• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/12/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 09/03/2000
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 362/QĐ-NH9
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trà Vinh, ngày 31 tháng 12 năm 1996

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế uỷ quyền quản lý công chức, viên chức ngân hàng

______________________

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh ngân hàng Nhà nước ngày 23/5/1990;

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ và đào tạo Ngân hàng Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này "Quy chế uỷ quyền quản lý công chức, viên chức Ngân hàng".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thị hành kể từ ngày ký thay thế Quyết định số 73/NH-QĐ ngày 7/9/1990 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 3: Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc doanh, Tổng Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Thống đốc

(Đã ký)

Cao Sĩ Kiêm

QUY CHẾ

Về ủy quyền quản lý công chức, viên chức ngân hàng

(Ban hành kèm theo Quyết định số 362/QĐ-NH9 ngày 31/12/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Chương I

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Quy chế này áp dụng đối với hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng quốc doanh, Tổng Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam. Vụ trưởng, Cục trưởng, Trưởng ban, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước trong quy chế này gọi chung là Thủ trưởng đơn vị, công chức, viên chức thuộc các đơn vị trên được gọi chung là công chức, viên chức ngân hàng.

Điều 2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyên quản lý công chức, viên chức Ngân hàng theo nguyên tắc:

1. Bảo đảm tập trung, dân chủ và trách nhiệm của Thủ trưởng trong công tác quản lý công chức, viên chức:

- Những vấn đề quan trọng về nhân sự như đánh giá, bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật phải được bàn bạc thống nhất trong tập thể lãnh đạo có sự tham gia của cấp uỷ Đảng.

- Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm quản lý công chức, viên chức theo phạm vi được uỷ quyền.

2. Các quyết định về nhân sự do Thủ trưởng đơn vị ký và chịu trách nhiệm. Trường hợp Thủ trưởng đi vắng, Phó Thủ trưởng thường trực được ký thay những quyết định về nhân sự sau khi đã thống nhất trong tập thể lãnh đạo và được Giám đốc uỷ quyền.

Chương II

NỘI DUNG UỶ QUYỀN QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 3. Các Phó thống đốc được quyền:

- Tham gia bàn bạc tập thể về công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, điều động đối với công chức, viên chức thuộc diện Thống đốc quản lý.

- Nhận xét, đánh giá đối với những công chức, viên chức trong diện Thống đốc quản lý, đặc biệt đối với công chức, viên chức thuộc khối, lĩnh vực hoặc đơn vị được phân công phụ trách.

- Có ý kiến đề nghị Thống đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chức, viên chức trong diện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý thuộc khối được phân công phụ trách.

Điều 4. Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo Ngân hàng Nhà nước được uỷ quyền:

1. Quản lý và thừa uỷ quyền Thống đốc ký và chịu trách nhiệm về các quyết định: tuyển dụng, điều động, nâng bậc lương, chuyển ngạch lương, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức, viên chức thuộc biên chế Ngân hàng Nhà nước Trung ương trừ những công chức, viên chức có chức vụ từ cấp Phòng, chuyên viên chính và tương đương trở lên.

2. Nâng bậc, chuyển ngạch lương đối với công chức, viên chức từ ngạch chuyên viên (01003) và tương đương trở xuống thuộc biên chế chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng, trừ các chức vụ và chức danh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý.

3. Thẩm tra, tổng hợp đề nghị của các đơn vị để trình Thống đốc quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức, viên chức thuộc quyền quyết định của Thống đốc.

4. Quản lý hồ sơ công chức, viên chức thuộc biên chế ngân hàng Nhà nước Trung ương.

5. Quản lý biên chế công chức, viên chức trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.

6. Về đào tạo công chức, viên chức:

- Cử công chức, viên chức dự tuyển các khoá đào tạo ngắn và dài hạn, trong và ngoài nước;

- Cử công chức, viên chức đi học các khoá đào tạo trong nước có thời gian dưới 1 năm (trừ diện do Thống đốc quản lý).

7. Tổ chức việc thi tuyển theo các loại hình do Thống đốc quy định.

8. Chuẩn bị ý kiến về nhận xét, đánh giá đối với công chức, viên chức thuộc diện Thống đốc quản lý.

Điều 5. Các Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương được uỷ quyền:

1. Bố trí, phân công, quản lý công tác đối với công chức, viên chức thuộc biên chế của đơn vị.

2. Đề nghị Thống đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó vụ trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, nâng bậc lương, cử đi học, khen thưởng, kỷ luật, chuyển công tác và thực hiện các chính sách khác có liên quan đến công chức, viên chức trong đơn vị.

