề, bổ túc, bồi dưỡng nghề cho người lao động, theo hợp đồng học nghề.

2. Dạy nghề: Là việc truyền lại một cách có hệ thống, có phương pháp cho người học, để họ nắm vững tri thức, kỹ năng của nghề; và làm được những công việc theo quy định của tiêu chuẩn cấp bậc nghề.

Dạy nghề bao gồm: dạy nghề mới và dạy lại nghề.

- Dạy nghề mới: Là dạy nghề cho những người chưa qua học nghề đó. - Dạy lại nghề: Là dạy nghề cho những người đã có nghề, nhưng do yêu cầu sản xuất, tiến bộ kỹ thuật... mà nghề đang làm không còn đáp ứng đòi hỏi của công việc được giao.

3. Dạy nghề theo hình thức kèm cặp tại xưởng, tại nhà: Là dạy nghề trực tiếp tại nơi làm việc, chủ yếu là hướng dẫn thực hành ngay trong quá trình sản xuất.

4. Dạy nghề tổ chức theo lớp học: Là việc dạy nghề mà người học cần phải nắm vững cả lý thuyết lẫn thực hành, sau thời gian học nghề đạt tiêu chuẩn bậc thợ được xác định.

5. Chuyển giao công nghệ: Là sự hướng dẫn, truyền lại cho người học công nghệ mới, bí quyết công nghệ, được sử dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

6. Phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh: Là việc truyền đạt những hiểu biết về những lĩnh vực trên cho học viên, trong một thời gian ngắn, bằng những hình thức thích hợp.

7. Bổ túc nghề, bồi dưỡng nghề: Là việc truyền lại cho người học hiểu biết thêm những kiến thức, kỹ năng nghề, giúp họ nâng cao khả năng và hiệu quả làm việc.

Điều 2.- Cơ sở dạy nghề nói chung quy chế này bao gồm:

1. Cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp (Tổng công ty, Công ty, Xí nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế);

2. Cơ sở dạy nghề của các tổ chức:

a. Cơ sở dạy nghề thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội nông dân Việt Nam; Hội cựu chiến binh Việt Nam v.v...

b. Cơ sở dạy nghề gắn với tạo việc làm thuộc các trung tâm dịch vụ việc làm.

3. Cơ sở dạy nghề của tư nhân.

Chương II
NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ DẠY NGHỀ

Điều 3.- Mục tiêu dạy nghề của cơ sở dạy nghề là việc giúp cho học viên học được nghề (phải hiểu, biết và làm được những gì) và sử dụng được nghề đã học trong cuộc sống.

Căn cứ vào mục tiêu, điều kiện cụ thể, cơ sở dạy nghề lựa chọn hình thức dạy nghề, bồi dưỡng nghề thích hợp.

* Dạy nghề có:

1. Dạy nghề theo hình thức kèm cặp tại xưởng, tại nhà;

2. Dạy nghề tổ chức theo lớp học;

3. Chuyển giao công nghệ;

4. Phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.

* Bổ túc, bồi dưỡng nghề có:

1. Bồi dưỡng nâng bậc nghề;

2. Bổ túc hoàn thiện và bồi dưỡng mở rộng kiến thức nghề;

3. Bồi dưỡng tập huấn nghề.

Điều 4.- Hoạt động dạy nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề phải được tiến hành đúng kế hoạch, nội dung, tiến độ do cơ sở dạy nghề xây dựng, đảm bảo những cam kết đã ghi trong hợp đồng học nghề.

Điều 5.- Cơ sở dạy nghề có những nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Tìm hiểu cung - cầu lao động cần có nghề để xây dựng kế hoạch dạy nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề;

2. Dạy nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề theo hợp đồng học nghề do cá nhân, hoặc cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cử người đi học, ký với cơ sở dạy nghề.

3. Tổ chức tập huấn nghề, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, những kinh nghiệm sản xuất tiên tiến cho mọi đối tượng có nhu cầu;

4. Tổ chức sản xuất các sản phẩm và cung cấp các dịch vụ gắn trực tiếp với nghề dạy, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; tận dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật (nhà xưởng, máy móc, thiết bị...) và tạo nguồn thu cho cơ sở dạy nghề.

Điều 6.- Chương trình, giáo trình:

- Cơ sở dạy nghề phải xây dựng kế hoạch, nội dụng, chương trình dạy nghề. Chương trình dạy nghề gồm hai phần: lý thuyết và thực hành.

