• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 23/12/2011
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 53/2005/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Về báo hiệu hàng hải

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về báo hiệu hàng hải, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành báo hiệu hàng hải trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

2. Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, tầu thuyền Việt Nam và nước ngoài hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Tầu thuyền bao gồm tầu biển, tầu quân sự, tầu công vụ, tầu cá, phương tiện thủy nội địa và thủy phi cơ.

2. Thông báo hàng hải là văn bản có chứa các thông tin cung cấp cho người đi biển nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải.

3. Báo hiệu hàng hải là thiết bị hoặc công trình được thiết lập để chỉ dẫn cho người đi biển định hướng và xác định vị trí của tầu thuyền.

4. Đèn biển là báo hiệu hàng hải được xây dựng cố định tại các vị trí cần thiết ven bờ biển, trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

5. Đăng tiêu là báo hiệu hàng hải được thiết lập cố định tại các vị trí cần thiết để báo hiệu luồng hàng hải, báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm, bãi cạn hay báo hiệu một vị trí đặc biệt nào đó.

6. Chập tiêu là báo hiệu hàng hải gồm tối thiểu 2 đăng tiêu biệt lập, tạo thành một hướng ngắm cố định.

7. Đèn hướng là báo hiệu hàng hải phát tín hiệu ánh sáng có đặc tính, mầu sắc khác nhau trong phạm vi cung chiếu sáng xác định.

8. Tiêu radar (Racon) là báo hiệu hàng hải để thu, phát tín hiệu vô tuyến điện trên các dải tần số của radar hàng hải.

9. Báo hiệu hàng hải AIS là trạm AIS được lắp đặt để truyền phát thông tin về một báo hiệu hàng hải. AIS là hệ thống nhận dạng tự động truyền phát thông tin giữa các trạm AIS với nhau, hoạt động trên các dải tần số VHF.

10. Ánh sáng chớp là ánh sáng trong đó tổng thời gian sáng trong một chu kỳ ngắn hơn tổng thời gian tối và thời gian các chớp sáng bằng nhau.

11. Ánh sáng chớp đều là ánh sáng chớp trong đó tất cả các khoảng thời gian sáng và thời gian tối bằng nhau.

12. Ánh sáng chớp dài là ánh sáng chớp trong đó thời gian chớp không nhỏ hơn 2,0 giây.

13. Ánh sáng chớp nhanh là ánh sáng chớp trong đó các chớp được lặp lại với tần suất từ 50 lần đến dưới 80 lần trong một phút.

14. Ánh sáng chớp rất nhanh là ánh sáng chớp trong đó các chớp được lặp lại với tần suất từ 80 lần đến dưới 160 lần trong một phút.

15. Ánh sáng chớp đơn là ánh sáng chớp trong đó một chớp được lặp lại đều đặn với tần suất ít hơn 50 lần trong một phút.

16. Ánh sáng chớp nhóm là ánh sáng chớp được phát theo nhóm với chu kỳ xác định.

17. Ánh sáng chớp nhóm hỗn hợp là ánh sáng chớp nhóm kết hợp các nhóm chớp khác nhau với chu kỳ xác định.

Điều 3. Hướng luồng hàng hải

1. Luồng hàng hải từ biển vào cảng, phía tay phải là phía phải luồng, phía tay trái là phía trái luồng.

2. Luồng hàng hải trên biển, hướng được xác định như sau:

a) Theo hướng từ Bắc xuống Nam, phía tay phải là phía phải luồng, phía tay trái là phía trái luồng;

b) Theo hướng từ Đông sang Tây, phía tay phải là phía phải luồng, phía tay trái là phía trái luồng;

c) Trường hợp khác, hướng luồng hàng hải do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định.

Điều 4. Phía khống chế của báo hiệu hàng hải

1. Theo hướng luồng hàng hải, báo hiệu bên phải khống chế phía phải luồng, báo hiệu bên trái khống chế phía trái luồng.

2. Theo phương địa lý:

a) Phía Bắc khống chế từ 315o đến 045o;

b) Phía Đông khống chế từ 045o đến 135o;

c) Phía Nam khống chế từ 135o đến 225o;

d) Phía Tây khống chế từ 225o đến 315o.

