• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/02/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 08/02/2022
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 216/2011/TT-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với người điều khiển xe máy

chuyên dùng của Bộ Quốc phòng khi tham gia giao thông đường bộ

____________________________

 

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng của Bộ Quốc phòng khi tham gia giao thông đường bộ như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng của Bộ Quốc phòng khi tham gia giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, cá nhân có liên quan đến bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng của Bộ Quốc phòng khi tham gia giao thông đường bộ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ bao gồm: xe máy chuyên dùng quân sự, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc biên chế của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng di chuyển trên đường bộ.

2. Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Chứng chỉ) là giấy chứng nhận cấp cho người điều khiển xe máy chuyên dùng của Bộ Quốc phòng, có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư này để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Chương II

BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 4. Điều kiện và hồ sơ dự học bồi dưỡng

1. Điều kiện dự học:

a) Là quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng đang công tác trong Quân đội, được giao nhiệm vụ điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, chưa qua đào tạo, cấp giấy phép lái xe ôtô quân sự.

b) Có tên trong danh sách đề nghị của Phòng (Ban) Xe - Máy đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Hồ sơ của người học, gồm:

a) Đơn đề nghị dự học bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo mẫu (Phụ lục I kèm theo Thông tư này);

b) Bản sao chứng minh thư quân nhân, công nhân viên quốc phòng hoặc quyết định nhập ngũ, tuyển dụng, nâng lương, nâng quân hàm, hợp đồng lao động gần nhất còn hiệu lực (đối với trường hợp chưa có Chứng minh thư);

c) Bản sao quyết định giao nhiệm vụ điều khiển xe máy chuyên dùng do thủ trưởng cấp Trung đoàn và tương đương trở lên ký;

d) 03 ảnh màu kích thước 2cm x 3cm chụp không quá 06 tháng, kiểu chứng minh thư Quân đội.

Điều 5. Cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

Cơ sở được phép tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông gồm:

1. Cơ sở đào tạo lái xe ô tô quân sự.

2. Cơ sở đào tạo người điều khiển xe máy chuyên dùng trong Quân đội có đủ các điều kiện sau:

a) Có phòng học Luật Giao thông đường bộ, đủ tài liệu giảng dạy, sa hình và hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ theo quy định;

b) Giáo viên giảng dạy phải có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, có Chứng chỉ sư phạm và giấy phép lái xe ô tô quân sự.

Điều 6. Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

TT

Nội dung

Thời gian (giờ)

1

Luật Giao thông đường bộ

12

2

Điều lệ báo hiệu đường bộ Việt Nam

8

3

Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

4

4

Quy định về quản lý sử dụng xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ

4

5

Ôn tập và kiểm tra

4

 

Cộng

32

Chương III

CẤP, ĐỔI VÀ THU HỒI CHỨNG CHỈ

Điều 7. Chứng chỉ và sử dụng Chứng chỉ

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành mẫu Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (Phụ lục II kèm theo Thông tư này).

2. Chứng chỉ có giá trị không thời hạn và được sử dụng trong phạm vi cả nước.

3. Người điều khiển xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ, phải có đủ các loại giấy tờ sau đây:

a) Giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng;

b) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

c) Bằng hoặc Chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo nghề cấp;

d) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc Giấy phép lái xe ôtô quân sự do Cục Xe - Máy/Tổng cục Kỹ thuật cấp.

Điều 8. Cấp mới Chứng chỉ

Sau 05 ngày làm việc kể từ ngày đạt kết quả kiểm tra theo quy định, thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cấp Chứng chỉ cho người học, báo cáo danh sách về cơ quan xe máy cấp trên và Cục Xe - Máy.

Điều 9. Đổi, cấp lại Chứng chỉ

1. Người có Chứng chỉ bị hỏng, bị mất có tên trong hồ sơ lưu trữ tại cơ quan quản lý, cấp Chứng chỉ sẽ được cấp lại theo số hiệu Chứng chỉ đã cấp.

2. Hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại (01 bộ), bao gồm:

a) Đơn đề nghị đổi, cấp lại Chứng chỉ theo mẫu (Phụ lục III kèm theo Thông tư này);

b) Bản sao Chứng minh thư quân nhân, công nhân viên Quốc phòng hoặc quyết định nhập ngũ, tuyển dụng, quyết định thăng quân hàm, nâng lương, hợp đồng lao động gần nhất, còn hiệu lực;

c) 03 ảnh màu kích thước 2 x 3cm chụp không quá 06 tháng, kiểu Chứng minh thư quân nhân.

3. Nơi nộp Hồ sơ đổi, cấp lại Chứng chỉ: nơi cấp Chứng chỉ lần đầu;

4. Thời gian đổi, cấp lại Chứng chỉ: sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Thủ trưởng cơ sở đào tạo đổi, cấp lại Chứng chỉ.

Điều 10. Thu hồi Chứng chỉ

1. Người có Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ bị thu hồi khi có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gian dối, giả mạo giấy tờ theo quy định của pháp luật;

2. Các cơ quan có thẩm quyền theo Nghị định của Chính phủ được tước quyền sử dụng Chứng chỉ của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ;

3. Đội trưởng các đội Kiểm tra xe quân sự có quyền tạm giữ Chứng chỉ của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng theo quy định tại khoản 1, Điều này. Khi tạm giữ phải lập biên bản về hành vi vi phạm, gửi báo cáo kèm theo biên bản vi phạm và Chứng chỉ bị tạm giữ cho cơ quan xe - máy cấp trên trực tiếp của mình.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 11. Cục Xe - Máy/Tổng cục Kỹ thuật

1. Ban hành tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng của Bộ Quốc phòng tham gia giao thông đường bộ.

2. In, phát hành và thống nhất quản lý việc sử dụng phôi Chứng chỉ trong toàn quân.

3. Thanh tra, kiểm tra, tổng hợp công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ trong toàn quân.

Điều 12. Cơ quan Xe - Máy các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng

1. Tổ chức thực hiện Thông tư này trong phạm vi đơn vị.

2. Tiếp nhận, quản lý việc sử dụng phôi Chứng chỉ theo quy định.

3. Lưu trữ tài liệu có liên quan đến công tác quản lý bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ của đơn vị mình.

4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, tổng hợp công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ trong phạm vi đơn vị quản lý.

5. Tháng 01 hàng năm báo cáo nhu cầu phôi Chứng chỉ và báo cáo công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ về Cục Xe - Máy/Tổng cục Kỹ thuật theo quy định theo mẫu (Phụ lục IV kèm theo Thông tư này).

Điều 13. Trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

1. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo chương trình quy định tại Thông tư này.

2. Báo cáo kế hoạch mở lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ với cơ quan cấp trên và Cục Xe - Máy theo mẫu (Phụ lục V kèm theo Thông tư này).

3. Tổ chức kiểm tra có biên bản theo mẫu (Phụ lục VI kèm theo Thông tư này), cấp Chứng chỉ cho người đạt yêu cầu, quản lý theo mẫu sổ (Phụ lục VII kèm theo Thông tư này) và báo cáo kết quả công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo mẫu (Phụ lục VIII kèm theo Thông tư này) theo quy định.

4. Lưu trữ hồ sơ và các tài liệu có liên quan đến công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm các Tổng cục, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ sở đào tạo lái xe, cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Cục trưởng Cục Xe - Máy/Tổng cục Kỹ thuật chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng - Thượng tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thành Cung

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.