• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/09/2000
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 75/2000/TT-BNN-KHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trà Vinh, ngày 17 tháng 7 năm 2000

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

_______________________________

Để thực hiện tốt Khoản 2, Điều 19, Chương V, Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu và Thông tư số 34/1999/TT-BTM ngày 15/12/1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn thi hành Quyết định 178/1999/QĐ-TTg. Ngoài việc thực hiện những quy định chung về ghi nhãn hàng hóa tại Quyết định và Thông tư nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn ghi nhãn chi tiết thêm đối với hàng hóa riêng biệt thuộc chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như sau:

Phần I

DANH MỤC CÁC LOẠI HÀNG HÓA RIÊNG BIỆT CHUYÊN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1. Danh mục các loại hàng hóa riêng biệt chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định việc ghi nhãn hàng hóa trong thông tư này bao gồm:

- Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)

- Thuốc thú y

- Giống cây trồng

- Phân bón

- Giống vật nuôi

- Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

(Trừ phần thuộc Bộ Thuỷ sản được quy định tại Nghị định 86 CP của Chính phủ ngày 8/12/1996 về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá)

2. Đối với các loại hàng hóa khác không thuộc diện điều chỉnh của Thông tư này thì thực hiện theo những quy định tại Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 34/1999/TT-BTM ngày 15/12/1999 của Bộ Thương mại.

Phần II

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT NỘI DUNG GHI NHÃN HÀNG HÓA

I. GHI NHÃN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT (BVTV)

Nhãn thuốc Bảo vệ thực vật bao gồm :

- Nhãn 1 cột

- Nhãn 2 cột

- Nhãn 3 cột

- Nhãn bướm

                Bố cục và nội dung các loại nhãn được quy định tại mục A, B, C, D, E, F như sau:

A.  NỘI DUNG NHÃN MỘT CỘT

1. Tên thuốc và dạng thuốc  (Mục E, điểm 1).

2. Thành phần  :  

 + Hoạt chất.

 + Dung môi  (nếu cần) (Mục E, điểm 2).

3.Phần định lượng hàng hóa: Dung tích hoặc khối lượng tịnh của bao gói tính theo Kg, gr (đối với thuốc dạng bột, hạt) hoặc  lít, ml  đối với thuốc dạng lỏng.

4. Thông tin về  độ độc  (Mục E, điểm 4. 2.1).

5. Vạch màu  (Mục E, điểm 4. 2. 2).

6. Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng và bảo quản  thuốc (Mục E, điểm 4.1).

7. Chỉ dẫn cách phòng tránh nhiễm độc   (Mục E, điểm 4.2.3).

8. Chỉ dẫn về cấp cứu ngộ độc  (Mục E, điểm 4. 2. 4).  

9. Tên và địa chỉ  của thương nhân chịu trách nhiệm về thuốc BVTV 

            (Mục E, điểm  6).

10. Ngày tháng năm sản xuất, hạn sử dụng  (Mục E, điểm 7).

B.  NỘI DUNG NHÃN HAI CỘT

Cột chính (phía bên trái nhãn).

1. Tên thuốc và dạng thuốc  (Mục E, điểm 1).

2. Thành phần:       

+   Hoạt chất.

+  Dung môi  (nếu cần) (Mục E, điểm 2).

3. Phần định lượng hàng hóa: Dung tích hoặc khối lượng tịnh của bao gói tính theo Kg, gr (đối với thuốc dạng bột, hạt) hoặc  lít, ml  đối với thuốc dạng lỏng.

4. Thông tin về  độ độc  (Mục E, điểm 3. 2.1).

5. Công dụng  (Mục  E, điểm 5).

6. Cảnh báo và chỉ dẫn cách phòng tránh nhiễm độc (Mục  E, điểm 4.2.3).

7.Chỉ dẫn cấp cứu khi ngộ độc  (Mục  E, điểm 4.2.4).  

- Thời gian cách li  (Mục  E, điểm 4.2.3).

Cột phụ (phía bên phải nhãn).

8.Vạch màu  (chung cho cả hai cột) (Mục  E, điểm 4.2.2).

9.Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng  thuốc (Mục  E, điểm 4.1).

- Tên và địa chỉ  của thương nhân chịu trách nhiệm về thuốc BVTV

10. (Mục  E, điểm  6).

- Ngày, tháng, năm sản xuất, hạn sử dụng  (Mục  E, điểm 7).

C. NỘI DUNG NHÃN BA CỘT

Cột chính (ở giữa)

1.Tên thuốc và dạng thuốc (Mục  E, điểm 1).

2.Thành phần:        +  Hoạt chất .

                                    +  Dung môi  (nếu cần) (Mục  E, điểm 2).

3. Phần định lượng hàng hóa:  Ghi rõ dung tích hoặc khối lượng tịnh của bao gói tính theo Kg, gr (đối với thuốc dạng bột, hạt) hoặc  lít, ml  đối với thuốc dạng lỏng

4. Thông tin về  độ độc  (Mục  E, điểm 4.2.1).

5. Công dụng  (Mục  E, điểm  5).

6. Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về thuốc B VTV (Mục  E, điểm  6) .

