Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội

(Thành phố Hà Nội)

____________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

- Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30/12/1992 và Nghị định 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ và cơ quan ngang Bộ;

- Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 3/4/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

- Căn cứ quyết định 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;

- Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 37501/KTN ngày 5/7/1994 về việc uỷ nhiệm Bộ trưởng Bộ Xây dựng thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết một số khu vực quan trọng của Thủ đô Hà Nội;

Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Chủ tịch Hội đồng kiến trúc-Quy hoạch- Bộ Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU 1- Phê duyệt Định hướng Quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội trình (tại Tờ trình số 51/UB ngày 8/12/1994), kèm theo hồ sơ quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển Khu phố cổ Hà Nội do Viện Quy hoạch Đô thị- Nông thôn- Bộ Xây dựng lập với nội dung chủ yếu sau:

1/ Phạm vi nghiên cứu quy hoạch:

1.1- Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa phận 8 phường Quận Hoàn Kiếm có ranh giới được quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Hà Nội xác định:

• Phía Bắc là đường Hàng Đậu;

• Phía Tây là đường Phùng Hưng;

• Phía Nam là đường Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng;

• Phía Đông là đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.

1.2 Tổng diện tích quy hoạch khu phố cổ khoảng 100 ha

2/ Về quan điểm quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội

Việc bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội phải đảm bảo các nguyên tắc đã quy định tại Điều 11 Điều lệ quản lý xây dựng Thành phố Hà Nội, ban hành kèm theo Quyết định 106/QĐ-ĐT ngày 20/6/1992; Thông báo số 72/UB-TW ngày 26/5/1994 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam; Cụ thể không nhất thiết phải giữ gìn nguyên vẹn tất cả các công trình đã có, mà là giữ gìn cho được phong cách và tâm hồn đặc hữu của cả một khu phố cổ rộng lớn, đồng thời đáp ứng những yêu cầu về môi trường sinh sống của đô thị hiện đại.

3/ Về phân khu bảo vệ, tôn tạo và quy hoạch phát triển khu phố cổ Hà Nội

3.1. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch được phân chia hai khu vực bảo vệ, tôn tạo đặc trưng như sau:

a. Khu bảo vệ, tôn tạo cấp I, được giới hạn bởi đường phố Hàng Chiếu, Hàng Bạc, Trần Nhật Duật, Hàng Mắm và Hàng Đào có diện tích khoảng 19 ha;

b. Khu bảo vệ, tôn tạo cấp II, bao gồm phần còn lại trong khu phố cổ có diện tích khoảng 81 ha.

3.2. Để phục vụ cho việc cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tổ chức mạng lưới các công trình hạ tầng xã hội phục vụ sinh hoạt hàng ngày và định kỳ của nhân dân, khu phố cổ Hà Nội được chia thành ba cụm dân cư, trên cơ sở lấy các chợ hoặc đường phố thương mại hiện có làm trung tâm khu vực: cụm Đồng Xuân, chợ Hàng Da và Hàng Bè, với quy mô mỗi cụm khoảng 20.000 dân. Gắn kết các cụm dân cư trên là trục trung tâm thương mại- dịch vụ gồm: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Lương Văn Can, Hàng Cân và Hàng Lược, phục vụ trực tiếp cho khu phố cổ và toàn thành phố.

4. Về nội dung định hướng bảo vệ tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội.

4.1- Về định hướng bảo vệ tôn tạo khu phố cổ

Việc bảo vệ, tôn tạo khu phố cổ phải đảm bảo:

- Giữ nguyên mạng lưới đường (Không mở rộng, không thu hẹp) trong chỉ giới xây dựng cũ;

- Giữ nguyên và phục chế các công trình hoặc cụm công trình có giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc như đình, chùa, nhà thờ, nhà ở cổ (có danh mục kèm theo):

- Những công trình chưa được đánh giá xếp hạng phải được tiếp tục nghiên cứu bổ sung để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

- Phạm vi bảo vệ các công trình di tích lịch sử, văn hoá theo quy định của pháp luật;

- Giữ gìn phong cách kiến trúc đặc hữu của khu phố cổ như: chiều cao các lớp nhà ngoài mặt phố phải từ ba tầng trở xuống, mái ngói ta, mặt bằng nhà hình ống có sân chơi, hình thức kiến trúc mặt tiền, sử dụng vật liệu truyền thống và hoạ tiết trang trí phải phù hợp với cảnh quan cổ xung quanh.

- Đối với cây xanh, vườn hoa đã có từ lâu đời phải được phân loại, xếp hạng và bảo vệ giữ gìn.

4.2- Về định hướng cải tạo và phát triển khu phố cổ

- Việc cải tạo và phát triển các ô phố, đường phố phải được tiến hành theo các dự án đầu tư, trên cơ sở đảm bảo công trình xây dựng mới phải phù hợp với khung cảnh khu phố cổ hiện hữu; có biện pháp giãn dân thích hợp để mật độ xây dựng của mỗi ô phố không vượt quá 70% và mật độ dân số không quá 800 người/ha.

- Chiều cao các công trình lớp sau mặt phố không được vượt quá 4 tầng hoặc 16 m.

- Thống nhất với các giải pháp hiện đại hoá cơ sở hạ tầng hiện có như: giao thông, cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước, vệ sinh phân rác, các bãi đỗ xe và việc tổ chức sắp xếp cải tạo và xây dựng hệ thống các công trình nhà ở phục vụ công cộng như: thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, cơ quan hành chính sự nghiệp, các sân nghỉ cây xanh cho trẻ em và người lớn trong đồ án quy hoạch khu phố cổ.

- Tăng chỉ tiêu diện tích cây xanh từ 0,5 m2/ng lên 1,5 m2/ng.

5/ Quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ cần lưu ý các điểm sau:

- Trên cơ sở định hướng quy hoạch bảo vệ tôn tạo và phát triển khu phố cổ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành Điều lệ quản lý bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ.

- Lập và triển khai các dự án bảo vệ, tôn tạo và phát triển cho từng ô phố, đường phố, mạng lưới các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

- Đối với việc bảo vệ, tôn tạo các công trình, các ô phố và đường phố trước hết cho lập và thực hiện dự án thí điểm để rút kinh nghiệm, sau đó triển khai các dự án khác trong toàn khu phố cổ.

ĐIỀU 2- Giao cho Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội:

- Tổ chức công bố Đồ án quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội để nhân dân biết và thực hiện.

- Chỉ đạo việc thực hiện cụ thể hoá những định hướng của đồ án quy hoạch bảo vệ tôn tạo và phát triển khu phố cổ thành các dự án đầu tư và chương trình hành động phù hợp với điều kiện địa phương;

- Phối hợp chặt chẽ các Bộ, Ngành liên quan, động viên các nguồn vốn trong nước, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn vốn nước ngoài để thực hiện cải tạo và phát triển khu phố cổ theo quy hoạch được duyệt.

ĐIỀU 3- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, thủ trưởng các Bộ, ngành có liên quan, Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Giám đốc các Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chính, Sở Nhà đất và các Sở khác có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Bộ Xây dựng

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Xuân Lộc