• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/06/2014
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1041/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 24 tháng 6 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố,

thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020

____________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đến năm 2020 với những nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Củng cố, kiện toàn cơ quan chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để chỉ đạo, điều hành có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng bước hội nhập quốc tế.

2. Từng bước bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị để nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm.

3. Huy động mọi nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phát triển mô hình dịch vụ công, từng bước xã hội hóa ở một số khâu, một số lực lượng ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa quá trình thực hiện Quy hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gắn với phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu củng cố quốc phòng - an ninh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, hoạt động của các cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai tìm kiếm cứu nạn các cấp, bảo đảm sự chỉ đạo phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra, thống nhất đầu mối chỉ đạo hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, tiến tới thành lập cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở Trung ương. Phát triển đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị và phát triển nâng cao năng lực về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần làm giảm thấp nhất thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kiện toàn hệ thống tổ chức, hoạt động của các cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương

- Đến năm 2015:

+ 100% các cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn về tổ chức, hoạt động.

+ Thiết lập và nhân rộng, phát triển cơ chế xã hội hóa hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thành lập Quỹ về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Đến năm 2020:

Cơ bản hoàn thiện khung pháp lý thành lập cơ quan quản lý chuyên trách ở Trung ương, một số đơn vị chuyên trách ở các Bộ liên quan về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

b) Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn năm 2020.

- Năm 2015 có 50% các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được đầu tư xây dựng đủ cơ sở vật chất, hạ tầng (Trạm tìm kiếm cứu nạn; nhà kho, bến bãi...).

- Bảo đảm chi đầu tư ngân sách nhà nước đạt khoảng 60% cho nhu cầu sản xuất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu, thông dụng đưa vào dự trữ đến năm 2015 và mức chi cho nhu cầu này đạt 90% đến năm 2020.

- Đến năm 2015 bảo đảm chi đầu tư ngân sách nhà nước cho nhu cầu sản xuất, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đạt 70% và phấn đấu đạt 95% đến năm 2020.

III. NHIỆM VỤ

1. Kiện toàn hệ thống tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương.

Thời gian thực hiện: Năm 2014 - 2015.

2. Xây dựng hoàn chỉnh Kế hoạch hoạt động ứng phó với các tình huống cơ bản cấp quốc gia để bảo đảm thực hiện tốt công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng xử lý các tình huống xảy ra.

Thời gian thực hiện: Năm 2014-2015.

3. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện xã hội hóa hoạt động tìm kiếm cứu nạn, thành lập Quỹ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở cấp Trung ương nhằm tranh thủ huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thời gian thực hiện: Năm 2015 -2016.

4. Nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị định về hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm nâng tầm hiệu lực pháp lý của các văn bản quản lý nhà nước về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Thời gian thực hiện: Năm 2015 -2016.

5. Nghiên cứu, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, tính chất, phạm vi hoạt động của các Ban, Ủy ban quốc gia đang làm việc theo chế độ kiêm nhiệm liên quan đến lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn như: Phòng chống lụt, bão; phòng chống và chữa cháy rừng; phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông và tìm kiếm cứu nạn…, trên cơ sở đó xây dựng đề án Hệ thống cơ cấu tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn từ Trung ương đến địa phương theo hướng thành lập cơ quan chuyên trách ở Trung ương và một số đơn vị chuyên trách ở các Bộ liên quan đảm nhiệm các nhiệm vụ nêu trên, trình Chính phủ xem xét cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện.

Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2020.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các địa phương bảo đảm đúng quy chế, phù hợp thực tiễn và quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp giữa cơ quan Chỉ huy các cấp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

2. Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; chủ động lồng ghép các nhiệm vụ phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình sự cố, thiên tai và biện pháp phòng tránh; các Bộ, ngành, địa phương xác định công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và của cả hệ thống chính trị các cấp.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư phát triển và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Bảo đảm chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên: Mua sắm trang thiết bị phổ thông phục vụ “4 tại chỗ”; sản xuất mua sắm trang thiết bị thiết yếu, chuyên dụng và cơ sở hạ tầng cho các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong từng tình huống cụ thể; dự trữ các trang thiết bị chuyên dụng, chiến lược bảo đảm khi có các tình huống xảy ra.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế học tập kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, điều hành, huấn luyện, đào tạo, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ; khai thác các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, vay ưu đãi; từng bước thực hiện xã hội hóa một số khâu thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn nhằm huy động các nguồn lực hợp pháp để giảm vốn đầu tư tập trung của ngân sách nhà nước.

5. Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, về bảo đảm cơ chế chính sách, thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, ứng phó hiệu quả; khuyến khích, ưu đãi các thành phần tự nguyện tham gia hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

V. HỆ THỐNG TỔ CHỨC ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

Hệ thống tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn từ Trung ương đến địa phương như sau:

- Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các Bộ, ngành.

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thuộc huyện (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn địa phương).