7. Ngày, tháng, năm sản xuất, hạn sử dụng  (Mục  E, điểm 7).  

Cột phụ 1 : (phía bên trái cột chính)

8. Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc (Mục  E, điểm 4.1).

9. Thời gian cách li  (Mục  E, điểm 4.2.3).

Cột phụ 2 : (phía bên phải cột chính)

10. Vạch màu  (chung cho cả ba cột) (Mục  E, điểm 4.2.2).

11. Cảnh báo và chỉ dẫn cách phòng tránh nhiễm độc (Mục E, điểm 4.2.3).

12. Chỉ dẫn cấp cứu  khi ngộ độc  (Mục  E, điểm 4.2.4).

D.  NỘI DUNG NHÃN BƯỚM

Khi mà lượng thông tin cần truyền đạt về thuốc quá nhiều mà diện tích nhãn trên bao gói có hạn  và không đáp ứng đủ thì lượng thông tin đó được in thêm trên một nhãn khác kèm theo gọi là nhãn bướm.

Khi sử dụng nhãn bướm thì ở cột chính của nhãn trên bao gói phải in dòng chữ   " Đọc kĩ nhãn bướm kèm theo trước khi sử dụng thuốc".

Nội dung nhãn bướm bao gồm:

1.Tên thuốc và dạng thuốc  (Mục  E, điểm 1).

2. Thông tin về  độ độc  (Mục  E, điểm 4.1.1).

3. Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc (Mục  E, điểm 4.1).

4. Cảnh báo và chỉ dẫn cách phòng tránh nhiễm độc (Mục E, điểm 4.2.3).

5.  Chỉ dẫn cấp cứu khi ngộ độc  (Mục  E, điểm 4.2.4).

Thời gian cách li  (Mục  E, điểm 4.2.3).

E.  HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

1. Tên thuốc và dạng thuốc.

- Tên thương mại.

- Hàm lượng hoạt chất và dạng thuốc (kí hiệu Việt Nam hoặc quốc tế).

Ví dụ : Thuốc  trừ sâu  Padan  95 SP.

            Thuốc trừ bệnh Vanicide  3 DD.

            Thuốc trừ cỏ  Vidiu  80  BTN.

2. Thành phẩn và chỉ tiêu chất lượng chủ yếu: 

- Hoạt chất: Tên và hàm lượng của tất cả các hoạt chất chính có trong thuốc (đơn vị  g/kg hoặc %).

- Dung môi: Khi dung môi làm tăng độ độc  hay tăng tính chất vật lí của thuốc như mục F thì phải ghi tên và hàm lượng của dung môi trên nhãn.

3. Phần định lượng hàng hóa:

 Nhãn phải ghi rõ dung tích hoặc khối lượng tịnh của bao gói tính theo Kg, gr (đối với thuốc dạng bột, hạt) hoặc  lít, ml  đối với thuốc dạng lỏng. Việc ghi thông tin này, phù hợp với Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 34/TT-BTM ban hành ngày 15/12/1999 của Bộ Thương mại.

4.  Hướng dẫn cách sử dụng.

4.1  Hướng dẫn kĩ thuật sử dụng  thuốc:

Phải ghi rõ dịch hại, thời gian và phương pháp sử dụng để bảo đảm an toàn và hiệu quả nhất. Hướng dẫn cách sử dụng phải bao gồm:

- Mọi thông tin cần ngăn ngừa việc sử dụng sai hoặc không phù hợp.

Ví dụ: + Không sử dụng khi trời sắp mưa.

          + Chỉ sử dụng ở giai đoạn 2 đến 5 lá.

- Liều lượng, nồng độ, thời gian và phương pháp áp dụng đối với tình trạng dịch hại.

- Hướng dẫn về chuẩn bị  pha thuốc, cách pha thuốc, cách phun thuốc, cách bảo quản, cách tiêu hủy thuốc thừa và bao bì.

- Khả năng hỗn hợp với các loại thuốc khác.

4.2  Hướng dẫn chú ý  an toàn.

4.2.1 Thông tin về độ độc.

-   Những thông tin về độ độc của thuốc như " Rất độc ", "Độc cao", Nguy hiểm", "Cẩn thận" và hình tượng biểu hiện độ độc tương ứng cho mỗi loại thuốc (đầu lâu xương chéo đối với thuốc nhóm I và chữ thập trong hình vuông đặt lệch đối với thuốc nhóm II) phải đặt phía trên của cột chính trong nhãn;

- Câu "Bảo quản xa trẻ em" phải được đặt ngay dưới thông tin và hình tượng biểu hiện độ độc.

-  Ngoài những thông tin trên, trên nhãn có thể có hình tượng biểu hiện tính chất vật lí của thuốc như: tính ăn mòn, tính dễ nổ, tính dễ cháy, tính dễ oxy hóa... (nếu có)  (mục F).

