• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2016
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 70/2014/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tiền Giang, ngày 5 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định về quản lý đường thủy nội địa

________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý đường thủy nội địa.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phân loại đường thủy nội địa; công bố mở, đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa; phạm vi hành lang bảo vệ luồng và mốc chỉ giới; quy định về dự án đầu tư xây dựng công trình có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa; hạn chế giao thông đường thủy nội địa; biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa và thông báo luồng đường thủy nội địa

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý đường thủy nội địa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Luồng chạy tàu thuyền (sau đây gọi là luồng) là vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn.

2. Hành lang bảo vệ luồng là phần giới hạn của vùng nước hoặc dải đất dọc hai bên luồng để lắp đặt báo hiệu, bảo vệ luồng và bảo đảm an toàn giao thông.

3. Thông báo luồng là việc công bố các chuẩn tắc kỹ thuật của luồng như độ sâu luồng, cao độ đáy luồng, chiều rộng luồng, tĩnh không thông thuyền theo mực nước và những vấn đề khác có liên quan đến an toàn giao thông của luồng.

4. Mực nước là chỉ số mực nước đo được, ở một thời gian cụ thể, tại một trạm đo thủy văn nhất định trên đường thủy nội địa.

5. Mực nước lớn nhất và mực nước nhỏ nhất là mực nước lớn nhất, nhỏ nhất tại một trạm đo thủy văn trên đường thủy nội địa.

6. Độ sâu luồng là độ sâu thực đo tại một vị trí trên đường thủy nội địa ở một thời điểm cụ thể.

7. Chiều cao tĩnh không thực tế là khoảng cách từ điểm thấp nhất của công trình vượt qua đường thủy nội địa trên không đến mặt nước trong khoảng chiều rộng khoang thông thuyền đo được tại thời điểm cụ thể.

8. Độ sâu luồng lớn nhất và nhỏ nhất là độ sâu thực đo tại một vị trí trên đường thủy nội địa tương ứng với mực nước lớn nhất và nhỏ nhất.

9. Chiều rộng luồng là chiều rộng nhỏ nhất của đáy luồng thực đo tại một vị trí trên đường thủy nội địa.

10. Chiều dài luồng đường thủy nội địa được xác định từ điểm đầu đến điểm cuối theo chiều dài của tim luồng đường thủy nội địa.

11. Tuyến đường thủy nội địa là một hoặc nhiều luồng chạy tàu thuyền trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo. Chiều dài tuyến đường thủy nội địa được xác định từ điểm đầu đến điểm cuối.

12. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực là cơ quan cấp dưới trực tiếp của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phụ trách một khu vực cụ thể.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI, PHÂN CẤP KỸ THUẬT

 ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 4. Phân loại đường thủy nội địa

1. Đường thủy nội địa được phân loại thành đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa địa phương và đường thủy nội địa chuyên dùng.

2. Đường thủy nội địa quốc gia là đường thủy nội địa nối liền các trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, các đầu mối giao thông vận tải quan trọng phục vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc tuyến đường thủy nội địa có hoạt động vận tải thủy qua biên giới.

3. Đường thủy nội địa địa phương là đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

4. Đường thủy nội địa chuyên dùng là đường thủy nội địa nối liền cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng với đường thủy nội địa quốc gia hoặc đường thủy nội địa địa phương, phục vụ cho nhu cầu giao thông vận tải của tổ chức, cá nhân.

Điều 5. Thẩm quyền quyết định phân loại đường thủy nội địa và điều chỉnh loại đường thủy nội địa

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định phân loại và điều chỉnh loại đường thủy nội địa trên cơ sở đề nghị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với:

a) Đường thủy nội địa quốc gia;

b) Đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân loại và điều chỉnh đường thủy nội địa trên cơ sở đề nghị của Sở Giao thông vận tải đối với:

a) Đường thủy nội địa địa phương;

b) Đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.

