• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/03/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 27/01/2007
BỘ TƯ PHÁP
Số: 06/2002/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trà Vinh, ngày 28 tháng 2 năm 2002

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 1999

của Chính phủ về giao dịch bảo đảm

_________________

 

Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 4 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm,

Nhằm bảo đảm thi hành thống nhất Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề sau đây:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1 của Nghị định 165

1.1 Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi tắt là Nghị định 165) được ban hành nhằm cụ thể hoá các quy định về cầm cố, thế chấp, bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự. Do đó, Nghị định này được áp dụng thống nhất đối với việc ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh.

1.2 Trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác với quy định của Nghị định 165 về cùng một vấn đề, thì áp dụng quy định đó của pháp luật chuyên ngành; nếu không có quy định, thì áp dụng các quy định của Nghị định 165 và Thông tư này. Sau đây là một số trường hợp cụ thể:

a) Việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch kinh tế, thương mại phải tuân theo các quy định có liên quan của văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch kinh tế, thương mại; nếu không có quy định, thì áp dụng các quy định tương ứng của Nghị định 165 và Thông tư này.

Ví dụ: Đối với việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh để thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng, thì áp dụng các quy định tại chương V của Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng và văn bản hướng dẫn thi hành; nếu không có quy định, thì áp dụng các quy định tương ứng của Nghị định 165 và Thông tư này.

b) Việc thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất phải tuân theo các quy định có liên quan của pháp luật về đất đai; nếu không có quy định, thì áp dụng các quy định tương ứng của Nghị định 165 và Thông tư này. Việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý quyền sử dụng đất trong trường hợp thế chấp để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Nghị định 165 và điểm 8.2 khoản 8 Mục II của Thông tư này.

c) Việc cầm cố, thế chấp tàu bay dân dụng Việt Nam, tàu biển Việt Nam phải tuân theo các quy định có liên quan của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành; nếu không có quy định, thì áp dụng các quy định của Nghị định 165 và Thông tư này.

1.3 Đối với việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài, thì trước hết áp dụng các quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; nếu không có quy định, thì căn cứ Điều 834 của Bộ luật Dân sự, việc áp dụng pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm được thực hiện như sau:

a) Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết tại Việt Nam, thì phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức giao dịch bảo đảm;

b) Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được thực hiện tại Việt Nam, thì quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định theo pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm, nếu các bên không có thoả thuận khác;

c) Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam hoặc hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng bất động sản tại Việt Nam, thì phải tuân theo pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm;

d) Đối với hợp đồng cầm cố, thế chấp tàu bay dân dụng Việt Nam, tàu biển Việt Nam, nếu ký kết ở Việt Nam, thì được giải quyết theo pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm; nếu ký kết ở nước ngoài thì được giải quyết theo pháp luật của nước nơi ký kết hợp đồng.

1.4 Nghị định 165 và Thông tư này cũng được áp dụng đối với việc giao kết, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp có cá nhân là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia.

2. Về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 165

Các bên được thoả thuận về việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hiện tại hoặc nghĩa vụ trong tương lai. Trong trường hợp các bên thoả thuận về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, thì nghĩa vụ này phải được mô tả trong văn bản về giao dịch bảo đảm. Khi nghĩa vụ trong tương lai được xác lập, các bên phải lập phụ lục mô tả cụ thể về nghĩa vụ, thời hạn thực hiện nghĩa vụ; trong trường hợp giao dịch bảo đảm đã được đăng ký, thì phải đăng ký thay đổi nghĩa vụ được bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Việc đăng ký thay đổi nghĩa vụ không làm thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán của bên nhận bảo đảm khi xử lý tài sản bảo đảm, nếu việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai được các bên thoả thuận khi ký kết giao dịch bảo đảm.