Hình tượng biểu hiện độ độc và tính chất vật lí của thuốc được in trong hình vuông đặt lệch, theo màu qui định và độ lớn của hình tương đương 1/10 diện tích cột chính.  

4.2.2 Vạch màu.

Màu của vạch màu được xác định  dựa theo bản phân loại thuốc của tổ chức Y tế thế giới (WHO).

- Đối với thuốc nhóm I vạch màu đỏ (pantone red 199-C).

- Đối với thuốc nhóm II vạch màu vàng (pantone yellow -C).

- Đối với thuốc nhóm III vạch màu xanh nước biển (pantone blue-239-C).

- Vạch màu này đặt ở phần dưới cùng của nhãn và có độ dài bằng độ dài của nhãn, chiều cao tương đương 15 % chiều cao của nhãn.

- Màu của vạch màu phải bền, không bị nhòe hoặc phai.

4.2.3 Cảnh báo và chỉ dẫn cách phòng tránh nhiễm độc.

- Đối với thuốc:

+ Gây độc nếu hít phải.

+ Gây độc nếu uống phải. 

+ Gây ngộ độc nếu tiếp xúc với da.

+ Gây dị ứng đối với da, mắt, hệ hô hấp.

- Khi sử dụng:

+ Tránh hít phải thuốc.

+ Tránh để thuốc tiếp xúc với da, mồm, mắt và mũi.

+  Không hút thuốc, ăn, uống.

+  Sử dụng trang bị bảo hộ (quần áo, kính, mũ, găng tay, ủng...).

+  Rửa sạch ngay vùng bị dính thuốc bằng nhiều nước.

- Sau khi sử dụng:

+ Rửa chân tay hay tắm rửa.

+ Rửa sạch trang bị bảo hộ lao động.

- Thời gian cách li:  

Phải ghi rõ thời gian cách li đối với từng đối tượng sử dụng như:

+  Không sử dụng thuốc trước khi thu hoạch (ngày, tuần).

+  Không sử lí vật nuôi trước khi giết thịt (ngày, tuần).

+  Nguy hiểm (độc) đối với vật nuôi. Không thả vật nuôi vào khu vực sử lí (giờ, ngày).

+ Người không có trang bị bảo hộ không được vào khu vực sử lí (giờ/ngày).

+ Thông gió khu vực sử lí (giờ, ngày) trước khi vào làm việc       (nhà kho...).

            Những thông tin này phải được ghi rõ nét bằng chữ in hoa để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thuốc.   

4.2.4  Chỉ dẫn về cấp cứu khi ngộ độc.

    Ghi rõ phương pháp  sơ cứu khi bị ngộ độc.

- Khi thuốc dính vào da hoặc mắt phải  làm gì.

- Khi hít phải hơi thuốc phải làm gì.

- Khi uống phải thuốc phải làm gì.

- Nếu thuốc dính vào quần áo phải làm gì.

- Trong hoặc sau khi sử dụng thuốc nếu thấy triệu chứng ngộ độc phải làm gì.

- Triệu chứng ngộ độc như thế nào .

- Thuốc giải độc (nếu có).

5. Công dụng của thuốc:

Phải ghi rõ thuốc được dùng để phòng trừ dịch hại gì trên đối tượng bị hại gì. (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh hay thuốc trừ cỏ...).

Ví dụ : Dùng trừ cỏ trên cây trồng cạn.

Dùng trừ cỏ một năm mới nảy mầm trên lúa gieo thẳng.

Dùng trừ bệnh Đạo ôn trên lúa.

 6. Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về thuốc  BVTV.     

- Tên, địa chỉ của nhà sản xuất ra nguyên liệu hoặc hoạt chất (phải phù hợp với đơn xin đăng kí sử dụng và giấy phép đăng kí);

- Tên, địa chỉ của đơn vị gia công, cung ứng;

7. Ngày tháng năm sản xuất, hạn sử dụng  thuốc  BVTV.

- Ngày gia công, sang chai, đóng gói;

- Thời hạn sử dụng (năm).

- Số đăng kí sử dụng;

- Số KCS;

- Các thông tin khác (nếu có). 

F. HÌNH TƯỢNG BIỂU DIỄN ĐỘ ĐỘC VÀ TÍNH CHẤT CỦA THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Độ độc :  - Hình tượng màu đen trên nền màu trắng

Tính ăn mòn: - Hình tượng màu đen trên nửa nền màu vàng hoặc da cam và chữ in màu trắng trên nửa nền màu đen.

Tính dễ nổ: -Hình tượng màu đen trên nền màu vàng hoặc da cam.

Phản ứng với nước (dễ cháy) : - Hình tượng màu đen trên nền màu xanh da trời

Rất dễ cháy: - Hình tượng màu đen trên nửa nền màu trắng và nửa nền mầu đỏ.