- Các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn bao gồm: Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ; các Phó Chủ tịch, Ủy viên là cấp Thứ trưởng hoặc tương đương thuộc các Bộ, ngành: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giáo dục và đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

2. Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các Bộ, ngành

- Cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giúp việc Ban Chỉ huy các Bộ:

+ Bộ Quốc phòng: Cục Cứu hộ - Cứu nạn.

+ Bộ Công an: Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ.

+ Bộ Giao thông vận tải: Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

+ Bộ Công Thương: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.

+ Bộ Y tế: Văn phòng Bộ Y tế.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Quản lý đê điều.

+ Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

+ Bộ Khoa học và Công nghệ: Viện Ứng dụng công nghệ.

3. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn địa phương

Cơ quan quân sự các cấp làm nhiệm vụ thường trực về ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

4. Các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn

- Bộ Quốc phòng

+ Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn);

+ Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không;

+ Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển;

+ Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc;

+ Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung;

+ Trung tâm Quốc gia huấn luyện, ứng phó rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân;

+ Cơ sở huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn.

- Bộ Công an:

+ Các đơn vị của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

- Bộ Giao thông vận tải

+ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam và các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực;

+ Các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không trực thuộc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam;

+ Các Trung tâm khẩn nguy sân bay;

+ Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt khu vực.

- Bộ Công Thương

+ Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam/Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam;

+ Trung tâm cấp cứu mỏ/Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

- Bộ Y tế

+ Đơn vị phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.

5. Các đơn vị kiêm nhiệm làm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn

- Bộ Quốc phòng:

+ Các Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Song Tử Tây (Khánh Hòa);

+ Các Tiểu đoàn Công binh tìm kiếm cứu nạn, cứu sập đổ công trình;

+ Các Đội ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân;

+ Các Đội quân y cứu trợ thảm họa;

+ Các Đội bay tìm kiếm cứu nạn đường không;

+ Các Đội tàu tìm kiếm cứu nạn đường biển;

+ Các Trung tâm Ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam;

+ Các Đội thông tin liên lạc cơ động ứng phó thiên tai, thảm họa.

- Bộ Công an:

+ Các đơn vị của lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động;

+ Trung tâm huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ.

- Bộ Giao thông vận tải:

+ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Đường thủy nội địa và các Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Đường thủy nội địa khu vực.

- Bộ Y tế:

+ Các Đội y tế cứu trợ thảm họa.

VI. MỘT SỐ TÌNH HUỐNG CƠ BẢN; XÁC ĐỊNH CƠ QUAN CHỈ ĐẠO, CHỈ HUY, LỰC LƯỢNG, TRANG THIẾT BỊ ỨNG PHÓ

1. Tai nạn tàu, thuyền trên biển

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Các lực lượng chuyên trách ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và lực lượng khác của địa phương.

- Phương tiện: Máy bay các loại; tàu, thuyền, xuồng, ca nô chuyên dụng; phao và áo cứu sinh các loại.

2. Sự cố tràn dầu

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách và các lực lượng khác thực hiện theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Phương tiện: Trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu chuyên dụng và các trang thiết bị khác.

3. Sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị xảy ra sự cố.

- Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, các đơn vị dầu khí, quân đội, công an và các lực lượng huy động trên địa bàn xảy ra sự cố.

- Phương tiện: Máy bay trực thăng; tàu tìm kiếm cứu nạn; các trang thiết bị ứng phó cháy nổ và sự cố tràn dầu chuyên dụng.

4. Sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Công an, quân đội, dân quân tự vệ, các lực lượng khác của địa phương.

- Phương tiện: Xe cứu hỏa, xe thang, xe hút khói, ống thoát hiểm, máy bơm nước, các trang thiết bị chuyên dụng.

5. Sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan (Căn cứ từng sự cố cụ thể để xác định cơ quan chủ trì).

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, dân quân tự vệ, các lực lượng khác của địa phương.

- Phương tiện: Máy bay, tàu thuyền, cầu phao, máy xúc, máy gạt, xe cẩu, xe nâng, kích, xe đầu kéo, trang bị khoan cắt bê tông; nhà bạt cứu sinh các loại...

6. Sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân và tán phát hóa chất độc hại

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách của các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Y tế, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

- Phương tiện: Trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ, sinh học, hạt nhân chuyên dụng và các trang thiết bị khác phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

7. Sự cố động đất, sóng thần

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Các lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, dân quân tự vệ, các lực lượng khác của các Bộ, ngành, địa phương.

- Phương tiện: Theo danh mục trang thiết bị cứu sập đổ công trình, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, trang thiết bị y tế và các trang bị tìm kiếm cứu nạn khác.

8. Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Y tế và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, dân quân tự vệ, các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải và các lực lượng khác của địa phương.

- Phương tiện: Trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chuyên dụng và các trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khác.

9. Tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, dân quân tự vệ, các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải và các lực lượng khác của địa phương.

10. Sự cố vỡ đê, hồ, đập

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của địa phương.