Ví dụ: Ngày 1 tháng 1 năm 2001, A đồng ý cho B vay 100 triệu đồng để xây dựng nhà máy, đồng thời họ thoả thuận nếu B cần bổ sung vốn để hoàn thiện nhà máy trong Quý IV năm 2001, thì A sẽ cho B vay tiếp. Để bảo đảm cho việc trả nợ khoản vay 100 triệu đồng nêu trên, B lập hợp đồng thế chấp ngôi nhà trị giá 300 triệu đồng cho A, đồng thời, các bên thoả thuận ngoài việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hiện tại ( là nghĩa vụ trả nợ khoản vay 100 triệu đồng), ngôi nhà này cũng được dùng để bảo đảm việc trả nợ khoản vay tiếp theo của B trong Quý IV năm 2001. Ngày 15 tháng 10 năm 2001, B tiếp tục vay A 150 triệu đồng. Trong trường hợp này nghĩa vụ trả nợ 150 triệu đồng của B là nghĩa vụ trong tương lai và cũng được bảo đảm bằng hợp đồng thế chấp nhà trị giá 300 triệu đồng của B.

3. Về việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản hình thành trong tương lai theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định 165

Các bên được thoả thuận về việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản hình thành trong tương lai và có thể lựa chọn tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

3.1 Tại thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm, tài sản đó chưa tồn tại; chỉ sau thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm, tài sản mới được hình thành và thuộc sở hữu của bên bảo đảm (ví dụ: cầm cố bằng tài sản là tàu biển được đóng sau khi Ngân hàng cho vay vốn);

3.2 Tại thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm, tài sản có thể là hàng hoá đang được sản xuất, công trình đang được xây dựng; chỉ sau thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm, tài sản mới được hình thành đồng bộ và thuộc sở hữu của bên bảo đảm (ví dụ: cầm cố dây chuyền sản xuất đang được lắp ráp, thế chấp nhà ở đang được xây dựng);

3.3 Tại thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm, tài sản đang tồn tại, nhưng chưa hoàn tất thủ tục xác nhận quyền sở hữu của bên bảo đảm; chỉ sau thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm, tài sản mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm bằng việc hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu như mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, thừa kế;

3.4 Nguồn thu nhập hợp pháp theo các căn cứ được quy định tại Điều 176 của Bộ Luật Dân sự mà bên cầm cố, thế chấp, bảo lãnh có được sau thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm.

4. Về việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản mà Nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định 165

Doanh nghiệp nhà nước được dùng tài sản mà Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng để cầm cố, thế chấp, bảo lãnh. Trong trường hợp pháp luật về doanh nghiệp nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan quy định việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, thì doanh nghiệp nhà nước chỉ được cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản đó, nếu được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Về việc tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh phải là tài sản được phép giao dịch và không có tranh chấp theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định 165

5.1 Tài sản được phép giao dịch là tài sản không bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm.

5.2 Tài sản không có tranh chấp là tài sản mà tại thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm, chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng tài sản đó không bị người thứ ba khiếu nại, khởi kiện tại Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ TRONG VIỆC KÝ KẾT, THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

CẦM CỐ, THẾ CHẤP, BẢO LÃNH BẰNG TÀI SẢN VÀ XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM

1. Hình thức của hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 165

1.1 Hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi chung trong hợp đồng chính. Các bên có quyền thoả thuận về việc yêu cầu Phòng Công chứng tiến hành công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) chứng thực hợp đồng. Trong trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được công chứng hoặc chứng thực, thì các bên phải tuân theo.

1.2 Việc công chứng hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản không thay thế cho việc đăng ký các hợp đồng này. Vì vậy, các bên muốn hưởng thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, thì phải đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

2. Về việc bán tài sản bảo đảm là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định 165

2.1. Theo yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên bảo đảm được bán tài sản là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh và phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Thông báo bằng văn bản cho bên nhận bảo đảm về việc bán tài sản bảo đảm trước khi bán. Các bên được thoả thuận về thời hạn thông báo khi ký kết giao dịch bảo đảm. Bên bảo đảm có thể thông báo về việc bán một tài sản cụ thể hoặc một lô hàng hoá;

b) Thực hiện hạch toán riêng số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm theo đúng chế độ hạch toán, kế toán của Bộ Tài chính.

