• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2006
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: 27/2005/PL-UBTVQH11
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 7 tháng 10 năm 2005

PHÁP LỆNH

CỰU CHIẾN BINH

 

 

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

 

Căn cứ vào Nghị quyết số 35/2004/QH11 ngày 25 tháng 11 năm 2004 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 6 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005;

Pháp lệnh này quy định về Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

 

Chương I

 

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Pháp lệnh này áp dụng đối với Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, cơ quan, tổ chức, đơn vị và mọi công dân.

Điều 2. Cựu chiến binh

Cựu chiến binh là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tham gia đơn vị vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ, bao gồm:

1. Cán bộ, chiến sĩ đã tham gia các đơn vị vũ trang do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức trước cách mạng tháng Tám năm 1945;

2. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, biệt động đã tham gia kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế;

3. Cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ, du kích, đội viên đội công tác vũ trang trong vùng địch tạm chiếm đã tham gia chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc;

4. Công nhân viên quốc phòng đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc;

5. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà nước và nhân dân tôn vinh, ghi nhận và đánh giá cao sự hy sinh, cống hiến to lớn của Cựu chiến binh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 3. Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện ý chí, nguyện vọng của Cựu chiến binh, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 4. Ngày truyền thống của Cựu chiến binh

Ngày 6 tháng 12 là ngày truyền thống của Cựu chiến binh.

Điều 5. Hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng danh nghĩa, uy tín Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

2. Ngăn cản hoạt động hợp pháp của Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

3. Xâm hại sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của Cựu chiến binh.

Chương II

CỰU CHIẾN BINH

Điều 6. Chính sách đối với Cựu chiến binh

1. Nhà nước có chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Cựu chiến binh; tập hợp, động viên và phát huy tiềm năng của Cựu chiến binh, tạo điều kiện để Cựu chiến binh tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", tích cực tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ đầu tư xây dựng các trung tâm điều trị, phục hồi sức khỏe và các hoạt động tình nghĩa đối với Cựu chiến binh.

3. Trong từng thời kỳ, Nhà nước ban hành chính sách, chế độ cụ thể đối với Cựu chiến binh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều 7. Quyền lợi của Cựu chiến binh

1. Cựu chiến binh là người có công với cách mạng được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cựu chiến binh được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

3. Cựu chiến binh nghèo được ưu tiên vay vốn ngân hàng chính sách, các nguồn vốn ưu đãi khác để sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các chính sách khác đối với người nghèo.

4. Cựu chiến binh hết tuổi lao động, cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được Nhà nước và xã hội tiếp nhận, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng xã hội.

5. Cựu chiến binh khi chết được chính quyền, cơ quan quân sự, đoàn thể địa phương phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và gia đình tổ chức tang lễ và được hưởng tiền mai táng theo quy định của Chính phủ.

6. Cựu chiến binh được tham gia Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban liên lạc Cựu quân nhân theo quy định của Điều lệ Hội, của pháp luật.

Điều 8. Nghĩa vụ của Cựu chiến binh

1. Cựu chiến binh phải phát huy truyền thống cách mạng, trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tham gia bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích của dân tộc.

2. Cựu chiến binh phải gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, học tập, tuyên truyền, vận động nhân dân, gia đình chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3. Cựu chiến binh có trách nhiệm tích cực tham gia thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, tham gia hoà giải, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4. Cựu chiến binh có trách nhiệm tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Chương III

HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM

Điều 9. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam

1. Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện.

2. Hội Cựu chiến binh Việt Nam hoạt động theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội.

Điều 10. Tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam

1. Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức từ trung ương đến cơ sở, bao gồm:

a) Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

b) Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Hội Cựu chiến binh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

d) Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn.

2. Trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức thích hợp của Cựu chiến binh hoạt động theo quy định của Pháp lệnh này và Điều lệ Hội.

Điều 11. Nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam

1. Tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; chống các quan điểm sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.

2. Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; kiến nghị với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh.

3. Tập hợp, đoàn kết, động viên Cựu chiến binh rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; tập hợp quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tiếp tục phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", tham gia tổ chức câu lạc bộ, Ban liên lạc Cựu quân nhân, các phong trào cách mạng ở cơ sở.

4. Tổ chức chăm lo, giúp đỡ Cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; tổ chức các hoạt động tình nghĩa để Cựu chiến binh tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Cựu chiến binh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho Cựu chiến binh.

6. Tiến hành các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

7. Phối hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan quân sự giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ.

Điều 12. Bộ máy giúp việc của Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Hội Cựu chiến binh Việt Nam có bộ máy giúp việc.

Tổ chức, biên chế bộ máy giúp việc của Hội Cựu chiến binh các cấp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.

Điều 13. Kinh phí, tài sản của Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Kinh phí hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.

Hội Cựu chiến binh Việt Nam được nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật đối với tài sản mà Nhà nước giao và tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tặng cho.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI CỰU CHIẾN BINH,

HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM

Điều 14. Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành hoặc kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chế độ, chính sách và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ, chính sách đối với Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Cựu chiến binh hoạt động.

Điều 15. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân

Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cấp kinh phí cho Hội Cựu chiến binh cùng cấp hoạt động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Cựu chiến binh, tạo điều kiện để Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Cựu chiến binh tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Cựu chiến binh hoạt động.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Điều 18. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Ban chấp hành trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này./.

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn An

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.