- Phương tiện: Máy bay các loại; xe ô tô, máy xúc, máy đào, xe công trình, nhà bạt cứu sinh các loại, phao áo cứu sinh, phao cứu sinh các loại.

11. Sự cố cháy rừng

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Quân đội, công an, dân quân tự vệ, kiểm lâm, các lực lượng khác của địa phương.

- Phương tiện: Các loại máy bay, xe chữa cháy, máy bơm nước, máy gạt, máy xúc... các phương tiện phòng cháy, chữa cháy khác.

12. Bão, áp thấp, lũ, lụt lớn; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

- Cơ quan chỉ huy:

Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao và các cơ quan liên quan.

Địa phương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Lực lượng ứng cứu: Quân đội, công an, dân quân tự vệ, các lực lượng khác của địa phương.

- Phương tiện: Các loại máy bay; các loại tàu, xuồng, xe lội nước; nhà bạt cứu sinh các loại, phao áo cứu sinh, phao cứu sinh các loại và các trang bị phổ thông và chuyên dụng khác.

VII. DANH MỤC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN; DANH MỤC ĐẦU TƯ SẢN XUẤT, MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ THIẾT YẾU, THÔNG DỤNG ĐƯA VÀO DỰ TRỮ; DANH MỤC ĐẦU TƯ SẢN XUẤT MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ CHUYÊN DỤNG PHỤC VỤ ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN ĐẾN NĂM 2020

1. Danh mục đầu tư xây dựng cơ bản đến năm 2020

- Tổng nhu cầu kinh phí: 2.220.000 triệu đồng.

+ Giai đoạn 2014 - 2015: 340.000 triệu đồng (Nguồn vốn: Đầu tư theo Chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn là 270.000 triệu đồng; vốn ngành Quản lý nhà nước là 70.000 triệu đồng).

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 1.880.000 triệu đồng (Nguồn vốn: Đầu tư theo Chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn là 1.680.000 triệu đồng; vốn ngành Quản lý nhà nước là 200.000 triệu đồng).

(Phụ lục I kèm theo)

2. Danh mục đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu, thông dụng đưa vào dự trữ phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020

(Phụ lục II kèm theo)

3. Danh mục đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu, thông dụng chuyên dụng phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020

(Phụ lục III kèm theo)

4. Danh mục quy định chi tiết các chủng loại trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Phụ lục IV kèm theo)

5. Danh mục các dự án đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020

- Tổng nhu cầu kinh phí: 6.780.000 triệu đồng.

+ Giai đoạn 2014-2015: 1.285.000 triệu đồng (Nguồn vốn: Đầu tư theo Chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn là 1.285.000 triệu đồng).

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 5.495.000 triệu đồng (Nguồn vốn: Đầu tư theo Chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn là 2.500.000 triệu đồng; vốn ODA, Chương trình Biển đông - Hải đảo, vốn khác là 2.995.000 triệu đồng).

(Phụ lục V kèm theo)

VIII. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung được phê duyệt tại Quyết định này; hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc xây dựng kế hoạch hoạt động và quy chế phối hợp, hiệp đồng trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ, ngành, địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Hệ thống cơ cấu tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn từ Trung ương đến địa phương và những văn bản pháp luật khác về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

d) Hàng năm, tổng hợp nhu cầu trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thiết yếu, thông dụng đưa vào dự trữ của các Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ. Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Bộ Nội vụ

Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Hệ thống cơ cấu tổ chức Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn từ Trung ương đến địa phương và những văn bản pháp luật khác về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tổng hợp kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm và bố trí vốn đầu tư phát triển theo Chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn trình Chính phủ.

4. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tổng hợp kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm và bố trí ngân sách chi thường xuyên cho lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn trình Chính phủ.

5. Bộ Quốc phòng

Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Hệ thống cơ cấu tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn từ Trung ương đến địa phương và những văn bản pháp luật khác về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Kiện toàn hệ thống tổ chức, quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn bảo đảm cơ cấu tổ chức chính quy, biên chế đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ là cơ quan Thường trực giúp Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiệu quả.

6. Các Bộ, ngành, địa phương

a) Hàng năm, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn lập các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (quy định tại Phụ lục I) và các dự án đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (quy định tại Phụ lục V) của Quyết định này, báo cáo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách cho lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thuộc phạm vi quản lý, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu trách nhiệm thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn liên quan đến Bộ, ngành, địa phương mình.

b) Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của Bộ, ngành; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn địa phương. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ thực tế khách quan, địa bàn hoạt động và nhiệm vụ được giao để quyết định thành lập các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm thuộc quyền phù hợp với quy chế về chức năng và biên chế tổ chức.

c) Xây dựng kế hoạch hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; quy chế phối hợp hiệp đồng trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Bộ, ngành, địa phương; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch và yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

d) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá, chịu trách nhiệm bảo đảm sử dụng hiệu quả các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và các nguồn vốn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương được giao.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục quy định chi tiết các chủng loại trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn và danh mục các dự án đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015.

Điều 3. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Hoàng Trung Hải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.