Điều 6. Thẩm quyền quyết định phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa và điều chỉnh cấp đường thủy nội địa

1. Cấp kỹ thuật đường thủy nội địa được quy định theo Tiêu chuẩn TCVN 5664:2009 “Phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa” ban hành kèm theo Quyết định số 3082/QĐ-KHCN ngày 01 tháng 01 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ, bao gồm cấp đặc biệt, cấp I, II, III, IV, V và cấp VI.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định phân cấp và điều chỉnh cấp kỹ thuật đường thủy nội địa trên cơ sở đề nghị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với:

a) Đường thủy nội địa quốc gia;

b) Đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp và điều chỉnh cấp kỹ thuật đường thủy nội địa trên cơ sở đề nghị của Sở Giao thông vận tải đối với:

a) Đường thủy nội địa địa phương;

b) Đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ CÔNG BỐ MỞ, ĐÓNG LUỒNG,

TUYẾN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 7. Công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa

1. Công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa là quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa luồng, tuyến đường thủy nội địa vào quản lý, khai thác.

2. Nội dung công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa:

a) Tên sông, kênh, phạm vi (điểm đầu ... điểm cuối ...);

b) Loại đường thủy nội địa;

c) Địa danh, chiều dài và cấp kỹ thuật của luồng, tuyến đường thủy nội địa;

d) Thời gian bắt đầu thực hiện khai thác trên luồng, tuyến đường thủy nội địa.

3. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quyết định phân loại đường thủy nội địa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 của Thông tư này có trách nhiệm công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa đối với loại đường thủy nội địa thuộc thẩm quyền quyết định của mình.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa

1. Đối với dự án đầu tư xây dựng mới hoặc dự án cải tạo, nâng cấp luồng, tuyến đường thủy nội địa:

a) Tờ trình đề nghị công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa (bản chính) theo quy định Phụ lục 1 của Thông tư này, nêu rõ loại đường thủy nội địa đề nghị công bố; chiều dài luồng, tuyến đường thủy nội địa và cấp kỹ thuật của luồng, tuyến đường thủy nội địa; thời gian bắt đầu thực hiện khai thác trên luồng, tuyến đường thủy nội địa;

b) Quyết định phê duyệt dự án (bản sao chứng thực);

c) Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (bản sao);

d) Hồ sơ hoàn công công trình (bản sao);

đ) Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng (bản chính).

2. Đối với luồng, tuyến đường thủy nội địa công bố lại hoặc không có dự án đầu tư:

a) Tờ trình đề nghị công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa (bản chính theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này);

b) Bình đồ khảo sát hiện trạng luồng, tuyến đường thủy nội địa đề nghị công bố (bản chính). Trên bình đồ thể hiện vị trí báo hiệu, Các công trình hiện hữu trên luồng, tuyến đường thủy nội địa.

Điều 9. Trình tự thực hiện thủ tục công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa

1. Đối với đường thủy nội địa quốc gia:

a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này trình Bộ Giao thông vận tải công bố;

b) Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định công bố.

2. Đối với đường thủy nội địa địa phương:

a) Sở Giao thông vận tải lập 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố;

b) Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố.

3. Đối với đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương:

a) Tổ chức, cá nhân có đường thủy nội địa chuyên dùng gửi 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Thông tư này qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

b) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản;

c) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có kết quả thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải xem xét công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng;

d) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa.

4. Đối với đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương:

a) Tổ chức, cá nhân có đường thủy nội địa chuyên dùng gửi 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Thông tư này qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải;

b) Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn bằng văn bản để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản;

c) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng;

d) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Sở Giao thông vận tải trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố mở luồng, tuyến đường thủy nội địa.

Điều 10. Công bố đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa

1. Các trường hợp đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa:

a) Trong quá trình khai thác luồng, tuyến đường thủy nội địa, xét thấy luồng, tuyến đường thủy nội địa không đảm bảo an toàn cho hoạt động giao thông vận tải, không còn nhu cầu khai thác vận tải;

b) Lý do an ninh, quốc phòng liên quan đến luồng, tuyến đường thủy nội địa;

c) Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn nhu cầu khai thác vận tải trên luồng, tuyến đường thủy nội địa.

2. Nội dung quyết định công bố đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa bao gồm:

a) Lý do của việc đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa;

b) Địa danh, chiều dài luồng, tuyến đường thủy nội địa;

c) Thời gian bắt đầu đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa.