Chương II

BÁO HIỆU HÀNG HẢI

Mục 1

PHÂN LOẠI BÁO HIỆU HÀNG HẢI

Điều 5. Phân loại báo hiệu hàng hải

Báo hiệu hàng hải bao gồm các loại sau đây:

1. Báo hiệu thị giác cung cấp thông tin báo hiệu bằng hình ảnh vào ban ngày, ánh sáng vào ban đêm. Báo hiệu thị giác bao gồm đèn biển, đăng tiêu, chập tiêu, báo hiệu hai bên luồng, báo hiệu chuyển hướng luồng, báo hiệu phương vị, báo hiệu chướng ngại vật biệt lập, báo hiệu vùng nước an toàn, báo hiệu chuyên dùng, báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện;

2. Báo hiệu vô tuyến điện cung cấp thông tin báo hiệu bằng tín hiệu vô tuyến điện. Báo hiệu vô tuyến điện bao gồm Racon, báo hiệu hàng hải AIS và các loại báo hiệu vô tuyến điện khác;

3. Báo hiệu âm thanh cung cấp thông tin báo hiệu bằng tín hiệu âm thanh. Báo hiệu âm thanh bao gồm còi báo hiệu và các loại báo hiệu âm thanh khác.

Mục 2

BÁO HIỆU THỊ GIÁC

Điều 6. Đèn biển

1. Đèn biển phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau đây:

a) Vị trí đặt đèn biển phải bảo đảm thuận lợi cho người đi biển định hướng và xác định vị trí;

b) Mầu sắc, hình dạng và kích thước của đèn biển phải đảm bảo khả năng nhận biết dễ dàng bằng mắt thường hoặc bằng máy, thiết bị hàng hải;

c) Độ cao của đèn biển được tính từ mực nước "số 0 hải đồ";

d) Đặc tính ánh sáng của đèn biển phải rõ ràng, dễ phân biệt với ánh sáng của các báo hiệu hay nguồn sáng khác xung quanh. Trong phạm vi 70 hải lý, đặc tính ánh sáng của các đèn biển không được trùng lặp. Đặc tính ánh sáng sử dụng cho đèn biển là ánh sáng trắng, chớp đơn hoặc chớp nhóm, chớp nhóm hỗn hợp;

đ) Tầm hiệu lực ánh sáng của đèn biển từ 10 hải lý đến 25 hải lý với hệ số truyền quang của khí quyển T = 0,74.

2. Trên đèn biển có thể lắp đặt kết hợp các báo hiệu vô tuyến điện, báo hiệu âm thanh.

Điều 7. Đăng tiêu

1. Đăng tiêu phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Mầu sắc của đăng tiêu phải bảo đảm dễ nhận biết và không gây nhầm lẫn với các báo hiệu khác xung quanh;

b) Độ cao của đăng tiêu được tính từ mực nước "số 0 hải đồ";

c) Đặc tính ánh sáng của đăng tiêu khi được lắp đèn phải rõ ràng, dễ phân biệt với ánh sáng của các báo hiệu hay nguồn sáng khác xung quanh;

d) Tầm hiệu lực ánh sáng của đăng tiêu nhỏ hơn 10 hải lý với hệ số truyền quang của khí quyển T = 0,74.

2. Trường hợp đăng tiêu dùng để báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm, bãi cạn hay báo hiệu một vị trí đặc biệt nào đó (được gọi là đăng tiêu độc lập) thì đặc tính ánh sáng sử dụng cho đăng tiêu là ánh sáng trắng, chớp đơn hoặc chớp nhóm, chớp nhóm hỗn hợp. Nếu đăng tiêu độc lập được lắp đèn hướng nhiều mầu thì ánh sáng trắng chỉ vùng an toàn, ánh sáng xanh lục chỉ biên phía phải vùng an toàn, ánh sáng đỏ chỉ biên phía trái vùng an toàn hoặc vùng có chướng ngại vật nguy hiểm.

3. Trường hợp đăng tiêu là báo hiệu hai bên luồng hoặc báo hiệu chuyển hướng luồng thì đặc tính ánh sáng theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Quyết định này.

Điều 8. Chập tiêu

1. Chập tiêu có các tác dụng sau đây:

a) Báo hiệu trục luồng hàng hải;

b) Báo hiệu phần nước sâu nhất của một tuyến hàng hải;

c) Báo hiệu luồng hàng hải khi không có báo hiệu hai bên luồng hoặc báo hiệu hai bên luồng không đảm bảo yêu cầu về độ chính xác;

d) Báo hiệu hướng đi an toàn vào cảng hay cửa sông;

đ) Báo hiệu phân luồng giao thông hai chiều.

2. Chập tiêu phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Chiều cao của các tiêu trong một chập phải bảo đảm sao cho góc đứng từ mắt người quan sát tại bất kỳ điểm nào trong phạm vi tác dụng của chập tiêu đến điểm cao nhất của tiêu trước và tiêu sau vào ban ngày hoặc đến tâm đèn vào ban đêm phải nằm trong khoảng từ 3' đến 15';

b) Các tiêu trong một chập khi được lắp đèn phải có đặc tính ánh sáng giống nhau và chớp đồng bộ. Đặc tính ánh sáng sử dụng cho chập tiêu là ánh sáng trắng, chớp đơn hoặc chớp nhóm, chớp nhóm hỗn hợp.

