Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH13 ngày 12 tháng 6 năm 1999;

Căn cứ Pháp lệnh Du lịch số 11/1999/PL-UBTVQH10 ngày 08 tháng 02 năm 1999;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch;

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch.

2. Nghị định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế và tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, trừ trường hợp pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có quy định khác.

Điều 2. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau

1. Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến.

2. Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.

3. Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam.

4. Chương trình du lịch là lịch trình được định trước của chuyến đi du lịch do các doanh nghiệp lữ hành tổ chức, trong đó xác định thời gian chuyến đi, nơi đến du lịch, các điểm dừng chân, dịch vụ lưu trú, vận chuyển, các dịch vụ khác và giá bán chương trình.

5. Kinh doanh lữ hành là việc xây dựng, bán, tổ chức thực hiện các chương trình du lịch nhằm mục đích sinh lợi.

6. Hướng dẫn viên du lịch là người hướng dẫn khách theo chương trình du lịch và được thanh toán cho dịch vụ hướng dẫn.

Hướng dẫn viên du lịch không bao gồm: thuyết minh viên tại chỗ, người của các cơ quan, tổ chức được cử đi công tác cùng khách là người nước ngoài.

Chương II

KINH DOANH LỮ HÀNH

Điều 3. Kinh doanh lữ hành

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh lữ hành phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện quy định trong Nghị định này.

2. Việc thành lập doanh nghiệp lữ hành, đăng ký kinh doanh, bổ sung chức năng ngành nghề kinh doanh lữ hành thực hiện theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 4. Điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa

1. Có phương án kinh doanh du lịch.

2. Ký quỹ 50 (năm mươi) triệu đồng Việt Nam.

3. Đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp lữ hành nội địa

1. Doanh nghiệp lữ hành nội địa có các quyền sau:

a) Xây dựng, quảng cáo, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch cho khách du lịch nội địa; khách du lịch là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch;

b) Lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật;

c) Tham gia các câu lạc bộ, các hiệp hội nghề nghiệp;

d) Tiến hành các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo đúng chức năng, quyền hạn và phạm vi kinh doanh du lịch;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp lữ hành nội địa có các nghĩa vụ sau:

a) Chấp hành, phổ biến và hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, các quy định của Nhà nước về an ninh và trật tự, an toàn xã hội; về bảo vệ môi trường, bản sắc văn hoá và thuần phong mỹ tục của dân tộc;

b) Có biện pháp bảo đảm an toàn về sức khoẻ, tính mạng và tài sản của khách du lịch;

c) Công khai giá và các điều kiện thực hiện chương trình du lịch, dịch vụ du lịch; đảm bảo các dịch vụ cung cấp cho khách đúng số lượng và chất lượng như đã quảng cáo;

d) Thông báo về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh cho cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Không được cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tư cách pháp nhân, tên doanh nghiệp của mình để hoạt động kinh doanh du lịch;

e) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế

1. Có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

2. Ký quỹ 250 (hai trăm năm mươi) triệu đồng Việt Nam.

3. Đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

4. Có ít nhất 3 hướng dẫn viên được cấp thẻ.

Điều 7. Cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

b) Bản sao hợp pháp các giấy tờ quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

2. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế gồm:

a) Doanh nghiệp gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (dưới đây gọi tắt là hồ sơ) đến cơ quan quản lý du lịch của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;

b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do doanh nghiệp gửi đến, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ và gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đầy đủ đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn để xem xét, cấp giấy phép thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp biết đồng thời gửi báo cáo về Tổng cục Du lịch;

c) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền về việc cấp giấy phép có trách nhiệm xem xét, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp phép, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ và doanh nghiệp biết;

d) Tổng cục Du lịch công bố thủ tục cấp phép theo hướng đơn giản, thuận tiện, không gây phiền hà, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế

1. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế có các quyền sau:

a) Xây dựng, quảng cáo, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch;

b) Lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật;

c) Tham gia các câu lạc bộ, các hiệp hội nghề nghiệp;

d) Tiến hành các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch;