Điều 11. Hồ sơ công bố đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa

1. Tờ trình đề nghị đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

2. Biên bản kiểm tra, đánh giá luồng, tuyến đường thủy nội địa giữa cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải với đơn vị, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác.

3. Hồ sơ quản lý trong quá trình khai thác, sử dụng luồng, tuyến đường thủy nội địa.

Điều 12. Trình tự công bố đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa

1. Đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương.

a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 (một) bộ hồ sơ quy định tại Điều 11 của Thông tư này qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

b) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp nhận thẩm định hồ sơ đề nghị của tổ chức, cá nhân sử dụng luồng chuyên dùng, trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc;

c) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định công bố đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa.

2. Đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương

a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 (một) bộ hồ sơ quy định tại Điều 11 của Thông tư này qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải;

b) Sở Giao thông vận tải tiếp nhận thẩm định hồ sơ đề nghị của tổ chức, cá nhân sử dụng đường thủy nội địa chuyên dùng, trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc;

c) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Sở Giao thông vận tải trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố đóng luồng, tuyến đường thủy nội địa.

Chương IV

PHẠM VI HÀNH LANG VÀ MỐC CHỈ GIỚI BẢO VỆ KẾT CẤU

HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 13. Phạm vi hành lang bảo vệ đường thủy nội địa

1. Phạm vi hành lang bảo vệ đường thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ.

Trường hợp luồng không sát bờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 21/2005/NĐ-CP, phạm vi hành lang bảo vệ đường thủy nội địa được quy định cụ thể theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa như sau:

a) Đối với đường thủy nội địa trên hồ, vịnh, của sông ra biển, ven biển và luồng cấp đặc biệt: từ trên 20 mét đến 25 mét;

b) Đối với đường thủy nội địa cấp I, cấp II: từ trên 15 mét đến 20 mét;

c) Đối với đường thủy nội địa cấp III, cấp IV: từ trên 10 mét đến 15 mét;

d) Đối với đường thủy nội địa cấp V, cấp VI: 10 mét

2. Đối với những tuyến đường thủy nội địa đã được phê duyệt quy hoạch, việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ đường thủy nội địa căn cứ vào cấp kỹ thuật đường thủy nội địa theo quy hoạch để thực hiện.

3. Các dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường thủy nội địa đang khai thác hoặc dự án mở tuyến đường thủy nội địa mới phải căn cứ vào quy hoạch xác định rõ cấp kỹ thuật của tuyến đường thủy nội địa sau khi hoàn thành dự án, xác định phạm vi hành lang bảo vệ đường thủy nội địa, xây dựng phương án và thực hiện cắm mốc chỉ giới.

Việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ đường thủy nội địa, xây dựng phương án và thực hiện cắm mốc chỉ giới là một hạng mục bắt buộc của dự án.

Điều 14. Mốc chỉ giới và điều chỉnh mốc chỉ giới bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

1. Xác định công trình và cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo thẩm quyền được quy định tại Điều 16 của Thông tư này.

2. Công trình được cắm mốc chỉ giới phải đánh số hiệu, ký hiệu thể hiện trên sơ đồ tuyến đường thủy nội địa.

3. Các mốc chỉ giới sau khi cắm sẽ được bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Quy cách mốc chỉ giới, cự ly giữa các mốc chỉ giới thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.

4. Điều chỉnh mốc chỉ giới căn cứ vào tình hình thực tế diễn biến luồng đường thủy nội địa để cắm mốc chỉ giới cho phù hợp, bảo đảm phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Điều 15. Trách nhiệm trong việc cắm mốc chỉ giới và điều chỉnh mốc chỉ giới bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn việc xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, cắm mốc chỉ giới và điều chỉnh mốc chỉ giới bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

b) Chỉ đạo các cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tiến hành đo đạc, cắm mốc chỉ giới, điều chỉnh mốc chỉ giới trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia;

c) Phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ, cắm mốc chỉ giới trên các tuyến đường thủy nội địa địa phương.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo việc xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, cắm mốc chỉ giới và điều chỉnh mốc chỉ giới bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa địa phương;

b) Chỉ đạo các Sở chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đo đạc, cắm mốc chỉ giới và xác định điều chỉnh mốc chỉ giới đối với các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng.