Điều 9. Báo hiệu hai bên luồng

1. Báo hiệu phía phải luồng:

a) Vị trí: Đặt tại phía phải luồng;

b) Tác dụng: Báo hiệu giới hạn luồng về phía phải, tầu thuyền được phép hành trình ở phía trái của báo hiệu;

c) Hình dạng: Hình nón, hình tháp hoặc hình cột;

d) Mầu sắc: Mầu xanh lục;

đ) Dấu hiệu đỉnh: Một hình nón mầu xanh lục, đỉnh hướng lên trên;

e) Số hiệu: Là các chữ số lẻ (1 - 3 - 5...) mầu trắng, số thứ tự tăng dần theo hướng luồng;

g) Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng xanh lục, chớp đơn chu kỳ 2,5 giây hoặc 3,0 giây, 4,0 giây.

2. Báo hiệu phía trái luồng:

a) Vị trí: Đặt tại phía trái luồng;

b) Tác dụng: Báo hiệu giới hạn luồng về phía trái, tầu thuyền được phép hành trình ở phía phải của báo hiệu;

c) Hình dạng: Hình trụ, hình tháp hoặc hình cột;

d) Mầu sắc: Mầu đỏ;

đ) Dấu hiệu đỉnh: Một hình trụ mầu đỏ;

e) Số hiệu: Là các chữ số chẵn (2 - 4 - 6...) mầu trắng, số thứ tự tăng dần theo hướng luồng;

g) Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng đỏ, chớp đơn, chu kỳ 2,5 giây hoặc 3,0 giây, 4,0 giây.

Điều 10. Báo hiệu chuyển hướng luồng

1. Báo hiệu hướng luồng chính chuyển sang phải:

a) Vị trí: Đặt tại phía trái luồng;

b) Tác dụng: Báo hiệu hướng luồng chính chuyển sang phải;

c) Hình dạng: Hình trụ, hình tháp hoặc hình cột;

d) Mầu sắc: Mầu đỏ với một dải mầu xanh lục nằm ngang ở giữa có chiều cao bằng 1/3 chiều cao phần nổi của báo hiệu;

đ) Dấu hiệu đỉnh: Một hình trụ mầu đỏ;

e) Số hiệu: Là các chữ số chẵn (2 - 4 - 6...) mầu trắng, số thứ tự tăng dần theo hướng luồng;

g) Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng đỏ, chớp nhóm 2 + 1, chu kỳ 5,0 giây hoặc 6,0 giây, 10,0 giây, 12,0 giây.

2. Báo hiệu hướng luồng chính chuyển sang trái:

a) Vị trí: Đặt tại phía phải luồng;

b) Tác dụng: Báo hiệu hướng luồng chính chuyển sang trái;

c) Hình dạng: Hình nón, hình tháp hoặc hình cột;

d) Mầu sắc: Mầu xanh lục với một dải mầu đỏ nằm ngang ở giữa có chiều cao bằng 1/3 chiều cao phần nổi của báo hiệu;

đ) Dấu hiệu đỉnh: Một hình nón mầu xanh lục, đỉnh hướng lên trên;

e) Số hiệu: Là các chữ số lẻ (1 - 3 - 5...) mầu trắng, số thứ tự tăng dần theo hướng luồng;

g) Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng xanh lục, chớp nhóm 2 + 1, chu kỳ 5,0 giây hoặc 6,0 giây, 10,0 giây, 12,0 giây.

Điều 11. Báo hiệu phương vị

1. Báo hiệu an toàn phía Bắc:

a) Vị trí: Đặt tại phía Bắc khu vực cần khống chế;

b) Tác dụng: Báo hiệu an toàn phía Bắc, tầu thuyền được phép hành trình ở phía Bắc của báo hiệu;

c) Hình dạng: Hình tháp hoặc hình cột;

d) Mầu sắc: Nửa phía trên mầu đen, nửa phía dưới mầu vàng;

đ) Dấu hiệu đỉnh: Hai hình nón mầu đen đặt liên tiếp nhau theo chiều thẳng đứng, đỉnh nón hướng lên trên;

e) Số hiệu: Lựa chọn theo đặc điểm khu vực hoặc chữ "N" mầu trắng trên nền đen;

g) Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng trắng, chớp đơn rất nhanh chu kỳ 0,5 giây hoặc chớp đơn nhanh chu kỳ 1,0 giây.

