Sign In

QUYẾT ĐỊNH 

Ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

_________________


ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;

Căn cứ Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;

Căn cứ Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước;

 Căn cứ Thông tư số 43/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định mức giá cước tối đa dịch vụ trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 12/2019/TT-BTTTT ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 9 năm 2021 và thay thế Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. 

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ

Quản lý, vận hành và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng

của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

 (Kèm theo Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND

ngày 13 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

__________________________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, vận hành, kết nối và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang: là hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, được sử dụng riêng cho hoạt động truyền số liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước (sau đây gọi là mạng truyền số liệu chuyên dùng và viết tắt là mạng TSLCD) do Cục Bưu điện Trung ương là chủ mạng, quản lý, điều hành hoạt động của mạng.

2. Mạng TSLCD của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang kết nối đến:

a) Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;

c) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;

d) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn;

đ) Các đối tượng khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang;

e) Khuyến khích các cơ quan, đơn vị khác sử dụng mạng TSLCD.

3. Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ mạng TSLCD trên địa bàn tỉnh Tiền Giang: là doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu, điều kiện quy định tại Điều 9 Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về việc quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 12/2019/TT-BTTTT ngày 05/11/2019).

 Điều 4. Danh mục dịch vụ cung cấp trên mạng TSLCD

Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT.

Chương II

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ SỬ DỤNG MẠNG TSLCD

Điều 5. Nguyên tắc quản lý, vận hành và sử dụng mạng TSLCD

1. Quản lý, vận hành và sử dụng mạng TSLCD phải bảo đảm khai thác hiệu quả tài nguyên mạng máy tính và nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

2. Mạng TSLCD được quản lý, vận hành tập trung, thống nhất; được sử dụng đúng mục đích, thiết thực, hiệu quả, an toàn, được rà soát, kiểm tra, đánh giá định kỳ để đảm bảo an toàn, bảo mật và tính sẵn sàng cao trong quá trình vận hành, sử dụng. Phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, liên tục (24 giờ/ngày và 07 ngày/tuần).

3. Triển khai mạng TSLCD bằng hình thức tập trung do Sở Thông tin và Truyền thông ký hợp đồng khung với doanh nghiệp viễn thông, bảo đảm khả năng vận hành và cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.

4. Việc sử dụng dữ liệu, chia sẻ và lưu trữ thông tin trên mạng TSLCD phải tuân thủ các quy định của pháp luật về viễn thông, công nghệ thông tin và lưu trữ.

5. Thông tin được sử dụng, chia sẻ và lưu trữ trên mạng TSLCD phải là những thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị sử dụng mạng.

6. Thông tin quan trọng truyền tải trên mạng TSLCD phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, mã hóa bằng mật mã cơ yếu.

Điều 6. Các ứng dụng khai thác trên mạng TSLCD

1. Cổng Thông tin điện tử và các cổng thành phần của tỉnh, huyện, xã; các dịch vụ công trực tuyến.

2. Điều hành công việc, chuyển văn bản giữa các cơ quan, đơn vị thông qua phần mềm Quản lý văn bản và điều hành.

3. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh.

4. Cổng dịch vụ công và hệ thống phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh để tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính.

5. Trục kết nối liên thông, nền tảng chia sẻ, tích hợp cấp tỉnh (LGSP) phục vụ truy cập, kết nối đến các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.

6. Họp trực tuyến.

7. Các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác cần an toàn và bảo mật thông tin cao, có yêu cầu kết nối liên thông, trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Điều 7. Giá cước sử dụng mạng TSLCD

1. Cước phí sử dụng mạng TSLCD được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước tỉnh và áp dụng theo Thông tư số 43/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định mức giá cước tối đa dịch vụ trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

2. Doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện công khai giá cước dịch vụ trên mạng TSLCD theo quy định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông là đầu mối chi trả cước phí sử dụng mạng TSLCD cho tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ KẾT NỐI VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN

THÔNG TIN TRÊN MẠNG TSLCD

Điều 8. Quy định về kết nối đối với doanh nghiệp viễn thông cung cấp kết nối cho mạng TSLCD

1. Kết nối đối với doanh nghiệp viễn thông cung cấp kết nối cho mạng TSLCD thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 12/2019/TT-BTTTT).

2. Căn cứ vào nhu cầu quản lý tập trung về kết nối và tốc độ sử dụng đối với đơn vị sử dụng mạng TSLCD (thông qua đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông), doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm kết nối, tốc độ truy cập của đơn vị sử dụng mạng đảm bảo ổn định, thông suốt.

3. Doanh nghiệp viễn thông phải thiết lập địa chỉ IP, thông số kết nối cho đơn vị sử dụng mạng TSLCD đã được Cục Bưu điện Trung ương hướng dẫn, quy hoạch cho tỉnh Tiền Giang.

4. Hạ tầng mạng của doanh nghiệp viễn thông cung cấp kết nối cho mạng TSLCD thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 12/2019/TT-BTTTT). 