đ) Làm thủ tục xin xét duyệt nhân sự về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho khách du lịch với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế có các nghĩa vụ sau:

a) Chấp hành, phổ biến và hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật và các quy định của Nhà nước Việt Nam về an ninh và trật tự, an toàn xã hội; về bảo vệ môi trường, bản sắc văn hoá và thuần phong mỹ tục của dân tộc;

b) Có biện pháp bảo đảm an toàn về sức khoẻ, tính mạng và tài sản của khách du lịch;

c) Công khai giá và các điều kiện thực hiện chương trình du lịch, dịch vụ du lịch; đảm bảo các dịch vụ cung cấp cho khách đúng số lượng và chất lượng như đã quảng cáo;

d) Thông báo về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh cho cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh, thành phố;

đ) Tuyên truyền, quảng bá về du lịch Việt Nam;

e) Chỉ được sử dụng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ để hướng dẫn khách du lịch;

g) Quản lý hướng dẫn viên, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên của doanh nghiệp;

h) Không được cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tư cách pháp nhân, tên doanh nghiệp của mình để hoạt động kinh doanh du lịch;

i) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, được phép kinh doanh lữ hành theo giấy phép do cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp, có quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của Nghị định này và các quyền và nghĩa vụ quy định trong Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan.

Chương III

HƯỚNG DẪN DU LỊCH

Điều 10. Hành nghề hướng dẫn du lịch

Những người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Nghị định này sẽ được xem xét để cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Chỉ những người đã được cấp thẻ mới được hành nghề hướng dẫn viên du lịch đối với khách du lịch quốc tế. Hướng dẫn viên du lịch chỉ được hành nghề hướng dẫn viên du lịch khi đang làm việc ở một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của hướng dẫn viên

1. Hướng dẫn viên có các quyền sau:

a) Hướng dẫn khách du lịch theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp lữ hành;

b) Tham gia hiệp hội nghề nghiệp;

c) Hướng dẫn khách du lịch theo các chương trình du lịch trong và ngoài nước;

d) Nhận lương, thù lao theo hợp đồng của đơn vị sử dụng;

đ) Tham gia thi tuyển, công nhận cấp bậc nghề nghiệp của hướng dẫn viên;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn viên có các nghĩa vụ sau:

a) Tuân thủ và hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, nội quy, quy chế nơi đến tham quan du lịch và tôn trọng phong tục tập quán của địa phương;

b) Hướng dẫn khách tham quan du lịch theo đúng chương trình, có thái độ văn minh, tận tình và chu đáo với khách;

c) Có trách nhiệm đối với việc bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của khách du lịch;

d) Thông tin về chuyến đi cho khách du lịch và các quyền lợi hợp pháp khác của khách du lịch;

đ) Đeo thẻ hướng dẫn viên trong khi làm nhiệm vụ;

e) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Những điều hướng dẫn viên không được làm

Hướng dẫn viên không được:

1. Lợi dụng hoạt động lữ hành, cung cấp những thông tin làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

2. Cho người khác mượn thẻ hướng dẫn viên;

3. Có những hành vi, lời nói gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, thuần phong mỹ tục Việt Nam;

4. Đưa khách du lịch đến những khu vực cấm;

5. Thay đổi chương trình du lịch đã thông báo cho khách mà không có sự đồng ý của khách;

6. Kiếm lợi bất chính đối với khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ;

7. Tùy tiện cắt giảm các tiêu chuẩn, dịch vụ của khách du lịch;

8. Phân biệt đối xử với khách du lịch;

Điều 13. Cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch

Người có đủ các điều kiện sau đây được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch:

1. Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có đủ năng lực hành vi dân sự;

2. Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện;

3. Có bằng cử nhân trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;

4. Có bằng cử nhân ngoại ngữ hoặc chứng chỉ ngoại ngữ du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;

Điều 14. Hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên

Hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên gồm:

a) Đơn đề nghị cấp thẻ;

b) Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của y ban nhân dân phường, xã nơi cư trú, hoặc cơ quan nơi công tác);

c) Bản sao có công chứng:

Bằng cử nhân và chứng chỉ bồi dưỡng về hướng dẫn du lịch;

Bằng cử nhân ngoại ngữ hoặc chứng chỉ ngoại ngữ du lịch;

d) Giấy khám sức khỏe và ảnh.

