• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 08/04/2016
CHÍNH PHỦ
Số: 13/2016/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 2 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

Quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám,

kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự

_______________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính ph ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng ngày 26 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm 1996;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Điều 3. Hồ sơ, mẫu biểu đăng ký nghĩa vụ quân sự

1. Hồ sơ đăng ký nghĩa vụ quân sự được lập thành 01 bộ và được quản lý tại Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện).

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định hệ thống mẫu biểu đăng ký nghĩa vụ quân sự, gồm:

a) Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự;

b) Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

c) Phiếu quân nhân dự bị;

d) Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự;

đ) Giấy chứng nhận đăng ký quân nhân dự bị;

e) Giấy giới thiệu di chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự;

g) Giấy giới thiệu di chuyển quân nhân dự bị;

h) Sổ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm;

i) Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ;

k) Sổ đăng ký quân nhân dự bị.

Điều 4. Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu

1. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện) ký Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự và giao cho Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là Ban Chỉ huy quân sự cấp xã) thực hiện.

2. Hồ sơ

a) Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

b) Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh (mang theo bản chính để đối chiếu).

3. Trình tự thực hiện

a) Trước thời hạn 10 ngày, tính đến ngày đăng ký nghĩa vụ quân sự, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân;

b) Sau khi nhận được Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, công dân thuộc đối tượng quy định tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự có trách nhiệm đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân, tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu tại nơi cư trú;

c) Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm đối chiếu bản gốc giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh; hướng dẫn công dân kê khai Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đăng ký các thông tin cần thiết của công dân vào Sổ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân ngay sau khi đăng ký;

d) Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quản lý hồ sơ công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh).

Điều 5. Đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị

1. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ký Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đối với công dân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Luật nghĩa vụ quân sự đăng ký nghĩa vụ quân sự phục vụ trong ngạch dự bị, Giấy chứng nhận đăng ký quân nhân dự bị và giao cho Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện.

2. Hồ sơ

a) Phiếu quân nhân dự bị;

b) Bản chụp quyết định xuất ngũ, thôi việc trong Quân đội nhân dân hoặc thôi phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân (mang theo bản chính để đối chiếu) đối với hạ sĩ quan, binh sĩ; quân nhân chuyên nghiệp; công nhân và viên chức quốc phòng xuất ngũ, thôi việc trong Quân đội nhân dân, lực lượng Cảnh sát biển và công dân thôi phục vụ trong Công an nhân dân.

3. Trình tự thực hiện

a) Trước thời hạn 10 ngày, tính đến ngày đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Luật Nghĩa vụ quân sự vào tháng 4 hằng năm. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chuyển Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày công dân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Nghĩa vụ quân sự về địa phương cư trú có trách nhiệm đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để trực tiếp đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị vào các ngày trong năm (theo lịch làm việc của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã);

b) Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm lập phiếu quân nhân dự bị, vào Sổ đăng ký quân nhân dự bị và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký quân nhân dự bị cho công dân đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị tại nơi cư trú;

c) Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp vào Sổ đăng ký quân nhân dự bị.

Điều 6. Đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung

1. Hồ sơ

a) Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc Giấy chứng nhận đăng ký quân nhân dự bị (mang theo bản chính để đối chiếu).

b) Bản chụp các giấy tờ liên quan đến những thay đổi chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự (mang theo bản chính để đối chiếu).

2. Trình tự thực hiện

a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự, công dân phải trực tiếp đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung;

b) Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung; sửa đổi, bổ sung những thông tin thay đổi của công dân vào Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ, Sổ đăng ký quân nhân dự bị, Phiếu quân nhân dự bị. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung tại nơi cư trú;

c) Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện bổ sung những thông tin thay đổi của công dân vào Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ, Sổ đăng ký quân nhân dự bị, Phiếu quân nhân dự bị.