 Điều 9. Quy định về bảo đảm an toàn thông tin cho mạng TSLCD

1. Quy định chung về bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng mạng TSLCD thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT.

2. Mạng TSLCD phải bảo đảm an toàn thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 12/2019/TT-BTTTT).

 3. Đơn vị sử dụng mạng TSLCD có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin theo Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND ngày 18/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC QUẢN LÝ,

VẬN HÀNH VÀ SỬ DỤNG MẠNG TSLCD

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

1. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại Điều 18 Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT.

2. Hàng năm lập dự toán kinh phí sử dụng mạng TSLCD của các cơ quan nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm triển khai các nhiệm vụ, duy trì hoạt động của mạng TSLCD của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông cung cấp hạ tầng kết nối và dịch vụ cho mạng TSLCD

1. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại Điều 16 Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT.

2. Chịu sự kiểm tra của Sở Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều hành hoạt động, duy trì, bảo đảm an toàn thông tin trên mạng TSLCD.

3. Chỉ được phép lắp đặt mới, mở rộng kết nối mạng TSLCD trong các cơ quan nhà nước khi có sự thống nhất của Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.

4. Kịp thời thông báo các loại cước phí, dịch vụ, chính sách sử dụng dịch vụ trên địa bản tỉnh khi có ban hành theo quy định mới của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị sử dụng mạng TSLCD

1. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị:

a) Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại Điều 19 Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 12/2019/TT-BTTTT).

b) Thiết lập địa chỉ IP trên các máy trạm tham gia vào hệ thống mạng nội bộ của đơn vị; chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin của đơn vị được truyền tải trên mạng TSLCD.

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong việc thiết lập hệ thống máy chủ, cài đặt thiết bị, địa chỉ IP kết nối mạng TSLCD; tổ chức khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, phần mềm do đơn vị chủ trì triển khai trên mạng TSLCD.

d) Tổ chức, phân công cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ quản trị mạng máy tính tại đơn vị, cụ thể:

- Lập nhật ký theo dõi quá trình hoạt động của các thiết bị kết nối mạng TSLCD, quá trình kết nối, sử dụng mạng;

- Quản lý chặt chẽ hệ thống hạ tầng và thiết bị kết nối mạng TSLCD của đơn vị (chỉ được phép cho nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp viễn thông cung cấp hạ tầng kết nối và dịch vụ cho mạng TSLCD tiến hành xử lý và khắc phục các sự cố của thiết bị có liên quan trực tiếp đến mạng TSLCD);

- Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về quản lý, quản trị mạng do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hoặc các lớp đào tạo nghiệp vụ quản trị mạng theo các chương trình phù hợp.

đ) Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông tình hình khai thác, sử dụng mạng TSLCD trong báo cáo hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị để tổng hợp báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Phối hợp xử lý sự cố kết nối với mạng TSLCD:

a) Đối với các sự cố thông thường (về kết nối, tốc độ, chất lượng dịch vụ...) các đơn vị liên hệ trực tiếp đầu mối bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của doanh nghiệp viễn thông cung cấp hạ tầng kết nối và dịch vụ cho mạng TSLCD để được hỗ trợ khắc phục sự cố;

b) Đối với các sự cố nghiêm trọng (các sự cố liên quan đến thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, đường truyền, các sự cố liên quan đến an toàn thông tin, mất dữ liệu,...) ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, vượt quá khả năng tự khắc phục của cơ quan, đơn vị, phải nhanh chóng thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông để điều phối việc khắc phục;

c) Trong trường hợp có kế hoạch nâng cấp, bảo trì hệ thống mạng nội bộ có ảnh hưởng đến mạng TSLCD, phải thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trước tối thiểu 03 ngày làm việc để phối hợp, nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể mạng TSLCD.

 Điều 14. Trách nhiệm của cá nhân sử dụng mạng TSLCD

1. Người sử dụng (thuộc các đơn vị sử dụng mạng TSLCD) khi kết nối vào mạng TSLCD phải tuyệt đối tuân thủ những quy định về quản lý, vận hành và sử dụng mạng TSLCD. Mọi vi phạm, tùy thuộc vào mức độ, đều bị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Không thực hiện truy cập trái phép vào mạng TSLCD.

3. Không tự ý cài đặt, lắp đặt, tháo gỡ, di chuyển, can thiệp vào các thiết bị đã thiết lập trên mạng TSLCD; không cung cấp, phát tán thông tin không được pháp luật cho phép; không cố tình gây mất an toàn thông tin trên mạng TSLCD.

4. Không tiết lộ sơ đồ tổ chức hệ thống mạng, mật khẩu truy nhập các ứng dụng trên mạng TSLCD cho các tổ chức, cá nhân không đúng thẩm quyền.

5. Khi phát hiện sự cố xảy ra phải thông báo kịp thời cho lãnh đạo đơn vị mình để giải quyết.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chế này; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện Quy chế này.

2. Các cơ quan nhà nước có sử dụng mạng TSLCD có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện Quy chế này trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vấn đề phát sinh, các cơ quan liên quan kịp thời báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.


 

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Mười