• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/12/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 20/06/2006
BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ-BỘ XÂY DỰNG
Số: 06/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 12 năm 1996

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Về cơ chế quản lý giá xi măng

_______________

Căn cứ Điều 2, Điều 4 Quyết định 137/HĐBT, ngày 27/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về quản lý giá.

Căn cứ Nghị định số 02/CP, ngày 5/1/1995 của Chính phủ quy định mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Căn cứ Nghị định số 25/CP ngày 25/4/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế đại lý mua bán hàng hoá.

Để thực hiện mục tiêu bình ổn giá xi măng trên thị trường cả nước và phù hợp với tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng trong thời gian tới, Liên bộ Ban vật giá Chính phủ - Bộ Xây dựng ban hành cơ chế quản lý giá xi măng như sau:

A. CƠ CHẾ QUẢN LÝ GIÁ VÀ THẨM QUYỀN QUY ĐỊNH GIÁ XI MĂNG

I. GIÁ BÁN LẺ CHUẨN XI MĂNG TẠI THỊ TRƯỜNG CHÍNH

1. Giá bán lẻ chuẩn xi măng bao PC 30 theo tiêu chuẩn TCVN 2682-1992 (gọi tắt là giá bán lẻ chuẩn xi măng) tại thị trường chính, do Ban vật giá Chính phủ quy định trên cơ sở phương án giá do Tổng công ty xi măng Việt Nam đề nghị và ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. 2. Thị trường chính do Liên bộ: Ban vật giá Chính phủ - Bộ Xây dựng quy định phù hợp với yêu cầu quản lý giá xi măng trong từng thời kỳ. Trước mắt thị trường chính là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.

3. Xi măng bao PC30 theo tiêu chuẩn TCVN 2682-1992 (kể cả nhập khẩu) của tất cả các tổ chức sản xuất - kinh doanh xi măng thuộc mọi thành phần kinh tế của Trung ương và địa phương, của các liên doanh tiêu thụ tại thị trường chính ở Việt Nam đều chịu sự khống chế của giá bán lẻ chuẩn xi măng tại thị trường chính.

4. Khi các yếu tố hình thành giá bán lẻ chuẩn xi măng tăng, hoặc do giá tiêu thụ xi măng trên thị trường có biến động lớn, khả năng cung không đáp ứng cầu, dẫn đến giá bán lẻ xi măng cần được điều chỉnh vượt giá bản lẻ chuẩn đã ban hành trên 10%, thì Tổng công ty xi măng Việt Nam xây dựng phương án giá bán lẻ chuẩn mới, trình Ban vật giá Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét quyết định.

Sau 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ phương án giá bán lẻ chuẩn mới của Tổng công ty xi măng Việt Nam, mà Ban Vật giá Chính phủ không quyết định giá bán lẻ chuẩn thì Tổng công ty xi măng Việt Nam được quyền quyết định mức giá theo phương án đề nghị.

II. GIÁ BÁN LẺ VÀ BÁN BUÔN CÁC LOẠI XI MĂNG CỦA CÁC TỔ CHỨC KINH DOANH XI MĂNG

1. Giá bản lẻ các loại xi măng:

1.1. Giá bán lẻ các loại xi măng ở thị trường chính:

- Giá bán lẻ xi măng bao PC30 ở thị trường chính do Tổng công ty xi măng Việt Nam hoặc các công ty kinh doanh xi măng (ngoài Tổng công ty, kể cả liên doanh) quy định phù hợp với thời giá từng mùa (mùa mưa, mùa xây dựng). Mức giá bán lẻ này có thể bằng hoặc thấp hơn hoặc cao hơn mức giá bán lẻ chuẩn do Ban vật giá Chính phủ quy định nhưng mức cao hơn không vượt quá 10%.

- Giá bán lẻ các loại xi măng khác (ngoài xi măng bao PC30) do Tổng công ty xi măng Việt Nam hoặc các công ty kinh doanh xi măng khác quy định, căn cứ vào giá bán lẻ xi măng chuẩn nêu trên và phù hợp với chất lượng thị hiếu người sử dụng.

1.2. Giá bán lẻ các loại xi măng ở thị trường khác:

Giá bán lẻ các loại xi măng ở thị trường khác (ngoài thị trường chính) do Tổng công ty xi măng Việt Nam hoặc các công ty sản xuất - kinh doanh xi măng khác quy định, nhưng trước mắt trong thời gian chuyển đổi cơ chế quản lý giá cần đảm bảo giá bán xi măng tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi không chênh lệch quá lớn so với giá bán hiện hành.

