• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2011
BỘ CÔNG AN
Số: 55/2010/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2010

THÔNG TƯ
Quy định về công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cán bộ,
chiến sĩ trong Công an nhân dân

Căn cứ  Luật Công an nhân dân năm 2005;

Căn cứ  Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15-9-2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23-5-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Bộ Công an quy định về công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân như­ sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về công tác quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khoẻ; phân cấp quản lý sức khoẻ và truyền thông, giáo dục, tư vấn về sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này  áp dụng đối với:

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ phục vụ có thời hạn, công nhân, viên chức Công an nhân dân, học sinh, sinh viên trong các trường Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ);

2. Các cơ sở y tế Công an nhân dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ

1. Tiến hành chủ động, thường xuyên, kịp thời, có sự phân cấp rõ ràng và tuân thủ đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật nhằm bảo đảm và nâng cao sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ phục vụ công tác và chiến đấu.

2. Hồ sơ sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ phải được ghi chép đầy đủ, chính xác, kịp thời và phải được quản lý chặt chẽ tại đơn vị.

3. Chủ động phối hợp với y tế quân, dân y trên địa bàn để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chăm sóc sức khoẻ là việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cán bộ, chiến sĩ khi khỏe mạnh và khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ khi bị thương, bị bệnh.

2. Khám sức khỏe là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, làm một số xét nghiệm để xác định tình trạng sức khỏe của người được khám sức khỏe.

3. Khám sức khỏe toàn diện là việc thực hiện khám sức khỏe toàn bộ các yếu tố cơ bản của sức khỏe, gồm khám thể lực, khám lâm sàng và khám cận lâm sàng.

4. Khám sức khỏe định kỳ là việc khám sức khỏe được thực hiện lặp lại theo từng khoảng thời gian nhất định.

5. Quản lý sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ là việc y tế đơn vị tiến hành lập hồ sơ sức khoẻ, bổ sung kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin về khám bệnh, chữa bệnh vào hồ sức khoẻ để y tế đơn vị nắm được tình hình và diễn biến sức khoẻ của từng cán bộ, chiến sĩ và cung cấp thông tin sức khỏe cho các yêu cầu chuyên môn và yêu cầu khác của thủ trưởng đơn vị.

6. Theo dõi sức khỏe thường xuyên là việc thông qua công tác quản lý sức khỏe để nắm được tình hình diễn biến sức khỏe hàng ngày của từng cán bộ, chiến sĩ.

7. Bệnh mạn tính là từ chỉ một nhóm bệnh cần có thời gian điều trị lâu dài, quá trình điều trị phức tạp và việc điều trị khỏi bệnh là không chắc chắn hoặc khó có thể thực hiện được đối với nhóm bệnh này.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Theo dõi sức khỏe thường xuyên

1. Công tác theo dõi sức khoẻ thường xuyên được thực hiện như sau:

a) Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân, viên chức Công an nhân dân: y tế các đơn vị tiến hành kiểm tra sức khoẻ ban đầu, lập hồ sơ sức khoẻ, theo dõi tình hình sức khoẻ; đặc biệt chú ý những người sức khỏe loại III, IV, V; người có bệnh mạn tính hoặc thay đổi sức khỏe do tuổi tác, hoạt động ở môi trường độc hại, vùng sâu, vùng xa để thực hiện các biện pháp điều trị dự phòng thích hợp.

b) Đối với chiến sĩ phục vụ có thời hạn, học sinh, sinh viên trong các trường Công an nhân dân: y tế đơn vị lập hồ sơ sức khỏe sau khi tiến hành khám sức khoẻ tuyển chọn; theo dõi sức khỏe trên các mặt luyện tập, công tác và sinh hoạt.

c) Tiến hành cấp cứu và điều trị kịp thời đối với những trường hợp bị bệnh, bị thương, tai nạn trong công tác và sinh hoạt.

2. Dựa vào kết quả theo dõi sức khỏe thường xuyên để tiến hành phân loại sức khỏe và xác định chế độ, phương pháp luyện tập, rèn luyện, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đề xuất bố trí công tác, chiến đấu phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng cán bộ, chiến sĩ.

Điều 6. Theo dõi và điều trị bệnh mạn tính

1. Y tế đơn vị tiến hành đăng ký danh sách cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh mạn tính của đơn vị mình để quản lý, theo dõi tình hình diễn biến của bệnh và  thực hiện việc điều trị bệnh; đồng thời định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả điều trị đối với từng cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh mạn tính.

