• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/05/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 29/08/2011
UỶ BAN DÂN TỘC
Số: 03/2008/QĐ-UBDT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 8 tháng 5 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy chế xét tặng kỷ niệm chương

“Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc”

___________________

 

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC

Căn cứ Luật thi đua – khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 51/2003/NĐ-CP ngày 16/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi đua – khen thưởng;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Ủy ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc” của Ủy ban Dân tộc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 218/2005/QĐ-UBDT ngày 10/5/2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Điều 3. Các ông (bà) Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc, Chánh Văn phòng Ủy ban , Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, Cơ quan Công tác Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
(Đã ký)

 

Giàng Seo Phử

 


QUY CHẾ

Xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”

(Ban hành theo Quyết định số 03/2008/QĐ-UBDT ngày 08/05/2008

của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)

__________________

 

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc”

1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc” (gọi tắt là Kỷ niệm chương) là hình thức khen thưởng của Ủy ban Dân tộc, tặng cho các cá nhân đã có thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển của các Dân tộc thiểu số Việt Nam;

2. Ủy ban Dân tộc xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc” và dịp Kỷ niệm “Ngày thành lập Cơ quan Công tác Dân tộc” và tặng đột xuất theo quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Điều 2. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương

1. Kỷ niệm chương được tặng một lần, không truy tặng;

2. Việc xét tặng Kỷ niệm chương đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời, đúng pháp luật, đúng đối tượng, tiêu chuẩn và thủ tục theo Quy chế này.

Chương 2:

ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 3. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương

1. Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Cơ quan Công tác Dân tộc;

2. Người ngoài hệ thống Cơ quan Công tác Dân tộc;

3. Người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài;

4. Những người sau đây không thuộc đối tượng xét tặng:

a) Người đang trong thời gian chịu kỷ luật từ khiển trách trở lên. Thời gian chịu kỷ luật không được tính liên tục để xét tặng kỷ niệm chương;

b) Người là cán bộ công chức, viên chức nhà nước đã bị kỷ luật thôi việc.

Điều 4. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương

1. Đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Quy chế này:

a) Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các thành viên kiêm nhiệm;

b) Lãnh đạo các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc và Lãnh đạo các Cơ quan Công tác Dân tộc cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có thời gian công tác trong ngành đủ 05 năm đối với cấp trưởng và đủ 07 năm đối với cấp phó;

c) Có thời gian công tác liên tục trong hệ thống Cơ quan Công tác Dân tộc từ 10 năm trở lên đối với nam và đủ 08 năm trở lên đối với nữ tính đến ngày Kỷ niệm thành lập Cơ quan hàng năm;

2. Những trường hợp được cộng thêm và tính quy đổi:

a) Những trường hợp được cộng thêm:

- Mỗi lần đạt danh hiệu chiến sỹ Thi đua cấp cơ sở; được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được cộng thêm 01 (một) năm;

- Mỗi lần đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Bộ; được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được cộng thêm 02 (hai) năm.

- Người được tặng thưởng Huân chương Lao động (hạng hai, hạng ba) được cộng thêm 03 (ba) năm.

b) Trường hợp quy đổi:

Là cán bộ, công chức hoặc sỹ quan, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đã có thời gian công tác ở vùng Dân tộc và Miền núi trước khi chuyển ngành về công tác trong hệ thống Cơ quan Công tác Dân tộc, Thời gian công tác trên được tính quy đổi hệ số 0,5;

c) Cá nhân công tác thuộc hệ thống Cơ quan Công tác Dân tộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và được tặng thưởng Huân chương cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động hạng Nhất được xét tặng Kỷ niệm chương ngay khi có quyết định.

Điều 5. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với người ngoài hệ thống Cơ quan Công tác Dân tộc.