2. Báo hiệu an toàn phía Đông:

a) Vị trí: Đặt tại phía Đông khu vực cần khống chế,

b) Tác dụng: Báo hiệu an toàn phía Đông, tầu thuyền được phép hành trình ở phía Đông của báo hiểu;

c) Hình dạng: Hình tháp hoặc hình cột;

d) Mầu sắc: Mầu đen với một dải mầu vàng nằm ngang ở giữa có chiều cao bằng 1/3 chiều cao phần nổi của báo hiệu;

đ) Dấu hiệu đỉnh: Hai hình nón mầu đen đặt liên tiếp nhau theo chiều thẳng đứng, đáy hình nón nối tiếp nhau;

e) Số hiệu: Lựa chọn theo đặc điểm khu vực hoặc chữ "E" mầu đỏ trên nền vàng;

g) Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng trắng, chớp rất nhanh nhóm 3 chu kỳ 5,0 giây hoặc chớp nhanh nhóm 3 chu kỳ 10,0 giây.

3. Báo hiệu an toàn phía Nam:

a) Vị trí: Đặt tại phía Nam khu vực cần khống chế;

b) Tác dụng: Báo hiệu an toàn phía Nam, tầu thuyền được phép hành trình ở phía Nam của báo hiệu;

c) Hình dạng: Hình tháp hoặc hình cột;

d) Mầu sắc: Nửa phía trên mầu vàng, nửa phía dưới mầu đen;

đ) Dấu hiệu đỉnh: Hai hình nón mầu đen đặt liên tiếp nhau theo chiều thẳng đứng, đỉnh nón hướng xuống dưới;

e) Số hiệu: Lựa chọn theo đặc điểm khu vực hoặc chữ "S" mầu đỏ trên nền vàng;

g) Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng trắng, chớp rất nhanh nhóm 6 với một chớp dài chu kỳ 10,0 giây hoặc chớp nhanh nhóm 6 với một chớp dài chu kỳ 15,0 giây.

4. Báo hiệu an toàn phía Tây:

a) Vị trí: Đặt tại phía Tây khu vực cần khống chế,

b) Tác dụng: Báo hiệu an toàn phía Tây, tầu thuyền được phép hành trình ở phía Tây của báo hiệu;

c) Hình dạng: Hình tháp hoặc hình cột;

d) Mầu sắc: Mầu vàng với một dải mầu đen nằm ngang ở giữa có chiều cao bằng 1/3 chiều cao phần nổi của báo hiệu;

đ) Dấu hiệu đỉnh: Hai hình nón mầu đen đặt liên tiếp nhau theo chiều thẳng đứng, đỉnh hình nón nối tiếp nhau;

e) Số hiệu: Lựa chọn theo đặc điểm khu vực hoặc chữ "W" mầu trắng trên nền đen;

g) Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng trắng, chớp rất nhanh nhóm 9 chu kỳ 10,0 giây hoặc chớp nhanh nhóm 9 chu kỳ 15,0 giây.

Điều 12. Báo hiệu chướng ngại vật biệt lập

1. Vị trí: Đặt tại vị trí nguy hiểm cần khống chế.

2. Tác dụng: Báo hiệu chướng ngại vật biệt lập, tầu thuyền có thể hành trình xung quanh vị trí đặt báo hiệu.

3. Hình dạng: Hình tháp hoặc hình cột.

4. Mầu sắc: Mầu đen với một hay nhiều dải mầu đỏ nằm ngang.

5. Dấu hiệu đỉnh: Hai hình cầu mầu đen đặt liên tiếp nhau theo chiều thẳng đứng.

6. Số hiệu: Lựa chọn theo đặc điểm khu vực và có mầu trắng.

7. Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng trắng chớp nhóm 2 chu kỳ 5,0 giây.

Điều 13. Báo hiệu vùng nước an toàn

1. Vị trí: Đặt tại đầu tuyến luồng hoặc đường trục luồng hàng hải.

2. Tác dụng: Báo hiệu vùng nước an toàn, tầu thuyền có thể hành trình xung quanh vị trí đặt báo hiệu.

3. Hình dạng: Hình cầu, hình tháp hoặc hình cột.

4. Mầu sắc: Sọc thẳng đứng mầu trắng và đỏ xen kẽ.

5. Dấu hiệu đỉnh: Một hình cầu mầu đỏ, chỉ áp dụng đối với báo hiệu hình tháp hoặc hình cột.

6. Số hiệu: Theo số thứ tự (0 - 1 - 2...), mầu đen.

7. Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng trắng chớp đều, chớp dài đơn chu kỳ 10,0 giây hoặc chớp theo tín hiệu Morse chữ "A" chu kỳ 6,0 giây.

