Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), Felspat, cao lanh và Magnezit đến năm 2015, có xét đến năm 2025

__________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương;

 Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;

 Căn cứ Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp;

 Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

 Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3174/VPCP-CN ngày 11 tháng 6 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về việc giao cho Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit đến năm 2015, có xét đến năm 2025;

 Xét Tờ trình số 488/TTr-NCPT ngày 01 tháng 10 năm 2008 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp;

 Xét đề nghị của Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch và Công nghiệp nặng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), felspat, cao lanh và magnezit đến năm 1015, có xét đến năm 2025 với nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), felspat, cao lanh và magnezit phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và địa phương, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến.

2. Phát triển thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit phù hợp với yêu cầu củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ các công trình văn hóa có giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn có khoáng sản.

3. Phát triển thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit một cách bền vững, bảo đảm an toàn, có hiệu quả kinh tế trên cơ sở khai thác hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên của đất nước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước và có một phần cho xuất khẩu.

4. Công tác thăm dò nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit phải được tiến hành trước một bước, phù hợp với lịch trình của quy hoạch, nhằm tạo cơ sở tài nguyên tin cậy cho công tác khai thác, chế biến và sử dụng sản phẩm khoáng chất có hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau.

5. Phát triển khai thác, chế biến nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit với quy mô và chủng loại sản phẩm phù hợp trên cơ sở ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến, phù hợp điều kiện Việt Nam và thân thiện với môi trường. Khuyến khích khai thác, chế biến với quy mô công nghiệp và sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Tập trung thăm dò các mỏ khoáng sản nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit đã được điều tra, đánh giá để đáp ứng đủ trữ lượng tin cậy cho nhu cầu khai thác và chế biến trong giai đoạn quy hoạch.

2. Thu hồi tối đa tài nguyên trong khai thác và chế biến thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến. Đảm bảo hiệu quả kinh tế việc khai thác và bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn hoạt động khoáng sản.

3. Đẩy mạnh việc đầu tư đồng bộ các cơ sở chế biến sâu các loại khoáng sản nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

+ Đá vôi trắng

- Giai đoạn 2008-2015, hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết, chấn chỉnh hoạt động khoáng sản đá vôi trắng trên địa bàn tỉnh Yên Bái và Nghệ An. Hoàn thành thăm dò 48 mỏ/diện tích đá vôi trắng đã cấp phép và 36 mỏ đã được thỏa thuận chủ trương (Phụ lục 2);

- Đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu đá vôi trắng của nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gia công, chế biến từ đá vôi trắng. Sản lượng trên có thể gia tăng tuỳ theo khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu.

+ Felspat

- Phấn đấu hoàn thành thăm dò 5 mỏ (khu, diện tích quặng) mới trong giai đoạn đến 2010 và 4-5 mỏ mới trong mỗi kỳ kế hoạch 5 năm tiếp theo.

- Đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu felspat cho các ngành công nghiệp và một phần nhu cầu của lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, phấn đấu giảm nhập khẩu và cân bằng xuất, nhập khẩu sau năm 2015. Sản lượng felspat thương phẩm năm 2010 đạt khoảng 0,9 triệu tấn, năm 2015 đạt 1,1-1,2 triệu tấn, năm 2020 đạt 1,4-1,5 triệu tấn và năm 2025 đạt 1,6-1,7 triệu tấn.

+ Cao lanh

- Phấn đấu hoàn thành thăm dò 6-7 mỏ mới trong giai đoạn đến 2010 và 9-10 mỏ mới trong mỗi kỳ kế hoạch 5 năm tiếp theo.

- Đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sản phẩm cao lanh cho các ngành công nghiệp; cân bằng xuất - nhập khẩu sau năm 2010 và phấn đấu gia tăng xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng cao lanh tinh lọc đạt trên 0,7 triệu tấn vào năm 2010; 1,2-1,3 triệu tấn vào năm 2015; 1,8-1,9 triệu tấn vào năm 2020; 2,3-2,4 triệu tấn vào năm 2025.

+ Magnezit

- Đến năm 2015, hoàn thành thăm dò vùng quặng magnezit Kon Queng. Hoàn thành xây dựng và đưa vào sản xuất tổ hợp mỏ tuyển quặng magnezit Kon Queng, phấn đấu đạt sản lượng khai tuyển 150-200 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm.

- Đến năm 2025, hoàn thành mở rộng sản xuất tổ hợp mỏ tuyển, phấn đấu đạt sản lượng tuyển 350-400 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm.