2.2. Sau khi bán tài sản bảo đảm là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thì quyền yêu cầu thanh toán, số tiền thu được hoặc tài sản có được từ việc sử dụng số tiền thu được là tài sản bảo đảm thay thế cho số hàng hoá luân chuyển đã bán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định 165. Trường hợp các bên không có thoả thuận khác, thì việc thay thế tài sản bảo đảm đã bán được thực hiện như sau:

a) Trong trường hợp quyền yêu cầu thanh toán trở thành tài sản bảo đảm thay thế cho số hàng hoá luân chuyển đã bán, thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên có nghĩa vụ thanh toán biết. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thoả thuận, thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán phải thanh toán số tiền đó theo quy định tại Điều 31 của Nghị định 165;

b) Trong trường hợp số tiền thu được trở thành tài sản bảo đảm thay thế cho số hàng hoá luân chuyển đã bán, thì bên bảo đảm phải gửi số tiền đó vào tài khoản riêng. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, nơi mở tài khoản, phong toả tài khoản và thanh toán nghĩa vụ từ số tiền trong tài khoản riêng đó, nếu đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thoả thuận;

c) Bên bảo đảm có quyền sử dụng số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thoả thuận của các bên và các tài sản hình thành trong quá trình này đương nhiên trở thành tài sản bảo đảm thay thế cho số tài sản đã bán.

2.3. Trong các trường hợp quy định tại điểm 2.2 khoản này, các bên phải lập phụ lục hợp đồng hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh đã ký để mô tả tài sản bảo đảm thay thế tài sản đã bán. Việc thay thế tài sản bảo đảm nêu trên phải được đăng ký tại cơ quan đã đăng ký giao dịch bảo đảm đó.

Kể từ thời điểm chuyển quyền sở hữu theo quy định tại Điều 432 của Bộ luật Dân sự, thì người mua tài sản bảo đảm là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh trở thành chủ sở hữu tài sản đó và tài sản đó không còn là tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với bên nhận bảo đảm.

2.4. Trong trường hợp quyền yêu cầu thanh toán, số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm hoặc tài sản có được từ việc sử dụng số tiền đó không đủ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thì bên bảo đảm phải bổ sung tài sản bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Các bên thoả thuận về loại tài sản bổ sung; nếu không thoả thuận được, thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn tài sản của bên bảo đảm để bổ sung vào tài sản bảo đảm.

3. Về việc xử lý giao dịch bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm là doanh nghiệp được tổ chức lại theo quy định tại Điều 21 của Nghị định 165

3.1. Trong trường hợp bên bảo đảm là doanh nghiệp được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, thì giao dịch bảo đảm chấm dứt, trừ trường hợp bên nhận bảo đảm và các doanh nghiệp mới được tổ chức lại có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3.2. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác, thì tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi được thực hiện như sau:

a) Đối với doanh nghiệp chia, tách: nếu tài sản bảo đảm có thể phân chia được, thì phân chia theo tỷ lệ tương ứng với nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp khi chia, tách; nếu tài sản bảo đảm không thể phân chia được tương ứng với nghĩa vụ trả nợ và các doanh nghiệp chia, tách không có thoả thuận khác về biện pháp bảo đảm, thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trước khi chia, tách;

b) Đối với doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi: tài sản bảo đảm cho các khoản nợ của doanh nghiệp trước khi hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi được tiếp tục dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đó của các doanh nghiệp mới sau khi hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi.

3.3. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được các biện pháp quy định tại điểm 3.2 khoản này, thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trước khi thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi.

3.4. Trong mọi trường hợp chuyển giao nghĩa vụ bảo đảm bằng tài sản quy định tại điểm 3.2 khoản này, các bên phải thoả thuận ký kết lại giao dịch bảo đảm.

