• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/01/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/2011
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 10/2006/TT-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2006

 

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xây dựng dự án Cơ chế phát triển sạch

trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto

________________________

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu;

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc chuẩn bị, xây dựng, xác nhận và phê duyệt dự án Cơ chế phát triển sạch như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Khái quát về Cơ chế phát triển sạch và dự án Cơ chế phát triển sạch

Cơ chế phát triển sạch (CDM) là cơ chế hợp tác quy định tại Điều 12 của Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Cơ chế phát triển sạch cho phép các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế đầu tư vào các dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại các nước đang phát triển, gọi là dự án Cơ chế phát triển sạch (dự án CDM) để nhận được tín dụng dưới dạng các "Giảm phát thải được chứng nhận". Khoản tín dụng này được dùng để tính vào chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các nước công nghiệp phát triển, giúp họ tuân thủ những cam kết về giảm phát thải định lượng nêu trong Nghị định thư Kyoto.

Thực hiện dự án CDM, nước đang phát triển sẽ nhận được nguồn đầu tư mới từ nước ngoài và tiếp nhận các công nghệ cao, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống khí hậu.

Dự án CDM thuộc loại dự án đầu tư, chủ yếu là đầu tư từ nước ngoài, vì vậy các dự án CDM tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, trong đó có Luật Đầu tư được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

2. Đối tượng được quyền xây dựng và thực hiện dự án CDM

2.1. Mọi tổ chức nhà nước và tổ chức tư nhân của Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đều có quyền xây dựng và thực hiện dự án CDM.

2.2. Các tổ chức, doanh nghiệp chính phủ hoặc tư nhân của các nước đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto, được chính phủ nước đó cho phép và các tổ chức quốc tế khác, đều có quyền tham gia các hoạt động dự án CDM tại Việt Nam.

3. Những lĩnh vực có thể xây dựng dự án CDM

3.1. Theo quy định chung của quốc tế, dự án CDM được xây dựng trong 15 lĩnh vực sau đây:

a) Sản xuất năng lượng;

b) Chuyển tải năng lượng;

c) Tiêu thụ năng lượng;

d) Nông nghiệp;

đ) Xử lý, loại bỏ rác thải;

e) Trồng rừng và tái trồng rừng;

g) Công nghiệp hóa chất;

h) Công nghiệp chế tạo;

i) Xây dựng;

k) Giao thông;

l) Khai mỏ hoặc khai khoáng;

m) Sản xuất kim loại;

n) Phát thải từ nhiên liệu (nhiên liệu rắn, dầu và khí);

o) Phát thải từ sản xuất và tiêu thụ Halocarbons và Sulphur hexafluoride;

p) Sử dụng dung môi.

3.2. Các dự án CDM được khuyến khích đầu tư trước hết là dự án ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Địa bàn khuyến khích đầu tư tập trung vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

4. Các yêu cầu đối với dự án CDM

Dự án CDM thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Giảm phát thải khí nhà kính;

b) Phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của trung ương, ngành, địa phương;

c) Góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam (theo các tiêu chí xác định);

d) Bảo đảm tính khả thi với công nghệ tiên tiến và có nguồn tài chính phù hợp;

đ) Lượng giảm phát thải là có thực, mang tính bổ sung, được tính toán và kiểm tra trực tiếp hoặc gián tiếp và có kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể;

e) Không sử dụng kinh phí từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để thu được các "Giảm phát thải được chứng nhận" chuyển cho bên đầu tư dự án CDM từ nước ngoài;

g) Có báo cáo đánh giá tác động môi trường;

h) Được sự ủng hộ của các bên liên quan (các cá nhân, tổ chức hoặc cộng đồng chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của các hoạt động dự án).

II. CHUẨN BỊ, XÂY DỰNG, XÁC NHẬN VÀ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN CDM

1. Chuẩn bị dự án CDM

1.1. Bên xây dựng dự án sau khi xác định được dự án có triển vọng và tìm được nhà đầu tư, phải xây dựng Văn kiện dự án.

1.2. Hình thức đầu tư từ nước ngoài vào dự án CDM gồm:

a) Nhà đầu tư cung cấp vốn vay với lãi suất cố định, đổi lại họ được nhận phần lợi ích có được từ dự án để trừ vào một phần tiền cho vay;

b) Nhà đầu tư góp cổ phần vào dự án để được chi phần lợi ích có được từ dự án;

c) Nhà đầu tư cung cấp công nghệ hoặc cấp bản quyền công nghệ cho dự án để được nhận phần lợi ích có được từ dự án.

1.3. Các bên xây dựng dự án chủ động hoặc thông qua tổ chức tư vấn có liên quan để tìm và thỏa thuận với nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư, công nghệ và phương thức phân chia lợi ích có được từ dự án CDM một cách thích hợp nhất.