III. DỰ BÁO NHU CẦU KHOÁNG CHẤT NGUYÊN LIỆU ĐÁ VÔI TRẮNG, FELSPAT, CAO LANH VÀ MAGNEZIT (NHU CẦU TÍNH CHO CẢ XUẤT KHẨU)

Nhu cầu về khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit dự báo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 dự báo như sau:

TT

Nội dung

Đơn vị

2010

2015

2020

2025

A

Đá vôi trắng

 

 

 

 

 

1

Ốp lát, mỹ nghệ

Triệu m3

0,75

1,35

1,9

2,6

2

Đá hạt

Triệu tấn

1,8

2,4

3,2

3,8

3

Bột CaCO3

Triệu tấn

1,0

2,0

2,6

3,8

B

Cao lanh

 

 

 

 

 

 

Caolanh tinh lọc

Triệu tấn

0,75

1,20

1,80

2,3

C

Felspat (trừ lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng)

Triệu tấn

0,90

1,00

1,4

1,6

D

Magnezit

Triệu tấn

0,08

0,14

0,2

0,25

IV. QUY HOẠCH THĂM DÒ

1. Thăm dò đá vôi trắng

Trữ lượng đá vôi trắng đã thăm dò khoảng 171 triệu tấn và tài nguyên dự báo khoảng 35 tỷ tấn, trong đó phù hợp làm bột nghiền khoảng 27 tỷ tấn.

a. Giai đoạn 2008-2015

- Đầu tư điều tra đánh giá xác định tiềm năng đá vôi trắng (đá hoa) theo Quyết định số 116/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ: 1 (một) đề án cho vùng Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang và 1 (một) đề án cho tiểu vùng Tân Lĩnh - An Phú của vùng Lục Yên - Yên Bình, Yên Bái;

- Thực hiện dự án thăm dò của 83 mỏ/diện tích đã cấp phép và thỏa thuận chủ trương (Phụ lục 2) thuộc địa bàn các tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang và Hà Nam.

b. Giai đoạn 2016-2025

- Đầu tư thăm dò, nâng cấp hoặc thăm dò phần sâu vùng mỏ Nghệ An và Yên Bái để phục vụ nguyên liệu cho các dự án đang hoạt động;

- Thăm dò tại Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An và các vùng khác sau khi có kết quả điều tra đánh giá; giai đoạn 2016-2020 dự kiến thăm dò 2-3 mỏ đá vôi trắng có triển vọng

2. Thăm dò quặng felspat

Trữ lượng quặng felspat đã được thăm dò và tài nguyên dự báo khoảng 90 triệu tấn, trong đó thăm dò cấp C2 trở lên khoảng 46 triệu tấn.

Các mỏ, điểm quặng felspat có tài nguyên ≥ 200.000 tấn quặng với chất lượng tương đối tốt được quy hoạch thăm dò theo tiến độ sau:

a. Giai đoạn 2008-2015: Thực hiện thăm dò 12 mỏ quặng felspat và thăm dò diện tích ngoại vi của 6 mỏ đang khai thác trên địa bàn các tỉnh Lài Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đắk Lắc với tổng mục tiêu 32-35 triệu tấn trữ lượng các cấp và vốn đầu tư 100-106 tỷ đồng.

b. Giai đoạn 2016-2020: Thực hiện thăm dò 8-11 diện tích quặng felspat mới và diện tích ngoại vi mỏ Ngọt (đang khai thác) với tổng mục tiêu 18-24 triệu tấn trữ lượng các cấp và vốn đầu tư 58-63 tỷ đồng.

Danh mục các đề án thăm dò quặng felspat giai đoạn 2008-2025 (mục B1, Phụ lục 1).

3. Thăm dò cao lanh

Trữ lượng quặng cao lanh đã được thăm dò và tài nguyên dự báo khoảng 400 triệu tấn, trong đó thăm dò cấp C2 trở lên khoảng 250 triệu tấn.

Các mỏ, điểm quặng cao lanh có tài nguyên ≥ 1 triệu tấn, chất lượng quặng tương đối tốt được quy hoạch thăm dò theo giai đoạn như sau:

a. Giai đoạn 2008-2015: Thực hiện thăm dò 19 đề án quặng cao lanh tại địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Nam, Gia Lai và Đăk Lắc với tổng mục tiêu khoảng 53 triệu tấn trữ lượng các cấp và vốn đầu tư ước tính 95,5 tỷ đồng.