3. Các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác đường thủy nội địa chuyên dùng có trách nhiệm xác định phạm vi hành lang bảo vệ, tổ chức cắm mốc, quản lý, bảo vệ mốc chỉ giới trên phạm vi luồng do mình quản lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành. Khi triển khai phải phối hợp với Sở Giao thông vận tải địa phương để hướng dẫn thực hiện.

4. Chủ đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo, mở luồng, tuyến đường thủy nội địa mới khi bàn giao tuyến đường thủy nội địa đã hoàn công cho cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực phải bàn giao đầy đủ hồ sơ giải phóng mặt bằng, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội và mốc chỉ giới.

Chương V

QUY ĐỊNH VỀ DỰ ÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN

 ĐẾN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 16. Dự án xây dựng công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa

1. Các dự án xây dựng công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa khi lập dự án đầu tư phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản và trước khi thi công công trình phải có văn bản chấp thuận phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 17 và Điều 21 của Thông tư này.

2. Các dự án xây dựng công trình có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa bao gồm:

a) Xây dựng cầu vĩnh cửu, cầu tạm, âu tàu, bến phà, cảng bến bốc xếp hàng hóa và đón trả hành khách, phong điện, nhiệt điện, các công trình nổi, công trình ngầm trên đường thủy nội địa;

b) Xây dựng đường dây, đường ống vượt qua luồng trên không hoặc dưới đáy luồng;

c) Xây dựng công trình kè, đập, thủy điện, thủy lợi, công trình chỉnh trị khác (trừ công trình khẩn cấp phòng, chống lụt, bão, bảo vệ đê);

d) Xây dựng cảng cá; cảng, bến làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng;

đ) Thi công nạo vét (trừ nạo vét bảo trì đường thủy nội địa hàng năm và nạo vét bảo đảm giao thông kết hợp tận thu sản phẩm);

e) Khai thác tài nguyên;

g) Thi công trục vớt, thanh thải vật chướng ngại.

Điều 17. Thẩm quyền cho ý kiến dự án xây dựng và chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa

1. Thẩm quyền cho ý kiến trong giai đoạn lập dự án đầu tư được quy định như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải cho ý kiến bằng văn bản đối với các công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến bằng văn bản đối với các công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa địa phương;

c) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho ý kiến bằng văn bản đối với các công trình trên đường thủy nội địa quốc gia, trừ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương;

d) Sở Giao thông vận tải cho ý kiến bằng văn bản đối với các công trình trên đường thủy nội địa địa phương, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.

2. Thẩm quyền chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa được quy định như sau:

a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với thi công công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia;

b) Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với thi công công trình trên đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương trừ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Sở Giao thông vận tải chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với thi công công trình trên đường thủy nội địa địa phương; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.

Điều 18. Hồ sơ đối với công trình xây dựng liên quan đến giao thông đường thủy nội địa

Trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng các công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa được quy định tại khoản 2 Điều 16 của Thông tư này, ngoài việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi 01 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 19 của Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:

1. Văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến thỏa thuận theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này. Nội dung văn bản phải ghi rõ vị trí, quy mô công trình, tình hình thủy văn và các kết cấu chính của công trình.

2. Bình đồ khu vực xây dựng công trình hoặc bản đồ thể hiện vị trí công trình với hệ tọa độ, mốc cao độ liên hệ với hệ mốc quốc gia. Trên bình đồ thể hiện cao độ tự nhiên mặt cắt ngang theo phạm vi dọc tuyến đường thủy nội địa đối với khu vực xây dựng công trình.