Điều 7. Đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập

1. Đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đi

a) Hồ sơ

- Giấy giới thiệu di chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc Giấy giới thiệu di chuyển quân nhân dự bị;

- Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc Giấy chứng nhận đăng ký quân nhân dự bị (mang theo bản chính để đối chiếu);

- Bản chụp giấy giới thiệu chuyển hộ khẩu do cơ quan công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương về thay đổi nơi cư trú hoặc quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức về thay đổi nơi làm việc, học tập mới (mang theo bản chính để đối chiếu).

b) Trình tự thực hiện

Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập trực tiếp đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đi. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đi tại nơi cư trú;

Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm làm thủ tục cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đi và cấp Giấy giới thiệu di chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc Giấy giới thiệu di chuyển quân nhân dự bị cho công dân, Phiếu quân nhân dự bị; đưa ra khỏi Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ hoặc Sổ đăng ký quân nhân dự bị.

Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổng hợp, đưa ra khỏi Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ hoặc Sổ đăng ký quân nhân dự bị đối với công dân thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập ngoài địa bàn huyện.

2. Đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đến

a) Hồ sơ

- Giấy giới thiệu di chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc Giấy giới thiệu di chuyển quân nhân dự bị;

- Phiếu quân nhân dự bị.

b) Trình tự thực hiện

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày đến nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập mới, công dân có trách nhiệm đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đến. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đến tại nơi cư trú.

Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hướng dẫn cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đến; vào Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ hoặc Sổ đăng ký quân nhân dự bị; lập Phiếu quân nhân dự bị.

Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổng hợp, quản lý danh sách công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự chuyển đến, Phiếu quân nhân dự bị; vào Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ hoặc Sổ đăng ký quân nhân dự bị.

Điều 8. Đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng

1. Hồ sơ

Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc Giấy chứng nhận đăng ký quân nhân dự bị (mang theo bản chính để đối chiếu).

2. Trình tự thực hiện

a) Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, khi đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 03 tháng trở lên phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đã đăng ký nghĩa vụ quân sự để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự, thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng tại nơi cư trú.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày trở về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập, công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để trực tiếp đăng ký lại;

b) Trong thời hạn 01 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng; bổ sung các thông tin vào Sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ hoặc Sổ đăng ký quân nhân dự bị; lập danh sách công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng hoặc đăng ký lại cho công dân (trường hợp công dân trở về);

c) Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

Điều 9. Đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thi chiến

1. Hồ sơ

Bản chụp Quyết định bổ nhiệm chức vụ (mang theo bản chính để đối chiếu) hoặc giấy xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với chức danh công tác thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

2. Trình tự thực hiện

a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự nhận được quyết định bổ nhiệm hoặc được biên chế vào chức danh thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, thì cơ quan, tổ chức nơi công dân công tác cử đại diện mang quyết định bổ nhiệm hoặc giấy xác nhận chức danh thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để làm thủ tục đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự. Công dân đã được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu không còn giữ chức vụ hoặc chức danh thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến thì cơ quan, tổ chức nơi công dân công tác cử đại diện đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để đăng ký nghĩa vụ quân sự lại.

b) Trong thời hạn 10 ngày, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổng hợp danh sách để quản lý riêng.

Điều 10. Phục vụ tại ngũ của công dân nữ trong thi bình

1. Khi Quân đội có nhu cầu tuyển chọn gọi công dân nữ nhập ngũ trong thời bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nữ nhập ngũ quy định tại Khoản 2 Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự.

2. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao chỉ tiêu tuyển chọn công dân nữ nhập ngũ cho Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện.

Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thông báo đến công dân nữ trong độ tuổi phục vụ tại ngũ; công dân nữ phải làm đơn tình nguyện nhập ngũ có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc tuyển chọn, gọi công dân nữ nhập ngũ đủ chỉ tiêu, đúng tiêu chuẩn, thời gian theo quy định tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ hằng năm.

Chương III

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH CỦA CÔNG DÂN TRONG THỜI GIAN

ĐĂNG KÝ, KHÁM, KIỂM TRA SỨC KHỎE NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Điều 11. Chế độ chính sách của công dân trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự

1. Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự được hưởng nguyên lương, phụ cấp và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.

2. Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự được đảm bảo các chế độ sau:

a) Tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh;

b) Thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.