Để thay thế và/hoặc bổ sung vào các mỏ, điểm quặng trên, dự kiến đầu tư thăm dò một số điểm quặng có triển vọng từ kết quả các đề án điều tra đánh giá quặng cao lanh, felspat theo Quyết định số 116/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ tại các khu vực Đinh Văn và Bảo Lộc, Lâm Đồng; diện tích quặng cao lanh Đắk Nia, xã Đắk Nia, Gia Nghĩa, Đắk Nông; vùng cao lanh - felspat Hương Phong - A Roàng, A Lưới, Thừa Thiên - Huế; và vùng sét cao lanh Yên Dũng, Lục Nam, Bắc Giang.

b. Giai đoạn 2016-2025: Dự kiến thăm dò 18 mỏ, điểm quặng cao lanh với tổng mục tiêu khoảng 57,5 triệu tấn trữ lượng các cấp và 113,5 tỷ đồng.

Ngoài 18 mỏ, điểm quặng cao lanh ở trên, dự kiến thăm dò một số thân khoáng sét cao lanh khác trong khu mỏ quặng cao lanh - felspat Yên Thái - Báo Đáp, Yên Bái; 2-3 diện tích quặng cao lanh, felspat có triển vọng trở thành mỏ trong các vùng quặng cao lanh, felspat Tân Thịnh - Bằng Doãn, Phú Thọ - Yên Bái, vùng Vân Sơn - Lâm Xuyên, Sơn Dương, Tuyên Quang và vùng sét cao lanh huyện Bến Cát, Bình Dương; vùng quặng cao lanh, felspat Thẩm Dương - Làng Giàng, Văn Bàn, Lào Cai; nam khối sông Chảy, Bắc Quang - Quang Bình, Hà Giang; Lang Chánh - Bá Thước - Cẩm Thủy, Thanh Hóa; và Bình Long, Bình Phước sau khi đánh giá (theo Quyết định số 116/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ).

Danh mục các đề án thăm dò quặng cao lanh giai đoạn 2008-2025 (mục A1, Phụ lục 1).

4. Thăm dò quặng magnezit

Tài nguyên quặng magnezit thăm dò và điều tra đánh giá khoảng 25 triệu tấn, trong đó cấp C2 trở lên khoảng 10 triệu tấn.

- Đến năm 2010, hoàn thành thăm dò mỏ quặng Kon Queng, tỉnh Gia Lai với mục tiêu 18 triệu tấn quặng magnezit cấp B+C1+C2 phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác mỏ;

- Giai đoạn 2011-2015, thăm dò mỏ quặng Tây Kon Queng, tỉnh Gia Lai với mục tiêu 6 triệu tấn quặng magnezit cấp B+C1+C2.

Danh mục các dự án thăm dò quặng magnezit (mục C, Phụ lục 1).

V. QUY HOẠCH KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN

1. Khai thác, chế biến đá vôi trắng (đá hoa)

Các mỏ khai thác, chế biến đá vôi trắng cấp phép trong giai đoạn 2008-2025 phải có công suất ≥ 500.000 tấn đá nguyên khai/năm, hoặc tương đương với số lượng sản phẩm bao gồm: 83.000 m3 đá vôi trắng ốp lát và mỹ nghệ, 125.000 tấn đá vôi trắng dạng cục, hạt, 100.000 tấn bột CaCO3 các loại mỗi năm.

a. Giai đoạn 2008-2015

- Liên kết - hợp nhất các diện tích đá vôi trắng khai thác quy mô nhỏ nằm kế cận gần nhau trên địa bàn tỉnh Yên Bái và Nghệ An để tổ chức khai thác quy mô công nghiệp trong giai đoạn 2011-2015;

- Tại Yên Bái: Đầu tư khai thác, chế biến đá vôi trắng tại các khu mỏ đã cấp giấy phép khai thác (10 diện tích) và kết thúc thăm dò ở Mông Sơn - Yên Bình và tại huyện Lục Yên (31 diện tích). Đảm bảo ranh giới khai thác nằm ngoài vành đai bảo vệ cảnh quan môi trường hồ Thác Bà.

