• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/07/1998
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Số: 01/1998/TTLT-TCCP-TDTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 27 tháng 6 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý Nhà nước của Uỷ ban Thể dục thể thao đối với các Liên đoàn Thể thao Quốc gia

_____________________________

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 03/1998/NĐ-CP ngày 6/01/1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Thể dục thể thao;

Căn cứ Nghị định số 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

Căn cứ theo Luật số 102-SL/L004 ngày 20/5/1957 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc quy định quyền lập Hội;

Để đảm bảo thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo các Liên đoàn trong các hoạt động thể dục thể thao theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn về quản lý Nhà nước của Uỷ ban Thể dục thể thao đối với các Liên đoàn thể thao Quốc gia như sau:

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Liên đoàn Thể thao Quốc gia là tổ chức xã hội về một môn (hoặc một nhóm môn) thể thao, được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chịu sự quản lý Nhà nước của Uỷ ban thể dục thể thao. Liên đoàn Thể thao Quốc gia quy tụ các hội viên và tổ chức thành viên trong cả nước; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản; tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình. Liên đoàn Thể dục Quốc gia có tư cách pháp nhân, là đại diện duy nhất của môn thể thao trong cả nước và trong Tổ chức Thể thao Quốc tế và khu vực tương ứng.

2. Trách nhiệm và phạm vi quản lý Nhà nước của Uỷ ban Thể dục thể thao đối với các Liên đoàn Thể thao Quốc gia thể hiện trên các mặt sau đây:

a. Thành lập - giải thể Liên đoàn

b. Nhân sự và các kỳ đại hội của Liên đoàn

c. Nội dung hoạt động của Liên đoàn

d. Khen thưởng và xử lý vi phạm

3. Uỷ ban Thể dục thể thao chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tạo điều kiện để các Liên đoàn Thể thao Quốc gia hoạt động theo đúng pháp luật của Nhà nước và những quy định của cac Tổ chức Thể thao Quốc tế phù hợp với pháp luật Việt Nam mà Liên đoàn là thành viên.

Chương II:

NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO ĐỐI VỚI CÁC LIÊN ĐOÀN THỂ THAO QUỐC GIA

I. THÀNH LẬP - GIẢI THỂ LIÊN ĐOÀN

1. Thành lập Liên đoàn

a. Xét nhu cầu phát triển của từng môn thể thao, Uỷ ban Thể dục thể thao ra quyết định thành lập Ban vận động thành lập Liên đoàn Thể thao Quốc gia.

b. Hướng dẫn Ban vận động xây dựng các dự thảo: tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Điều lệ, chương trình hoạt động và các văn bản khác theo quy định hiện hành của Nhà nước để Ban vận động hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.

c. Phát biểu ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thành lập Liên đoàn.

d. Sau khi có quyết định cho phép thành lập Liên đoàn Thể thao Quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo hướng dẫn Liên đoàn tiến hành Đại hội theo nguyên tắc dân chủ tự nguyện, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

2. Giải thể Liên đoàn

a. Tự giải thể:

Khi một Liên đoàn xin phép giải thể, Uỷ ban Thể dục thể thao xem xét các văn bản: Biên bản họp Ban chấp hành, báo cáo tổng kết hoạt động, báo các quyết toán tài chính trên cơ sở đó kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho giải thể Liên đoàn.

b. Buộc giải thể:

Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ buộc giải thể trong trường hợp Liên đoàn Thể thao Quốc gia hoạt động không có hiệu quả kéo dài hoặc có những vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.

c. Khi được phép giải thể, Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện tự giải thể, hoặc buộc giải thể.

II. CÁC KỲ ĐẠI HỘI VÀ NHÂN SỰ CỦA LIÊN ĐOÀN

1. Đại hội thường kỳ:

a. Sau khi nhận được văn bản của Liên đoàn Thể thao Quốc gia: Dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, chương trình hoạt động nhiệm kỳ tới, dự thảo Điều lệ (sửa đổi), danh sách đề cử nhân sự lãnh đạo chủ chốt, trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ phát triển môn thể thao, Uỷ ban Thể dục thể thao tham gia ý kiến vào các văn bản trên và đề nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép Liên đoàn tiến hành Đại hội nhiệm kỳ.

b. Đôn đốc và hướng dẫn Liên đoàn tiến hành Đại hội theo đúng quy định của Điều lệ và pháp luật của Nhà nước.

c. Sau Đại hội, Ban chấp hành Liên đoàn báo cáo với Uỷ ban Thể dục thể thao về kết quả đại hội, Nghị quyết, Điều lệ và danh sách Ban chấp hành đã được Đại hội thông qua.

d. Đề nghị với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ công nhận Điều lệ tổ chức và hoạt động của Liên đoàn sau khi được Đại hội thông qua.

2. Đại hội bất thường

a. Xét kiến nghị của Liên đoàn về Đại hội bất thường theo quy định của Điều lệ, đề nghị với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cho phép Liên đoàn tiến hành Đại hội bất thường.

b. Hướng dẫn Liên đoàn tiến hành Đại hội.

3. Nhân sự của Liên đoàn

a. Uỷ ban Thể dục thể thao trao đổi ý kiến với các Liên đoàn trong việc sắp xếp, bố trí các nhân sự chủ chốt của Ban chấp hành Liên đoàn, nhằm mục đích tăng cường sự đoàn kết và năng lực hoạt động của các Liên đoàn.

b. Uỷ ban Thể dục thể thao tham gia ý kiến với Ban chấp hành các Liên đoàn trong việc đề cử Ban chấp hành mới.

c.Uỷ ban Thể dục thể thao cử cán bộ chuyên môn của Uỷ ban hoạt động trong các tổ chức Liên đoàn, những cán bộ này phải tuân thủ Điều lệ của Liên đoàn và có trách nhiệm đóng góp tích cực cho hoạt động của Liên đoàn.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN ĐOÀN

1. Hàng năm Uỷ ban Thể dục thể thao thông báo chương trình, kế hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao nói chung và từng môn nói riêng để Liên đoàn Thể thao Quốc gia xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động của Liên đoàn.

2. Uỷ ban Thể dục thể thao hỗ trợ kinh phí để Liên đoàn Thể thao Quốc gia tiến hành các hoạt động nghiệp vụ và tổ chức các giải.

3. Uỷ ban Thể dục thể thao giao cho Liên đoàn Thể thao Quốc gia quyền sử dụng, khai thác một số sân bãi và công trình thể thao chuyên ngành.

4. Theo đề nghị của Liên đoàn Thể thao Quốc gia, Uỷ ban Thể dục thể thao:

a. Ra quyết định về hệ thống thi đấu quốc gia.

b.Công nhận luật thi đấu.

c. Công nhận Điều lệ các giải thi đấu.

5. Theo dõi việc tiến hành các giải trong hệ thống thi đấu toàn quốc và các cuộc thi đấu quốc tế tại Việt Nam do Liên đoàn Thể thao Quốc gia điều hành. Uỷ ban Thể dục thể thao giám sát và chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tiến hành các giải đó.

6. Theo đề nghị của Liên đoàn Thể thao Quốc gia, Uỷ ban Thể dục thể thao :

a. Ra quyết định thành lập các Đội tuyển Thể thao Quốc gia.

b. Ra quyết định cử Huấn luyện viên trưởng và Ban huấn luyện Đội tuyển Quốc gia.

c. Triệu tập các thành viên Đội tuyển quốc gia để tập huấn, thi đấu.

7. Thông qua chương trình, kế hoạch huấn luyện và thi đấu của Đội tuyển Thể thao Quốc gia, Uỷ ban Thể dục thể thao giám sát và chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các chương trình kế hoạch đó.

8. Hợp tác quốc tế:

a. Theo định kỳ, Uỷ ban Thể dục thể thao yêu cầu các Liên đoàn Thể thao Quốc gia báo cáo về chương trình hợp tác quốc tế. Khi thấy cần thiết, Uỷ ban Thể dục thể thao góp ý kiến và điều chỉnh cho phù hợp với chương trình kế hoạch chung của ngành.

b. Theo đề nghị của Liên đoàn Thể thao Quốc gia, Uỷ ban Thể dục thể thao xem xét, quyết định hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quyết định:

- Việc gia nhập của Liên đoàn Thể thao Quốc gia Việt Nam vào Tổ chức Thể thao quốc tế tương ứng.

- Cử cán bộ tham gia hoạt động trong các Tổ chức Thể thao Quốc tế.

- Việc tổ chức các cuộc thi đấu thể thao Quốc tế tại Việt Nam; cử các đoàn Thể thao Việt Nam ra thi đấu ở nước ngoài và đón các Đoàn thể thao nước ngoài vào thi đấu tại Việt Nam.

9. Uỷ ban Thể dục thể thao theo dõi, kiểm tra Liên đoàn Thể thao Quốc gia thực hiện chế độ tài chính - kế toán của Nhà nước, kể cả việc nộp thuế, mua các loại bảo hiểm, nộp niên liễm, lệ phí cho Tổ chức Thể thao Quốc tế theo quy định hiện hành; theo dõi việc thay đổi địa chỉ trụ sở, chi nhánh, số điện thoại, fax, con dấu, số tài khoản, biểu tượng; mua bán chuyển nhượng những tài sản vật chất có giá trị.

10. Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho Liên đoàn Thể thao Quốc gia theo quy định của Nhà nước.

11. Định kỳ 6 tháng và hàng năm Liên đoàn Thể thao Quốc gia báo cáo với Uỷ ban Thể dục thể thao về tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch, chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản; quan hệ quốc tế. Trường hợp cần thiết, Uỷ ban Thể dục thể thao có quyền yêu cầu các Liên đoàn báo cáo về từng công việc cụ thể, ngoài chế độ báo cáo định kỳ.

IV. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Uỷ ban Thể dục thể thao căn cứ đề nghị của Liên đoàn Thể thao Quốc gia để quyết định hoặc kiến nghị cấp trên xem xét và quyết định:

a.. Phong cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao theo hệ thống phân cấp Quốc gia; công nhận việc phong cấp của các Tổ chức Thể thao Quốc tế cho trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên Việt Nam.

b. Khen thưởng và đề nghị phong các danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động thể thao.

2. Uỷ ban Thể dục thể thao căn cứ đề nghị của Liên đoàn Thể thao Quốc gia để quyết định hoặc kiến nghị cơ quan chức năng của Nhà nước tiến hành các biện pháp xử lý kỷ luật đối với cá nhân và tổ chức mắc khuyết điểm nghiêm trọng hoặc vi phạm pháp luật và các quy định của Nhà nước.

3. Khi cần thiết, Uỷ ban Thể dục thể thao phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành thanh tra các hoạt động của Liên đoàn Thể thao Quốc gia theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện các vi phạm thì kịp thời xử lý theo quyền hạn hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có vướng mắc đề nghị các Liên đoàn phản ánh về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Uỷ ban Thể dục thể thao để nghiên cứu, giải quyết.

Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đỗ Quang Trung

Hà Quang Dự

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.