Dễ cháy: - Hình tượng màu đen trên nền màu đỏ.

- Hình tượng màu đen trên nền màu trắng với nhũng kẻ sọc đỏ.

Ôxy hoá: - Hình tượng màu đen trên nền màu vàng hoặc da cam.

II. GHI NHÃN THUỐC THÚ Y

1.    Nhãn thuốc thú y bao gồm:

1.1  Nhãn nguyên liệu làm thuốc thú y.

1.2 Nhãn thành phẩm.

  Nhãn thành phẩm có các loại sau:

1.2.1 Nhãn trực tiếp: Là nhãn ghi các thông tin cần thiết, chủ yếu được in trên một đơn vị đóng gói nhỏ nhất của sản phẩm (trên viên thuốc, trên vỉ thuốc, trên ống thuốc, trên gói thuốc, lọ thuốc...);

1.2.2 Nhãn gián tiếp: Là nhãn được dán hoặc in trên hoặc kèm theo bao bì chứa đựng một lượng nhất định các đơn vị đóng gói nhỏ nhất (trên hộp chứa đựng các viên, vỉ, ống, lọ thuốc...);

1.2.3 Nhãn dùng trong bảo quản, vận chuyển: Là nhãn được in hoặc dán trên thùng, hòm, kiện thuốc dùng trong quá trình bảo quản, vận chuyển.

2. Quy định nội dung ghi nhãn thuốc thú y:

2.1 Các nội dung bắt buộc trên nhãn thuốc thú y bao gồm:

2.1.1 Tên thuốc.

2.1.2 Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.

2.1.3 Quy cách đóng gói: Ghi rõ thể tích, khối lượng, số lượng trong 1 đơn vị đóng gói.

2.1.4Thành phần: Ghi tên các nguyên liệu, phụ liệu cấu thành sản phẩm; nồng độ hoặc hàm lượng, tỷ lệ hoạt chất.

2.1.5  Công dụng: Ghi rõ phạm vi tác dụng của thuốc.

- Tác dụng chính

  - Tác dụng phụ.

2.1.6   Hướng dẫn sử dụng bao gồm:

- Loài động vật được dùng thuốc.

- Đường cho thuốc (tiêm dưới da, nội bì, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, cho uống, trộn thức ăn, tắm, bôi xoa hoặc đường thuốc đặc thù khác).

- Liều sử dụng và liệu trình.

- Tính tương kỵ của thuốc.

- Những lưu ý cần thiết khi sử dụng.

2.1.7 Các loại số ghi trên nhãn bao gồm:

- Số đăng ký (sản xuất hoặc nhập khẩu).

- Số lô sản xuất.

- Hạn dùng.

2.1.8  Hướng dẫn về điều kiện bảo quản.

2.1.9 Dòng chữ “Chỉ dùng trong thú y”.

2.1.10 Thời gian ngừng thuốc khi cần thiết.

2.2  Các loại nhãn thuốc thú y phải ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc bao gồm:

2.2.1 Nhãn gián tiếp.

2.2.2 Nhãn trực tiếp trên các đơn vị đóng gói nhỏ nhất của sản phẩm mà diện tích nhãn đủ chứa toàn bộ lượng thông tin theo quy định tại 2.1.

2.3 Các loại nhãn thuốc thú y không cần ghi đầy đủ nội dung bắt buộc bao gồm:

2.3.1 Nhãn trực tiếp trên viên thuốc, vỉ thuốc, ống thuốc, lọ nhỏ hoặc trên các đơn vị đóng gói nhỏ nhất của sản phẩm mà diện tích không đủ chứa toàn bộ thông tin theo quy định;

2.3.2   Nhãn bảo quản vận chuyển: Chỉ cần ghi tên đầy đủ của sản phẩm, nồng độ, hàm lượng, quy cách đóng gói của sản phẩm, số lượng đóng gói nhỏ bên trong, các loại số ghi trên nhãn tại mục 2.1.7, tên nhà sản xuất và địa chỉ.

2.4  Các dấu hiệu đặc trưng của nhãn  nguyên liệu độc hoặc thuốc độc:

2.4.1 Đối với nguyên liệu độc bảng A: khung nhãn màu đen, góc phải phía trên có hình tròn màu trắng mang chữ “độc A” màu đen, góc trái phía trên có hình tròn nền trắng mang dấu hiệu “đầu lâu đặt trên hai xương chéo” bán kính hình tròn bằng 1/6 cạnh ngắn của nhãn.

2.4.2 Đối với nguyên liệu độc bảng B: khung nhãn màu đỏ, góc trái có hình tròn nền trắng mang chữ “độc B” màu đỏ. Bán kính hình tròn bằng 1/6 cạnh ngắn của nhãn.

2.4.3   Đối với các loại nhãn thành phẩm của thuốc độc (Trên nhãn trung gian và nhãn bảo quản vận chuyển phải in đậm nét dòng chữ “Không dùng quá liều quy định”).

