Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 34/2011/TTLT-BTTTT-BNG ngày 24 tháng 11 năm 2011 của liên bộ Thông tin và Truyền thông - Ngoại giao hướng dẫn việc phối hợp thi hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Trần Thanh Đức

QUY CHẾ

Quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 19/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

________________________

 Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định nguyên tắc và nội dung quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trong việc quản lý nhà nước và phối hợp triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia quản lý nhà nước và thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý hoạt động thông tin đối ngoại

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh; có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại đạt hiệu quả cao.

2. Tăng cường công tác lãnh đạo về chính trị, tư tưởng; nâng cao tính nhạy bén, linh hoạt trong xử lý các tình huống, các vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia quản lý, thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại. Kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại của các cấp chính quyền với thông tin đối ngoại nhân dân.

3. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, toàn diện, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn; kết hợp chặt chẽ thông tin đối ngoại với thông tin đối nội; giữa thông tin đối ngoại với các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa đối ngoại; giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại của Đảng, đối ngoại nhân dân nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước và các tổ chức quốc tế trên tinh thần cùng có lợi, bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích của tỉnh.

4. Thực hiện đúng Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (đặc biệt là kiều bào Tiền Giang ở nước ngoài) hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quan điểm lãnh đạo thực hiện của tỉnh. Qua đó, phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác đầu tư của cộng đồng quốc tế vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

5. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong và ngoài nước, các cơ quan Trung ương về các vấn đề liên quan đến Tiền Giang theo quy định.

Điều 3. Hoạt động và nội dung hoạt động thông tin đối ngoại

1. Thông tin đối ngoại quy định tại quy chế này là thông tin quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam, của tỉnh Tiền Giang; thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam ra thế giới và thông tin về thế giới vào Việt Nam.

2. Nội dung hoạt động thông tin đối ngoại bao gồm:

a) Thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước; tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và những thành tựu đạt được của tỉnh Tiền Giang; các yêu cầu phát triển trong tương lai, quan hệ đối ngoại hiện nay của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

b) Giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh hợp tác - đầu tư và khả năng thích ứng của Tiền Giang.

c) Chủ động tiếp nhận thông tin của thế giới phục vụ cho các mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh Tiền Giang và cả nước; đồng thời phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nội dung công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại

1. Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh trên cơ sở đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật và Điều 2 của quy chế này; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin đối ngoại đã ban hành.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình về công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

3. Tổ chức bộ máy, xây dựng cơ chế, chính sách đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại ở trong và ngoài tỉnh. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về thông tin đối ngoại theo yêu cầu công tác.

4. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm các điều kiện cho hoạt động thông tin đối ngoại đạt hiệu quả cao.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn nội dung thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin cho báo chí trong và ngoài nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực và địa bàn quản lý.

6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại theo quy định của pháp luật.

7. Định kỳ sơ kết, tổng kết hoạt động thông tin đối ngoại; khen thưởng, kỷ luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.

Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại

1. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và các quy định có liên quan tại quy chế này.

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI

Điều 6. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thông tin đối ngoại và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành theo thẩm quyền.

2. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn nội dung thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí trong tỉnh và trong nước hoạt động trên địa bàn tỉnh.

3. Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan chức năng hướng dẫn, quản lý hoạt động của phóng viên báo chí nước ngoài trên địa bàn; cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh theo dõi, tổng hợp các thông tin báo chí và dư luận xã hội tác động tiêu cực đến địa phương để chủ động thực hiện việc đính chính, phản bác lại các thông tin xuyên tạc, sai sự thật; theo dõi việc chấp hành chế độ bảo mật thông tin trong hoạt động thông tin đối ngoại trên phạm vi toàn tỉnh.

5. Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao và các cơ quan Trung ương trong công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại tại Tiền Giang.

6. Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ theo dõi, xử lý hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời các loại hình sách, báo, tạp chí, ấn phẩm, băng đĩa nhập lậu vào Tiền Giang với dụng ý xấu, gây bất lợi cho việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tỉnh.

7. Quản lý, hướng dẫn thực hiện việc cấp phép xuất bản các bản tin, tài liệu, tờ rơi và việc phát hành thông cáo báo chí của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.

8. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thông tin đối ngoại của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; dự trù kinh phí thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại hàng năm và đề xuất việc khen thưởng, kỷ luật các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Điều 7. Sở Ngoại vụ

1. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan triển khai chương trình, kế hoạch thông tin đối ngoại đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Tổ chức thu thập, phân tích, đánh giá các thông tin về tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội quốc tế và khu vực có tác động đến địa phương; đề xuất phương hướng và giải pháp thực hiện. Cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động đối ngoại của tỉnh cho các cơ quan có liên quan.

3. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí trong tỉnh đưa tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo tỉnh có chuyến thăm, làm việc tại nước ngoài và các hoạt động đối ngoại diễn ra tại địa phương.

4. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh quản lý hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài tại Tiền Giang.

5. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh khi phát ngôn về quan điểm, lập trường chính thức của tỉnh đối với các vấn đề đối ngoại; tổ chức các cuộc họp báo quốc tế; chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn của lãnh đạo tỉnh trước phóng viên báo chí nước ngoài.

6. Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, các lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đối tượng tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.

Điều 8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan biên soạn và phát hành các tài liệu chính thức giới thiệu về tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh.

2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời về tình hình thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ (NGO) trên địa bàn tỉnh.

3. Thường xuyên đưa thông tin về những thành tựu của đất nước và của tỉnh; tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển của tỉnh đến với mọi người, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đang có nhu cầu tìm hiểu thị trường và có ý định đầu tư vào Tiền Giang.

4. Tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh Tiền Giang thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ, triển lãm quốc tế về xúc tiến đầu tư.

Điều 9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan có liên quan triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch. Xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, mang bản sắc văn hóa Tiền Giang để phục vụ các hoạt động thông tin đối ngoại của tỉnh.

2. Phát hành các xuất bản phẩm với nhiều thứ tiếng để tăng cường giới thiệu, quảng bá về văn hóa, du lịch; chỉ đạo tổ chức sản xuất các sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm mang bản sắc văn hóa Tiền Giang.

3. Sử dụng có hiệu quả và tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan sử dụng các thiết chế văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý để phục vụ hoạt động thông tin đối ngoại.

Điều 10. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các hoạt động xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại.

Điều 11. Công an tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn và theo dõi việc chấp hành chế độ bảo mật thông tin trong hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

2. Theo dõi, tổng hợp diễn biến thông tin đối ngoại để đề xuất chủ trương, biện pháp phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, chống phá Đảng, chính quyền địa phương và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 12. Sở Tài chính

Phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định và trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện hoạt động thông tin đối ngoại theo quy định.

Điều 13. Các cơ quan báo chí Tiền Giang

1. Nâng cao chất lượng tin, bài, hình ảnh; tăng dung lượng, thời lượng phản ánh hoạt động thông tin đối ngoại qua các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, phóng sự, tài liệu quảng bá. Qua đó, giới thiệu về vùng đất và con người Tiền Giang, truyền thống lịch sử, các giá trị văn hóa, những thành tựu trong công cuộc đổi mới, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tiềm năng hợp tác và tương lai phát triển của tỉnh ra thế giới; đồng thời tăng cường cập nhật, truyền tải thông tin thế giới vào tỉnh.

2. Tập trung nghiên cứu, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang.

Điều 14. Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại trong phạm vi quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

2. Cung cấp thông tin cho báo chí trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực và địa bàn quản lý theo quy định.

3. Hàng năm, xây dựng kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại (gửi Sở Thông tin và Truyền thông) và dự toán kinh phí hàng năm (gửi Sở Tài chính) trước thời điểm xây dựng dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách để theo dõi, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại theo phạm vi quản lý, gửi báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/11 hàng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu để Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông.

5. Phân công tổ chức, cá nhân trực thuộc chịu trách nhiệm triển khai, theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động thông tin đối ngoại trong phạm vi quản lý.

6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại trên lĩnh vực và địa bàn quản lý theo quy định.

7. Thực hiện chế độ bảo mật thông tin trong hoạt động thông tin đối ngoại trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy chế này và các quy định khác của pháp luật về hoạt động thông tin đối ngoại được biểu dương, khen thưởng theo chế độ thi đua, khen thưởng hiện hành.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế này và các quy định khác của pháp luật về hoạt động thông tin đối ngoại thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Điều khoản thi hành

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện quy chế này.

2. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quy chế; hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các sở, ban, ngành, địa phương phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh./.