Điều 14. Báo hiệu chuyên dùng

1. Tác dụng:

a) Báo hiệu phân luồng giao thông tại những nơi mà nếu đặt báo hiệu hai bên luồng thông thường có thể gây nhầm lẫn;

b) Báo hiệu vùng khoan thăm dò địa chất, khai thác dầu mỏ, khí đốt;

c) Báo hiệu vùng đánh bắt, nuôi trồng hải sản;

d) Báo hiệu vùng công trình đang thi công;

đ) Báo hiệu vùng đặt đường cáp hoặc đường ống ngầm;

e) Báo hiệu vùng diễn tập quân sự;

g) Báo hiệu vùng đặt hệ thống thu thập dữ liệu hải dương;

h) Báo hiệu vùng giải trí, du lịch.

2. Hình dạng: Hình nón hoặc hình tháp, hình cột.

3. Mầu sắc: Mầu vàng.

4. Dấu hiệu đỉnh: Một chữ "X" mầu vàng.

5. Số hiệu: Lựa chọn theo đặc điểm khu vực và có mầu đỏ.

6. Đặc tính ánh sáng khi được lắp đèn: Ánh sáng vàng, chớp phải khác với chớp của các báo hiệu hàng hải được quy định tại các Điều 11, 12 và 13 của Quyết định này.

Điều 15. Báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện

1. Trường hợp báo hiệu những chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện như bãi bồi, bãi đá ngầm, xác tầu đắm và các chướng ngại vật khác mà chưa được ghi trên các tài liệu hàng hải thì đặt báo hiệu hai bên luồng với đặc tính chớp nhanh hoặc rất nhanh, hoặc báo hiệu phương vị. Nếu chướng ngại vật có mức độ nguy hiểm cao thì có thể đặt bổ sung một báo hiệu. Báo hiệu bổ sung phải giống hệt báo hiệu mà nó ghép cặp. Báo hiệu bổ sung này có thể được hủy bỏ khi những thông tin về chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện đã được thông báo theo quy định.

2. Tại chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện có thể lắp đặt thêm Racon có mã tín hiệu phản hồi là mã Morse chữ "D". Chiều dài toàn bộ tín hiệu của mã Morse chữ "D" hiển thị trên màn hình radar tầu tương ứng 1 hải lý.

Điều 16. Đặc tính ánh sáng của báo hiệu thị giác

1. Ánh sáng chớp đơn:

a) Chu kỳ chớp từ 2,0 giây đến 15,0 giây;

b) Thời gian tối giữa hai lần chớp sáng không được nhỏ hơn ba lần thời gian của một chớp sáng.

2. Ánh sáng chớp nhóm:

a) Chu kỳ chớp từ 2,0 giây đến 20,0 giây đối với ánh sáng chớp nhóm 2; đến 30,0 giây đối với ánh sáng chớp nhóm 3 trở lên;

b) Thời gian tối giữa các chớp sáng trong một nhóm bằng nhau và nhỏ hơn thời gian tối giữa các nhóm;

c) Thời gian tối trong một nhóm không được nhỏ hơn thời gian của một chớp sáng;

d) Thời gian tối giữa các nhóm không được nhỏ hơn 3 lần thời gian tối trong một nhóm;

đ) Đối với ánh sáng chớp nhóm 2, tổng thời gian sáng và thời gian tối trong nhóm không được nhỏ hơn 1,0 giây;

e) Đối với ánh sáng chớp nhóm 3 trở lên, tổng thời gian sáng và thời gian tối trong một nhóm không được nhỏ hơn 2,0 giây;

g) Ánh sáng chớp nhóm sử dụng cho đèn biển, đăng tiêu và chập tiêu gồm ánh sáng chớp nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5.

3. Ánh sáng chớp nhóm hỗn hợp có chu kỳ chớp tối đa không lớn hơn 30,0 giây. Ánh sáng chớp nhóm hỗn hợp sử dụng cho đèn biển, đăng tiêu và chập tiêu gồm ánh sáng chớp nhóm 2 + 1 và nhóm 3 + 1.

Mục 3

BÁO HIỆU VÔ TUYẾN ĐIỆN

Điều 17. Báo hiệu hàng hải AIS

1. Báo hiệu hàng hải AIS có các tác dụng sau đây:

a) Nhận dạng báo hiệu hàng hải trên màn hình AIS, radar tầu hoặc trạm radar hàng hải khác khi được kết nối với AIS;

b) Giám sát và điều khiển từ xa hoạt động của báo hiệu hàng hải;

c) Báo hiệu luồng hàng hải, vùng nước, phân luồng giao thông;

d) Báo hiệu công trình trên biển;

đ) Cung cấp dữ liệu về thời tiết, thủy triều và các đặc điểm khí tượng thủy văn khác.