- Màu đen đối với thuốc độc bảng A.

- Màu đỏ đối với thuốc độc bảng B.

2.4.4   Đối với thuốc dùng bên ngoài da phải có thêm dòng chữ đậm nét “Chỉ được dùng ngoài da”.

2.5  Các hướng dẫn cần thiết khác đối với nhãn thành phẩm của thuốc thú y:

2.5.1 Tên thuốc sản xuất trong nước ghi bằng tiếng Việt hoặc theo danh pháp quốc tế, tên La tinh, tên khoa học, tên gốc, tên biệt dược. Trong trường hợp tên thuốc được ghi theo tên biệt dược thì ngay bên dưới tên biệt dược phải ghi thêm tên thông dụng của thuốc với kích thước chữ bằng 2/3 tên biệt dược.

2.5.2   Công thức thuốc hoặc thành phần cấu tạo; dạng thuốc và quy cách đóng gói ghi theo đúng hồ sơ đăng ký đã được duyệt.

2.5.3   Số đăng ký: Ghi theo số đăng ký được Cục Thú y cấp.

2.5.4   Dòng chữ “chỉ dùng trong thú y” được đặt ở vị trí dễ nhận biết trên nhãn

2.6  Nhãn của thuốc thú y xuất khẩu: Thiết kế nội dung theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

III. GHI NHÃN GIỐNG CÂY TRỒNG

1. Giống cây trồng nông nghiệp và giống cây lâm nghiệp (gọi tắt là giống cây trồng) sản xuất ở trong nước và giống xuất nhập khẩu của các tổ chức và cá nhân được phép sản xuất kinh doanh giống, khi lưu thông, buôn bán trên thị trường phải có nhãn và thực hiện ghi nhãn giống cây trồng theo Quy chế ghi nhãn hàng hóa.

           

2. Nhãn giống cây trồng là bản viết, bản in, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, cài chắc chắn trên bao bì chứa đựng giống hoặc cây giống, bó giống, lô giống vv... để thể hiện các thông tin cần thiết, chủ yếu của giống cây trồng đó.

Đối với giống cây trồng có bao bì chứa đựng thì nhãn hàng hóa phải ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo Quy chế (tên hàng hóa, tên và địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, định lượng hàng hóa, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng và xuất xứ hàng hóa).

Đối với giống cây trồng không có bao bì chứa đựng thì tối thiểu phải ghi được tên giống, ngày tháng năm sản xuất, tên và địa chỉ của đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu giống cây trồng đó trên nhãn. Các nội dung bắt buộc khác được ghi vào một tài liệu kèm theo giống khi bán cho người mua giống.

3. Các nội dung bắt buộc

3.1 Tên giống cây trồng

3.1.1 Tên giống cây trồng bình thường phải ghi tên chi cây trồng và tên giống cây trồng.

Ví dụ:             

Tên chi            

-Giống lúa       

-Giống Ngô     

Tên giống

C70; Khang dân 18; Sán ưu 63...

Q5; TSB2...

 

3.1.2  Đối với giống cây trồng sử dụng ưu thế lai, chuyển gen, nuôi cấy mô, chiết, ghép v.v... thì ghi các đặc điểm đó trước tên giống.

            Ví dụ: 

Tên chi

-Giống lúa

Sán Ưu 63

-Giống ngô

CP-DK888...

-Giống bông

 

Đặc điểm       
Tên giống

lai 3 dòng

Lai đơn

Lai                                           LRA.5166

3.1.3 Đối với tên giống cây trồng lâm nghiệp thì ghi tên chi, tên loài và tên giống.

3.2 Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về giống là tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra giống cây trồng.

-Nếu là giống cây trồng nhập khẩu thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống cây trồng.

3.3 Định lượng giống cây trồng

- Đối với hạt giống, củ giống và các loại giống cây trồng có thể đo bằng khối lượng thì khối lượng của giống ghi bằng đơn vị kilôgam (kg), gam (g), hay miligam (mg).

- Đối với giống cây trồng khác, định lượng hàng hoá tính bằng: số cành, số cây, số hom, số quả. Ví dụ: 100 cành; 100 hom.

3.4 Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

3.4.1  Đối với loại giống có quy định cấp giống và tiêu chuẩn chất lượng thì ghi cả cấp giống và tất cả các chỉ tiêu chất lượng kèm số hiệu của giống lên nhãn hàng hóa.

3.4.2 Đối với giống cây trồng không phân cấp giống thì chỉ ghi phần các chỉ tiêu chất lượng cụ thể cho mỗi loại giống.

3.4.3 Giống chưa quy định tiêu chuẩn chất lượng của Nhà nước thì ghi tiêu chuẩn chất lượng do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố.

3.5 Ngày sản xuất:

Ngày sản xuất: Đối với cây thu hạt, củ, quả giống thì ghi ngày, tháng và năm. Đối với giống sản xuất bằng phương pháp vô tính (ghép, chiết, cắt mầm...) thì ghi ngày, tháng và năm.