1.4. Khi xây dựng Văn kiện dự án, các bên xây dựng dự án phải kết hợp với nhà đầu tư và nếu có thể cả với một Tổ chức nghiệp vụ được chỉ định, dự kiến được chọn để đánh giá dự án trước khi gửi Ban chấp hành quốc tế về Cơ chế phát triển sạch để đăng ký thực hiện. Các Tổ chức nghiệp vụ được chỉ định do Ban chấp hành quốc tế về Cơ chế phát triển sạch tuyển chọn và ủy quyền cho hoạt động theo từng chuyên ngành liên quan đến các lĩnh vực được xây dựng dự án CDM.

1.5. Văn kiện dự án được xây dựng theo hai bước: Tài liệu ý tưởng dự án và Văn kiện thiết kế dự án.

2. Xây dựng, xác nhận và phê duyệt dự án CDM

2.1. Tài liệu ý tưởng dự án:

Nếu nhà đầu tư yêu cầu có xác nhận dự án CDM của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bên liên quan xây dựng Tài liệu ý tưởng dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

Tài liệu ý tưởng dự án được làm thành 15 bộ tiếng Việt và 15 bộ tiếng Anh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm theo các văn bản sau:

a) Công văn đề nghị xem xét dự án của đơn vị chủ trì dự án;

b) Công văn của Bộ, ngành, UBND tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương chủ quản dự án đề nghị xem xét chấp nhận dự án đề xuất là dự án CDM;

c) Văn bản nhận xét của các bên liên quan (chính quyền cấp huyện nơi triển khai dự án, cơ quan hoặc tổ chức hoặc cộng đồng sử dụng kết quả hoặc trực tiếp chịu tác động của các hoạt động dự án).

Sau khi nhận được Tài liệu ý tưởng dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét tính pháp lý của Tài liệu ý tưởng dự án cùng các văn bản kèm theo và gửi tới đại diện các Bộ, ngành có liên quan là thành viên Ban Tư vấn - Chỉ đạo về Cơ chế phát triển sạch để nghiên cứu, xem xét và có ý kiến nhận xét bằng văn bản. Căn cứ ý kiến của Ban Tư vấn - Chỉ đạo về Cơ chế phát triển sạch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét để cấp Thư xác nhận dự án.

Toàn bộ các công việc nêu trên được hoàn tất trong thời hạn không quá 25 ngày kể từ ngày Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được Tài liệu ý tưởng dự án cùng các văn bản kèm theo.

Sau khi nhận được Thư xác nhận dự án, các bên liên quan xây dựng Văn kiện thiết kế dự án.

Trong giai đoạn xây dựng Tài liệu ý tưởng dự án, có thể không cần mời Tổ chức nghiệp vụ được chỉ định tham gia. Nếu nhà đầu tư không yêu cầu có xác nhận dự án CDM của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bên xây dựng dự án tiến hành nghiên cứu khả thi và xây dựng Văn kiện thiết kế dự án.

2.2. Văn kiện thiết kế dự án:

Văn kiện thiết kế dự án được xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này và lập thành 15 bộ tiếng Việt, 15 bộ tiếng Anh gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm theo các văn bản liên quan như quy định đối với Tài liệu ý tưởng dự án và Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Phiếu xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của dự án. Các văn bản tiếng Việt kèm theo bộ tiếng Anh phải đính kèm bản dịch tiếng Anh.

Sau khi nhận được Văn kiện thiết kế dự án cùng các văn bản kèm theo của cơ quan chủ trì dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét tính pháp lý của Văn kiện thiết kế dự án và gửi hồ sơ dự án tới các thành viên Ban Tư vấn - Chỉ đạo về Cơ chế phát triển sạch để nghiên cứu, xem xét và có ý kiến bằng văn bản.

Ban Tư vấn - Chỉ đạo về Cơ chế phát triển sạch tổ chức họp để tổng hợp và đánh giá Văn kiện thiết kế dự án đã nhận được. Tại phiên họp đầu cuộc họp của Ban Tư vấn - Chỉ đạo về Cơ chế phát triển sạch, đại diện các bên xây dựng dự án được mời dự để thuyết trình tóm tắt dự án và trả lời câu hỏi của các thành viên Ban Tư vấn - Chỉ đạo về Cơ chế phát triển sạch. Trong phiên họp thứ hai tiếp đó của cuộc họp danh riêng cho Ban Tư vấn - Chỉ đạo về Cơ chế phát triển sạch, các thành viên của Ban biểu quyết và kết luận về Văn kiện thiết kế dự án.

Căn cứ kết luận của Ban Tư vấn - Chỉ đạo về Cơ chế phát triển sạch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét để cấp Thư phê duyệt dự án.

Toàn bộ các công việc nêu trên được hoàn tất trong thời hạn không quá 50 ngày, kể từ ngày Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được Văn kiện thiết kế dự án cùng các văn bản có liên quan kèm theo.

2.3. Thư Phê duyệt dự án CDM được gửi tới các bên xây dựng dự án để chuyển cho Tổ chức nghiệp vụ được chỉ định do mình lựa chọn và Ban chấp hành quốc tế về Cơ chế phát triển sạch để xem xét và đăng ký dự án.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Thành

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.