3. Ngoài quy định tại khoản 2 Điều này, hồ sơ phải có các tài liệu cho từng trường hợp cụ thể sau đây:

a) Đối với công trình xây dựng cầu vĩnh cửu, cầu tạm, âu tàu: Dữ liệu về khoang thông thuyền (vị trí, khẩu độ cầu, chiều cao tình không); Mặt cắt dọc công trình thể hiện trên mặt cắt ngang sông;

b) Đối vái cầu quay, cầu cất, cầu nâng hạ, cầu phao, âu tàu phải thể hiện rõ phương án và công nghệ đóng, mở, vùng nước dự kiến bố trí cho phương tiện thủy neo đậu khi chờ đợi;

c) Đối với công trình đường ống, đường dây vượt qua luồng trên không: Bản vẽ, các số liệu thể hiện rõ điểm thấp nhất của đường dây, đường ống (điểm thấp nhất của đường dây điện tính cả hành lang an toàn lưới điện);

d) Đối với công trình ngầm dưới đáy luồng: Bản vẽ thể hiện kích thước, cao trình của đỉnh kết cấu công trình ngầm;

đ) Đối với công trình bến phà: Bản vẽ thể hiện hướng và kích thước các bến ở hai bờ, các công trình phụ trợ và vùng nước cần thiết cho hoạt động của phà;

e) Đối với công trình cảng cá; cảng làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng: Bản vẽ thể hiện mặt bằng khu vực cảng, kích thước, kết cấu các cầu cảng, các công trình phụ trợ và vùng nước cần thiết cho hoạt động của cảng;

g) Đối với công trình kè, công trình chỉnh trị: Bản vẽ thể hiện hướng và các kích thước của công trình, phần công trình nhô từ bờ ra ngoài;

h) Đối với khai thác tài nguyên: Bình đồ, các mặt cắt ngang và hồ sơ mốc để xác định vị trí nạo vét, đổ đất hoặc khai thác tài nguyên.

Điều 19. Trình tự cho ý kiến xây dựng công trình liên quan đến an toàn giao thông đường thủy nội địa

1. Công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia:

a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp nhận hồ sơ được quy định tại Điều 18 của Thông tư này; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc;

b) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có kết quả thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải có ý kiến trả lời bằng văn bản;

c) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình, Bộ Giao thông vận tải có văn bản thỏa thuận.

2. Công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa địa phương:

a) Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ được quy định tại Điều 18 của Thông tư này; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc;

b) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải có kết quả thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến trả lời bằng văn bản;

c) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Sở Giao thông vận tải trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thỏa thuận.

3. Công trình trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng đi qua hai tỉnh trở lên; đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương:

a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp nhận hồ sơ được quy định tại Điều 18 của Thông tư này; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc;

b) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có ý kiến trả lời bằng văn bản. Trường hợp cần kéo dài thời gian xem xét, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và thời gian cần kéo dài thêm.

4. Công trình trên tuyến đường thủy nội địa địa phương; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương:

a) Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ được quy định tại Điều 18 của Thông tư này; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc;

b) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải có ý kiến trả lời bằng văn bản. Trường hợp cần kéo dài thời gian xem xét, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và thời gian cần kéo dài thêm.

Điều 20. Hồ sơ phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với thi công các công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa

Trước khi thi công công trình được quy định tại khoản 2 Điều 16 của Thông tư này, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công dự án phải gửi 01 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu chính, nộp trực tiếp hoặc các hình thức phù hợp khác cho cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 21 của Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:

1. Văn bản đề nghị chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này.

2. Phương án thi công công trình.

3. Phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa khu vực thi công công trình, bao gồm:

a) Thuyết minh chung về phương án;

b) Bản vẽ mặt bằng tổng thể thể hiện phương án bố trí báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông, vị trí các trạm điều tiết khống chế, bố trí phương tiện điều tiết khống chế;

c) Phương án bố trí nhân lực;

d) Quy chế hướng dẫn phương tiện qua khu vực thi công;

đ) Thời gian thực hiện phương án.

4. Đối với phương án điều chỉnh ngoài các nội dung quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này phải nêu rõ lý do điều chỉnh cho mỗi trường hợp.

Điều 21. Trình tự chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với thi công công trình liên quan đến đường thủy nội địa

1. Đối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương:

a) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 17 tiếp nhận hồ sơ được quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 20 của Thông tư này; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc;

b) Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 17 có văn bản chấp thuận. Trường hợp không chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông hoặc cần kéo dài thời gian xem xét, cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 17 phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và thời gian cần kéo dài thêm;

c) Chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình và cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 17 thống nhất xác định vùng nước và hiện trạng luồng trong phạm vi thi công công trình;

d) Trong quá trình thi công chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình phải thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông. Trường hợp phải thay đổi phương án thi công xây dựng và khai thác công trình, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình phải lập lại hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 17 xem xét chấp thuận điều chỉnh phương án bảo đảm an toàn giao thông;

đ) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 17 tiếp nhận hồ sơ xin điều chỉnh phương án được quy định tại Điều 20 của Thông tư này; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc. Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 17 có văn bản chấp thuận điều chỉnh phương án. Trường hợp không chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông hoặc cần kéo dài thời gian xem xét, cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 17 phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và thời gian cần kéo dài thêm.

2. Đối với đường thủy nội địa địa phương; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương:

a) Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ được quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 20 của Thông tư này; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc;

b) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận. Trường hợp không chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông hoặc cần kéo dài thời gian xem xét, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và thời gian cần kéo dài thêm;

c) Chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình và Sở Giao thông vận tải thống nhất xác định vùng nước và hiện trạng luồng trong phạm vi thi công công trình;

d) Trong quá trình thi công công trình chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông. Trường hợp phải thay đổi phương án thi công công trình, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình phải lập lại hồ sơ trình Sở Giao thông vận tải xem xét chấp thuận điều chỉnh phương án bảo đảm an toàn giao thông;

đ) Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ xin điều chỉnh phương án được quy định tại Điều 20 của Thông tư này; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính thì phải hướng dẫn bằng văn bản. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc. Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận phương án điều chỉnh. Trường hợp không chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông hoặc cần kéo dài thời gian xem xét, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và thời gian cần kéo dài thêm.

Điều 22. Dự án, công trình hoàn thành đưa vào khai thác

1. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày kết thúc thi công công trình được quy định tại khoản 2 Điều 16 của Thông tư này, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình phải thực hiện các công việc sau đây:

a) Lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định;

b) Tổ chức công tác rà quét, thanh thải vật chướng ngại phát sinh trong quá trình thi công, trong phạm vi vùng nước khu vực thi công hoặc ngoài vùng nước thi công ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa;

c) Bàn giao luồng, hành lang bảo vệ luồng cho cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực đối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương hoặc Sở Giao thông vận tải đối với đường thủy nội địa địa phương; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.

2. Nội dung bàn giao quy định tại điểm c khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Biên bản kiểm tra, rà quét vùng nước khu vực thi công sau khi đã hoàn thành công trình giữa chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình với cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải trên cơ sở phương án rà quét đã được thống nhất;

b) Biên bản giữa cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải với chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân xác nhận việc lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa của công trình đúng quy định;

c) Biên bản bàn giao luồng khu vực thi công công trình giữa chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình với cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà quét, dọn sạch vật chướng ngại trong khu vực thi công;

d) Bản vẽ hoàn công bao gồm: Bình đồ tổng thể vị trí công trình và phạm vi tổ chức rà quét, thanh thải vật chướng ngại trong khu vực thi công. Bình đồ phải có xác nhận của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân thi công công trình và cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải; Mặt cắt dọc công trình thể hiện trên mặt cắt ngang đáy sông (đối với công trình xây dựng cầu vượt sông, đường dây, đường ống vượt qua luồng trên không hoặc dưới đáy luồng), hoặc một mặt cắt ngang sông tại vị trí công trình có ảnh hưởng lớn nhất đến giao thông vận tải đường thủy nội địa trong khu vực (đối với các công trình xây dựng kè, đập, nạo vét, thanh thải vật chướng ngại), hoặc các mặt cắt ngang đã được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư (đối với các công trình thi công nạo vét, khai thác tài nguyên); sơ đồ bố trí báo hiệu đường thủy nội địa của công trình.

3. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo phân cấp quản lý.

4. Công trình thủy lợi, thủy điện khi vận hành xả nước, xả lũ, chủ công trình hoặc đại diện chủ công trình phải có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực bảo đảm an toàn giao thông đường thủy khu vực hạ du.

5. Trong khi chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình chưa thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình phải chịu trách nhiệm về các hậu quả do mất an toàn giao thông đường thủy nội địa xảy ra tại khu vực.