2. Quy trình điều trị bệnh mạn tính đối với cán bộ, chiến sĩ như sau:

a) Hướng dẫn chế độ sinh hoạt, công tác, rèn luyện thể lực phù hợp đối với từng cán bộ, chiến sĩ;

b) Hướng dẫn chế độ sử dụng thuốc và kiểm tra việc sử dụng thuốc của cán bộ, chiến sĩ;

c) Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục kiến thức về bệnh mạn tính đối với cán bộ, chiến sĩ;

d) Định kỳ kiểm tra sức khoẻ và đánh giá kết quả điều trị đối với từng cán bộ, chiến sĩ;

3. Kết quả theo dõi, điều trị bệnh mạn tính phải được ghi chép vào hồ sơ sức khỏe và biểu đồ theo dõi sức khỏe. Y tế đơn vị phải tổng hợp, phân tích kịp thời và báo cáo thủ trưởng đơn vị, y tế cấp trên, đồng thời đề xuất các giải pháp điều trị tiếp theo để nâng cao sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ.

Điều 7. Khám sức khỏe định kỳ

1. Việc khám sức khoẻ định kỳ đối với cán bộ, chiến sĩ được tiến hành theo hai hình thức là khám tập trung và khám đơn lẻ.

2. Điều kiện của cơ sở kháếgức khoẻ định kỳ

Các cơ sở y tế tham gia khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ phải đảm bảo được các điều kiện sau:

a) Có bác sĩ khám chuyên khoa: nội, ngoại, sản phụ khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt; có các bác sĩ, kỹ thuật viên làm các xét nghiệm

b) Có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, có đủ phòng khám, phòng chẩn đoán cận lâm sàng quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp chưa đủ cơ sở vật chất thì được kết hợp (thông qua hình thức hợp đồng liên kết) với các cơ sở có đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức khám søc kháe định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ.

Định mức vật tư tiêu hao và kinh phí cho hoạt động khám sức khoẻ định kỳ được thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Việc khám sức khỏe định kỳ đối với cán bộ, chiến sĩ được tiến hành căn cứ vào điều kiện, đặc điểm công tác và tình hình cụ thể của từng đơn vị, địa phương nhưng phải đảm bảo tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất hai năm một lần.

4. Cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác trung thực các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình trong phần tiền sử của đối tượng khám sức khỏe.

5. Quy trình khám sức khoẻ định kỳ:

- Khám thể lực, gồm: đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình; kiểm tra các thông số về nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ có thể, nhịp thở và chỉ số BMI;

- Khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa;

- Khám cận lâm sàng bắt buộc: xét nghiệm công thức máu; xét nghiệm nước tiểu; chụp X - quang tim, phổi thẳng.

- Khám cận lâm sàng khác: các cơ sở y tế chỉ tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng khác đối với cán bộ, chiến sĩ khi có chỉ định của bác sĩ lâm sàng.

Các bác sĩ lâm sàng sau khi khám sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ phải tiến hành phân loại sức khỏe theo từng chuyên khoa; ký và ghi rõ họ tên vào sổ khám sức khỏe định kỳ quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này và chịu trách nhiệm về kết luận của mình;

Người có trách nhiệm ghi kết quả khám bệnh cận lâm sàng phải ký và ghi rõ họ tên vào sổ khám sức khỏe định kỳ.

6. Căn cứ vào kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện việc kết luận về sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ bao gồm các nội dung:

- Phân loại sức khỏe cán bộ, chiến sĩ theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế;

- Ghi rõ các bệnh, tật (nếu có) và đề xuất phương án điều trị, phục hồi chức năng, khám chuyên khoa để điều trị bệnh, khám bệnh nghề nghiệp;

- Kiến nghị với cấp có thẩm quyền phân công công tác phù hợp.

7. Thủ trưởng cơ sở khám sức khoẻ hoặc người được thủ trưởng cơ sở khám sức khỏe ủy quyền kết luận và ký vào Sổ khám sức khoẻ định kỳ và phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Sổ khám sức khỏe định kỳ được lưu tại y tế đơn vị. 

