THÔNG TƯ
Hướng dẫn tiêu chí xác định vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm
___________________________
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ ;
Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tiêu chí xác định vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn tiêu chí xác định vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm để thực hiện các dự án áp dụng VietGAP đối với các sản phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 53/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp, thủy sản được hỗ trợ theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây viết tắt là Thông tư số 53/2012/TT-BNNPTNT).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm để thực hiện các dự án áp dụng VietGAP.
Chương II
TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VÙNG SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT TẬP TRUNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 3. Tiêu chí xác định vùng sản xuất trồng trọt tập trung
Vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:
1. Phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương và được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
2. Quy mô diện tích của vùng sản xuất trồng trọt tập trung phù hợp với từng đối tượng cây trồng và điều kiện cụ thể của từng địa phương do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
3. Chuyên canh sản xuất một loại sản phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 53/2012/TT-BNNPTNT; riêng đối với vùng sản xuất rau hoặc lúa, tùy điều kiện cụ thể được luân canh với cây trồng ngắn ngày khác.
4. Không bị ô nhiễm đất, nước, không khí quá mức cho phép ảnh hưởng đến chất lượng nông sản; đáp ứng yêu cầu về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất nông nghiệp theo quy định tại QCVN 03: 2008/BTNMT ngày 18/7/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và giới hạn cho phép của một số kim loại nặng, vi sinh vật gây hại trong nước tưới đối với sản xuất trồng trọt theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Đáp ứng tiêu chí về cơ sở hạ tầng đối với vùng sản xuất tập trung được quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
Điều 4. Tiêu chí cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung
1. Hệ thống giao thông
Hệ thống giao thông đến vùng sản xuất, trong vùng và đến nơi tập trung sản phẩm phải thuận lợi; cấp độ và quy mô công trình phù hợp yêu cầu sản xuất và đầu tư của vùng.
2. Hệ thống thủy lợi
a) Đối với vùng sản xuất rau, lúa nước tập trung: Có hệ thống tưới, tiêu chủ động; cấp độ và quy mô công trình phù hợp yêu cầu sản xuất và đầu tư của vùng;
b) Đối với vùng sản xuất quả, chè, cà phê, hồ tiêu tập trung: Có hệ thống tưới, tiêu chủ động hoặc khai thác nguồn nước tự nhiên như nước ngầm, nước mưa, nước ao hồ, sông suối đáp ứng yêu cầu sản xuất của vùng;
c) Đối với vùng sản xuất tập trung bị ảnh hưởng của lũ, triều cường, xâm nhập mặn: có hệ thống đê, bờ bao, cống đảm bảo chống lũ, ngăn mặn, phân ranh giới vùng nước ngọt, nước lợ, nước mặn đáp ứng yêu cầu sản xuất của vùng.
3. Hệ thống điện
Hệ thống điện đảm bảo đủ công suất, ổn định, an toàn, phù hợp với điều kiện cụ thể, đáp ứng yêu cầu sản xuất của vùng.
4. Hệ thống thu gom chất thải
Có thể áp dụng một trong hai cách thu gom chất thải, rác thải từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:
a) Cách thứ nhất: Xây dựng bể chứa ở vị trí thuận lợi để thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; bể chứa xây kiên cố có đáy, mái che và không bố trí ở chỗ thấp, trũng; số lượng, kích thước bể chứa phụ thuộc quy mô sản xuất và mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;
b) Cách thứ hai: Sử dụng dụng cụ chứa chất thải, rác thải kín, không cho chất thải phát tán; số lượng và kích thước dụng cụ phù hợp quy mô sản xuất và mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của vùng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Phân công trách nhiệm
1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
a) Phê duyệt quy hoạch xác định vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
b) Chỉ đạo tổ chức thực hiện Thông tư này tại địa phương.
2. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch xác định vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý;
b) Tổ chức thực hiện Thông tư này; Quý 4 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Cục Trồng trọt có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc thực hiện Thông tư này;
b) Các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tham gia hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Thông tư này.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 01 năm 2014.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 59/2009/TT-BNNPTNT ngày 9 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện một số Điều của Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến 2015.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết kịp thời./.