- Tại Nghệ An: Đầu tư khai thác, chế biến đá vôi trắng tại các khu mỏ đã cấp phép khai thác (9 diện tích) và kết thúc thăm dò ở huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp (45 diện tích)

- Tại Bắc Kạn: Đầu tư khai thác, chế biến 6 diện tích ở vùng Chợ Đồn - Ba Bể. Đảm bảo ranh giới khai thác nằm ngoài vành đai bảo vệ cảnh quan môi trường hồ Ba Bể;

- Tại Hà Nam: Đầu tư khai thác đá vôi trắng tại khu mỏ Thung Duộc, huyện Thanh Liêm phục vụ cơ sở chế công nghiệp địa phương;

- Tại Tuyên Quang: Đầu tư khai thác, chế biến đá vôi trắng mỏ Km54 - Km57, xã Phú Yên, huyện Hàm Yên (trên cơ sở kết quả thăm dò khả quan).

- Đầu tư nhà máy mới và/hoặc mở rộng nâng công suất nhà máy sản xuất chế biến bột CaCO3 chất lượng cao hiện có tại tỉnh Đồng Nai tới công suất 500.000 tấn bột CaCO3 vào năm 2015 và 1 (một) triệu tấn vào năm 2025.

b. Giai đoạn 2016-2025

- Tiếp tục khai thác, chế biến đá hoa tại khu vực Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn;

- Vùng Lục Yên - Yên Bình, Yên Bái: Đầu tư khai thác, chế biến đá vôi trắng tại các mỏ đã cấp phép (khai thác xuống sâu, hoặc thăm dò nâng cấp);

- Vùng Quỳ Hợp - Tân Kỳ, Nghệ An: Đầu tư khai thác, chế biến đá vôi trắng tại các mỏ đã cấp phép (khai thác xuống sâu, hoặc thăm dò nâng cấp).

Dự kiến sản lượng khai thác, chế biến đá vôi trắng: năm 2010 đạt khoảng 1 triệu tấn bột CaCO3 các loại, xuất khẩu khoảng 0,2-0,3 triệu tấn bột CaCO3 và 1,8 triệu tấn đá CaCO3 dạng hạt; năm 2015 đạt 2,0 triệu tấn bột CaCO3 các loại, xuất khẩu khoảng 0,6-0,8 triệu tấn bột CaCO3 và 2,4 triệu tấn đá CaCO3 dạng hạt; năm 2020 đạt 2,6 triệu tấn bột CaCO3 các loại, xuất khẩu khoảng 1-1,2 triệu tấn bột CaCO3 và 3,2 triệu tấn đá CaCO3 dạng hạt; năm 2025 đạt 3,8 triệu tấn bột CaCO3 các loại, xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn bột CaCO3 và 3,8 triệu tấn đá CaCO3 dạng hạt.

Danh mục, số lượng dự án đầu tư khai thác, chế biến đá vôi trắng giai đoạn 2008-2025 (Phụ lục 2).

2. Khai thác, chế biến quặng felspat

Sản phẩm chế biến quặng felspat là bột felspat sử dụng làm xương và men gốm, sứ, vật liệu xây dựng; phụ gia cho công nghiệp thủy tinh… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu

a. Giai đoạn 2008-2015: Thực hiện đầu tư khai thác, chế biến quặng felspat của 12 mỏ mới và cải tạo - mở rộng sản xuất tại các vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Gia Lai, Đăk Lắc, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam với tổng công suất khoảng 1,07 triệu tấn/năm, vốn đầu tư ước tính khoảng 570-610 tỷ đồng;

b. Giai đoạn 2016-2025: Thực hiện đầu tư khai thác, chế biến quặng felspat của 12 mỏ mới và mỏ cải tạo - mở rộng sản xuất tại Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Nam, Đăk Lắc và Hà Giang với tổng công suất tăng thêm khoảng 660.000 tấn.

Sản phẩm chế biến của quặng felspat là bột felspat sử dụng làm men sứ, phụ gia cho công nghiệp thủy tinh và xuất khẩu.

Danh mục các dự án khai thác, chế biến quặng felspat trong giai đoạn 2008-2025 nêu (mục B2, Phụ lục 1).

