Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định về quản lý hoạt động

nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

_________________________________

 ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 20 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; 

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 70/2014/TT-BGTVT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thuỷ nội địa;

Căn cứ Thông tư số 55/2015/TT-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố vùng nước các cảng biển thuộc địa phận các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:

- Như Điều 4;

- Văn phòng Chính phủ;

- Bộ Nông nghiệp và PTNT;

- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);

- Bộ Tư lệnh Quân khu 9;

- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;

- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh;

- CT và các PCT.UBND tỉnh;

- Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam;

- Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho;

- Cổng Thông tin điện tử, Công báo tỉnh;

- VPUB: CVP và các PVP, Ban TD,

  các Phòng NC;

- Lưu VT, P.KTN (Nhã, Tâm).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Đã ký

 

Phạm Anh Tuấn

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH TIỀN GIANG

        _________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     ______________________

 

QUY ĐỊNH

Về quản lý hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

(Ban hành kèm theo Quyết định số  22 /2016/QĐ-UBND

 ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

 Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

 Quy định về hoạt động nuôi thủy sản; trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nuôi thủy sản trong ao với mục đích không kinh doanh: Là nuôi thủy sản trong ao truyền thống sử dụng diện tích mặt nước ao, mương để cải thiện cuộc sống gia đình có năng suất dưới 10 tấn/ha/vụ nuôi.

2. Nuôi thủy sản trong ao với mục đích kinh doanh: Là các hình thức nuôi như sau:

a) Nuôi thủy sản trong ao thâm canh: Là hình thức nuôi với mật độ thả thích hợp có năng suất từ 10 tấn/ha/vụ nuôi trở lên;

b) Nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh: Là hình thức nuôi có đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quy trình kỹ thuật đáp ứng điều kiện nuôi thâm canh và bán thâm canh, mật độ thả nuôi từ 10 con/m2 trở lên, có khả năng đạt năng suất trên 1,5 tấn/ha/vụ nuôi;

c) Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến: Là hình thức nuôi tôm sú với mật độ  thả nuôi dưới 10con/m2, có khả năng đạt năng suất đến 0,5 tấn/ha/vụ nuôi.

3. Nuôi bè trên sông: Là hình thức nuôi thủy sản thâm canh, bè đóng bằng vật liệu thích hợp, neo đậu tại một vị trí theo quy định.

4. Nuôi đăng quầng: Là hình thức nuôi thủy sản sử dụng diện tích mặt nước ven sông, có ít nhất một mặt là lưới chắn và nuôi tại một vị trí theo quy định.

5. Nuôi nhuyễn thể (bao gồm nghêu, sò,…): Là hình thức nuôi quảng canh cải tiến, nguồn thức ăn và chế độ chăm sóc, quản lý phụ thuộc vào điều kiện thủy văn tự nhiên.

6. Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Là bản báo cáo phân tích, dự báo các tác động môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án.

7. Cơ quan Thú y: Bao gồm Chi cục Thú y và Trạm Thú y cấp huyện.

8. Cơ quan Môi trường: Bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.

Chương II

QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG NUÔI THỦY SẢN

Điều 3. Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi thủy sản

Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi thủy sản trong ao với mục đích kinh doanh, nuôi nhuyễn thể phải phù hợp với quy hoạch của địa phương. Riêng cơ sở nuôi bè và nuôi đăng quầng thì chỉ được nuôi tại các vùng nước được quy định tại Phụ lục kèm theo Quy định này.

Điều 4. Điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm

1. Chủ cơ sở nuôi thủy sản trong ao với mục đích kinh doanh, nuôi bè trên sông, nuôi đăng quầng phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đăng ký với Cơ quan Thú y để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật.

2. Chủ cơ sở nuôi thủy sản trong ao với mục đích kinh doanh, nuôi bè và nuôi đăng quầng phải đăng ký với Cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy sản) để được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết sản xuất thực phẩm an toàn với Ủy ban nhân nhân cấp xã để được kiểm tra và xác nhận sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định của pháp luật.

Điều 5.  Điều kiện về môi trường

1. Dự án nuôi thủy sản phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường gồm: Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với cơ sở và dân cư chung quanh; có hệ thống thu gom, xử lý chất thải hợp vệ sinh, đúng theo quy định bảo vệ môi trường; bảo đảm phòng ngừa và ứng phó dịch, bệnh; xác thủy sản bị chết do dịch, bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

2. Chủ dự án thực hiện việc lập, trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu dự án có diện tích mặt nước từ 10ha trở lên, riêng các dự án nuôi quảng canh cải tiến từ 50ha trở lên.

3. Lập, đăng ký xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường

a) Chủ dự án thực hiện việc lập, đăng ký xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường nếu dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

b) Chủ dự án không phải đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường khi nuôi thủy sản có quy mô diện tích mặt nước nhỏ hơn 5.000m2.

c) Trường hợp dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn 02 huyện thì Chủ dự án đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Các trường hợp còn lại, Chủ dự án đăng ký xác nhận lại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi triển khai dự án.

4. Đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành chính thức (trước ngày 01/4/2015) nhưng không có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy xác nhận đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trước thời điểm Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường có hiệu lực thì trong thời hạn tối đa là ba mươi sáu (36) tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành phải thực hiện một trong hai biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm sau đây:

a) Lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ gửi cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết;

b) Lập Đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 5 Quy định này, gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 5 Quy định này để đăng ký.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NUÔI THỦY SẢN

Điều 6. Trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản trong ao.

1. Đối với nuôi thủy sản trong ao với mục đích kinh doanh.

a) Phải thực hiện việc khai báo nuôi thủy sản với Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Thực hiện các biện pháp phòng bệnh thủy sản theo hướng dẫn của Cơ quan Thú y.

c) Chấp hành các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường theo quy định của pháp luật.

d) Phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan Thú y gần nhất khi phát hiện thủy sản nuôi có biểu hiệu bất thường.

2. Đối với nuôi thủy sản trong ao với mục đích không kinh doanh.

Thực hiện theo các quy định tại Điểm a, d, Khoản 1 của Điều này.

3. Tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định tại Khoản 1, 2 của Điều này sẽ được xem xét hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi thủy sản nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Điều 7. Trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nuôi bè và nuôi đăng quầng.

1. Trách nhiệm của của các tổ chức, cá nhân nuôi bè:

a)  Đăng ký với Chi cục Thủy sản để được cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi bè theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Sử dụng vùng nước ảnh hưởng đến giao thông đường thủy phải liên hệ với cơ quan quản lý đường thủy có thẩm quyền để xác nhận an toàn giao thông đường thủy và khi được chấp thuận cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông thủy theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường thủy có thẩm quyền.

c) Phải thực hiện việc khai báo nuôi thủy sản với Ủy ban nhân dân cấp xã.

d) Thực hiện các biện pháp phòng bệnh thủy sản theo hướng dẫn của Cơ quan Thú y.

đ) Chấp hành các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường theo quy định của pháp luật.

e) Chủ cơ sở nuôi phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan Thú y gần nhất khi phát hiện thủy sản nuôi có biểu hiệu bất thường.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi đăng quầng: Thực hiện theo các quy định tại Điểm b, c, d, đ, e của Khoản 1 của Điều này.

3. Tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định tại Khoản 1, 2 của Điều này sẽ được xem xét hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi thủy sản nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Điều 8. Trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nuôi nhuyễn thể.

1. Phải thực hiện việc khai báo nuôi thủy sản với Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh thủy sản theo hướng dẫn của Cơ quan Thú y.

3. Phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan Thú y gần nhất khi phát hiện thủy sản nuôi có biểu hiệu bất thường.

4. Tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định tại Khoản 1, 2, 3 của Điều này  được xem xét hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi thủy sản nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra về điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ấp Bắc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện quy định này cho các đối tượng có liên quan.

c) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định hiện hành; biên soạn và phát hành các loại biểu mẫu, sổ theo dõi hoạt động nuôi trồng thủy sản.

d) Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Hướng dẫn việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc các đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

c) Tổ chức xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các đối tượng thuộc thẩm quyền.

d) Hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định.

đ) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm đối với các hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa hướng dẫn, lắp đặt các tín hiệu và xác nhận an toàn giao thông đường thủy nội địa cho tổ chức, cá nhân có cơ sở nuôi bè trên các tuyến sông được phân cấp quản lý.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đúng quy định.

5. Sở Tài chính: Thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán kinh phí của các sở, ngành có liên quan đến công tác triển khai và thực hiện Quyết định này.

6. Đề nghị Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho:  Hướng dẫn lắp đặt các tín hiệu và xác nhận an toàn giao thông đường thủy nội địa cho tổ chức, cá nhân có cơ sở nuôi bè trên các tuyến sông được phân cấp quản lý.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức quy hoạch địa điểm nuôi thủy sản trên địa bàn quản lý.

2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc cấp giấy chứng nhận hộ đăng ký kinh doanh đúng quy định.

3. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các đối tượng thuộc thẩm quyền.

5. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo Quy định này về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ hàng tháng và đột xuất theo yêu cầu.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tổ chức thực hiện cấp sổ theo dõi hoạt động nuôi thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

2. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý nuôi thủy sản định kỳ hàng tháng và đột xuất theo yêu cầu.

Điều 12. Trách nhiệm di dời bè của tổ chức, cá nhân nuôi bè trên sông

Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày Quyết định ban hành Quy định này có hiệu lực, các tổ chức cá nhân đang nuôi bè trên vùng nước Bắc Cồn Tân Long phải tổ chức thực hiện di dời bè sang các vùng nước quy định neo đậu bè theo Quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

                                                                               

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Anh Tuấn