3.6  Hướng dẫn bảo quản và sử dụng:

- Ghi hướng dẫn bảo quản cụ thể để bảo chất lượng đối với từng loại giống.

- Hướng dẫn sử dụng: Ghi rõ thời vụ trồng, các biện pháp kỹ thuật sản xuất chủ yếu, những điểm cần lưu ý khi sản xuất. Đối với các giống cây trồng nhập khẩu, thương nhân nhập khẩu phải hướng dẫn sử dụng phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của từng vùng sinh thái cho giống cây được trồng.

 Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản có thể ghi thành một tài liệu kèm theo giống cung cấp cho người mua giống.

3.7  Xuất xứ của giống cây trồng

 Đối với giống cây trồng nhập khẩu tiêu thụ tại Việt nam, người nhập khẩu giống ghi các nội dung bắt buộc nêu trên, đồng thời ghi nước sản xuất giống cây trồng đó.

 Đối với cây trồng xuất khẩu: Nhãn hàng hóa ghi các nội dung trên hoặc các nội dung theo yêu cầu của nước nhập khẩu giống.

IV. GHI NHÃN HÀNG HOÁ ĐỐI VỚI PHÂN BÓN

1. Tên phân bón:

Trường hợp phân bón không có tên qui định tại Khoản 1,2,3 Điều 6 của Quyết định số 178/1999-QĐ-TTg thì tên phân bón là tên trong Danh mục các loại phân bón được sử dụng và lưu thông ở Việt nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.

- Đối với các loại phân bón đặc chủng thì ghi loại phân bón đó trước khi ghi tên phân bón cụ thể:

Ví dụ: 

Loại phân bón

Phân bón qua lá

Tên phân bón

Komix-Rc

 

2.  Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về phân bón: Ghi tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất ra loại phân đó.

Đối với phân nhập khẩu thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu loại phân bón đó.

3. Định lượng của phân bón: Ghi khối lượng tịnh hoặc thể tích của phân bón chứa đựng trong bao bì được tính bằng kg, gam, mg hoặc lít, ml.

4. Thành phần cấu tạo và chỉ tiêu chất lượng của phân bón

- Thành phần cấu tạo và chỉ tiêu chất lượng của phân bón ghi tên ký hiệu các chất dinh dưỡng có trong phân bón và hàm lượng của từng loại tính bằng %; gam/lit; ppm hoặc CPU/g (ml).

- Đối với phân vi sinh: Ghi tên chủng vi sinh vật và số  lượng vi sinh vật có trong phân bón.

5. Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản.

- Ngày sản xuất: Đối với phân bón sản xuất trong nước ghi ngày, tháng, năm.

- Đối với những loại phân bón chỉ được sử dụng hoặc bảo quản trong một thời hạn nhất định thì ghi thời hạn sử dụng và thời hạn bảo quản.

- Đối với một số loại phân bón nhập khẩu mà nước sản xuất không ghi ngày sản xuất thì trên nhãn hàng hóa bằng tiếng Việt có thể không ghi mục này.

6. Hướng dẫn bảo quản hướng dẫn sử dụng.

- Hướng dẫn sử dụng : Ghi rõ phân bón dùng cho loại cây nào, công dụng của phân bón, cách dùng và thời kỳ dùng cụ thể cho từng loại cây trồng.

- Đối với những loại phân bón cần có những lưu ý đặc biệt khi sử dụng để bảo  đảm chất lượng, tăng hiệu quả, không gây độc hại đối với cây trồng, môi trường thì ghi cụ thể những lưu ý đó.

- Hướng dẫn cách bảo quản, điều kiện bảo quản.

- Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng có thể ghi thành một tài liệu kèm theo phân bón cung cấp cho người mua hàng.

Ghi xuất xứ hàng hóa.

- Đối với phân bón xuất nhập khẩu trên nhãn phân bón phải ghi tên nước sản xuất loại phân bón đó.

V. GHI NHÃN ĐỐI VỚI GIỐNG VẬT NUÔI

Phạm vi thực hiện bao gồm tất cả các con giống, trứng giống, tinh, phôi giống được sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống, các trang trại giống vật nuôi được phép sản xuất và kinh doanh giống trong nước và nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, tư nhân) được bán ra thị trường.

Khi giống được bán ra thị trường phải có nhãn và tài liệu ghi đầy đủ các nội dung như sau:

1. Tên giống vật nuôi:

1.1Tên giống vật nuôi thuần chủng phải ghi tên loài trước, tên giống sau.