- Những nghề đã có giáo trình chuẩn thì phải dạy theo giáo trình chuẩn, hoặc có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mục tiêu dạy nghề, nhưng không được ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

- Những nghề chưa có giáo trình chuẩn quốc gia thì cơ sở dạy nghề phải biên soạn nội dụng chương trình và phải được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội duyệt.

Sau khi nhận được kế hoạch, chương trình, nội dung dạy nghề, không quá 30 ngày, Sở phải thông báo kết quả cho cơ sở dạy nghề biết. Nếu quá thời hạn này, Sở không thông báo kết quả thì cơ sở dạy nghề được sử dụng kế hoạch, chương trình, nội dung đó.

Nội dung bài giảng những lớp bổ túc, bồi dưỡng nghề do cơ sở dạy nghề biên soạn.

Điều 7.- Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm tổ chức thi tốt nghiệp cuối khoá cho học viên các lớp học nghề và kiểm tra cuối khoá cho học viên các lớp bổ túc, bồi dưỡng nghề.

Nội quy thi, kiểm tra do cơ sở dạy nghề xây dựng và phải được phổ biến trước kỳ thi, kỳ kiểm tra. Việc tổ chức thi, kiểm tra, phải đảm bảo nghiêm túc, công bằng, đúng quy định của Nhà nước.

Điều 8.- Chứng chỉ tốt nghiệp, chứng nhận bổ túc, bồi dưỡng nghề có giá trị pháp lý trong việc công nhận trình độ trong phạm vi cả nước.

- Chứng chỉ tốt nghiệp do Giám đốc cơ sở dạy nghề hoặc Giám đốc doanh nghiệp có cơ sở dạy nghề cấp cho học viên, ngay sau khi có quyết định công nhận tốt nghiệp.

- Chứng chỉ tốt nghiệp, chứng nhận bổ túc, bồi dưỡng nghề chỉ được cấp một lần.

Điều 9.- Tài chính của cơ sở dạy nghề được hình thành từ các nguồn sau đây:

- Người học, hoặc nơi cử người đi học đóng góp thông qua hợp đồng học nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề;

- Kinh phí tự có do kết hợp dạy nghề với các hoạt động sản xuất, dịch vụ;

- Kinh phí sự nghiệp do ngân sách cấp (nếu có);

- Các cơ quan nhà nước, các tổ chức quần chúng, các Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các cá nhân giúp đỡ.

Điều 10.- Hoạt động tài chính của cơ sở dạy nghề phải tuân thủ theo những quy định của Nhà nước về quản lý tài chính.

Điều 11.- Cơ sở dạy nghề chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của cơ quan chủ quản; đồng thời chịu sự chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với những vấn đề có liên quan.

Điều 12.- Giám đốc cơ sở dạy nghề có tư cách pháp nhân, Giám đốc doanh nghiệp có cơ sở dạy nghề và chủ các cơ sở dạy nghề có nhiệm vụ và quyền hạn sau.

Nhiệm vụ:

1. Chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ luật pháp, chính sách, chế độ, các quy định của Nhà nước, cũng như của các cấp quản lý;

2. Xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch dạy nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề;

3. Quản lý tốt, có hiệu quả cơ sở dạy nghề. Không ngừng chăm lo, củng cố, phát triển cơ sở dạy nghề về mọi mặt;

4. Thường xuyên chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập, đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người trong cơ sở dạy nghề;

5. Chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, cũng như các mặt hoạt động khác của cơ sở dạy nghề;

6. Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo tình hình hoạt động của cơ sở dạy nghề với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Mẫu số 4).

Quyền hạn:

1. Quyết định các chủ trương, biện pháp liên quan đến hoạt động của cơ sở dạy nghề; ký các hợp đồng lao động, hợp đồng học nghề, bổ túc, bồi dưỡng nghề; sử dụng nguồn vốn tự có để mua sắm trang, thiết bị mới, chuyển đổi các trang thiết bị phù hợp với yêu cầu của công tác dạy nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề.

2. Được chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề khác, các cơ sở sản xuất, dịch vụ trong hoạt động dạy nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề, cũng như trong sản xuất, dịch vụ, trong khuôn khổ của pháp luật.

Chương III
NGƯỜI DẠY NGHỀ
(GIÁO VIÊN)

Điều 13.- Quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và người dạy nghề (giáo viên) được thực hiện thông qua hợp đồng lao động; được ký kết giữa người đứng đầu cơ sở dạy nghề và người dạy nghề theo quy định của Bộ Luật lao động và Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.