1. Là người dân tộc thiểu số được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Chiến sỹ thi đua Toàn quốc, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ sỹ Nhân dân; Người có uy tín trong cộng đồng các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Già làng, Trưởng bản, Phum, Sóc có thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tư an toàn xã hội  trong cộng đồng dân cư;

2. Người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, có công lao trong việc xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác giữa các nước, tổ chức Quốc tế với các Cơ quan công tác Dân tộc, đóng góp tích cực vào sự phát triển các Dân tộc thiểu số Việt Nam;

3. Các cá nhân theo quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:

a) Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương, Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có công lao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo góp phần vào sự nghiệp phát triển các dân tộc thiểu số Việt Nam;

b) Các cá nhân có công lao giúp đỡ, ủng hộ xứng đáng về tài chính hoặc vật chất cho các công cuộc xóa đói giảm nghèo và sự nghiệp phát triển các Dân tộc.

c) Các cá nhân có các công trình khoa học hoặc sáng kiến giải pháp được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, có giá trị thiết thực đóng góp cho sự nghiệp phát triển các Dân tộc;

d) Các cá nhân khác thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 3 của quy chế này có thành tích xuất sắc, đột xuất đóng góp vào sự nghiệp phát triển các Dân tộc Việt Nam.

Điều 6. Quyền lợi của người được tặng Kỷ niệm chương

1. Được tặng Kỷ niệm chương, giấy chứng nhận Kỷ niệm chương của Ủy ban Dân tộc và kèm theo mức tiền thưởng là 200.000 đồng.

Chương 3:

QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ, THỦ TỤC XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 7. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương

1. Đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Vụ Tổ chức Cán bộ lạp hồ sơ đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc xét trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định.

2. Ở Trung ương:

a) Đối với các cá nhân đang công tác tại đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc hằng năm Thủ trưởng đơn vị xem xét, lập hồ sơ, danh sách cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc xét trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định;

b) Đối với Cán bộ công chức thuộc Ủy ban Dân tộc đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác sang Bộ, Ban, ngành khác, Vụ Tổ chức Cán bộ lập hồ sơ danh sách đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc xét trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định;

c) Đối với cá nhân thuộc cơ quan ở Trung ương (ngoài Ủy ban Dân tộc), Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Cơ quan quản lý cá nhân đó lập hồ sơ, danh sách đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc xét trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định.

3. Ở địa phương;

- Cơ quan công tác Dân tộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập hồ sơ, danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn trình Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc xét trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định.

- Các địa phương chưa thành lập Cơ quan Công tác Dân tộc tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, thực hiện việc đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định trên.

4. Trường hợp cán bộ, công chức có đủ điều kiện để xét tặng Kỷ niệm chương, nhưng Cơ quan, đơn vị cũ đã giải thể hoặc sáp nhập với đơn vị mới thì Cơ quan, đơn vị mới kế thừa chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cũ (hoặc cơ quan cấp trên của đơn vị cũ) lập hồ sơ, danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.

5. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam có quan hệ làm việc với cơ quan, tổ chức nào thì cơ quan, tổ chức đó lập hồ sơ, danh sách gửi Vụ Hợp tác Quốc tế Ủy ban Dân tộc xem xét và đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc xét trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định.

6. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 5 được áp dụng tại khoản 5, Điều 8 của quy chế này.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương

1. Văn bản đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương;

2. Biên bản họp của Hội đồng  Thi đua – Khen thưởng Cơ quan công tác Dân tộc cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc xét tặng Kỷ niệm chương;

3. Danh sách trích ngang của từng đối tượng đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (ghi rõ thời gian công tác, thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển các Dân tộc, thực hiện theo mẫu kèm theo quy chế này). Bản sao các quyết định bổ nhiệm khen thưởng, quyết định kỷ luật liên quan đến xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định tại mục a, b, c, Khoản 1, Điều 4 và mục a, b, c, Khoản 2, Điều 4 của quy chế này;

4. Hồ sơ của cơ quan, đơn vị đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc trước ngày Kỷ niệm thành lập Cơ quan hằng năm;

5. Trường hợp đề nghị xét tặng đột xuất, Hội đồng Thi Đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc báo cáo trực tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xem xét, quyết định.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, Thủ trưởng Cơ quan Công tác Dân tộc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình triển khai, thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát hiện những vấn đề chưa phù hợp, Thủ trưởng Cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng văn bản gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm

(Đã ký)

 

Giàng Seo Phử

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.