3. Khai thác, chế biến cao lanh

Sản phẩm chế biến sâu quặng cao lanh là bột cao lanh lọc sử dụng làm xương và men gốm, sứ, vật liệu xây dựng; phụ gia cho công nghiệp giấy, hóa chất, thủy tinh… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

a. Giai đoạn 2008-2015: Thực hiện đầu tư khai thác, chế biến quặng cao lanh của 24 mỏ mới và mỏ cải tạo - mở rộng sản xuất tại các khu vực Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Đăk Lắc, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước và Bình Dương với tổng vốn đầu tư ước khoảng 800 tỷ đồng, đảm bảo tổng công suất đạt khoảng 1,14 triệu tấn/năm, sản phẩm cao lanh tinh lọc vào năm 2015.

b. Giai đoạn 2016-2025: Đầu tư khai thác, chế biến quặng cao lanh của 17 mỏ mới và mỏ cải tạo - mỏ mở rộng sản xuất tại các khu vực Lào Cai, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Đăk Nông, Bình Phước và Bình Dương với tổng vốn đầu tư ước khoảng 950 tỷ đồng, đảm bảo tổng công suất tăng thêm khoảng 2 triệu tấn sản phẩm cao lanh tinh lọc vào năm 2025.

Sản phẩm chế biến sâu của quặng cao lanh là bột cao lanh tinh lọc sử dụng cho công nghiệp gốm sứ và xuất khẩu.

Danh mục các dự án khai thác, chế biến quặng cao lanh trong giai đoạn 2008-2025 (mục A2, Phụ lục 1).

4. Khai thác, chế biến quặng magnezit

Sản phẩm chế biến sâu quặng magnezit là manhê kim loại và magnezit nung kiềm hóa và thiêu kết phục vụ cho sản xuất vật liệu chịu lửa.

a. Giai đoạn 2008-2015

- Giai đoạn 2010 và 2011: tiến hành lập nghiên cứu khả thi và thiết kế quy hoạch tổng thể khai thác, chế biến quặng magnezit vùng Kon Queng, Gia Lai;

- Đầu tư xây dựng tổ hợp mỏ tuyển với công suất giai đoạn I là 200.000 tấn quặng nguyên khai/năm;

- Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất magnezit nung kiềm hóa và thiêu kết với công suất 100.000 tấn sản phẩm/năm phục vụ cho sản xuất vật liệu chịu lửa.

b. Giai đoạn 2016-2025

- Đầu tư mở rộng công suất tổ hợp mỏ tuyển (giai đoạn II) lên 400.000 tấn quặng nguyên khai/năm.

- Đầu tư xây dựng nhà máy luyện manhê kim loại công suất 45.000 tấn manhê thỏi/năm với công nghệ điện ly clorua hóa hoặc công nghệ Pidgeon;

Sản phẩm chế biến sâu của quặng magnezit là manhê kim loại và magnezit nung kiềm hóa và thiêu kết (phục vụ cho sản xuất vật liệu chịu lửa). Danh mục các dự án khai thác, chế biến quặng magnezit trong giai đoạn 2008-2025 (mục C Phụ lục 1).

VI. VỐN ĐẦU TƯ

Ước tính vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác và chế biến khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit trong giai đoạn quy hoạch ước tính khoảng 16.844 tỷ VNĐ.

Trong đó: Giai đoạn đến năm 2015 khoảng 5.164 tỷ VNĐ.

Giai đoạn 2016-2025 khoảng 11.680 tỷ VNĐ.

Nguồn vốn đầu tư: Gồm vốn tự thu xếp của doanh nghiệp, vốn vay đầu tư phát triển của Nhà nước và vay thương mại, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài…

VII. CÁC GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp, chính sách tổng thể

- Chế biến khoáng sản nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit loại sản phẩm chất lượng cao và các chế phẩm của chúng phục vụ nhu cầu trong nước là chính, có một phần xuất khẩu hợp lý sản phẩm chế biến sâu; do trữ lượng thăm dò và tài nguyên dự báo đá vôi trắng rất lớn (35 tỷ tấn), vì vậy trong giai đoạn quy hoạch không hạn chế việc xuất khẩu sản phẩm đá vôi trắng (bột và cục) trong giai đoạn quy hoạch;

- Tăng cường phân cấp quản lý tài nguyên, hoàn thiện quy chế và tăng cường đấu thầu hoạt động khoáng sản; thành lập các Công ty cổ phần với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm, năng lực khai khoáng, có năng lực tài chính để đầu tư các công tác thăm dò, khai thác đến chế biến sâu khoáng sản. Khuyến khích đa dạng loại hình sở hữu, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển công nghệ khai thác, chế biến nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit theo định hướng ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực trong nước; liên doanh liên kết với nước ngoài trong lĩnh vực chế biến đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao;

- Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit như đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; thu hút đào tạo và sử dụng lao động địa phương; có biện pháp chủ động bảo vệ môi trường sinh thái và tích cực tham gia cải thiện môi trường xã hội.

