• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/06/2018
CHÍNH PHỦ
Số: 60/2018/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2018

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Nghị định này là các cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật thống kê 2015.

Điều 3. Nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia

Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia gồm danh mục biểu mẫu báo cáo (Phụ lục I đính kèm), biểu mẫu báo cáo và giải thích biểu mẫu báo cáo áp dụng đối với từng bộ, ngành (Phụ lục II đính kèm).

1. Đơn vị báo cáo

Đơn vị báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên phải của từng biểu mẫu thống kê.

Cơ quan trực thuộc bộ, ngành tổng hợp số liệu thuộc lĩnh vực bộ, ngành được giao quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

2. Đơn vị nhận báo cáo

Đơn vị nhận báo cáo là Tổng cục Thống kê được ghi cụ thể trên bên phải của từng biểu mẫu, dưới dòng đơn vị báo cáo.

3. Ký hiệu biểu

Ký hiệu biểu gồm hai phần: Phần số và phần chữ; phần số được đánh liên tục từ 001, 002, 003,...; phần chữ được ghi chữ in viết tắt sao cho phù hợp với từng ngành hoặc lĩnh vực và kỳ báo cáo (năm - N; quý - Q; tháng - T; hỗn hợp - H); lấy chữ BCB (Báo cáo Bộ) thể hiện cho hệ biểu báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành.

4. Kỳ báo cáo

Kỳ báo cáo thống kê là khoảng thời gian nhất định quy định đối tượng báo cáo thống kê phải thể hiện kết quả hoạt động bằng số liệu theo các tiêu chí thống kê trong biểu mẫu báo cáo thống kê. Kỳ báo cáo được ghi ở phần giữa của từng biểu mẫu thống kê (sau tên biểu báo cáo). Kỳ báo cáo thống kê được tính theo ngày dương lịch, bao gồm:

a) Báo cáo thống kê tháng: Báo cáo thống kê tháng được tính bắt đầu từ ngày 01 đầu tháng cho đến hết ngày cuối cùng của tháng.

b) Báo cáo thống kê quý: Báo cáo thống kê quý được tính bắt đầu từ ngày 01 đầu tháng đầu tiên của kỳ báo cáo thống kê cho đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ ba của kỳ báo cáo thống kê đó.

c) Báo cáo thống kê 6 tháng: Báo cáo thống kê 6 tháng được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 cho đến hết ngày 30 tháng 6.

d) Báo cáo thống kê năm: Báo cáo thống kê năm được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 cho đến hết ngày 31 tháng 12. Riêng báo cáo thống kê áp dụng đối với Ngành giáo dục báo cáo năm được tính theo năm học.

đ) Báo cáo đột xuất: Báo cáo thống kê trong trường hợp khi có sự vật, hiện tượng đột xuất xảy ra: Thiên tai...

5. Thời hạn báo cáo

Ngày nhận báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên trái của từng biểu mẫu thống kê.

6. Phân ngành kinh tế, loại hình kinh tế, danh mục đơn vị hành chính

Phân ngành kinh tế quốc dân, loại hình kinh tế, danh mục đơn vị hành chính Việt Nam sử dụng trong chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia thực hiện theo quy định hiện hành.

7. Phương thức gửi báo cáo

Các báo cáo thống kê được thực hiện bằng 2 hình thức: Bằng giấy (văn bản) và qua hệ thống phần mềm chế độ báo cáo điện tử. Báo cáo bằng văn bản phải có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng đơn vị để thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu, xử lý số liệu.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2018.

Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan khác có liên quan theo quy định của Luật thống kê 2015 có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.