CHỈ THỊ
Về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trong phạm vi tỉnh Tỉnh Giang.
________________________
Sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Trong những năm gần đây, việc triển khai thực hiện Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 11/CT.UB ngày 24/6/1993 về việc nghiêm cấm sử dụng điện đánh bắt thủy sản tự nhiên trong phạm vi tỉnh Tiền Giang. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với các ngành, các cấp kiểm tra ngăn chặn xử lý việc dùng điện, chất nổ, chất độc để đánh bắt thủy sản, nhưng hiện tượng trên ngày càng phổ biến công khai ở một số địa phương trong tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/1/1998 về việc nghiêm cấm sử dụng điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản, công văn số 481 CV/BVNL của Bộ Thủy Sản ngày 18/2/1998 về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
2. Công An tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh chỉ đạo cho các lực lượng Công an, Bộ đội phối hợp với Chi Cục bảo về nguồn lợi thủy sản và chính quyền các cấp ở địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát các đối tượng buôn bán, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện và chất độc để khai thác thủy sản, xử lý thật nghiêm theo pháp luật.
3. Sở Văn hóa thông tin, Báo Ấp Bắc, Đài phát thành truyền hình thường xuyên tuyên truyền phổ biến Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quyết định 2996/QĐ.UB của UBND tỉnh về việc ban hành bản qui định tạm thời về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản, nhằm giáo dục ý thức trách nghiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nhân dân và tác hại hậu quả của việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại khai thác thủy sản.
4. Sở Nông Nghiệp – PTNT phối hợp với Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh triển khai Pháp lệnh bảo vệ và phát triền nguồn lợi thủy sản, Chỉ thị 01/CT-TTg và Quyết định 2996/QĐ-UB của UBND tỉnh để tuyên truyền vận động nhân dân ý thức chấp hành các quy định trên. Chỉ đạo cho Chi Cục bảo về nguồn lợi thủy sản phối hợp với các lực lượng Công An, quân đội và địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng mua bán, tàng trữ sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.
5. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được phát hiện kịp thời, xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 48-CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Thành lập Ban chỉ đạo (BCD) chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản các cấp tỉnh, huyện và xã.
- Cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố do 1 đ/c Phó chủ tịch UBND làm Trưởng Ban; cấp xã do Đ/c Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban. Ban chỉ đạo các cấp có Phó Ban là đại diện lãnh đạo Công an và nghành Nông nghiệp và PTNT làm thường trực và các ngành Biên phòng, Quân sự, Văn hóa – Thông tin tham gia làm thành viên.
- Ban chỉ đạo các cấp có trách nhiệm phối hợp với các ban ngành cùng cấp thường xuyên tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người hiểu rõ tác hại của việc sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản. Tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn quản lý; Nghiên cứu đề xuất với UBND cùng cấp có biện pháp hỗ trợ, cho vay với lãi xuất ưu đãi đối với các hộ ngư dân nghèo có hoàn cảnh thực sự khó khăn để họ chuyển nghề, từ bỏ các nghề cấm.
7. Kinh phí thực hiện do Ban chỉ đạo các cấp lập dự toàn trình UBND cùng cấp phê duyệt và sử dụng khoản được trích lại của phần tiền thu phạt vi phạm hành chính theo Thông tư số 52-TC/CSTC ngày 12/9/1996 của Bộ Tài Chính hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính.
8. Sở Nông nghiêp – PTNT là cơ quan thường trực của BCĐ tỉnh có trách nghiệm dự thảo qui chế hoạt động của BCĐ, nội dung và kế hoạch thực hiện trình UBND tỉnh ban hành đồng thời theo dõi để báo cáo về UBND tỉnh.
Sở Tài Chính – Vật giá và các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm tạo điều kiện cho Ban chỉ đạo các cấp thực hiện tốt Chỉ thị này.
Chỉ thị này được triển khai rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và hủy bỏ Chỉ thị số 11/CT.UB ngày 24/6/97 của UBND tỉnh về việc nghiêm cấm sử dụng đánh bắt thủy sản tự nhiên trong phạm vi tỉnh Tiền Giang.