• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 13/09/2008
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 28/2008/QĐ-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và tuyển quặng apatít

 giai đoạn 2008 - 2020 có tính đến sau năm 2020

____________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương

Thực hiện công văn số 5487/VPCP-CN ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và tuyển quặng apatít giai đoạn 2006 - 2020 có tính đến sau năm 2020.

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và tuyển quặng apatít giai đoạn 2008 - 2020 có tính đến sau năm 2020 với các nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phát triển công nghiệp khai thác quặng apatít phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành Hóa chất Việt Nam và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai, thỏa mãn nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất phân bón chứa lân phục vụ ngành nông nghiệp và phân bón cho xuất khẩu, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu chứa oxit phốt pho cho ngành hóa chất cơ bản và các ngành công nghiệp khác, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và địa phương, phù hợp với yêu cầu củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ các công trình văn hóa có giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái tại địa bàn tỉnh Lào Cai.

- Phát triển khai thác, chế biến quặng apatít với công nghệ hiện đại, khai thác triệt để và tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng lợi từ các sản phẩm chế biến từ quặng apatít;

- Thực hiện trước một bước các hoạt động thăm dò nhằm tạo cơ sở tài nguyên quặng apatít tin cậy cho hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trong giai đoạn quy hoạch;

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

- Thăm dò, khai thác và tuyển quặng apatít đồng bộ, hợp lý, đáp ứng mục tiêu sản lượng, chất lượng quặng phục vụ nền kinh tế quốc dân;

- Xây dựng và phát triển ngành khai thác quặng apatít ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến phân bón phục vụ phát triển nông nghiệp, phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hóa chất cơ bản, thức ăn gia súc và phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Góp phần phân bố lại lực lượng sản xuất theo ngành và theo vùng lãnh thổ và phát triển cân đối, hợp lý trong nội bộ ngành công nghiệp hoá chất;

- Đảm bảo thăm dò, khai thác và tuyển quặng apatít tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường chế biến và sử dụng triệt để quặng loại II, III và IV, kết hợp với việc nghiên cứu tuyển quặng để nâng cao hàm lượng oxit phốt pho (P2O5) trong quặng.

2. Mục tiêu cụ thể:

a. Về công tác thăm dò apatít:

Đẩy mạnh công tác thăm dò apatít, đảm bảo trữ lượng tin cậy trước khi vào khai thác. Chú trọng công tác đánh giá khoáng sản, thăm dò nâng cấp ở những khu vực mà tài liệu địa chất còn hạn chế, tìm kiếm phát hiện các thân quặng mới để mở rộng quy mô trữ lượng cho sự phát triển khu mỏ.

b. Về khai thác và tuyển quặng:

Khai thác và tuyển quặng apatít đảm bảo chất lượng và số lượng phục vụ cho chế biến phân bón chứa lân và hóa chất cơ bản trong nước, đồng thời có một phần xuất khẩu hợp lý ở giai đoạn đầu. Dự kiến sản lượng khai thác và tuyển quặng giai đoạn 2008 - 2020 nêu tại Phụ lục 1.

c. Về bảo vệ môi trường:

Khai thác và tuyển quặng: Đảm bảo giảm thiểu tác hại đến môi trường sinh thái tại các địa bàn hoạt động khoáng sản.

III. DỰ BÁO NHU CẦU QUẶNG APATÍT

Nhu cầu quặng apatít cho sản xuất phân supe đơn, phân lân nung chảy, phân bón DAP, cho sản xuất phốt pho vàng,… dự báo như sau:

 

STT

Chủng loại

ĐVT

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2025

1

Quặng loại I

1.000 tấn

500

550

600

650

2

Quặng loại II

nt

860

1.120

1.650

1.650

3

Quặng tuyển

nt

1.120

1.620

2.020

2.020

Tổng số

nt

2.480

3.290

4.270

4.320

IV. QUY HOẠCH THĂM DÒ

Trữ lượng quặng apatít đã được thăm dò và xác định trữ lượng là 778 triệu tấn, trong đó quặng loại I là 31 triệu tấn, quặng loại II là 234 triệu tấn, quặng loại III là 222 triệu tấn và quặng loại IV là 291 triệu tấn. Trữ lượng đã thăm dò và dự báo khoảng 2,45 tỷ tấn.