8. Sau khi khám sức khỏe định kỳ, y tế đơn vị phải tiến hành đ¸nh giá tình hình sức khỏe sau khám sức khỏe định kỳ đối với cán bộ, chiến sĩ như sau:

a) Đánh giá tỷ lệ quân số được khám sức khỏe, tỷ lệ sức khỏe từng loại và so sánh kết quả với các lần khám trước.

b) Đánh giá mức độ ảnh hưởng của chế độ luyện tập, rèn luyện, sinh hoạt tới sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ.

c) Đánh giá các ưu điểm, những mặt còn hạn chế của y tế đơn vị trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ.

d) Lập danh sách cán bộ chiến sĩ có sức khỏe loại III, IV, V; những người mắc bệnh mạn tính và chế độ cần thực hiện như chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập, điều trị, điều dưỡng; đề nghị với đơn vị những biện pháp khắc phục các nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ.

Điều 8. Chế độ báo cáo

 1. Chế độ báo cáo sau khám sức khỏe định kỳ

a) Sau khi có kết quả khám sức khoẻ định kỳ của cán bộ, chiến sĩ, Trưởng phòng, Trưởng ban, Phụ trách y tế đơn vị phải tiến hành tổng hợp tình hình sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ, làm báo cáo gửi y tế cấp trên và thủ trưởng đơn vị.

b) Kết quả khám sức khoẻ định kỳ của cán bộ, chiến sĩ phải được lưu trữ, thống kê đầy đủ vào hoạt động chung của cơ sở y tế.

2. Chế độ báo cáo về tình hình công tác theo dõi sức khoẻ thường xuyên

a) Trưởng phòng, Trưởng ban, Phụ trách y tế đơn vị chịu trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, cụ thể như sau: 1 tháng/1 lần đối với đối tượng cán bộ tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư này; 3 tháng/1 lần đối với cán bộ, chiến sĩ quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 12 Thông tư này. Đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ bị bệnh hiểm nghèo, bị thương, bị tử vong phải báo cáo ngay theo phân cấp quản lý.

b) Các bệnh viện (một tuần một lần) và các bệnh xá (một tháng một lần) có trách nhiệm báo cáo về Cục Y tế danh sách đối tượng cán bộ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư này vào cấp cứu, điều trị tại bệnh viện, bệnh xá theo quy định của Ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cao cấp Bộ Công an.

Điều 9. Kiểm tra sức khỏe khi cần thiết

Kiểm tra sức khỏe khi cần thiết đối với cán bộ, chiến sĩ do y tế đơn vị tiến hành trong các trường hợp sau:

1. Cán bộ chiến sĩ đi công tác dài ngày trở về để nắm tình hình bệnh truyền nhiễm.

2. Cán bộ chiến sĩ đi điều trị ở bệnh viện, bệnh xá về để nắm tình hình sức khoẻ hiện tại; xác định các biện pháp điều trị dự phòng tiếp theo chỉ định của bệnh viện, bệnh xá.

3. Cán bộ, chiến sĩ được cử làm nhân viên nhà ăn, nhà bếp, kho thực phẩm nhằm phát hiện bệnh ngoài da, bệnh truyền nhiễm, bệnh đường ruột.

4. Cán bộ, chiến sĩ làm việc, tiếp xúc với các yếu tố độc hại.

5. Cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe loại III, IV, V khi xét thấy cần thiết.

6. Cán bộ, chiến sĩ tham dự các cuộc luyện tập đặc biệt, thi đấu thể dục thể thao. Việc kiểm tra søc kháe đối với đối tượng này được thực hiện như sau:

a) Y tế đơn vị tham gia lập kế hoạch luyện tập, rèn luyện thân thể và kiểm tra hàng ngày việc luyện tập, rèn luyện thân thể: áp dụng chủ yếu tại các trường, học viện, trung tâm huấn luyện, các đơn vị cảnh sát bảo vệ, cảnh sát cơ động, cảnh vệ trong Công an nhân dân;

b) Y tế đơn vị tiến hành kiểm tra sức khỏe trước, trong và sau luyện tập, thi đấu nhằm đánh giá ảnh hưởng của công tác luyện tập, thi đấu tới sức khỏe để quyết định có luyện tập và thi đấu hay không.

Điều 10. Giáo dục, tư vấn  và truyền thông về sức khỏe

1. Y tế đơn vị có trách nhiệm tư vấn về sức khoẻ, tổ chức truyền thông về vệ sinh phòng bệnh cho cán bộ, chiến sĩ nhằm thực hiện tốt các quy định về vệ sinh phòng bệnh, phòng ngừa tai nạn.

   2. Hình thức tư vấn và truyền thông phải lựa chọn cho phù hợp với từng đối tượng cán bộ, chiến sĩ bao gồm: tiếp cận cá nhân, tiếp cận nhóm hoặc tiếp cận xã hội (thông qua các phương tiện đài phát thanh, truyền hình, ấn phẩm và các phương tiện khác như băng đĩa, phim, ảnh tuyên truyền).