2. Nhóm giải pháp, chính sách cụ thể

a. Giải pháp thị trường: Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit trong nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và phù hợp với lộ trình hội nhập của Việt Nam, hợp tác và liên kết chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến đã và đang quy hoạch đầu tư xây dựng; chiếm lĩnh dần thị trường tiêu thụ trong nước, từng bước tham gia thị trường quốc tế.

b. Nghiên cứu, chuyển giao và tiếp nhận khoa học - công nghệ

- Chú trọng nghiên cứu và áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến. Hoàn thiện, nâng cấp công nghệ khai thác, chế biến quặng đã có. Nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ khai thác và chế biến sản phẩm chất lượng cao theo phương thức kết hợp giữa Nhà nước - doanh nghiệp khoa học công nghệ - doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản thuộc các thành phần kinh tế.

- Hợp tác với nước ngoài nghiên cứu, sản xuất sản phẩm từ nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit có chất lượng cao cho xuất khẩu.

c. Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực: Hợp tác với các cơ sở đào tạo (trường dạy nghề, cao đẳng, đại học) để đào tạo và đào tạo lại, đào tạo tại chỗ đội ngũ lao động và nghiên cứu khoa học cho các khâu khai thác mỏ, tuyển khoáng và luyện kim phù hợp với quy mô và điều kiện khai thác khoáng sản đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit của Việt Nam. Chú trọng đào tạo đội ngũ quản lý, quản trị kinh doanh khoáng sản có trình độ để đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh, hội nhập.

d. Bảo vệ môi trường: thực hiện đầy đủ và nghiêm túc biện pháp chủ động bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác, tuyển khoáng theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường (tuân thủ quy định về thải rắn, nước thải, khí thải; thu hồi nước tuần hoàn); nghiêm túc thực hiện việc hoàn trả mặt bằng, môi trường sau khai thác. Đảm bảo vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động trong sản xuất. Khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến trong tất cả các công đoạn sản xuất. Các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường đầu tư trang thiết bị quan trắc, kiểm soát môi trường.

e. Giải pháp về vốn đầu tư

Để thu hút khoảng 16.844 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển công nghiệp khai thác, chế biến đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit đến năm 2025 nêu trên, dự kiến sẽ huy động từ các nguồn sau:

- Vốn tự thu xếp của doanh nghiệp;

- Vốn Ngân sách: hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào đối với các khu khai thác, tuyển luyện ở quy mô lớn; đầu tư cho đào tạo nghiên cứu khoa học, công nghệ của các viện, trường trong ngành;

- Vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước: các dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành;

- Vốn vay thương mại trong và ngoài nước;

- Vốn đầu tư nước ngoài: tranh thủ nguồn vốn nước ngoài cho một số dự án hợp tác đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit quy mô lớn.

g. Công tác quản lý nhà nước

- Định kỳ rà soát, cập nhật và điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế;

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản để đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ, không chồng chéo, nâng cao tính cơ động và hiệu quả của việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit;

- Chấn chỉnh công tác quản trị tài nguyên và thống kê báo cáo hoạt động khoáng sản đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit theo định kỳ từ cơ sở đến cấp tỉnh, cấp Bộ. Có biện pháp và chế tài mạnh xử lý đối với các tổ chức và cá nhân không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường. Tăng cường thanh kiểm tra hoạt động khoáng sản nhằm ngăn ngừa tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản.

- Rà soát, sửa đổi các chỉ tiêu tính trữ lượng và tài nguyên đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit cho phù hợp với điều kiện giá tinh quặng và sản phẩm chế biến từ đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit ngày một gia tăng, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ khai thác, chế biến hiện nay.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công thương có trách nhiệm công bố, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch Định kỳ thời sự hóa, cập nhật và điều chỉnh Quy hoạch; đề xuất cơ chế, chính sách phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit, bảo đảm đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

2. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ trì và phối hợp với Bộ Công thương triển khai cụ thể hóa các giải pháp, chính sách nêu trong Quyết định này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tổ chức quản lý và bảo vệ tài nguyên đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit trên địa bàn; ngăn ngừa tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản;

- Tổ chức lập và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến đá vôi trắng, felspat, cao lanh và magnezit thuộc thẩm quyền của địa phương và phù hợp với Quy hoạch này. Khoanh định và phê duyệt các khu vực cấm, tạm thời cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản;

- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp triển khai các dự án nêu Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Bộ Công Thương

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Huy Hoàng