1. Khu vực thăm dò

Các khu vực dự kiến tập trung thăm dò địa chất trong giai đoạn Quy hoạch bao gồm:

- Khu Tam Đỉnh - Làng Phúng;

- Khu Phú Nhuận;

- Quặng II Khu trung tâm;

- Vùng quặng Bát Xát - Lũng Pô;

- Vùng Bảo Hà - Trái Hút;

- Khu Bắc Nhạc Sơn từ khai trường 25 đến khai trường 29.

2. Khối lượng và nhiệm vụ thăm dò

- Thăm dò khu Tam Đỉnh - Làng Phúng: Nâng mức thăm dò sơ bộ lên thăm dò tỷ mỷ, khối lượng quặng loại I: 6,5 triệu tấn, quặng loại III: 24,8 triệu tấn có kết hợp thăm dò quặng loại II và quặng loại IV;

- Thăm dò khu Phú Nhuận: Khối lượng quặng loại I khoảng 1 triệu tấn, quặng loại III khoảng 10 triệu tấn, có kết hợp thăm dò quặng loại II và quặng loại IV;

- Thăm dò quặng loại II khu trung tâm, trữ lượng 100 triệu tấn và kết hợp thăm dò quặng loại IV vây quanh.

- Thăm dò vùng quặng Bát Xát - Lũng Pô trên cơ sở kết quả tìm kiếm sơ bộ ở tỷ lệ bản đồ 1/25.000;

- Khảo sát, thăm dò vùng Bảo Hà - Trái Hút;

- Thăm dò nâng cấp khu Bắc Nhạc Sơn từ khai trường 25 đến 29. Khối lượng quặng loại I khoảng 10 triệu tấn và 20 triệu tấn quặng loại III, có kết hợp thăm dò quặng loại II và quặng loại IV.

3. Tiến độ và vốn thăm dò

Ước tính vốn đầu tư cho công tác thăm dò trong giai đoạn Quy hoạch khoảng 213 tỷ đồng. Chi tiết tiến độ thăm dò và vốn thăm dò nêu tại Phụ lục 2.

V. QUY HOẠCH KHAI THÁC QUẶNG APATÍT LÀO CAI

Tiếp tục sử dụng và khai thác triệt để các thiết bị khai thác hiện đang sử dụng trên dây chuyền sản xuất như khoan nổ, xúc bốc, vận tải để nâng cao năng lực phục vụ sản xuất và kinh doanh. Từng bước đầu tư đổi mới công nghệ và đồng bộ thiết bị theo hướng hiện đại, hợp lý như máy xúc thủy lực dung tích gầu đến 8-10 m3, máy khoan thủy lực đường kính mũi khoan đến 150mm, ô tô tự đổ trọng tải lớn đến 80 tấn, xem xét khả năng áp dụng vận tải liên hợp ô tô-băng tải để phù hợp với cấu trúc địa chất mỏ (vỉa quặng trải dài trên diện tích rất lớn);

Trong giai đoạn Quy hoạch, dự kiến mở thêm một số khu vực khai thác tại khu Bắc Nhạc Sơn, Trung tâm mỏ, Tam Đỉnh - Làng Phúng, Phú Nhuận để đảm bảo duy trì sản lượng quặng cho công tác chế biến.

Sản lượng bình quân quặng nguyên khai loại I, loại II và quặng tuyển dự kiến cho giai đoạn Quy hoạch như sau:

- Giai đoạn 2008-2010: 2-2,5 triệu tấn/năm;

- Giai đoạn 2011-2015: 3-3,5 triệu tấn/năm;

- Giai đoạn 2016-2020: 4-4,5 triệu tấn/năm.