Điều 14.- Tiêu chuẩn giáo viên: Thực hiện theo khoản b mục 1 Điều 4 Nghị định 90/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ.

Điều 15.- Giáo viên có những nhiệm vụ sau:

1. Tôn trọng, nghiêm túc thực hiện hợp đồng lao động đã ký với cơ sở dạy nghề;

2. Đảm bảo đúng tiến độ, nội dung giảng dạy theo kế hoạch của cơ sở dạy nghề;

3. Thường xuyên nâng cao chất lượng giảng dạy; chịu trách nhiệm trước Giám đốc cơ sở dạy nghề về kết quả học tập, rèn luyện của học viên;

4. Thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc sư phạm, các quy định về kỹ thuật, nghiệp vụ của cơ sở dạy nghề;

5. Tham gia đầy đủ các buổi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cơ sở dạy nghề tổ chức;

6. Giữ gìn, bảo vệ trang thiết bị, đồ dùng, tài liệu giảng dạy, cũng như những tài sản khác của cơ sở dạy nghề.

Điều 16.- Giáo viên có những quyền lợi sau:

1. Được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi theo hợp đồng lao động đã ký với cơ sở dạy nghề và những chế độ hiện hành của Nhà nước;

2. Được sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, các tài liệu, đồ dùng dạy học, v.v... của cơ sở dạy nghề để nghiên cứu, giảng dạy, trong phạm vi trách nhiệm được giao.

3. Được tham gia bàn bạc, góp ý, đánh giá về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, quản lý và các hoạt động khác của cơ sở dạy nghề.

Chương IV
NGƯỜI HỌC NGHỀ
(HỌC VIÊN)

* Nghĩa vụ của học viên:

Điều 17: Học viên phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hợp đồng học nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề đã ký với cơ sở dạy nghề.

Điều 18.- Học viên phải tôn trọng, thực hiện đầy đủ quy chế, nội quy của cơ sở dạy nghề về học tập, thực hành, như:

1. Thực hiện đầy đủ chương trình, nội dung học tập theo hợp đồng học nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề;

2. Quan hệ nghiêm túc, đúng mực với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ trong cơ sở dạy nghề;

3. Triệt để tôn trọng và chấp hành các quy định về an toàn lao động;

4. Giữ gìn, bảo vệ trang, thiết bị, tài liệu, đồ dùng phục vụ học tập và các tài sản khác của cơ sở dạy nghề;

5. Nộp học phí đầy đủ, đúng kỳ hạn theo hợp đồng học nghề và bổ túc, bồi dưỡng nghề;

6. Học viên không được làm gì ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trong cơ sở dạy nghề, trong ký túc xá, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh.

* Quyền lợi của học viên:

Điều 19: Trong thời gian học nghề, học viên được hưởng quyền lợi vật chất, tinh thần theo hợp đồng học nghề đã ký với cơ sở dạy nghề và những chế độ hiện hành của Nhà nước.

Điều 20.- Học viên được cơ sở dạy nghề phổ biến nội quy, quy chế về học tập, chính sách, chế độ của Nhà nước có liên quan đến học viên.

Điều 21.- Học viên được sử dụng các trang, thiết bị, phương tiện phục vụ học tập, thí nghiệm, v.v... để nâng cao trình độ, theo quy định của cơ sở dạy nghề.

Học viên được đóng góp ý kiến với Giám đốc cơ sở dạy nghề về mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo.

Điều 22.- Học viên được bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định của Bộ luật lao động và Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ.

Điều 23.- Học viên được đề đạt nguyện vọng, khiếu nại lên Giám đốc cơ sở dạy nghề giải quyết các vấn đề liên quan đến cá nhân, tập thể học viên như: học tập, ăn, ở, sinh hoạt văn hoá, thể dục - thể thao.

Điều 24.- Học viên được khuyến khích, tạo điều kiện hoạt động trong các tổ chức đoàn thể (công đoàn, thanh niên); các hoạt động xã hội trong, ngoài cơ sở dạy nghề; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, phù hợp với mục tiêu đào tạo của cơ sở dạy nghề.

Điều 25.-

1. Quy chế này được áp dụng thống nhất trong các cơ sở dạy nghề quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ.

2. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Quy chế trước đây, trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Đình Hoan

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.