Ví dụ: 

Tên loài         

Lợn                

Gà                  

Vịt                  

 

Tên giống

Móng cái, Thuộc nhiêu

Gà Ri, gà Mía, gà Hồ

Vịt Cỏ, vịt Bầu

        1.2         Đối với giống lai thì ghi tên loài vật nuôi, hình thức lai hoặc tạo giống:

Ví dụ:    Tên loài                    Hình thức tạo giống               Tên giống

              Lợn                           Lai 2 giống                             Lợn lai F1 Đại bạch x  Móng cái

              Vịt                             Lai 2 giống                             Vịt Bạch tuyết

Những con giống lai tạo từ nhiều giống phải ghi rõ một số nguyên liệu lai chính lấy từ giống khác để tạo ra con giống đó.

1.3. Ghi rõ họ, tên, địa chỉ  sản xuất:

Nếu giống mới nhập phải ghi rõ địa chỉ người nhập.

2. Định lượng hàng hóa:

Đơn vị định lượng đối với con giống là con, phôi là cái, trứng giống là quả, tinh dịch là liều tinh.

3. Ghi rõ chỉ tiêu chất lượng chủ yếu:

3.1  Cấp giống: Cụ kỵ, ông bà hoặc bố mẹ:

Ví dụ:  Giống gà ISA MPK ông bà, giống gà 882 bố mẹ, giống lợn thuần cụ kỵ...

- Chỉ tiêu chất lượng giống:

Ghi rõ một số chỉ tiêu năng suất, chất lượng chính, đặc trưng cho giống.

Ví dụ:  Đối với giống gia cầm hướng trứng: - Năng suất trứng/năm

Đối với gia cầm hướng thịt: - Khối lượng đạt được trên một đơn vị thời gian.

Đối với giống lợn thịt: Khả năng tăng trọng, mức độ tiêu tốn thức ăn, độ dầy mỡ lưng.

Đối với lợn nái: Năng suất sinh sản: số con đẻ ra/lứa, số lứa/năm.

3.2. Đối với giống vật nuôi chưa có quy định chỉ tiêu chất lượng thì ghi những chỉ tiêu chất lượng do nhà sản xuất công bố.

4.  Ngày tháng năm sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản:

Đối với tinh dịch, phôi, trứng giống ghi rõ ngày, tháng, năm sản xuất và thời hạn sử dụng.

5.Hướng dẫn bảo quản và sử dụng:

Ghi rõ yêu cầu bảo quản, hướng dẫn cụ thể mọi điều kiện để đảm bảo chất lượng và sử dụng, có thể ghi thành tài liệu hướng dẫn.

Ví dụ: Tinh dịch lợn thuần Duroc bảo quản ở nhiệt độ 18-20oC.

6.Xuất xứ của giống vật nuôi:

- Đối với giống vật nuôi nhập khẩu từ nước ngoài phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của giống, chất lượng, phẩm cấp giống và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định hiện hành.

- Đối với giống và sản phẩm giống xuất khẩu: Nhãn hàng hóa ghi các nội dung trên hoặc các nội dung theo yêu cầu của nước nhập khẩu giống.

VI. GHI NHÃN HÀNG HOÁ LÀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI,

 NGUYÊN LIỆU LÀM THỨC ĂN CHĂN NUÔI

1. Đối với hàng hóa sản xuất tại Việt nam:

1.1  Tên hàng hoá:

Tên hàng hoá là thức ăn chăn nuôi được ghi cụ thể dựa vào chức năng sử dụng của hàng hóa cũng như đối tượng và giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi sử dụng thức ăn đó.

Ví dụ:

- Thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt khối lượng từ 30 - 60 kg

- Thức ăn bổ sung khoáng cho gà.

1.2 Thành phần cấu tạo:

1.2.1   Hàng hóa là thức ăn chăn nuôi phải ghi đầy đủ tên những nguyên liệu được sử dụng trong công nghệ sản xuất ra hàng hoá đó theo thứ tự từ cao xuống thấp về khối lượng hoặc tỷ khối (%).

1.2.2   Nếu một trong những nguyên liệu đã được chiếu xạ hoặc là sản phẩm của kỹ thuật biến đổi gen phải được ghi trên nhãn hàng hoá theo các quy định quốc tế mà Việt nam công bố áp dụng.

1.3 Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu:

- Những chỉ tiêu chất lượng hàng hoá bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hoá thức ăn chăn nuôi:

1.3.1   Đối với hàng hoá là thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc;

 - ẩm độ (Max % )

 - Prôtein (Min %)

 - Năng lượng trao đổi  ME  (Min Kcal/kg)

 - Xơ thô (Max %  )

 - Ca (Min và Max  %)

 - P  (Min %)

 - NaCl (Min và Max  %)

 - Tên và hàm lượng kháng sinh hoặc dược liệu (Max  mg/kg).

1.3.2 Đối với hàng hoá là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung Vitamin, bổ sung khoáng hoặc các chất phụ gia:

- Hàm lượng các chất cơ bản quyết định giá trị sử dụng của hàng hoá (Max đối với các chất khoáng, Min đối với các loại  Vitamin)

- Tên và hàm lượng kháng sinh hoặc dược liệu (Max mg/kg).