4. Về việc thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật sau khi đăng ký văn bản thông báo yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm được quy định tại Điều 27 của Nghị định 165

Sau khi đăng ký Văn bản thông báo yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, thì bên nhận bảo đảm có quyền thực hiện các biện pháp sau đây để bảo vệ tài sản bảo đảm:

4.1. Kiểm kê tài sản bảo đảm;

4.2. Giám sát việc sử dụng, khai thác tài sản bảo đảm;

4.3. Yêu cầu bên bảo đảm không được sử dụng, khai thác tài sản bảo đảm, nếu việc sử dụng, khai thác làm giảm sút hoặc mất giá trị tài sản đó;

4.4. Yêu cầu bên bảo đảm chuyển giao tài sản bảo đảm để trực tiếp giữ hoặc uỷ quyền cho bên thứ ba giữ tài sản đó;

4.5. Truy tìm, đòi lại tài sản bảo đảm, nếu tài sản đó bị bên bảo đảm bán hoặc tẩu tán dưới mọi hình thức;

4.6. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm thời đình chỉ việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người khác, nếu bên bảo đảm bán hoặc chuyển nhượng tài sản bảo đảm trái với thoả thuận;

4.7. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 165; áp dụng biện pháp cần thiết để buộc bên bảo đảm hoặc người thứ ba giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 165.

5. Về phương thức xử lý quyền sử dụng đất thế chấp, bảo lãnh theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 165

Việc xử lý quyền sử dụng đất thế chấp, bảo lãnh được thực hiện như sau:

5.1. Trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân nông dân thế chấp, bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất, thì việc xử lý được thực hiện theo thoả thuận của các bên; nếu không có thoả thuận hoặc không thực hiện được theo thoả thuận, thì bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh có quyền lựa chọn một trong các phương thức xử lý sau đây:

a) Yêu cầu Trung tâm bán đấu giá tài sản nơi có đất đó tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất;

b) Khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.

5.2. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không phải là hộ gia đình, cá nhân nông dân thế chấp, bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất, thì việc xử lý quyền sử dụng đất thế chấp, bảo lãnh được thực hiện theo thoả thuận của các bên; nếu không có thoả thuận hoặc không thực hiện được theo thoả thuận, thì bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh có quyền lựa chọn một trong các phương thức xử lý quy định tại điểm 5.1.a và điểm 5.1.b khoản này hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thế chấp, bảo lãnh cho người khác để thanh toán nghĩa vụ.

6. Về việc xử lý tài sản bảo lãnh theo quy định tại Điều 35 của Nghị định 165

6.1. Tài sản bảo lãnh được xử lý trong các trường hợp sau đây:

a. Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà người được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;

b. Người được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp các bên thoả thuận về việc người bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi người được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

6.2.Việc xử lý tài sản bảo lãnh được thực hiện theo các quy định về xử lý tài sản bảo đảm tại Chương III của Nghị định 165 và Thông tư này.

6.3. Trong trường hợp các bên thoả thuận về việc bảo lãnh bằng tài sản, nhưng không xác định cụ thể loại tài sản, thì các bên phải thoả thuận cụ thể về loại tài sản đưa ra xử lý; nếu các bên không thoả thuận được, thì bên nhận bảo lãnh có quyền lựa chọn tài sản của bên bảo lãnh để xử lý.

7. Về việc khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 36 của Nghị định 165

Trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ, nhưng chưa xử lý được, thì việc khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm được thực hiện như sau:

7.1. Bên nhận bảo đảm có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người thứ ba khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm hoặc cho phép bên bảo đảm khai thác, sử dụng tài sản đó.