Điều 15. Thủ tục cấp thẻ hướng dẫn viên

1. Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 13 của Nghị định này nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có thẩm quyền.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có trách nhiệm xem xét cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; trường hợp từ chối cấp thẻ, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có thẩm quyền phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do đến người xin cấp thẻ.

3. Tổng cục Du lịch ủy quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Thẻ hướng dẫn viên du lịch có giá trị trong phạm vi toàn quốc.

Điều 16. Đổi, cấp lại, thu hồi thẻ hướng dẫn viên

1. Trường hợp đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên:

Trường hợp thẻ hư hỏng hoặc bị mất, hướng dẫn viên phải làm hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại thẻ.

2. Hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại thẻ gồm:

a) Đơn đề nghị;

b) Hai ảnh 3 x 4;

c) Thẻ cũ đối với trường hợp đổi thẻ, hoặc xác nhận của cơ quan công an đối với trường hợp bị mất thẻ.

3. Thu hồi thẻ hướng dẫn viên.

Hướng dẫn viên bị thu hồi thẻ nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 12;

b) Vi phạm các khoản từ 3 đến 8 Điều 12.

4. Khi bị thu hồi thẻ, hướng dẫn viên chỉ được xem xét để cấp lại sau 6 (sáu) tháng kể từ ngày thẻ bị thu hồi. Hồ sơ và thủ tục đề nghị cấp thẻ áp dụng theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Nghị định này.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH DOANH LỮ HÀNH,

HƯỚNG DẪN VÀ VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH

Điều 17. Quản lý nhà nước về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn và vận chuyển khách du lịch

1. Tổng cục Du lịch thực hiện việc quản lý nhà nước về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch; đề xuất với Chính phủ các cơ chế chính sách về du lịch, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lữ hành, hướng dẫn du lịch, cung cấp thông tin về du lịch; phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý nhà nước về du lịch, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Tổng cục Du lịch công bố công khai các điều kiện và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để doanh nghiệp có căn cứ xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình du lịch và đăng ký kinh doanh.

3. Tổng cục Du lịch chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành, kể cả rút giấy uỷ quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

4. Tổng cục Du lịch chủ trì cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá - Thông tin quy định điều kiện và cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp chứng chỉ bồi dưỡng về hướng dẫn viên du lịch, chứng chỉ ngoại ngữ du lịch quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 13 của Nghị định này.

5. Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Tổng cục Du lịch và các ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển khách du lịch.

6. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hành nghề hướng dẫn, vận chuyển khách du lịch trên địa bàn; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trên địa bàn.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc kinh doanh lữ hành, hướng dẫn, vận chuyển khách du lịch thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh lữ hành mà không đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép hoặc có sai phạm trong việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định này; hướng dẫn viên du lịch quốc tế mà không có thẻ hướng dẫn viên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với những quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20.

1. Những doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã có giấy phép, đã đăng ký hoạt động kinh doanh trước ngày ban hành Nghị định này vẫn tiếp tục được hoạt động kinh doanh nhưng phải điều chỉnh, bổ sung đầy đủ các điều kiện để hoạt động theo đúng quy định của Nghị định này.

2. Những người đã được cấp thẻ hướng dẫn viên trước khi ban hành Nghị định này mà vẫn còn thời gian sử dụng thì vẫn được tiếp tục sử dụng thẻ đã được cấp để hướng dẫn khách du lịch.

Điều 21. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 22. Tổng cục Du lịch có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 23. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải