Sign In

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI

___________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Số: 24/2013/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn khoản 2 Điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ

sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ

về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn

và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

__________________

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (sau đây viết tắt là Nghị định số 29/2013/NĐ-CP);

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 2 Điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP.

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn việc tính thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với người lao động đảm nhiệm các chức danh (kể cả cán bộ cấp xã có thời gian đảm nhiệm chức danh khác có trong định biên được phê duyệt thuộc Ủy ban nhân dân) có quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Nghị định số 09/1998/NĐ-CP) và được điều động, tuyển dụng vào quân đội nhân dân, công an nhân dân hoặc vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1998.

Điều 3. Đối tượng không áp dụng

Người lao động quy định tại Điều 2 Thông tư này đã được giải quyết hưởng trợ cấp hằng tháng hoặc hưởng trợ cấp một lần trước ngày Nghị định số 29/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Điều 4. Thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội

1. Người lao động quy định tại Điều 2 Thông tư này nếu chưa được tính hưởng trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần thì thời gian đảm nhiệm các chức danh có quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP trước ngày 01 tháng 01 năm 1998 được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để cộng nối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau khi được điều động, tuyển dụng vào quân đội nhân dân, công an nhân dân hoặc vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để tính hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này, nếu trước ngày 01 tháng 01 năm 1998 được cơ quan có thẩm quyền cử đi học chuyên môn, chính trị, sau khi hoàn thành khóa học tiếp tục giữ các chức danh có quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP hoặc được điều động, tuyển dụng ngay vào quân đội nhân dân, công an nhân dân hoặc vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì thời gian đi học được tính là thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội.

3. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này, có thời gian gián đoạn trước ngày 01 tháng 01 năm 1998 không quá 12 tháng thì được tính cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội (thời gian gián đoạn công tác không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội).

4. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này bị đình chỉ hưởng bảo hiểm xã hội do vi phạm pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc tính thời gian công tác để hưởng bảo hiểm xã hội được áp dụng theo các văn bản trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra tình hình thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP và Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP và Thông tư này.

3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thủ tục hồ sơ và trình tự giải quyết tính cộng nối thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2013; các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2013. Các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

2. Đối với các đối tượng đã được giải quyết hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian từ ngày 01 tháng 6 năm 2013 cho đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, nếu thuộc đối tượng áp dụng thì được tính thời gian công tác theo quy định tại Điều 4 Thông tư này để tính lại chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

Phạm Minh Huân