3. Chế độ chính sách quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này được thực hiện đối với các trường hợp công dân trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị.

Điều 12. Chế độ chính sách của công dân trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự

1. Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.

2. Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được đảm bảo các chế độ sau:

a) Tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh;

b) Thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 13. Thực hiện chi trả chế độ

1. Nguyên tắc hưởng chế độ

Thời gian đi, về và thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc khám, kiểm tra sức khỏe từ 4 giờ trở lên trong ngày được tính cả ngày; dưới 4 giờ trở xuống tính 1/2 ngày.

2. Trách nhiệm chi trả

a) Công dân làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chi trả;

b) Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chi trả và thanh quyết toán với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện;

c) Công dân không thuộc cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chi trả.

Điều 14. Nguồn ngân sách bảo đảm

1. Kinh phí thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện cho công dân làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Kinh phí thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 13 Nghị định này do ngân sách địa phương đảm bảo.

3. Kinh phí thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện cho công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 13 Nghị định này do ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Quốc phòng đảm bảo.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 15. Bộ Quốc phòng

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước các quy định của Nghị định này.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan quân sự địa phương phối hợp với cơ quan, ban, ngành có liên quan cùng cấp tổ chức đăng ký nghĩa vụ quân sự.

3. Kiểm tra, thanh tra, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 16. Bộ Tài chính

1. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan tài chính các địa phương và cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách cho công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nghị định này.

2. Chỉ đạo cơ quan tài chính địa phương và cơ quan, tổ chức trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp, bảo đảm nguồn kinh phí; chế độ, chính sách cho công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự và thực hiện thanh, quyết toán theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Bộ Công an

1. Chỉ đạo, hướng dẫn Công an địa phương phối hợp với cơ quan quân sự địa phương cùng cấp thực hiện các quy định trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự đối với công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Nghị định này.

2. Chỉ đạo cơ quan Công an địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, từ ngày 25 đến ngày 30 tháng cuối quý, thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi họ bị tạm giữ, tạm giam hoặc đã được trả tự do; thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện danh sách công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự chuyển hộ khẩu thường trú, tạm trú hoặc được cấp đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú;

b) Công an xã, phường, thị trấn định kỳ từ ngày 25 đến ngày 30 hằng tháng, trao đổi thông tin, cung cấp số liệu cho cơ quan quân sự cùng cấp về đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn;

c) Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương và cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác.

Điều 18. Bộ Y tế

1. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan y tế các địa phương phối hợp với cơ quan quân sự địa phương cùng cấp thực hiện các quy định về khám, kiểm tra sức khỏe đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Nghị định này.

2. Chỉ đạo cơ quan y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan y tế cấp huyện); cơ quan y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cơ quan y tế cấp xã) có trách nhiệm:

a) Cơ quan y tế cấp huyện tổ chức, triển khai khám, kiểm tra sức khỏe cho công dân sẵn sàng nhập ngũ, quân nhân dự bị theo quy định của pháp luật.

b) Cơ quan y tế cấp xã hướng dẫn công dân kê khai Phiếu tự sức khỏe của bản thân trong thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.

Điều 19. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên liên quan đến đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan quân sự địa phương nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở thực hiện quy định trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân khi được gọi vào học các trường. Chỉ đạo Hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên có trách nhiệm thống kê danh sách, thông báo cho công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, đang học tập thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu với cơ quan quân sự địa phương.

Điều 20. Các Bộ, ngành khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nghị định này và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Điều 21. Ủy ban nhân dân các cấp

Chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương cấp mình và cơ quan, tổ chức liên quan ở địa phương tổ chức, thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nghị định này và các quy định của Bộ Quốc phòng về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 22. Quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, cấp xã

1. Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cơ quan quân sự địa phương cấp huyện thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nghị định này.

2. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và tổng hợp việc đăng ký, quản lý công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nghị định này và các văn bản hướng dẫn của các cấp.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 4 năm 2016. Các quy định về quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, thời điểm Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng có hiệu lực thi hành.

2. Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.