2. Phân loại báo hiệu hàng hải AIS:

Báo hiệu hàng hải AIS gồm các loại sau đây:

a) Báo hiệu hàng hải AIS "thực" được đặt trên báo hiệu hàng hải và truyền phát thông tin về báo hiệu hàng hải đó;

b) Báo hiệu hàng hải AIS "giả" được đặt bên ngoài báo hiệu hàng hải và truyền phát thông tin về báo hiệu hàng hải đó;

c) Báo hiệu hàng hải AIS "ảo" được dùng để truyền phát thông tin về báo hiệu hàng hải không có thực.

3. Thông tin truyền phát của báo hiệu hàng hải AIS:

a) Thông tin về báo hiệu hàng hải bao gồm loại báo hiệu hàng hải, tên của báo hiệu hàng hải, vị trí của báo hiệu hàng hải, độ chính xác vị trí của báo hiệu hàng hải, chỉ báo sai lệch vị trí của báo hiệu hàng hải nổi, kích thước của báo hiệu hàng hải, các thông số khác và tình trạng kỹ thuật của báo hiệu hàng hải;

b) Thông tin liên quan đến an toàn hàng hải;

c) Thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn và các đặc điểm khác của vùng lân cận báo hiệu hàng hải;

d) Thông tin giám sát báo hiệu hàng hải.

4. Thời gian hoạt động của báo hiệu hàng hải AIS là 24 giờ/ngày.

Điều 18. Tiêu radar (Racon)

1. Racon có các tác dụng sau đây:

a) Báo hiệu ven biển, báo hiệu nhập bờ;

b) Báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm;

c) Báo hiệu chập tiêu vô tuyến điện hàng hải;

d) Báo hiệu các điểm quan trọng trên luồng hàng hải;

đ) Báo hiệu vị trí trên vùng biển khó nhận biết bằng radar tầu;

e) Báo hiệu tuyến hàng hải dưới cầu;

g) Báo hiệu công trình trên biển.

2. Mã nhận dạng của Racon:

a) Mã nhận dạng của Racon được đặt theo dạng mã Morse, bao gồm toàn bộ chiều dài tín hiệu phản hồi của Racon;

b) Mã nhận dạng của Racon phải bảo đảm dễ nhận biết, được bắt đầu với một dấu gạch (-). Các mã nhận dạng của Racon được quy định trong Phụ lục II của Quyết định này;

c) Mã Morse chữ "D" là mã nhận dạng đặc biệt của Racon được dùng để báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện hoặc công trình trên biển chưa được đánh dấu trên hải đồ. Chiều dài toàn bộ tín hiệu của mã Morse "D" hiển thị trên màn hình radar tầu tương đương 1 hải lý;

d) Khi sử dụng Racon để báo hiệu khoảng thông thuyền dưới chân cầu cắt ngang luồng hàng hải, mã Morse chữ "T" báo hiệu bên phải khoảng thông thuyền, mã Morse chữ "B" báo hiệu bên trái khoảng thông thuyền.

3. Chu kỳ phát tín hiệu của Racon như sau:

a) 15s ON + 30s OFF = 45s;

b) 30s ON + 15s OFF = 45s;

c) 20s ON + 40s OFF = 60s;

d) 40s ON + 20s OFF = 60s;

đ) 15s ON + 45s OFF = 60s;

e) 45s ON + 15s OFF = 60s;

g) 30s ON + 30s OFF = 60s.

(ON là thời gian phát tín hiệu, OFF là thời gian ngừng phát tín hiệu trong một chu kỳ hoạt động của Racon, s là giây).

4. Thời gian hoạt động của Racon là 24 giờ/ngày.

Mục 4

BÁO HIỆU ÂM THANH

Điều 19. Còi báo hiệu

1. Tác dụng: Còi báo hiệu được lắp đặt tại các vị trí nguy hiểm cho hàng hải ở khu vực thường xuyên có sương mù dày đặc làm giảm tầm nhìn xa.

2. Tần số âm: Lớn hơn 75Hz và nhỏ hơn 1.575Hz.

3. Đặc tính phát âm: Âm thanh được phát theo tín hiệu Morse; khoảng thời gian tối thiểu của âm ngắn là 0,75 giây.

4. Các tín hiệu âm thanh đặc biệt:

a) Mã Morse chữ "U" dùng để báo hiệu công trình trên biển;

b) Mã Morse chữ "D" dùng để báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm.

5. Điều kiện hoạt động: Còi báo hiệu sương mù được sử dụng khi tầm nhìn xa khí tượng trong khu vực nhỏ hơn hoặc bằng 2 hải lý.

