Sign In

NGHỊ QUYẾT

Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

_________________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA X
- KỲ HỌP THỨ 15

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019, Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 6 năm 2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng ngày 29 tháng 6 năm 2024;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Xét Tờ trình số 395/TTr-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Báo cáo thẩm tra số 479/BC-HĐND ngày 28 tháng 11 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

          1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

          2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.  

Điều 2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. Bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Qua đó, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư thực hiện nghiêm các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở;

b) Đa dạng các hình thức tổ chức, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; từng cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng mô hình, phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm ngành, lĩnh vực phụ trách, đảm bảo thực chất, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân;

c) Tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Bảo đảm công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Người được giao phụ trách, tham mưu thực hiện dân chủ ở cơ sở phải tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, được tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định;

b) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp các cơ sở đào tạo định kỳ tập huấn, bồi dưỡng cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở;

c) Thường xuyên bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao trình độ, khả năng tiếp cận, khai thác, sử dụng công nghệ thông tin về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới.

3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở ấp, khu phố bảo đảm thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện công khai, minh bạch những nội dung trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định; kịp thời giải quyết những kiến nghị, phản ánh chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; có trách nhiệm tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân bàn, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung đã được quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ đại diện; mở rộng dân chủ trực tiếp; nêu cao tinh thần phục vụ, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân;

b) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tích cực, tham gia ý kiến, bàn và quyết định các nội dung được xin ý kiến nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; gương mẫu, nghiêm túc thực hiện các quyết định đã được tập thể thống nhất;

c) Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định pháp luật; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị với người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;

d) Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; lựa chọn, bố trí những người có phẩm chất, năng lực tốt, được tín nhiệm làm công tác Thanh tra nhân dân, công tác Giám sát đầu tư của cộng đồng;

đ) Các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn bảo đảm điều kiện cần thiết theo quy định để Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy hiệu quả hoạt động tại cơ sở;

e) Cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở để đánh giá xếp loại hằng năm đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân theo phân cấp quản lý cán bộ.

4. Bảo đảm trang bị phương tiện kỹ thuật và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số

a) Bố trí trang thiết bị hiện đại, có kết nối mạng internet để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở;

b) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số;

c) Vận dụng, phát huy ưu thế của mạng nội bộ, Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định pháp luật trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ và người dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền.

5. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; xử lý nghiêm minh tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở;

b) Bảo đảm thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

6. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đăng ký xây dựng các mô hình điển hình về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng loại hình gắn với tiêu chuẩn công nhận các mô hình điển hình thực hiện dân chủ ở cơ sở;

b) Tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; làm tốt công tác phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là người lao động trực tiếp, người có uy tín ảnh hưởng trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

7. Đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện dân chủ ở cơ sở

a) Ủy ban nhân dân các cấp lập dự toán, bảo đảm kinh phí thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo quy định Luật Ngân sách nhà nước;

b) Thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định pháp luật.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Khóa X, Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025./.

 

Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Châu Thị Mỹ Phương