1.3. Giá bán lẻ xi măng phải được niêm yết tại cửa hàng và phải bán theo giá đã niêm yết.

2. Giá bán buôn xi măng:

2.1. Đối với nguồn xi măng do Tổng công ty xi măng Việt Nam sản xuất và nhập khẩu:

Giá bán buôn xi măng tại Nhà máy hoặc tại các điểm giao hàng chính ở các tỉnh, thành phố do Tổng công ty xi măng Việt Nam quy định khung giá; hoặc mức giá cụ thể. Trường hợp quy định khung giá bán buôn xi măng thì Tổng công ty hướng dẫn các Công ty xi măng thành viên quy định mức giá cụ thể.

2.2. Đối với xi măng không thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam sản xuất và nhập khẩu (xi măng của các Liên doanh, xi măng của các địa phương và các ngành...) thì giá bán buôn tại nhà máy hoặc tại cảng (đối với xi măng nhập khẩu) do các Công ty sản xuất - kinh doanh xi măng này quy định.

2.3. Mức giá bán buôn xi măng được quy định tại các điểm II.2.1 và II.2.2 nêu trên, áp dụng bán thống nhất cho tất cả các khách hàng có hợp đồng mua xi măng đã ký kết theo đúng quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

B. NHIỆM VỤ VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN BÌNH ỔN GIÁ XI MĂNG

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NHIỆM VỤ BÌNH ỔN GIÁ XI MĂNG CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG

1. Bộ Xây dựng:

1.1. Hướng dẫn, kiểm tra các Công ty xi măng trong việc thực hiện quy hoạch phát triển ngành, đảm bảo chất lượng xi măng theo tiêu chuẩn, phát huy tối đa công suất các nhà máy để đáp ứng nhu cầu xi măng của thị trường.

1.2. Tham gia với các cơ quan liên quan dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng hàng năm trên phạm vi toàn quốc và từng khu vực để cân đối cung cầu - bố trí kế hoạch sản xuất xi măng cho các doanh nghiệp do Bộ quản lý.

1.3. Chỉ đạo Tổng công ty xi măng Việt Nam và các cơ sở sản xuất - kinh doanh xi măng khác thuộc ngành quản lý trong việc nhập khẩu Clinke - xi măng rời hoặc xi măng bao sau khi đã tận dụng hết năng lực sản xuất trong nước.

1.4. Hàng năm trên cơ sở cân đối cung cầu xi măng và sau khi thống nhất với Ban vật giá Chính phủ - Bộ Xây dựng quy định số lượng xi măng cần dự trữ cho từng thời kỳ và cơ chế tài chính cho lượng xi măng dự trữ để trình Chính phủ giao cho Tổng công ty xi măng Việt Nam thực hiện.

2. Ban vật giá Chính phủ:

2.1. Hàng năm Ban vật giá Chính phủ rà soát số lượng thị trường chính và mặt bằng giá bán lẻ chuẩn xi măng ở các thị trường chính này, nếu thấy cần thiết điều chỉnh thì thống nhất với Bộ Xây dựng để điều chỉnh mức giá bán lẻ chuẩn và số lượng thị trường chính cho phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu quản lý giá của Nhà nước.

2.2. Theo dõi tình hình thị trường và giá xi măng, kiến nghị các giải pháp xử lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá xi măng trên thị trường.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3.1. Chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh, thành phố trong việc quản lý thị trường xi măng tại địa phương.

3.2. Cịu trách nhiệm chính về cân đối cung cầu xi măng trong phạm vi tỉnh, thành phố, có các biện pháp chủ động để bình ổn giá xi măng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

3.3. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp xi măng mở rộng màng lưới kinh doanh dưới hình thức Tổng đại lý và đại lý xi măng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

II. ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT KINH DOANH XI MĂNG

1. Tổng công ty xi măng Việt Nam.

1.1. Với vai trò là doanh nghiệp chủ đạo của Nhà nước, có nhiệm vụ đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo cân đối lớn của Nhà nước đáp ứng phần lớn nhu cầu xi măng trên thị trường và dự trữ một lượng xi măng nhất định do Chính phủ giao.

1.2. Tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống bán xi măng theo phương thực tổng đại lý, đại lý, chi nhánh, cửa hàng thuộc Tổng công ty, đáp ứng phần lớn nhu cầu xi măng trên thị trường. Phối hợp với các đơn vị kinh doanh xi măng khác (liên doanh, xi măng lò đứng của các ngành và các địa phương...) góp phần hoàn thiện hệ thống kinh doanh xi măng trong cả nước.