Trữ lượng các khai trường trong vùng mỏ được huy động vào khai thác giai đoạn 2008-2020 nêu tại Phụ lục 3.

VI. QUY HOẠCH TUYỂN QUẶNG APATÍT

1. Công suất tuyển quặng

Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất super lân và DAP trong giai đoạn Quy hoạch, công suất tuyển tinh quặng được xác định là 2 triệu tấn/năm.

Tổng công suất các nhà máy tuyển hiện có và đang xây dựng đạt 1.420.000 tấn/năm quặng tinh tuyển, dự kiến đầu tư bổ sung công suất khoảng 600.000 tấn/năm.

2. Giải pháp tuyển quặng

- Tuyển quặng loại III theo công nghệ hiện đang áp dụng.

- Nghiên cứu chuyển giao công nghệ để tuyển quặng loại II và IV nhằm tận thu tối đa tài nguyên, hai loại quặng này chiếm tới 70% trữ lượng toàn khoáng sàng.

Trong giai đoạn Quy hoạch, dự kiến cải tạo, xây dựng mới các nhà máy tuyển sau:

- Cải tạo mở rộng Nhà máy tuyển Tằng Loỏng công suất 900.000 tấn/năm;

- Duy trì Nhà máy tuyển Cam Đường công suất 120.000 tấn/năm;

- Xây dựng Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn công suất 350.000 tấn/năm;

- Xây dựng Nhà máy tuyển Làng Phúng công suất 250.000 tấn/năm;

- Xây dựng Nhà máy tuyển quặng loại II và loại IV công suất 500.000 tấn/năm.

3. Giải pháp sử dụng quặng apatít

- Quặng loại I, quặng tuyển và một phần sản lượng quặng loại II sử dụng cho sản xuất phân bón chứa lân và DAP;

- Quặng loại III trong tầng kốcsan 4, 6 và 7 đã phong hóa hóa học có hàm lượng P2O5 ≥ 12% khai thác ra dự kiến được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy tuyển sau khi đã trung hòa hàm lượng P2O5.

- Quặng loại IV và một phần quặng loại II dư thừa được lưu giữ và bảo quản để sử dụng sau này.

VII. NHU CẦU VỐN VÀ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC VÀ TUYỂN QUẶNG APATÍT GIAI ĐOẠN 2008 - 2020

- Nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp khai thác và tuyển quặng apatít giai đoạn 2008 - 2020 dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng nêu tại Phụ lục 4.

- Tổng hợp các dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng apatít giai đoạn 2008 - 2020, có tính đến sau năm 2020 nêu tại Phụ lục 5.

VIII. CÁC GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp, chính sách tổng thể

Bảo đảm sự phát triển bền vững của công nghiệp khai thác và chế biến quặng apatít với một số nội dung cơ bản như sau:

- Bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên trong nước;

- Đến năm 2015 nghiên cứu tuyển quặng nghèo hàm lượng P2O5 (loại II và loại IV) để bổ sung vào nguồn quặng giầu phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước;

- Đẩy mạnh việc cổ phần hóa và thành lập mới các công ty cổ phần với sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp và vốn góp của các doanh nghiệp khác hoạt động trong các lĩnh vực địa chất, khai thác, tuyển quặng và chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu apatít.

- Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong khai thác tuyển quặng như đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút, đào tạo và sử dụng lao động địa phương; có biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái và tích cực tham gia cải thiện môi trường xã hội.