Chương VI

QUY ĐỊNH VỀ HẠN CHẾ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA,

BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG

Điều 23. Hạn chế giao thông đường thủy nội địa

Các trường hợp hạn chế giao thông đường thủy nội địa được quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Điều 24. Thẩm quyền công bố hạn chế giao thông

Ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Thông tư này, thẩm quyền công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa quy định, như sau:

1. Bộ Giao thông vận tải công bố hạn chế giao thông trên cơ sở đề nghị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với trường hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hạn chế giao thông trên cơ sở đề nghị của Sở Giao thông vận tải đối với trường hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa địa phương.

3. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; đường thủy nội địa chuyên dùng nối đường thủy nội địa quốc gia với đường thủy nội địa địa phương đối với trường hợp cấm hoàn toàn giao thông đường thủy trên luồng trong thời gian liên tục từ 24 giờ trở lên, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa trong phạm vi quản lý của mình đối với các trường hợp khác ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

5. Sở Giao thông vận tải công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa địa phương và đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 25. Trình tự công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa

1. Trường hợp thi công công trình:

a) Trước khi thi công công trình, tổ chức, cá nhân gửi 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 20 của Thông tư này qua đường bưu chính hoặc trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa quy định tại khoản 2 Điều 17 của Thông tư này; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ. Thời hạn xem xét và yêu cầu bổ sung hồ sơ không quá 02 (hai) ngày làm việc;

b) Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 17 của Thông tư này có trách nhiệm thực hiện việc công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa.

2. Trường hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng trên tuyến đường thủy nội địa, cơ quan đề nghị công bố hạn chế giao thông lập 01 (một) bộ hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 của Thông tư này.

a) Hồ sơ bao gồm:

- Thuyết minh chung về phương án;

- Bản vẽ mặt bằng tổng thể thể hiện phương án bố trí báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông, vị trí các trạm điều tiết khống chế, bố trí phương tiện điều tiết khống chế;

- Phương án bố trí nhân lực;

- Quy chế hướng dẫn phương tiện qua khu vực hoặc hướng dẫn phương tiện theo tuyến khác đối với trường hợp cấm luồng;

- Thời gian thực hiện phương án hạn chế giao thông.

b) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp nhận hồ sơ và căn cứ yêu cầu thực tế xác định biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khu vực trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, công bố.

c) Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ và căn cứ yêu cầu thực tế xác định biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khu vực trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, công bố.

3. Trường hợp tổ chức hoạt động thể thao, lễ hội, diễn tập trên đường thủy nội địa:

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tổ chức hoạt động nói trên gửi văn bản đến cơ quan quản lý có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa quy định tại Điều 24 của Thông tư này đề nghị công bố hạn chế giao thông. Văn bản đề nghị phải nêu rõ địa điểm, thời gian, phạm vi, quy mô tổ chức hoạt động và các văn bản pháp lý kèm theo.

b) Cơ quan có thẩm quyền công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa xem xét, xác định biện pháp bảo đảm an toàn giao thông để có văn bản trả lời trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và thực hiện việc công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa. Văn bản trả lời phải nêu rõ yêu cầu về biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.

4. Trường hợp có vật chướng ngại đột xuất; phòng, chống lụt, bão, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, cơ quan có thẩm quyền công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa quy định tại Điều 24 của Thông tư này. Căn cứ yêu cầu thực tế để xác định biện pháp bảo đảm an toàn giao thông và thực hiện việc công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa.

5. Chi phí để công bố hạn chế giao thông và chi phí thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian hạn chế giao thông do tổ chức, cá nhân thi công công trình hoặc thực hiện các hoạt động quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều này chịu trách nhiệm, trừ trường hợp có vật chướng ngại đột xuất vô chủ.

Điều 26. Biện pháp bảo đảm an toàn giao thông

1. Biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong các trường hợp hạn chế giao thông đường thủy nội địa quy định như sau:

a) Bảo đảm an toàn giao thông bằng báo hiệu đường thủy nội địa khi phạm vi ảnh hưởng không quá một phần ba chiều rộng luồng;

b) Bảo đảm an toàn giao thông bằng trạm điều tiết khống chế kết hợp với báo hiệu đường thủy nội địa khi phạm vi ảnh hưởng lớn hơn một phần ba chiều rộng luồng.