1.3. Ban hành các quy định về quản lý kinh doanh xi măng, kiểm tra, kiểm soát các Tổng đại lý, đại lý bán xi măng trực thuộc Tổng công ty phù hợp với quy định trong Nghị định 25/CP ngày 25/4/1996 của Chính phủ.

1.4. Chỉ đạo các Công ty thành viên và mạng lưới Tổng đại lý thuộc Tổng công ty thực hiện dự trữ xi măng trong khâu sản xuất và lưu thông theo quy định của Nhà nước. Xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng xi măng dự trữ trình Bộ Xây dựng duyệt và chỉ đạo thực hiện cơ chế đó.

1.5. Hướng dẫn và chỉ đạo các Công ty sản xuất kinh doanh xi măng, các Tổng đại lý, đại lý, chi nhánh, cửa hàng trực thuộc, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc quản lý giá xi măng mà Liên bộ đã quy định.

1.6. Theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu và diễn biến giá xi măng trên thị trường trong cả nước để xử lý kịp thời trong phạm vi quyền hạn. Trường hợp vượt quá quyền hạn thì báo cáo liên bộ và Chính phủ để xử lý, nhằm ổn định thị trường xi măng.

2. Các Công ty kinh doanh xi măng của địa phương và của các ngành khác (kể cả Liên doanh).

2.1. Phối hợp với Tổng công ty xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh xi măng khác cân đối cung cầu xi măng trong từng thời kỳ của ngành, của địa phương.

2.2. Nhập khẩu xi măng đúng số lượng, địa điểm, tiến độ theo giấy phép nhập khẩu.

2.3. Mở rộng mạng lưới kinh doanh xi măng để bán xi măng cho người tiêu dùng một cách thuận tiện và an toàn.

3. Các Tổng đại lý và đại lý:

3.1. Thực hiện đúng quy chế mua bán hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 25/4/1996 của Chính phủ.

3.2. Được hưởng hoa hồng theo quy định hiện hành, phù hợp với hình thức đại lý đã được ghi trong hợp đồng.

3.3. Các Tổng đại lý, đại lý nắm chắc nhu cầu thị trường xi măng, đề nghị Tổng công ty xi măng Việt Nam (đối với các doanh nghiệp trực thuộc) hoặc các Công ty xi măng khác (đối với các doanh nghiệp ngoài Tổng công ty xi măng) cân đối xi măng kịp thời để ổn định giá xi măng trên thị trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban vật giá Chính phủ chủ trì cùng Bộ Xây dựng tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình chấp hành cơ chế quản lý giá xi măng theo nội dung Thông tư này của các tổ chức sản xuất-kinh doanh xi măng trên phạm vi toàn quốc.

2. Sở Tài chính- Vật giá, Ban vật giá thành phố Hồ Chí Minh chủ trì cùng với Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tất cả các đơn vị sản xuất-kinh doanh xi măng trên địa bàn tỉnh, thành phố về chấp hành cơ chế quản lý giá xi măng tại địa phương, phát hiện những sai phạm và xử lý trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc báo cáo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý.

3. Tổng công ty xi măng Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện giá bán xi măng của các đơn vị trực thuộc màng lưới Tổng đại lý, đại lý, chi nhánh, cửa hàng của Tổng công ty tại các khu vực, phát hiện kịp thời những sai phạm và xử lý trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc bán cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý.

4. Tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất -kinh doanh xi măng trên toàn lãnh thổ Việt Nam phải chấp hàng nghiêm túc cơ chế quản lý giá xi măng quy định trong Thông tư này; đồng thời có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các yêu cầu về tình hình số liệu cần thiết để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát về giá bán xi măng được thuận lợi.

5. Các quyết định về giá bán buôn xi măng của tất cả các đơn vị Trung ương, địa phương, liên doanh và giá bán lẻ tại các thị trường chính do Tổng công ty xi măng Việt Nam quy định, phải báo cáo Ban vật giá Chính phủ và Bộ Xây dựng để theo dõi chỉ đạo.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Thông tư Liên bộ số 08/TTLB, ngày 17/9/1993.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc yêu cầu các ngành, các cấp phản ánh kịp thời về Liên Bộ: Ban vật giá Chính phủ - Bộ Xây dựng để xem xét bổ sung sửa đổi cho phù hợp.

Phó Trưởng ban Ban Vật giá Chính phủ

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Xây dựng
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Văn Tân

Trần Văn Huynh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.