1.4  Hướng dẫn sử dụng và bảo quản:

- Đối với hàng hoá là thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung hoặc các chất phụ gia nhất thiết phải ghi hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, cảnh báo nguy hại nếu sử dụng hàng hoá không đúng cách thức. Nếu hàng hoá có kháng sinh phải ghi thời hạn ngừng cho ăn trước khi giết mổ cũng như các thông tin khác cần chú ý.

- Trường hợp nhãn hàng hoá không đủ diện tích để ghi các nội dung hướng dẫn về sử dụng và bảo quản thì nội dung này được hướng dẫn thuyết minh vào một tài liệu kèm theo hàng hoá để cung cấp cho người sử dụng. 

Ví dụ: Mẫu nhãn hàng hóa thức ăn chăn nuôi

(Đối với hàng hóa là thức ăn hỗn hợp và thức ăn đậm đặc)

Mặt trước bao bì thức ăn hỗn hợp dạng viên cho gà thịt từ 21-42 ngày tuổi

Biểu tượng và mã số của Công ty (hình vẽ, quảng cáo) C12

Khối lượng tịnh:

Mặt sau  bao bì thành phần dinh dưỡng

- ẩm độ (Max%)

- Protein (Min%)

- Năng lượng trao đổi ME (Min Kcal/kg)

- Xơ thô (Max%)

- Ca (Min và Max%)

- P (Min%)

- NaCl (Min và Max%)

- Tên và hàm lượng kháng sinh hoặc dược liệu (Max mg/kg)

- Không có hoóc môn hoặc kháng hoóc môn 

Nguyên liệu: Bột ngô, Gluten ngô, khô dầu hạt cải, bột đậu tương, bột cá, bột váng sữa, bột thịt xương, dầu thực vật, bột sò, L-Lisin, sulfat đồng, sulfat sắt, cácbonat canxi, oxit mangan, axit folic, Clotetracycline...

Tên nguyên liệu đã được chiếu xạ hoặc là sản phẩm của kỹ thuật biến đổi gien (nếu có):

Hướng dẫn sử dụng

Cho gà ăn tự do không cần bổ sung bất kỳ loại thức ăn nào khác ngoài nước uống

Tên, địa chỉ, điện thoại của nhà máy:

Số đăng ký:          Số lô:

Ngày sản xuất:

Điều kiện bảo quản:

Thời hạn sử dụng:

2.  Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:

2.1 Hàng hóa là thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi xuất khẩu: ngôn ngữ trên nhãn hàng hóa được ghi theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán với các thông tin thuộc nội dung bắt buộc kèm theo nhãn gốc để cung cấp cho người mua.

2.2. Hàng hóa là thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu:

- Tốt nhất là thoả thuận được với bên bán hàng để ghi bằng tiếng Việt nam trên nhãn gốc với các thông tin thuộc nội dung bắt buộc.

-  Trường hợp không thoả thuận thì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt nam với các thông tin thuộc nội dung bắt buộc kèm theo nhãn gốc để cung cấp cho người mua.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các tổ chức và cá nhân sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón hiện đang có các loại nhãn hàng hoá được phép lưu hành và sử dụng tại Việt nam phải tự tiến hành rà soát lại việc ghi nhãn sản phẩm của mình theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 34/1999/TT-BTM  của Bộ Thương mại và hướng dẫn tại Thông tư này. Trong  trường hợp nhãn sản phẩm, bao bì cũ còn số lượng lớn cần tiếp tục lưu hành phải báo cáo và làm văn bản xin phép các cơ quan quản lý chuyên ngành theo phân cấp hiện hành về sản phẩm đó, nhưng thời gian kéo dài không được quá ngày 31 tháng 12 năm 2000.

2. Các tổ chức và cá nhân có hoạt động nhập khẩu các loại nguyên liệu và các thành phẩm về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, các loại giống cây trồng, vật nuôi từ nước ngoài cần thông báo với nhà cung cấp về các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn sản phẩm hàng hoá nhập khẩu để thống nhất biện pháp thực hiện,

3. Các tổ chức và cá nhân cần thay đổi loại nhãn hàng hoá và mẫu nhãn mới phải tiến hành đăng ký lại với cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định hiện hành. Việc tiến hành in nhãn mới chỉ có giá trị  khi được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành.

4. Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Khuyến nông và Khuyến lâm, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng và nhiệm vụ đựơc giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, thanh tra và kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá đối với các hàng hoá được giao và 6 tháng một lần báo cáo về Bộ (Vụ khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm). Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm có trách nhiệm tổng hợp việc thực hiện ghi nhãn hàng hoá báo cáo với Bộ và phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt Quyết định 178/1999/QĐ.TTg, Thông tư số 34/1999/TT, BTM của Bộ Thương mại và Thông tư này.

5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 60 ngày kể từ ngày ký.

Những quy định trước đây về ghi nhãn hàng hoá trái với Thông tư này đều không còn hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc cần kịp thời cáo cáo về Bộ để sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Thế Dân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.