Chương III

THÔNG BÁO HÀNG HẢI

Điều 20. Phân loại Thông báo hàng hải

Căn cứ vào mục đích sử dụng, Thông báo hàng hải được phân loại như sau:

1. Thông báo hàng hải về hoạt động của báo hiệu hàng hải:

a) Thông báo hàng hải về việc thiết lập mới báo hiệu hàng hải: Các báo hiệu hàng hải thị giác, vô tuyến điện, âm thanh sau khi được thiết lập phải được công bố Thông báo hàng hải về vị trí, tác dụng, đặc tính hoạt động của báo hiệu đó theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Quyết định này;

b) Thông báo hàng hải về việc thay đổi đặc tính hoạt động của báo hiệu hàng hải: Khi báo hiệu hàng hải được thay đổi đặc tính hoạt động so với đặc tính đã được thông báo thì phải công bố Thông báo hàng hải về các thay đổi đó theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Quyết định này;

c) Thông báo hàng hải về việc tạm ngừng hoạt động của báo hiệu hàng hải: Khi báo hiệu hàng hải không còn khả năng hoạt động theo đúng đặc tính đã được thông báo thì phải công bố Thông báo hàng hải về việc tạm ngừng hoạt động của báo hiệu hàng hải đó theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Quyết định này;

d) Thông báo hàng hải về việc phục hồi hoạt động của báo hiệu hàng hải: Sau khi đã sửa chữa xong sự cố của báo hiệu hàng hải thì phải công bố Thông báo hàng hải về việc phục hồi hoạt động của báo hiệu hàng hải đó theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Quyết định này;

đ) Thông báo hàng hải về việc chấm dứt hoạt động của báo hiệu hàng hải: Sau khi báo hiệu hàng hải không còn tác dụng, được thu hồi thì phải công bố Thông báo hàng hải về việc chấm dứt hoạt động của báo hiệu hàng hải đó theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Quyết định này.

2. Thông báo hàng hải về độ sâu luồng hàng hải, thủy diện cảng, khu neo đậu, quay trở tầu và các vùng nước khác theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII và Phụ lục IX của Quyết định này.

3. Thông báo hàng hải về chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện: Khi có tai nạn, sự cố hàng hải gây chìm đắm tầu hoặc khi phát hiện có chướng ngại vật gây mất an toàn hàng hải thì phải công bố Thông báo hàng hải về các chướng ngại vật đó theo mẫu quy định tại Phụ lục X của Quyết định này.

4. Thông báo hàng hải về các khu vực thi công công trình biển, khu vực biển hoạt động hạn chế hoặc cấm hoạt động hàng hải, khu vực diễn tập quân sự, khu vực đổ chất thải, khu vực cấm neo đậu và các khu vực cần thiết khác theo mẫu quy định tại Phụ lục XI của Quyết định này.

Điều 21. Nội dung và yêu cầu của Thông báo hàng hải

1. Nội dung của Thông báo hàng hải phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và phản ánh một cách đầy đủ, chính xác các thông tin cần cung cấp.

2. Yêu cầu của Thông báo hàng hải:

a) Vị trí trong Thông báo hàng hải được lấy theo hệ tọa độ địa lý quốc gia Việt Nam VN-2000, đồng thời được tính chuyển sang hệ hải đồ và hệ WGS-84. Độ chính xác đến 1/10 giây.

b) Độ sâu trong Thông báo hàng hải là độ sâu của điểm cạn nhất trong khu vực cần được thông báo, tính bằng mét đến mực nước "số 0 hải đồ". Độ chính xác đến 1/10m.

c) Địa danh trong Thông báo hàng hải được lấy theo địa danh đã được ghi trên hải đồ hoặc trong các tài liệu hàng hải khác đã xuất bản. Trường hợp địa danh chưa được ghi trong các tài liệu nói trên thì sử dụng tên thường dùng của địa phương.

d) Thông báo hàng hải phải được công bố kịp thời bằng văn bản, đồng thời được phát trên hệ thống các đài Thông tin duyên hải Việt Nam theo thời gian quy định. Thông báo hàng hải quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều 20 của Quyết định này được phát tối thiểu 2 lần trong một ngày và phát trong 3 ngày liên tục. Thông báo hàng hải quy định tại khoản 3 Điều 20 của Quyết định này được phát liên tục 4 lần trong một ngày cho đến khi có Thông báo hàng hải mới thay thế Thông báo hàng hải đó.

đ) Ngôn ngữ sử dụng trong Thông báo hàng hải là tiếng Việt. Khi được phát trên hệ thống các đài Thông tin duyên hải Việt Nam, phải sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Điều 22. Thẩm quyền công bố Thông báo hàng hải

1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức công bố Thông báo hàng hải. Công ty bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện việc công bố Thông báo hàng hải.

2. Thông tin trong Thông báo hàng hải có giá trị từ thời điểm công bố Thông báo hàng hải và hết giá trị khi có Thông báo hàng hải khác thay thế thông tin đó.

3. Khi phát hiện có sai sót về nội dung trong Thông báo hàng hải, công ty bảo đảm an toàn hàng hải phải kịp thời hiệu chỉnh và công bố lại Thông báo hàng hải.