2. Cơ quan có thẩm quyền công bố hạn chế giao thông xem xét, quyết định biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương VII

THÔNG BÁO LUỒNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 27. Thông báo luồng đường thủy nội địa

1. Thông báo thường xuyên luồng đường thủy nội địa là việc thông báo định kỳ 1 tháng/lần về chuẩn tắc kỹ thuật luồng lạch hiện tại, tương ứng với diễn biến mực nước của thủy văn tại thời điểm thông báo; những điểm hạn chế, khống chế cần lưu ý các phương tiện thủy khi lưu thông để đảm bảo an toàn giao thông.

2. Thông báo đột xuất luồng đường thủy nội địa là thông báo về các tình huống đột xuất xảy ra trên luồng, tuyến. Tùy theo yêu cầu cụ thể, có thể thông báo bằng văn bản, bằng phương tiện thông tin đại chúng, hoặc kết hợp cả hai cách thức bảo đảm tính kịp thời, chính xác.

Điều 28. Nội dung của thông báo luồng đường thủy nội địa

1. Nội dung thông báo luồng đường thủy nội địa thường xuyên bao gồm:

a) Chuẩn tắc kỹ thuật luồng lạch theo cấp kỹ thuật của tuyến đường thủy nội địa, độ sâu trong phạm vi chiều rộng luồng, bề rộng đáy luồng bãi cạn tương ứng với mực nước thủy văn;

b) Những lưu ý về an toàn giao thông khi phương tiện thủy lưu thông trên tuyến luồng tại khu vực có chuẩn tắc luồng hạn chế (bãi cạn, vật chướng ngại, công trình vượt sông, khu vực đang thi công công trình ảnh hưởng đến an toàn giao thông, công trình nạo vét luồng, điều tiết khống chế, tai nạn giao thông) và những vấn đề khác có liên quan.

2. Nội dung thông báo luồng đường thủy nội địa đột xuất bao gồm thông báo hạn chế giao thông, thay đổi tuyến chạy tàu, chuyển khoang thông thuyền, điều tiết khống chế vật chướng ngại được đo tại một vị trí, khu vực bị hạn chế đối với phương tiện vận tải.

Điều 29. Thẩm quyền ra thông báo luồng, tuyến đường thủy nội địa

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ra thông báo luồng thường xuyên đối với các tuyến, luồng đường thủy nội địa được giao quản lý theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này.

2. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực ra thông báo luồng đột xuất đối với các tuyến, luồng đường thủy nội địa được giao quản lý theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này.

3. Sở Giao thông vận tải ra thông báo luồng thường xuyên, thông báo luồng đột xuất trên các tuyến, luồng đường thủy nội địa được giao quản lý theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 và Phụ lục 5 của Thông tư này.

4. Thủ trưởng các đơn vị quản lý đường thủy nội địa khu vực báo cáo ngay các tình huống đột xuất xảy ra trên luồng, tuyến quản lý và có trách nhiệm báo cáo định kỳ hiện trạng luồng về cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc về Sở Giao thông vận tải theo phân cấp quản lý bằng bản fax, sau đó gửi bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này.

Điều 30. Trách nhiệm của cơ quan ra thông báo luồng

1. Thu thập đầy đủ các số liệu về thủy văn, hiện trạng luồng và những vấn đề có liên quan trực tiếp đến bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trước khi ra thông báo.

2. Ra thông báo luồng bằng văn bản theo mẫu quy định.

3. Chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu đưa ra trong các bản thông báo.

4. Được tổ chức mạng thông tin, quan trắc, đo đạc và thu thập các số liệu thủy văn, hiện trạng luồng cùng những vấn đề khác có liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa để ra thông báo luồng đường thủy nội địa.

5. Trong trường hợp cần thiết, được liên hệ, hợp tác với các cơ quan chuyên ngành khác để thu thập các số liệu phục vụ cho việc ra thông báo luồng đường thủy nội địa.

6. Xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện thu thập số liệu của các trung tâm thủy văn phục vụ thông báo luồng theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền duyệt.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015 và thay thế Thông tư số 23/2011/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa.

Điều 32. Tổ chức thực hiện

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.