2. Nhóm giải pháp, chính sách cụ thể

a. Giải pháp thị trường:

Xây dựng và phát triển thị trường trong nước theo cơ chế thị trường cạnh tranh lành mạnh, hợp tác chặt chẽ nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến phân bón chứa lân và sản xuất hoá chất cơ bản, thức ăn gia súc và từng bước tham gia thị trường quốc tế;

b. Nghiên cứu, chuyển giao và tiếp nhận khoa học - công nghệ:

Hoàn thiện công nghệ khai thác và công nghệ tuyển nổi quặng loại III. Chú trọng nghiên cứu công nghệ tuyển quặng loại II và loại IV cũng như công nghệ sản xuất thuốc tuyển để tuyển quặng loại II và loại IV theo phương thức kết hợp giữa Nhà nước - doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản;

c. Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực:

Hợp tác với các cơ sở đào tạo (trường dạy nghề, cao đẳng, đại học) để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động và nghiên cứu khoa học cho các khâu khai thác mỏ, tuyển khoáng phù hợp với quy mô và đặc điểm khoáng sản apatít của Việt Nam. Chú trọng đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quản trị kinh doanh khoáng sản có trình độ để đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh toàn cầu;

d. Bảo vệ môi trường:

Các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong các khâu thăm dò, khai thác và tuyển khoáng theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; nghiêm túc thực hiện việc hoàn trả mặt bằng, môi trường sau khai thác. Đảm bảo vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động trong sản xuất. Khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến trong tất cả các công đoạn sản xuất;

đ. Giải pháp về vốn đầu tư:

Nhằm thu hút khoảng 2.500 tỷ đồng cho đầu tư phát triển công nghiệp thăm dò, khai thác và tuyển quặng apatít của nước ta đến năm 2020, dự kiến sẽ huy động từ các nguồn sau đây:

- Vốn tự thu xếp của doanh nghiệp;

- Vốn Ngân sách: Vốn đầu tư hạ tầng cơ sở ngoài hàng rào mỏ, vốn cho công tác lập và điều chỉnh Quy hoạch, đào tạo nghiên cứu khoa học, công nghệ của các viện, trường trong ngành.

- Vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước: Các dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng apatít nếu đầu tư tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành;

- Vốn vay thương mại trong và ngoài nước;

- Vốn của các tổ chức tài chính qua hình thức cho thuê, thuê mua thiết bị, mua thiết bị tài trợ; tín dụng bên bán công nghệ, thiết bị;

- Vốn đầu tư nước ngoài: Liên doanh với nước ngoài trong các dự án chế biến sâu quặng apatít quy mô lớn.

e. Công tác quản lý nhà nước:

- Định kỳ rà soát, cập nhật và điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp thăm dò, khai thác và tuyển quặng apatít cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế;

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản theo hướng tập trung vào một đầu mối để đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ, không chồng chéo, nâng cao tính cơ động và hiệu quả của việc quản lý, bảo vệ, khai thác và tuyển quặng tài nguyên apatít;

- Chấn chỉnh công tác quản trị tài nguyên và thống kê báo cáo hoạt động khoáng apatít theo định kỳ từ cơ sở đến cấp tỉnh, cấp Bộ. Có biện pháp và chế tài xử lý đối với các tổ chức và cá nhân không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về việc này. Tăng cường thanh kiểm tra hoạt động khoáng sản nhằm ngăn ngừa tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản;

- Đổi mới việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo hướng thuận lợi về thủ tục, công khai, đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động khoáng sản.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công thương: có trách nhiệm công bố, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy hoạch, định kỳ thời sự hóa, điều chỉnh Quy hoạch và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển bền vững công nghiệp khai thác, tuyển quặng apatít, bảo đảm đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và lộ trình hội nhập quốc tế.

2. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ trì và phối hợp với Bộ Công thương triển khai cụ thể hóa các giải pháp, chính sách nêu trong Quyết định này.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai:

- Chủ trì và phối hợp với Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam quản lý và bảo vệ tài nguyên quặng apatít trên địa bàn; ngăn ngừa tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản apatít;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khoanh định và phê duyệt các khu vực cấm, tạm thời cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản apatít;

-Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp triển khai các dự án nêu tại Quyết định này.

4. Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam:

- Chịu trách nhiệm quản lý, khảo sát, quy hoạch sử dụng và khai thác mỏ quặng apatít tại tỉnh Lào Cai;

- Liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác có khả năng và mong muốn đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến quặng apatít phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Huy Hoàng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.