Đối với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức cấp Phòng của các Phòng đại diện tại 17 Bến Chương Dương, cần tham khảo ý kiến của Vụ trưởng phụ trách Văn phòng Ngân hàng Nhà nước tại 17 Bến Chương Dương về phẩm chất, năng lực và ý thức chấp hành nội quy kỷ luật.

3. Quyết định cử tổ trưởng công tác.

4. Nhận xét đánh giá đối với công chức, viên chức có chức vụ từ Phó vụ trưởng và tương đương trở xuống thuộc đơn vị mình phụ trách.

5. Tổ chức các hội nghị chuyên đề và tập huấn nghiệp vụ có thời gian dưới 10 ngày sau khi được Phó thống đốc phụ trách phê duyệt.

Điều 6. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, được uỷ quyền:

1. Quản lý toàn diện (bố trí, phân công công tác, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách, chế độ) đối với công chức, viên chức thuộc biên chế của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

2. Bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, trừ Chánh thanh tra, Kiểm soát viên trưởng, Trưởng phòng kế toán và thanh toán, thanh tra viên, kiểm soát viên, do Thống đốc bổ nhiệm và miễn nhiệm.

3. Ký quyết định tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức sau khi được Ngân hàng Nhà nước Trung ương chấp thuận.

Ký quyết định nghỉ hưu, đình chỉ công tác, thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở xuống đối với những công chức, viên chức do Thống đốc quản lý thuộc biên chế của chi nhánh sau khi có ý kiến chấp thuận của Thống đốc.

4. Có văn bản đề nghị, nhận xét với cấp uỷ, chính quyền, với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Ngân hàng quốc doanh, Tổng công ty vàng bạc, đá quý Việt Nam về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng quốc doanh, Công ty vàng bạc đá quý trên địa bàn.

Khi cần thiết có quyền kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để xem xét và yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng quốc doanh, Tổng công ty vàng bạc đá quý đình chỉ công tác, xử lý về mặt hành chính hoặc đưa ra truy tố trước pháp luật đối với viên chức Ngân hàng quốc doanh, Tổng công ty vàng bạc đá quý do Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc quản lý.

5. Cử công chức, viên chức đi học các khoá đào tạo trong nước có thời gian dưới 3 tháng.

Điều 7. Giám đốc Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng được uỷ quyền:

1. Quản lý toàn diện (bố trí, phân công công tác, điều động, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách chế độ) đối với công chức, viên chức thuộc biên chế của Trung tâm, trừ các chức vụ Phó giám đốc Trung tâm, Viện trưởng và Phó viện trưởng Viện Khoa học Ngân hàng, Giám đốc các Chi nhánh, chuyên viên chính và tương đương trở lên.

2. Bổ nhiệm và miễn nhiệm Phó giám đốc chi nhánh, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và các chức vụ tương đương thuộc Trung tâm.

3. Ký quyết định tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức sau khi được Ngân hàng Nhà nước Trung ương chấp thuận.

Ký quyết định nghỉ hưu, đình chỉ công tác và thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở xuống đối với những công chức, viên chức thuộc diện Thống đốc quản lý sau khi có ý kiến chấp thuận của Thống đốc.

4. Cử công chức, viên chức đi học các khoá đào tạo trong nước thời gian dưới 3 tháng.

5. Nhận xét đánh giá đối với công chức, viên chức có chức danh từ Phó giám đốc Trung tâm trở xuống.

Điều 8. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng quốc doanh, Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam (gọi tắt là Tổng công ty), Giám đốc công ty, Nhà máy, Xí nghiệp (gọi chung là các doanh nghiệp) trực thuộc công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc quản lý viên chức theo luật doanh nghiệp, điều lệ của Tổng công ty, của doanh nghiệp và các quy định khác của Nhà nước.

Đối với các công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị (kể cả Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc), Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng ban kiểm soát, thuộc Tổng công ty và Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng các doanh nghiệp Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Việc bổ sung và sửa đổi Quy chế này do Thống đốc quyết định. Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện.

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.