• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/06/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 26/01/2008
CHÍNH PHỦ
Số: 43/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 2 tháng 5 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu

tổ chức của Bộ Thủy sản

________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ nhất quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Thủy sản là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy sản, bao gồm: nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong nội địa và trên biển trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Thủy sản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thủy sản.

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về thủy sản và các chương trình, dự án quan trọng của Bộ.

3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy sản.

5. Về nuôi trồng thủy sản:

a) Quản lý phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch. Quy định việc xuất khẩu và nhập khẩu giống thủy sản, di giống, thuần hóa giống, bảo tồn, chọn tạo giống, công nhận giống mới, sản xuất kinh doanh giống; thống nhất quản lý chất lượng giống; xây dựng và quản lý hệ thống giống; đăng ký giống quốc gia;

b) Thống nhất quản lý về thức ăn nuôi trồng thủy sản, thú y thủy sản; các loại vật tư, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản; phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương kiểm soát ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, chất thải công nghiệp đến môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.

6. Về khai thác thủy sản:

a) Thống nhất quản lý các hoạt động khai thác thủy sản của người và phương tiện trong nước, nước ngoài trong nội địa và trên vùng biển Việt Nam; chỉ đạo việc thực hiện khai thác thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch và các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;

Quản lý và phân cấp quản lý ngư trường, bãi cá; cấp, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật;

b) Quy định các nghề, phương tiện, đối tượng và mùa vụ khai thác thủy sản;

c) Thống nhất quản lý đăng kiểm phương tiện nghề cá. Đăng ký, kiểm định kỹ thuật an toàn các thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn trong ngành thủy sản như: nồi hơi, bình chịu áp lực, thiết bị lạnh; quy định các chức danh và tiêu chuẩn các chức danh thuyền viên tàu cá; đăng ký và cấp sổ thuyền viên tàu cá; cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá theo quy định của pháp luật.

7. Về chế biến thủy sản:

a) Tổ chức chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch công nghiệp chế biến thủy sản. Quy định điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh môi trường trong chế biến, bảo quản và vận chuyển thủy sản. Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; phối hợp với các bộ có liên quan trong việc ban hành các quy định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nhập khẩu và thực phẩm thủy sản sản xuất để tiêu dùng trong nước;

b) Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thủy sản và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện theo quy định của pháp luật.

8. Về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản:

a) Quy định danh mục các loài thủy sản cần được bảo vệ, cần được tái tạo; các biện pháp bảo vệ môi trường các hệ sinh thái thủy sản, bảo tồn quỹ gen, đa dạng sinh học thủy sản; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan quy định các biện pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên nước liên quan đến môi trường sống thủy sản;

b) Quy định vùng cấm khai thác, vùng hạn chế khai thác, các loài thủy sản cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu;

c) Tổ chức điều tra, nghiên cứu, đánh giá, quản lý, bảo vệ sự phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, quản lý các khu bảo tồn nội địa, khu bảo tồn biển.

9. Về dịch vụ hậu cần thủy sản:

a) Quản lý, phát triển cơ khí thủy sản và hệ thống cảng cá, bến cá theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Thống nhất quản lý các dịch vụ cho khai thác, nuôi trồng và chế biến trên biển.

10. Về thương mại thủy sản:

a) Phối hợp với các bộ có liên quan xây dựng các chính sách thương mại thủy sản để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Nghiên cứu phát triển thị trường, phát triển công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản tìm kiếm mở rộng thị trường.

11. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác khuyến ngư, hướng dẫn, phổ biến thông tin và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, bảo vệ nguồn lợi và môi trường các hệ sinh thái thủy sản.

12. Phối hợp với các bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, an toàn đi biển và bảo hộ lao động trong ngành thủy sản; giữ gìn trật tự an ninh, quốc phòng trên biển.

13. Tổ chức, chỉ đạo, thẩm định, giám định, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện có hiệu quả các dự án trong nước và dự án có vốn đầu tư nước ngoài về thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

14. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản theo quy định của pháp luật.

15. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong ngành thủy sản.

16. Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công trong ngành thủy sản theo quy định của pháp luật; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.

17. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thuộc quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

18. Quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, các hội và tổ chức phi Chính phủ trong ngành thủy sản theo quy định của pháp luật.

19. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản theo thẩm quyền.

20. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

21. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong ngành thủy sản.

22. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Bộ

a) Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:

1. Vụ Nuôi trồng Thủy sản;

2. Vụ Kinh tế tập thể và Kinh tế tư nhân;

3. Vụ Kế hoạch - Tài chính;

4. Vụ Khoa học, Công nghệ;

5. Vụ Hợp tác quốc tế;

6. Vụ Pháp chế;

7. Vụ Tổ chức cán bộ;

8. Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

9. Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản;

10. Thanh tra;

11. Văn phòng.

b) Các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ:

1. Viện Nghiên cứu Hải sản;

2. Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản;

3. Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I;

4. Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II;

5. Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản III;

6. Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia;

7. Trung tâm Tin học;

8. Báo Thủy sản;

9. Tạp chí Thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Thủy sản chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng phương án sắp xếp các trường hiện có trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thay thế Nghị định số 50/CP ngày 21 tháng 6 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thủy sản và các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Thủy sản, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.