Điều 23. Cung cấp thông tin Thông báo hàng hải

1. Đối tượng quy định tại Điều 1 của Quyết định này được quyền yêu cầu cung cấp Thông báo hàng hải.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển của Việt Nam có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, chính xác cho công ty bảo đảm an toàn hàng hải các thông tin sau đây, nếu phát hiện được:

a) Sai lệch về vị trí hoặc đặc tính hoạt động của báo hiệu hàng hải so với nội dung của Thông báo hàng hải đã công bố,

b) Các chướng ngại vật mới phát hiện chưa được công bố Thông báo hàng hải hoặc chưa được đánh dấu trên hải đồ;

c) Các thông tin khác có liên quan đến an toàn hàng hải.

Chương IV

QUẢN LÝ BÁO HIỆU HÀNG HẢI

Điều 24. Đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải

1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống báo hiệu hàng hải trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt.

2. Việc đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải phải thực hiện theo quy định của Quyết định này và các quy định khác của pháp luật.

3. Công ty bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm:

a) Thực hiện việc đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải theo kế hoạch do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam giao.

b) Lắp đặt tạm thời các báo hiệu hàng hải phục vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải.

4. Tổ chức, cá nhân quản lý khai thác luồng nhánh cảng biển, luồng chuyên dùng và sử dụng các vùng nước sau đây:

a) Vùng khoan thăm dò địa chất, khai thác dầu mỏ, khí đốt;

b) Vùng đánh bắt, nuôi trồng hải sản;

c) Vùng công trình đang thi công;

d) Vùng đặt đường cáp hoặc đường ống ngầm;

đ) Vùng diễn tập quân sự;

e) Vùng đặt hệ thống thu thập dữ liệu hải dương;

g) Vùng giải trí, du lịch, có nghĩa vụ đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải trên các luồng và vùng nước đó.

Điều 25. Thủ tục đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng

1. Chủ đầu tư gửi hồ sơ tới công ty bảo đảm an toàn hàng hải đề nghị đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng. Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị;

b) Thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Bản vẽ hoàn công;

d) Biên bản nghiệm thu bàn giao;

đ) Bình đồ khảo sát và rà quét chướng ngại vật luồng hàng hải đối với báo hiệu trên các tuyến luồng hàng hải mới xây dựng.

2. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công ty bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm công bố Thông báo hàng hải. Trường hợp chưa đủ điều kiện công bố thì phải có văn bản trả lời cho chủ đầu tư và nêu rõ lý do.

Điều 26. Quản lý vận hành báo hiệu hàng hải

1. Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức quản lý thống nhất báo hiệu hàng hải trong phạm vi cả nước.

2. Công ty bảo đảm an toàn hàng hải trực tiếp quản lý vận hành và chịu trách nhiệm về hoạt động của báo hiệu hàng hải trong khu vực mình phụ trách.

3. Tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý vận hành và chịu trách nhiệm về hoạt động của báo hiệu hàng hải do tổ chức, cá nhân đó đầu tư xây dựng.

Điều 27. Trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành báo hiệu hàng hải

1. Lập kế hoạch định kỳ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp báo hiệu hàng hải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng báo hiệu hàng hải để các thông số kỹ thuật của báo hiệu luôn phù hợp với Thông báo hàng hải đã công bố.

3. Khi báo hiệu hàng hải bị hư hỏng, mất hoặc sai lệch phải khẩn trương tiến hành sửa chữa, khắc phục kịp thời.

4. Kịp thời lập hồ sơ xác định mức độ hư hỏng, mất hoặc sai lệch của báo hiệu hàng hải gửi về cơ quan chức năng để điều tra, xử lý.

5. Hàng quý báo cáo bằng văn bản tình trạng hoạt động của báo hiệu hàng hải về Cục Hàng hải Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII của Quyết định này.

6. Khi có thay đổi về đặc tính của báo hiệu hàng hải so với Thông báo hàng hải đã công bố, phải thông báo về công ty bảo đảm an toàn hàng hải để xử lý kịp thời.

Điều 28. Bảo vệ báo hiệu hàng hải

1. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ báo hiệu hàng hải.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại, lấy cắp hoặc làm hư hỏng báo hiệu hàng hải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong bảo vệ báo hiệu hàng hải được khen thưởng theo quy định.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 và thay thế Quyết định số 49/QĐ-VT ngày 09 tháng 01 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về Quy tắc báo hiệu hàng hải tại Việt Nam và Quyết định số 349/QĐ-PCHH ngày 28 tháng 6 tháng 1996 của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về Quy định công bố Thông báo hàng hải.

Điều 30. Tổ chức thực hiện

1. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.