7.2. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm phải được hạch toán riêng và được dùng để thanh toán nghĩa vụ, sau khi trừ các chi phí cần thiết, hợp lý sau đây cho việc khai thác, sử dụng tài sản của bên nhận bảo đảm hoặc của bên thứ ba:

a) Quản lý tài sản bảo đảm;

b) Tu bổ, sửa chữa tài sản bảo đảm;

c) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (thuế, lệ phí) liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài sản;

d) Các khoản chi phí cần thiết, hợp lý khác cho việc khai thác và sử dụng tài sản bảo đảm.

Trong trường hợp bên bảo đảm khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm, thì hoa lợi, lợi tức thu được được dùng để thanh toán nghĩa vụ mà không trừ đi các khoản chi phí do bên bảo đảm bỏ ra, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

7.3. Việc thanh toán nghĩa vụ từ số hoa lợi, lợi tức thu được được thực hiện theo quy định tại khoản 8 Mục này.

8. Về việc thanh toán tiền bán tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 37 của Nghị định 165

Số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm được dùng để thanh toán như sau:

8.1. Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ, thì sau khi trừ các chi phí sau đây, số tiền bán tài sản bảo đảm còn lại được dùng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận bảo đảm:

a) Chi phí bảo quản, bán tài sản;

b) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (thuế, lệ phí) liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;

c) Các chi phí cần thiết, hợp lý khác có liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm.

Trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay, thì thanh toán cho bên nhận bảo đảm theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại (nếu có); trong trường hợp số tiền bán tài sản còn thừa, thì phải trả lại cho bên bảo đảm; nếu còn thiếu, thì bên bảo đảm phải trả tiếp số tiền còn thiếu đó.

8.2. Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, thì sau khi thanh toán các chi phí quy định tại các điểm 8.1.a, 8.1.b và 8.1.c khoản này, số tiền bán tài sản còn lại được dùng để thanh toán nghĩa vụ cho các bên cùng nhận bảo đảm bằng tài sản đó theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà các giao dịch bảo đảm liên quan đến tài sản đó đều được đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên nhận bảo đảm được xác định theo thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm. Giao dịch bảo đảm nào đăng ký trước, thì bên nhận bảo đảm trong giao dịch đó được ưu tiên thanh toán trước và lần lượt các bên tiếp theo; nếu trong các giao dịch bảo đảm đã được đăng ký có giao dịch bị vô hiệu, thì bên nhận bảo đảm trong giao dịch này không được hưởng thứ tự ưu tiên thanh toán.

Các giao dịch bảo đảm được đăng ký vào cùng một thời điểm (cùng giờ, phút, ngày, tháng, năm), thì các bên nhận bảo đảm có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán. Trong trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ thanh toán cho các bên nhận bảo đảm có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán, thì số tiền đó được chia cho các bên theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với khoản nợ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;

b) Trong trường hợp các giao dịch bảo đảm bằng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có giao dịch bảo đảm không được đăng ký, thì bên nhận bảo đảm trong giao dịch bảo đảm đã đăng ký được ưu tiên thanh toán trước; số tiền còn lại được dùng để thanh toán cho bên nhận bảo đảm trong giao dịch bảo đảm không đăng ký;

c) Sau khi đã thanh toán cho các bên cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản theo thứ tự ưu tiên quy định tại điểm 8.2.a và 8.2.b nêu trên, nếu số tiền bán tài sản còn thừa, thì phải trả lại cho bên bảo đảm; nếu còn thiếu, thì bên bảo đảm phải trả tiếp số tiền còn thiếu đó.

8.3. Trong trường hợp bên bảo đảm là doanh nghiệp bị phá sản, thì Thẩm phán giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản ra quyết định bảo toàn tài sản bảo đảm, tổ chức việc xác định giá trị của tài sản đó. Nếu giá trị tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán số nợ của bên nhận bảo đảm, thì bên nhận bảo đảm đó được tham gia vào việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp như các chủ nợ không có bảo đảm khác. Nếu giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ, thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp phá sản.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị cá nhân, tổ chức phản ánh về Bộ Tư pháp để nghiên cứu, giải quyết./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Lộc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.