   Điều 11. Chế độ chăm sóc sức khoẻ

Chế độ chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ được thực hiện như sau:

1. Đối tượng là cán bộ lãnh đạo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư này được chăm sóc sức khoẻ theo chế độ quy định của Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp Bộ Công an.

2. Đối tượng là cán bộ, chiến sĩ quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 12 Thông tư này thực hiện chế độ chăm sóc sức khoẻ như sau:

a) Sức khỏe loại I, II: y tế đơn vị hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ tự chăm sóc sức khoẻ.

b) Sức khỏe loại III, IV, V: y tế đơn vị cần có chế độ theo dõi cụ thể và đề xuất chế độ điều trị dự phòng cần thiết, phù hợp đối với từng trường hợp của cán bộ, chiến sĩ (đi điều trị, nghỉ dưỡng, điều dưỡng).

3. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh nặng, điều trị đòi hỏi chi phí lớn, vượt quá khả năng của tuyến y tế Công an nhân dân phải được chuyển đến các bệnh viện tuyến trên của Bộ Y tế để điều trị. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2008/TT-BCA-H11 ngày 17-3-2008 của Bộ Công an hướng dẫn chế độ thanh toán tiền khám chữa bệnh trong lực lượng Công an nhân dân.

Điều 12. Phân cấp quản lý sức khoẻ

1. Các cơ sở y tế thực hiện công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân gồm:

a) Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp Bộ Công an;

b) Các bệnh viện trực thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật;

c) Y tế các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Viện, Học viện, trường Công an, Phòng, Ban Y tế, bệnh viện, bệnh xá Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Y tế các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng;

đ) Y tế trung đoàn cảnh sát cơ động, y tế Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

2. Công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ định kỳ cán bộ, chiến sĩ được phân cấp như sau:

a) Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp Bộ Công an phối hợp với các bệnh viện Trung ương của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tổ chức khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần đối với cán bộ lãnh đạo có cấp bậc hàm thiếu tướng hoặc giữ chức vụ Cục trưởng, Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng; Giám đốc, Phó giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các chức vụ tương đương trở lên.

b) Y tế Công an các đơn vị, địa phương tổ chức khám sức khỏe toàn diện định kỳ mỗi năm một lần đối với cán bộ có cấp bậc hàm thượng tá, đại tá, hoặc giữ chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; hai năm một lần đối với cán bộ, chiến sĩ còn lại.

c) Y tế các trung đoàn cảnh sát cơ động; y tế Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn công tác phòng bệnh và phối hợp với y tế tuyến trên trong quản lý và chăm sóc søc kháe; thực hiện các chỉ định điều trị bệnh mạn tính theo hướng dẫn của các bệnh viện, bệnh xá cho các đối tượng cán bộ chiến sĩ của đơn vị.

Điều 13. Hồ sơ sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ

1. Mỗi cán bộ, chiến sĩ được cấp 01 sổ sức khoẻ và lập 01 hồ sơ sức khoẻ lưu tại y tế đơn vị.

2. Hồ sơ sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân bao gồm:

a) Sổ sức khoẻ;

b) Giấy chứng nhận sức khoẻ;

c) Giấy kiểm tra sức khoẻ tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;

d) Giấy khám phúc tra sức khoẻ tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;

đ) Sổ khám sức khoẻ định kỳ;

e) Sổ thống kê khám sức khoẻ tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;

g) Sổ thống kê khám sức khoẻ định kỳ.

Điều 14. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ

1. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân do ngân sách nhà nước cấp, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an.

2. Việc lập dự trù kinh phí thường xuyên cho công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ được tiến hành như sau:

a) Hàng năm, y tế Công an các đơn vị, địa phương căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí bảo đảm cho việc quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, gửi báo cáo dự toán kinh phí lên cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp của mình;

b) Trên cơ sở báo cáo dự toán kinh phí của y tế Công an các đơn vị, địa phương, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp tổng hợp, lập dự toán kinh phí chung trình lãnh đạo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

c) Việc quản lý, cấp phát, sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ  từ ngân sách nhà nước phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    3. Kinh phí đột xuất cho công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ do Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật phối hợp với Cục Tài chính đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-02-2011 và thay thế Quyết định số 692/1999/QĐ-BCA(H11) ngày 05-11-1999 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành quy định chế độ khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương cần phản ánh về Bộ (qua Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật) để có hướng dẫn kịp thời.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Lê Hồng Anh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.